Chủ Nhật, 26/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Hoài niệm hoa

Trần Thanh Bình

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Mùa này, chủ vườn ở làng hoa Gò Vấp, Củ Chi hay Thủ Đức, An Phú Đông (TPHCM) đã xuống giống các loại hoa để kịp cho chợ hoa Tết. Tất bật ủ luống và mầm hoa chờ tưới mỗi sớm, khi ban ngày nắng phương Nam đã… dày!

Làng hoa Tết ở TPHCM: Hối hả chăm cây, hồi hộp ngóng giá. Ảnh: Minh Thảo

Đêm và trở dần về sáng, Sài Gòn đã lạnh. Tôi lang thang qua các miệt trồng hoa nổi tiếng, nghe hơi đất trùm lên những hạt giống vạn thọ, cúc đại đóa, hướng dương, mãn đình hồng… vùi dưới những lớp rơm ủ hăng nồng. Anh Hoàng Tâm, một nhà vườn ở phường Hiệp Bình Chánh, thành phố Thủ Đức nói với qua hàng rào: “Ngày nắng hơi rát, đêm có lạnh, độ ẩm vừa đủ nên hai ngày mới tưới một lần. Bây giờ là vậy, đến khoảng dịp Giáng sinh nắng dày, gắt và lúc ấy cây dồn sức lớn, nên phải tưới đều hơn”.

Vòng về làng hoa Gò Vấp nổi tiếng một thời, len lỏi qua những con đường nhỏ như Phan Huy Ích, Cây Trâm, Lê Văn Thọ… thỉnh thoảng lại thấy một vườn nho nhỏ khoảng 500-1.000 mét vuông, người ta lên liếp trồng đủ thứ hoa. Ở xứ này, ngày trước hoa ngập tràn mọi ngả. Có rất nhiều chủ vườn cung ứng hoa tươi cho nhiều chợ lớn trong thành phố như Bà Chiểu, Chợ Lớn, Tân Định… nhưng qua hàng chục năm, đất trồng hoa “teo” lại, nhường cho nhà cửa, sân bóng mini, siêu thị, chợ búa… Ngay như những nhà vườn nổi tiếng trồng hoa lâu đời, lúc nhập môn làng báo tôi từng phỏng vấn, nay cũng chỉ còn dành lại ít đất để con cháu chuyển sang nghề cây kiểng. Nhẹ nhàng ung dung, giá trị lại cao, choán ít đất và bớt đi cái sự vất vả ngày ngày phải phơi lưng giữa nắng của công việc trồng hoa ngắn ngày.

Dù hoa ở vườn của thành phố dần ít đi, song mỗi dịp Tết đến, chợ hoa ở các công viên Làng hoa Gò Vấp, Gia Định lại tấp nập khoe sắc. Là nhờ nhiều nhà vườn ở Chợ Lách (Bến Tre), Sa Đéc (Đồng Tháp) chuyển hoa lên Sài Gòn để bán. Chú Ba Khâm và nhiều con cháu lân cận quây quần ở Chợ Lách chuyên nghề trồng hoa, đến hẹn lại lên, cứ tầm đầu tháng 10 Âm lịch, lại điện thoại cho tôi thăm hỏi, rồi kể về việc chuẩn bị cho mùa vụ hoa Tết. Chú nói: “Năm nay mưa thuận gió hòa, chưa thấy mặn xâm nhập nhiều cũng đỡ. Vả lại ít nắng hạn hơn, nên lứa cây đã lên đủ sức. Hy vọng một mùa hoa tươi tốt”.

Hoa trái mùa xuân Chợ Lách chuyển lên các công viên thành phố chủ yếu bốn loại: mai, cúc mâm xôi, vạn thọ và quất. Ngoài ra, các nhà vườn kèm theo nhiều loại cây kiểng lạ mắt nho nhỏ để bán thêm, cho người ta mặc sức chọn lựa tùy theo sở thích. Như chú Ba Khâm, đặc biệt năm nào cũng có một gian hàng bán bạch mai. Chậu nhỏ thôi, nhưng nhìn búp xanh nở hoa trắng mỏng manh, năm nào tôi cũng mua ủng hộ một cặp về chưng, nhìn cũng hay hay!

Lại có anh Bảy Chợ Lách (là tên tôi tự đặt cho anh theo thứ), còn tên thật của anh là Võ Lập Ngôi, quen đã bốn năm, hầu như anh “quán quân” về hoa cúc mâm xôi. Năm nay, qua điện thoại anh cho biết tăng cường trồng, chăm và đặt hoa của nhiều nhà vườn quen biết, để chuyển lên Sài Gòn bán ở cả hai công viên Làng hoa Gò Vấp và Gia Định. Mỗi nơi dự định đấu thầu hai gian, mỗi gian bày khoảng 500-700 chậu, nên có thể lên đến hơn 3.000 chậu hoa, tầm 23 tháng Chạp là thuê xe “tập kết”, chở lên… ăn ngủ sương gió với hoa và mua bán với người Sài Thành suốt một tuần, cho đến hết ngày cuối cùng của năm Quý Mão.

Một hôm, qua cầu đến bên kia sông Vàm Thuật, vùng An Phú Đông một thời nổi tiếng trồng hoa lài ở quận 12, TPHCM, tôi gặp ông Tám Sết, chủ hai vườn mai nổi tiếng ở đường Vườn Lài. Vừa uốn nắn những cành mai nhỏ, ông nói: “Những tháng này dần về đến Tết, tất bật lắm. Tưới, bón phân, vô thuốc, uốn cành. Mai mạnh lá là có hy vọng. Đến tầm khoảng giữa tháng 12 Âm lịch là ngưng thuốc, để lá tự nhiên vàng rồi lặt. Búp mai ra nhiều và to là thắng”.

Nhìn quanh vườn, chậu to chậu nhỏ lá mơn mởn xanh. Tôi hy vọng vườn mai bây giờ đến lúc cận Tết sẽ trả công được cho cái tất bật của chủ vườn. Ngắm cây của hôm nay, lại hoài niệm mùa xuân năm nào. Thầm mong hoa sẽ tươi thắm rực lên trong nắng, đem lại chút niềm vui cho mọi nhà để quên đi những gian lao của một năm nhiều bộn bề, vất vả!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới