Thứ sáu, 17/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Đặt mục tiêu gỡ thẻ vàng IUU cho thủy sản trong lần thanh tra thứ 5 của EC

Chính Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Từ nay đến hết tháng 4-2024 là thời điểm "vàng" để gỡ được thẻ vàng IUU cho ngành thủy sản Việt Nam, nếu không có thể phải mất vài năm nữa. Đây cũng là thời điểm mà Ủy ban châu Âu (EC) có lần thanh tra thứ 5 về IUU.

Theo Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, từ nay đến ngày 30-4-2024 là thời điểm "vàng" để gỡ được thẻ vàng IUU. Ảnh: Baochinhphu.vn

Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU) tại Bà Rịa - Vũng Tài ngày 13-12, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chỉ đạo các cơ quan có liên quan mở đợt cao điểm về rà soát, nhằm đạt mục tiêu gỡ được thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC), theo Baochinhphu.vn.

Sau đợt thanh tra thứ 4 vào tháng 10-2023, EC khuyến nghị Việt Nam tăng cường các biện pháp để phát hiện, ngăn chặn và truy tố các hành vi vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, đặc biệt chú ý các trường hợp ngắt kết nối hệ thống giám sát tàu cá (VMS) sát biên giới vùng đặc quyền kinh tế.

Việt Nam cũng cần kiểm soát chặt chẽ để bảo đảm tất cả các tàu đã hủy đăng ký không được phép hoạt động khai thác; bảo đảm tính chính xác thông tin dữ liệu tàu cá trong VNFishbase và theo dõi, đôn đốc địa phương thực hiện việc cập nhật; duy trì việc cấm đăng ký tàu mới; kiểm soát chặt chẽ tàu cá "3 không"…. Cùng với đó là quản lý chặt chẽ việc truy xuất nguồn gốc thuỷ sản; yêu cầu các cảng cá phải cập nhật hàng ngày dữ liệu sản lượng thuỷ sản; áp dụng các biện pháp xử lý nghiêm khắc các tổ chức, cá nhân vi phạm; xử phạt nghiêm và thống nhất hành vi vi phạm về VMS.

Để đạt được mục tiêu đề ra, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành các Nghị định sửa đổi Nghị định 42/2019/NĐ-CP và Nghị định 26/NĐ-CP và Thông tư số 13/TT-BNNPTNT để thực hiện các khuyến nghị của EC; tổ chức truyền thông về nội dung sửa đổi, bổ sung của các văn bản nêu trên, trong đó có quy định phạt nguội các hành vi vi phạm.

Bộ Công an khẩn trương củng cố hồ sơ, đưa ra truy tố các đối tượng môi giới, móc nối, đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; điều tra những vụ việc có dấu hiệu vi phạm truy xuất nguồn gốc.

Theo số liệu của Cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT, tính đến tháng 10-2023, cả nước có tổng số tàu cá với chiều dài từ 6m trở lên khoảng 83.427 tàu. Số tàu đã được đăng ký và cập nhật trên cơ sở dữ liệu VNFisbase là 72.217 chiếc, trong đó 29.341 chiếc có chiều dài từ 15m trở lên. Hiện còn khoảng 11.210 tàu chưa đăng ký, cập nhật trên VNFisbase, giảm 3.393 chiếc so với tháng 12-2022 do hư hỏng, không còn tồn tại trên thực tế tại địa phương.

Theo quy định trong Nghị định 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ thì tàu cá có chiều dài 15m trở lên phải hoạt động tại vùng khơi, không được hoạt động tại vùng ven bờ và vùng lộng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới