Thứ sáu, 3/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Tăng cường liên kết vùng giữa ĐBSCL cùng vùng kinh tế phía Nam trong thương mại điện tử

Nguyên Tân

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Thành phố Cần Thơ sẽ tiếp tục phối hợp, tăng cường quan hệ hợp tác với các địa phương trong vùng, TPHCM và các tỉnh Đông Nam Bộ nhằm tăng tính kết nối, nâng cao năng lực cạnh tranh, đưa thương mại điện tử trở thành một trong những động lực phát triển kinh tế.

Năm 2022 giao dịch thương mại điện tử bán lẻ chiếm khoảng 8,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng. Ảnh minh hoạ: Online.gov.vn

TTXVN đưa tin, ngày 2-11, tại thành phố Cần Thơ, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương thành phố Cần Thơ tổ chức Diễn đàn thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử tại Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh phía Nam.

Tại Diễn đàn, các doanh nghiệp đã được nghe đại diện các sàn thương mại điện tử Sendo, Shopee, FADO, Alibaba… chia sẻ về các giải pháp kết nối vùng cho doanh nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ; thúc đẩy tiêu thụ nông sản, thủy sản Nam Bộ qua kênh thương mại điện tử.

Các doanh nghiệp này cũng đưa ra nhiều chương trình đào tạo người bán hàng mới giúp người bán vận hành và bán hàng hiệu quả trên các sàn thương mại điện tử; giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp các tỉnh phía Nam đẩy mạnh xuất khẩu và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới.

Theo báo cáo của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam tại diễn đàn, năm 2022 quy mô giao dịch thương mại điện tử bán lẻ chiếm khoảng 8,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng. Riêng đối với lĩnh vực bán lẻ hàng hóa, năm 2022 tỷ lệ bán lẻ hàng hóa trực tuyến so với tổng mức bán lẻ hàng hóa khoảng 7,2%. Có thể nhận thấy, thương mại điện tử tiếp tục là một trong những lĩnh vực giao thương, trao đổi hàng hóa đa dạng hiệu quả, tăng trưởng nhanh và ổn định.

Tại thành phố Cần Thơ hiện có trên 1.000 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã ứng dụng thương mại điện tử trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo số liệu báo cáo của Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam, chỉ số phát triển thương mại điện tử năm 2023 của thành phố Cần Thơ đứng thứ 9/63 tỉnh, thành; xếp hạng thứ 6 về chỉ số giao dịch thương mại điện tử B2C (doanh nghiệp và khách hàng), thứ 13 về chỉ số giao dịch thương mại điện tử B2B (doanh nghiệp và doanh nghiệp).

Đại diện UBND Thành phố Cần Thơ cho biết, thành phố sẽ tiếp tục phối hợp, tăng cường mối quan hệ hợp tác với các địa phương, đặc biệt là TPHCM, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh Đông Nam Bộ nhằm tăng tính kết nối giữa các địa phương, nâng cao năng lực cạnh tranh, đưa thương mại điện tử trở thành một trong những động lực phát triển kinh tế.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới