Thứ sáu, 20/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Hơn 40% công ty đa quốc gia ở châu Âu muốn chuyển hoạt động sản xuất đến các nước thân thiện

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online)  - Hơn 40% công ty đa quốc gia ở châu Âu dự kiến chuyển sản xuất sang các nước thân thiện hơn về mặt chính trị trong những năm tới, với rủi ro liên quan đến Trung Quốc được nêu lên như là mối lo ngại chính, theo báo cáo khảo sát của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) công bố hôm 6-11.

Báo cáo khảo sát của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cho thấy, hơn 40% công ty đa quốc gia ở châu Âu muốn chuyển sản xuất đến những nước thân thiện (friend-shoring) trong những năm tới. Ảnh: business.nab.com.au

Trong những năm gần đây, các công ty lớn trên toàn cầu tăng cường thảo luận về kế hoạch chuyển địa điểm sản xuất sau khi đại dịch Covid-19 và chiến tranh giữa Nga và Ukraine làm gián đoạn chuỗi giá trị. Tuy nhiên, có rất ít bằng chứng thực tế về các hoạt động di dời hàng loạt dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Để tìm kiếm sự xác nhận thực tế, ECB đã khảo sát 65 công ty đa quốc gia có sự hiện diện lớn ở khu vực sử dụng đồng euro nhưng cũng có hoạt động đáng kể ở bên ngoài khu vực này. Kết quả là 49% cho biết, họ đang tìm cách đưa sản xuất đến gần thị trường bán hàng hơn. Trong khi đó, 42% nói họ muốn chuyển sản xuất đến những nước thân thiện hơn.

“Liên quan đến những nước gây ra, hoặc có thể gây ra, rủi ro cho chuỗi cung ứng trong lĩnh vực của họ nói chung, 2/3 số công ty được hỏi đều đề cập đến Trung Quốc”, ECB cho biết.

Hơn một nửa số công ty đa quốc gia thừa nhận họ mua các nguồn nguyên vật liệu quan trọng từ một nước duy nhất hoặc một số ít nước. Và gần như tất cả đều nói rằng những nguồn cung này hiện đối mặt với rủi ro cao.

ECB lưu ý thêm: “Phần lớn trong số họ đều xác định Trung Quốc là nước duy nhất hoặc một trong những số ít các nước đó, và tất cả đều coi đây là một rủi ro ngày càng lớn”.

Nhiều công ty đa quốc gia trong cuộc khảo sát của ECB, có tổng giá trị gia tăng tương đương khoảng 5% GDP của EU, bày tỏ lo ngại về sự phụ thuộc của họ vào nguồn cung ứng vật tư quan trọng từ Trung Quốc.

Đưa hoạt động sản xuất gần về nơi quê nhà (near-shoring) là xu hướng trong những năm gần đây, nhưng đưa sản xuất đến các nước thân thiện (friend-shoring) là một hiện tượng mới. Cuộc khảo sát của ECB cho thấy, chỉ có 11% công ty đa quốc gia cho biết họ đã theo đuổi chiến lược “friend-shoring” trong 5 năm qua.

Liên minh châu Âu (EU) có khả năng thua cuộc trong làn sóng chuyển dịch sản xuất như vậy, vì số lượng các công ty đa quốc gia muốn chuyển sản xuất ra khỏi khối vẫn lớn hơn số muốn chuyển sản xuất vào. Điều này có thể gây tác động bất lợi đến thị trường việc làm của khu vực.

Báo cáo của ECB cho rằng làn sóng chuyển dịch chuỗi cung ứng cũng có thể thúc đẩy lạm phát. Gần một nửa số công ty đa quốc gia trong cuộc khảo sát của ECB dự báo những thay đổi về địa điểm sản xuất sẽ dẫn đến giá cả hàng hóa tăng cao hơn. Gần 60% công ty đa quốc gia nói rằng, những thay đổi trong chuỗi cung ứng và địa điểm sản xuất đã đẩy giá cả tăng cao hơn trong 5 năm qua.

Các nhà kinh tế lo ngại hệ thống thương mại toàn cầu có nguy cơ bị chia cắt thành các khối cạnh tranh, phản ánh những rạn nứt ngoại giao sau cuộc xung đột Nga-Ukraine, cuộc chiến giữa Israel với Hamas và căng thẳng thương mại ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc.

Hồi đầu năm nay, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo, xu hướng thương mại toàn cầu bị chia cắt thành các khối có thể khiến sản lượng kinh tế toàn cầu giảm 2% trong dài hạn. Chủ tịch ECB Christine Lagarde cũng cho rằng sự phân mảnh của hệ thống thương mại toàn cầu “góp phần vào sự gia tăng lạm phát mạnh mẽ trong hai năm qua”.

“Rủi ro địa chính trị là yếu tố được nhắc đến thường xuyên nhất đằng sau các quyết định chuyển sản xuất về EU, trong khi các yếu tố về nhu cầu và chi phí thúc đẩy các quyết định dịch chuyển sản xuất ra khỏi EU”, báo cáo của ECB cho biết.

Tuy nhiên, việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng để tránh rủi ro địa chính trị là điều khó khăn, đặc biệt khi nhiều công ty phụ thuộc các nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào từ Trung Quốc, chẳng hạn như vật liệu sản xuất pin xe điện.

Hầu hết các công ty cho rằng sẽ “rất khó” tìm được những nguyên vật liệu đầu vào quan trọng này ở nơi khác. Nhưng họ cũng tiết lộ đang cố gắng đa dạng hóa nguồn cung. Một số công ty đa quốc gia chọn giải pháp nắm giữ nhiều hàng tồn kho hơn, thay đổi thành phần sản phẩm hoặc giám sát rủi ro chặt chẽ hơn.

Theo ECB, hầu hết các phân tích cho đến nay không tìm thấy bằng chứng về những thay đổi đáng kể trong mô hình thương mại nói chung của châu Âu. Các chuyên gia lưu ý, những thay đổi như vậy “có thể mất thời gian để diễn ra, do những thách thức và chi phí liên quan đến việc sửa đổi mô hình kinh doanh, chuỗi cung ứng và hợp đồng”.

Theo Reuters, Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới