Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Ngành công nghiệp livestream của Trung Quốc bước vào kỳ thanh lọc

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Ngành công nghiệp phát sóng trực tiếp (live streaming) trị giá 500 tỉ đô la Mỹ hàng năm ở Trung Quốc đang rúng động sau khi giới chức trách bắt giữ Chen Shaojie, người sáng lập kiêm CEO của DouYu International Holdings, chủ sở hữu nền tảng phát sóng game trực tuyến lớn nhất Trung Quốc.

Chen Shaojie, người sáng lập kiêm CEO của DouYu International Holdings, chủ sở hữu nền tảng phát sóng game trực tuyến lớn nhất Trung Quốc, bị bắt giữ hồi giữa tháng 11 vì bị nghi ngờ kinh doanh bài bạc. Ảnh: Pan Daily

Rắc rối xảy ra với DouYu cách đây sáu tháng khi Cục Quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) cử một nhóm đến văn phòng của công ty này ở Vũ Hán để kiểm tra. Hành vi phạm tội bị nghi ngờ của DouYu là cho phép phát các nội dung khiêu dâm và đánh bạc trên nền tảng của công ty. Trong tuần này, DouYu xác nhận Chen Shaojie bị giới chức trách ở thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên bắt giữ vào 16-11. Công an ở Thành Đô cho biết, Chen Shaojie bị bắt với cáo buộc kinh doanh sòng bài.

Không giống như các nước khác, nơi các tiêu chuẩn về tính đứng đắn và hạn chế đối với nội dung độc hại khác trên không gian mạng cũng được áp dụng, việc bắt giữ một lãnh đạo của công ty phát sóng trực tiếp hàng đầu cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng buộc các cá nhân phải chịu trách nhiệm. Điều đó chắc chắn sẽ gây khiếp đảm cho các lãnh đạo khác trong cùng ngành ở Trung Quốc. Thật khó để tưởng tượng nếu Mark Zuckerberg, CEO của Facebook hay Sundar Pichai, CEO của Google, bị bắt vì những gì xuất hiện trên trang nền tảng internet của họ.

Trong không gian nội dung trực tuyến khổng lồ của Trung Quốc, DouYu chỉ là một con cá nhỏ. Công ty này đạt doanh thu gần 1 tỉ đô la Mỹ  năm ngoái và mức vốn hóa chỉ là 287 triệu đô la. DouYu cũng đã bị đưa vào danh sách không tuân thủ quy định của sàn Nasdaq, có thể khiến công ty bị hủy niêm yết cổ phiếu của Mỹ.

Doanh thu trượt dốc và tình trạng thua lỗ kinh niên của DouYu không phải là lý do khiến chính quyền Trung Quốc nhắm mục tiêu vào công ty này. Nhưng hoạt động kinh doanh khó khăn có thể giải thích lý do tại sao các lãnh đạo của công ty buông lỏng thực thi các tiêu chuẩn về nội dung. Kinh tế trì trệ, sự cạnh tranh gay gắt giữa các nhà cung cấp dịch vụ phát trực tiếp khiến các công ty liên quan gặp khó khăn. Bilibili, một công ty phát trực tiếp khác của Trung Quốc, niêm yết trên Nasdaq, có doanh thu lớn hơn gấp 4 lần so với DouYu nhưng vẫn chưa tạo ra lợi nhuận hàng năm. Trong khi đó, doanh thu sụt giảm nghiêm trọng của nền tảng phát trực tiếp Huya đã đẩy công ty này vào vào tình trạng thua lỗ.

Các công ty này đang đối mặt với sự cạnh tranh với các đối thủ lớn hơn bao gồm nền tảng tạo video và phát trực tiếp Douyin của ByteDance. Taobao Live, dịch vụ bán hàng thông qua phát trực tiếp của Tập đoàn Alibaba Group, KuaiShou, nền tảng tạo và chia sẻ video ngắn lớn thứ hai Trung Quốc,  và Tencent Live của Tập đoàn công nghệ Tecent, cũng đang cạnh tranh thị phần.

