(KTSG Online) - Đầu tháng 10-2023, các đô thị lớn ở hạ nguồn sông Cửu Long như thành phố Vĩnh Long, Cần Thơ, nước ngập nhiều do triều cường lên cao. Người dân thành thị đang tìm cách để ứng phó. Trong khi đó, những khu vực tại 3 xã bờ đông là Vĩnh Hậu, Vĩnh Lộc, Phú Hữu, thuộc huyện An Phú, tỉnh An Giang và một số khu vực biên giới thượng nguồn sông Cửu Long thuộc tỉnh Đồng Tháp, Long An lại gần như… đói lũ.
- Bàn chuyện văn hóa gắn với phát triển kinh tế xã hội ĐBSCL
- Đắp đê ngăn nước mặn vào gây khó cho nuôi tôm ở ĐBSCL
Một mùa nước nổi "êm ả"
Theo ông Phùng Thế Vinh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Phú chia sẻ: “Nước lũ năm nay ở huyện tương đối “hiền”, tính đến thời điểm hiện tại, nước lũ tuy đã lên đồng và ngập toàn bộ nhưng thấp hơn so cùng với thời điểm năm ngoái”. Tại 3 xã bờ đông sông Hậu, việc sản xuất 3 vụ chưa đảm bảo an toàn, nên địa phương vẫn sản xuất lúa 2 vụ/năm.
Hầu hết các khu vực sản xuất lúa khác ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) dường như đã quên mùa nước nổi, hoặc quen với việc xả lũ có kiểm soát, hướng đến đảm bảo kế hoạch 3 năm sản xuất 8 vụ. Do đó, việc xả lũ đối với người dân như là một sự kiện khá lạ. Chẳng hạn như theo một thông tin báo chí về việc An Phú xả lũ hơn 1.200 héc-ta ở tiểu vùng Bắc mương Tám Sớm có dòng mô tả “đông đảo người dân chứng kiến mở cống xả nước vào ruộng”.
Xế trưa trong tiếng gà gáy từ xóm nhà chân cột cao lênh khênh, chú Tư Sang, 70 tuổi, ngụ xã Vĩnh Lộc, huyện An Phú, gắn bó với nơi này từ nhỏ đến lớn, chống vỏ lãi ra thăm đồng, bộc bạch: “Hồi rằm tháng 8 âm lịch năm ngoái, nước lên ngập cả đập tràn. Còn năm nay nước chỉ ngang lưng quần”. Theo chú Sang, nước lên như vậy là chưa nổi. Giọng chú chuyển dần sang trầm ngâm: “Năm nay, cá tép chỉ đủ ăn, không có bán đâu”. Chú Sang đặt 2 luồng dớn, trong đó độ khoảng được 5-6kg cá, chú cho biết một phần để ăn, một phần dành đem ủ mắm cá linh. Ở xứ này, nhà nào cũng có đến cả chục cái lu sành tự ủ nước mắm để ăn dần.
Dường như mùa nước nổi nhiều hay ít thường liên quan đến sản lượng thủy sản từ đồng về chợ. Người dân miệt đồng truyền miệng nhau rằng, có thể “đo mực nước” thông qua lượng cá tép về chợ, năm nào thủy sản đầy ắp là lũ “đẹp”, còn nước thấp như năm nay thì “cá mồi cũng không có”.
Chúng tôi theo chân chú Chín Hùng ở xã Tân Lập (huyện Mộc Hóa) tìm mua cá mồi từ sáng sớm. Khu buôn bán đặc sản Đồng Tháp Mười nằm bên bờ kè thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An). Chú cho biết, nhà chú mới thả nuôi cá lóc nên mỗi ngày cần khoảng 5kg cá mồi để làm thức ăn. Những năm trước, đồng đầy nước, gia đình chú giăng dớn bắt cá mồi (là các loại cá trắng nhỏ) cho cá nuôi ăn không hết, hoặc nếu mua lại cá mồi thì cũng tốn chỉ vài ngàn đồng/kg. Năm nay, chú đành “chia lại” mớ cá sặc với giá 20.000 đồng/kg do các vựa cá trong chợ đều không bán loại cá mồi này.
Cầm trên tay tờ giấy chủ vựa tính tiền cho số ếch đem ra bán, chú Ba Sáng cho chúng tôi xem thành quả 2 ngày lội đồng, vừa cười như mếu “được có trăm mấy”. Chú tâm sự thêm: “Nhiều người đánh bắt nên cá mắm cũng ít dần. Một phần cũng do năm nay mùa nước nổi không như mong đợi nên cá mắm không lên đồng được”. Nhiều chợ dọc biên giới mà chúng tôi đi qua, cá đồng cũng khá ít. Chẳng hạn như tại chợ thị xã Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp), theo các tiểu thương, muốn ăn cá đồng phải đi chợ sáng, nhưng năm nay có đi chợ sớm thì cá đồng cũng không nhiều. Người bán giải thích, do lượng cá ít không đủ đóng xe tải đi các chợ thành phố nên cá sẽ được bán ở chợ lẻ.
Người miền Tây "chạy đồng" đã khác xưa
Vì gắn bó cây lúa là chính nên “nước nhiều, nước ít” đều có tác động đến năng suất, chi phí sản xuất của nông dân. Thông thường mùa nước nổi ở 3 xã bờ đông sông Hậu sẽ lên từ đầu tháng 9, lưu lại trên đồng và rút dần vào đầu tháng 11. Nên theo con nước, lịch xuống giống vụ đông xuân dao động từ sau giữa tháng 11. “Những năm gần đây, nước không còn đi theo chu kỳ mà rất bất thường, có năm cạn nước”, ông Võ Thanh Trí, cán bộ Nông nghiệp xã Vĩnh Lộc, huyện An Phú, tỉnh An Giang chia sẻ.
Ông lấy dẫn chứng năm 2022, lũ cao hơn cả năm 2018, 2019 và 2020. Nước về cuồn cuộn, ngập cả tuyến đập tràn Phú Hữu, Phú Lộc, Vĩnh Lộc. Tuy nhiên, nước rút khá nhanh, chỉ trong 20-25 ngày. Còn năm nay, nước đã vô đồng nhưng mực nước chưa bằng năm qua.
Nói chuyện về sinh kế người dân nơi đây, ông Phùng Thế Vinh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Phú cho biết, năm nay, mực nước trên đồng tuy thấp hơn so với cùng kỳ nhưng người dân vẫn làm sinh kế để đáp ứng cho cuộc sống hàng ngày, trong đó có việc đánh bắt thủy sản, hái rau (rau muống và các loại thủy sinh khác…). Một số người chuyển sang làm cho các cơ sở sản xuất giống cây, con.
Định hướng của ngành nông nghiệp huyện là tập trung chuyển đổi những diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn. Chính quyền địa phương cũng tìm hướng tạo sinh kế khác cho bà con khi lũ lên. Ví dụ như tại cánh đồng rộng lớn thuộc xã Thường Thới Tiền, Thường Phước 2 (huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) bao bọc bởi tuyến đê cao, máy bơm được đặt sẵn để chủ động trong tưới tiêu.
Trò chuyện với anh Long, một hộ dân ngụ ở huyện Châu Thành, tỉnh Long An, xuống đồng Hồng Ngự cuốn rơm đem về cung cấp cho các hộ có nhu cầu trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt hoặc bán bán cho các nhà hàng… “Ở đâu thu hoạch lúa thì tôi chạy tới liền”, anh Long Hào hứng. Nghề cuốn rơm đưa anh chạy hết đồng này thì chạy qua An Giang, Tiền Giang, rồi quay về Tân Thạnh, Tân Hưng của tỉnh Long An… Anh Long kể và cho biết rằng anh đã đầu tư 3 máy cuộn rơm. Hiện nay, số rơm anh cuốn được bán ở TPHCM, Tây Ninh. Giá mỗi cuộn khoảng 37.000 đồng.
Chú Ba Đức, hộ dân xứ này bộc bạch, ngoài làm ruộng, khi có thời gian rảnh, chú Ba “chạy đồng” theo người dân trong xóm đi làm nghề thợ hồ. Thu nhập thêm mỗi ngày cũng được 350.000 - 370.000 đồng.