(KTSG Online) - Theo quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được phê duyệt, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ là cực tăng trưởng của vùng đồng bằng sông Cửu Long, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt từ 7,5-8%, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt từ 11-15%/năm…
- Chỉ còn một tháng đến hạn hoàn thành, cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ vẫn thiếu cát
- Hội chợ, triển lãm ở Cần Thơ thu hút 150.000 lượt khách, doanh thu đạt 30 tỉ đồng
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký quyết định số 1519 phê duyệt quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Mục tiêu phát triển là đến năm 2030, thành phố Cần Thơ sẽ là cực tăng trưởng của vùng đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời là trung tâm dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao của vùng; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu kết nối nội vùng, liên vùng và liên vận quốc tế.
Về kinh tế, Cần Thơ đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt từ 7,5-8%; GRDP bình quân đầu người đạt hơn 220 triệu đồng. Thành phố cũng hướng đến tỷ trọng trong GRDP của khu vực nông, lâm, thủy sản khoảng 5,9%; công nghiệp - xây dựng khoảng 35,9%; dịch vụ và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm khoảng 58,2%; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt từ 11-15%/năm. Đến năm 2050, Cần Thơ là thành phố thuộc nhóm các thành phố phát triển khá ở châu Á.
Theo đó, Cần Thơ sẽ ưu tiên phát triển ngành công nghiệp hóa chất, cơ khí chế tạo, năng lượng, dược phẩm, điện tử, chế biến nông thủy sản, thực phẩm và công nghiệp hỗ trợ có tính nền tảng; đồng thời, hoàn thành các khu công nghiệp Vĩnh Thạnh, Thới Lai - Cờ Đỏ; đô thị - công nghiệp - cảng - logistics Thốt Nốt; trung tâm năng lượng, công nghiệp - công nghệ cao Ô Môn; thúc đẩy liên kết và hội nhập hành lang kinh tế đô thị - công nghiệp từ Cần Thơ đến Long An.