Trong nhiều trường hợp, phát trực tiếp là một hình thức bổ sung cho nội dung được ghi trước nhưng mang lại lợi nhuận cao hơn nhiều. Các thương hiệu cũng như các nền tảng thương mại điện tử thích mô hình bán hàng thông qua phát trực tiếp. Hình thức cơ bản nhất là nhà cung cấp nội dung đưa ra thông tin giới thiệu sản phẩm, kêu gọi khán giả mua ngay. Đổi lại họ nhận được quảng cáo của thương hiệu hoặc một tỷ lệ hoa hồng từ doanh số bán hàng.

Một trong những người phát trực tiếp để bán hàng nổi tiếng nhất Trung Quốc là Li Jiaqi , được mệnh danh là “vua son môi” của Trung Quốc, vì từng bán được 15.000 thỏi son trong vòng 5 phút. Tuy nhiên, Li Jiaqi đột ngột biến mất trên không gian mạng sau khi phát sóng hình ảnh chiếc bánh kem có hình dáng giống như chiếc xe tăng vào hôm 3-6-2022, một ngày trước kỷ niệm sự kiện Thiên An Môn xảy ra tháng 6-1989 khi giới chức trách Trung Quốc dẹp cuộc biểu tình ở quảng trường này. Đến tháng 9-2022, Li Jiaqi mới xuất hiện trở lại trên Taobao Live.

Thương mại trực tuyến rất quan trọng đối với các công ty internet Trung Quốc khi phần còn lại của nền kinh tế đang trì trệ. Tổng doanh số bán hàng của lĩnh vực phát sóng trực tiếp tăng 48% trong năm ngoái, vượt xa mức tăng doanh thu 1,8% của Alibaba. Bất kỳ rủi ro nào đối với mô hình kinh doanh này đều có thể loại bỏ một nguồn tăng trưởng quan trọng.

Tuy nhiên, bán hàng thông qua người ảnh hưởng không phải là loại hình kinh doanh duy nhất của lĩnh vực phát sóng trực tiếp. DouYu cung cấp các buổi phát sóng trực tiếp cho những người chơi game trực tuyến. Những game thủ nổi tiếng được trả thưởng thông qua “tiền boa”: những khoản điểm thưởng có thể quy đổi thành tiền mặt.

Cho dù phát sóng game hay phát sóng để bán hàng, chìa khóa thành công vẫn là thu hút sự chú ý của đông đảo khán giả. Và điều đó có nghĩa là các nền tảng ngày càng sử dụng nhiều mánh lới để thu hút khán giả, từ rút thăm may mắn đến phô trương da thịt nhiều hơn, dẫn đến việc các nội dung cờ bạc và khiêu dâm xuất hiện tràn lan. Đó là lúc giới chức trach ra tay chấn chỉnh.

Các nền tảng phát trực tiếp lớn có ít động lực để buông lỏng các tiêu chuẩn nội dung. Việc “cắt sóng” của một người ảnh hưởng vi phạm tiêu chuẩn nội dung sẽ không gây ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh tổng thể của họ. Và một vi phạm xảy ra trong thời gian ngắn ngủi có thể khiến các nền tảng này đối mặt với nguy cơ phải đóng cửa hoặc án phạt nặng. Vụ bắt giữ Chen Shaojie đã truyền đi một thông điệp rõ ràng. Đối với Tencent, ByteDance hay Alibaba, có doanh thu hàng tỉ đô la mỗi năm từ lĩnh vực phát trực tiếp, phần thưởng nhỏ từ những nội dung vi phạm không bù đắp được cho rủi ro quá lớn.

Hồi đầu năm nay, Tencent Music, Huya và Cloud Music của NetEase đã loại bỏ tính năng chạy chương trình rút thăm may mắn, có thể bị thao túng, cho phép những người phát trực tiếp thông đồng với khán giả để chia giải thưởng. Phần mềm và công nghệ học máy cũng giúp các nền tảng dễ dàng giám sát xem người phát trực tiếp có khoe da thịt quá nhiều hay không.

Tuy nhiên, việc kiểm soát các nội dung lệch chuẩn một cách nhanh chóng có thể ngày càng khó khăn hơn. Vì vậy, đến một lúc nào đó, lãnh đạo của các nền tảng phát trực tiếp ở Trung Quốc sẽ phải quyết định rằng hoạt động phát trực tiếp không đáng để họ gặp rắc rối hoặc phải ngồi tù.

Theo Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới