Thứ sáu, 20/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Kinh tế suy thoái thúc đẩy sự ‘tiến hóa’ của kinh doanh trực tuyến

Phương Thảo - Anh Tú

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Trong thời kỳ kinh tế hậu Covid-19, việc mua sắm kết hợp giải trí trên các nền tảng mạng xã hội (shoppertainment) đã trở thành một nguồn động lực sáng tạo, giúp chủ cửa hàng vượt qua những khó khăn của kinh doanh truyền thống. Đến nay xu hướng này ngày một “tiến hóa”, lan tỏa và mở ra cơ hội mới cho doanh nghiệp trong sự phát triển đa chiều của nhu cầu tiêu dùng trong thời đại số.

Từ cuộc ‘khuynh đảo’ của TikTok Shop

Ngày nay, xu hướng mua sắm không chỉ là vấn đề của việc tìm kiếm sản phẩm và thực hiện thanh toán. Các nền tảng mạng xã hội đang dần chuyển mình để phù hợp hơn với thị hiếu của số đông người dùng thông qua xu hướng mua ắm kết hợp giải trí (shoppertainment) và sáng tạo nội dung giúp tăng trải nghiệm mua sắm.

Để tạo mối liên kết giữa thương mại điện tử và mạng xã hội kết hợp giữa việc mua sắm và giải trí cần một nhân tố để kết nối tối đa người dùng. Phần lớn các nền tảng mạng xã hội hiện nay đều đưa người tiêu dùng vào một không gian nội dung sáng tạo từ các video ngắn hay các livestream bán hàng của các KOL/KOC (người có sự ảnh hưởng/người nổi tiếng) và phần nào cho thấy sự hiệu quả.

Thị phần doanh thu các sàn thương mại điện tử hai quí đầu năm 2023. Nguồn: Metric

Gần đây, mạng xã hội TikTok đang là nơi diễn ra các hoạt động mua sắm giải trí sôi nổi nhờ vào việc tích hợp TikTok Shop – một dạng thức khác của thương mại điện tử được chính thức ra mắt vào tháng giữa năm 2022. Mặc dù sinh sau đẻ muộn nhưng tới thời điểm hiện tại TikTok Shop đã đạt được những thành tựu to lớn mà các sàn thương mại xã hội khác phải mất tới vài năm.

Theo thống kê từ Metric (đơn vị nghiên cứu số liệu về thương mại điện tử e-commerce), với sự thúc đẩy của TikTok Shop, nền tảng này đã vươn lên top 3 vượt qua Tiki trong bảng xếp hạng sàn thương mại điện tử năm 2022. Tới năm 2023, TikTok Shop dành vị trí thứ 2 sau Shopee, đạt doanh thu 16.300 tỉ đồng và 117 triệu sản phẩm bán ra trong quí 2-2023.

Đối với người tiêu dùng hiện đại, không chỉ muốn mua sắm, họ còn muốn trải nghiệm giải trí ngay tại nơi mua hàng. Các nền tảng mạng xã hội khác đã tận dụng sức hút của video ngắn sáng tạo và các buổi livestream lôi cuốn nhằm tạo ra trải nghiệm mua sắm giải trí. Điều này không chỉ tăng tính tương tác giữa người bán và người mua mà còn tạo nên không gian mua sắm thú vị và gần gũi.

Tâm lý mua sắm của người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến thường sẽ xem những đánh giá của những người đã mua hàng rồi mới quyết định là nên mua hay không mua món hàng đó. Cũng từ đó hình thành nên công đồng đánh giá sản phẩm (reviewer) ra đời và phát triển mạnh mẽ hơn nhờ vào TikTok. Những video ngắn làm nội dung đánh giá các sản phẩm trên trực tuyến giúp người mua có được bộ lọc sản phẩm tốt hơn.

Trong bối cảnh kinh tế hậu Covid-19, những nhà bán lẻ trên nền tảng thương mại điện tử đang gặp nhiều khó khăn. Do đó, xu hướng shoppertainment xuất hiện đã mở ra một không gian kinh doanh lý tưởng với các giải pháp bán hàng đổi mới và sáng tạo. Thay vì chỉ là việc đưa sản phẩm lên trang web, nhà kinh doanh có thể tận dụng các tính năng trực tiếp để giới thiệu sản phẩm, trả lời câu hỏi và tạo ra một trải nghiệm mua sắm tương tác. Điều này giúp họ nâng cao khả năng tiếp cận và tạo ra sự độc đáo, thu hút khách hàng một cách hiệu quả.

Đại dịch cũng khiến nhiều cửa hàng truyền thống đóng cửa vì không đủ sức mạnh duy trì, nhưng shoppertainment trở thành một công cụ quan trọng để nhà kinh doanh thoát khỏi khủng hoảng. Các doanh nghiệp nhỏ, lẻ có thể sử dụng shoppertainment để quảng bá sản phẩm, tạo ra môi trường mua sắm trực tuyến thú vị và thuận tiện, từ đó giữ chân và mở rộng đối tượng khách hàng.

Đến sự lan rộng của xu hướng shoppertainment

Nhìn lại năm 2017, khi trào lưu livestream trên Facebook bắt đầu nở rộ, mọi người lên mạng tìm kiếm cách livestream sao cho hiệu quả, làm như thế nào để thu hút khách hàng… Những người bán hàng không chuyên cũng có thể tự mình mở một livestream để bán vài mặt hàng nho nhỏ.

Thay vì chụp nhiều tấm hình cho một sản phẩm rồi mới đăng bán, thì khi có chức năng livestream, người bán hàng có thể có người mua xem trực tiếp chất lượng sản phẩm và báo giá ngay trên phiên bán hàng trực tuyến. Điều này tiện lợi và dễ dàng hơn rất nhiều và không phải tốn quá nhiều công sức cũng như tiết kiệm được một khoản chi phí như tiền mặt bằng, nhân công… Nhưng đến nay mô hình kinh doanh trực tuyến đã có bước phát triển hơn với nội dung sáng tạo và gắn liền với hoạt động trải nghiệm, nhu cầu giải trí.

Tính đến đầu năm 2023, Facebook vẫn là mạng xã hội có lượng người dùng nhiều nhất tại Việt Nam với 66,2 triệu người dùng. Trước khi TikTok xuất hiện, các hoạt động mua sắm trực tuyến trên Facebook phát triển cũng khá sôi nổi bằng nhiều hình khác nhau.

Các nền tảng livestream được ưa chuộng nhất tại Việt Nam. Nguồn: BrandsVietNam

Một trong những dấu hiệu rõ nét của sự lan rộng của Shoppertainment trên Facebook là sự gia tăng của các video trực tiếp và video giải trí chất lượng cao. Các doanh nghiệp ngày càng sử dụng tính năng Facebook Live để giới thiệu sản phẩm, trò chuyện với khách hàng và thậm chí tổ chức các sự kiện mua sắm trực tuyến.

Theo thống kê, Facebook đứng đầu trong 3 nền tảng livestream được ưa chuộng nhất ở Việt Nam (32%). Hầu như các hoạt động shoppertainment trên Facebook là các chủ cửa hàng, chủ doanh nghiệp, một vài thương hiệu nhỏ, vừa vẫn đang livestream. Facebook đang chiếm ưu thế về khuyến mãi, phí vận chuyển

Bên cạnh đó, các nền tảng khác cũng gia nhập cuộc đua shoppertainment ngày một nhiều trong thời gian qua. Trong đó, mô hình tiếp thị liên kết (affiliate marketing) cũng dần trở nên phổ biến trên các nền tảng mạng xã hội như Instagram, Youtube. Các video ngắn mang nội dung hướng dẫn làm đẹp, trang trí phòng, làm đồ thủ công… dưới phần bình luận sẽ được gắn thêm các đường liên kết mua sản phẩm, những đường liên kết ấy sẽ dẫn tới các sàn thương mại điện tử.

Lazada là một trong những sàn thương mại điện tử tiên phong áp dụng hình thức shoppertainment. Năm 2019, Lazada đẩy mạnh chương trình livestream, xây dựng tính năng tương tác và game. Để thu hút người dùng, các sàn thương mại điện tử mỗi năm tổ chức một đại nhạc hội quy tụ nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, có độ phủ sóng lớn.

Các sàn thương mại điện tử ở Việt Nam đã tích hợp tính năng đặt hàng trực tiếp và đề xuất sản phẩm dựa trên lịch sử mua sắm và sở thích của người dùng. Việc này giúp tối ưu hóa trải nghiệm mua sắm, khiến cho quá trình tìm kiếm và mua sắm trở nên thuận tiện hơn.

Shoppertainment không chỉ là một xu hướng ngắn hạn mà còn mang lại cơ hội phát triển lâu dài, là một nguồn động lực sáng tạo trong nền tảng thương mại điện tử lẫn mạng xã hội. Việc kết hợp giữa mô hình kinh doanh trực tuyến và nội dung giải trí sẽ tạo ra sự tương tác mạnh mẽ và xây dựng mối quan hệ khách hàng bền vững.

Những doanh nghiệp chủ động áp dụng shoppertainment có thể nắm bắt những cơ hội mới trong bước phát triển mới của kinh doanh trực tuyến. Đây là cơ hội cho những doanh nghiệp nhỏ và lẻ chuyển đổi, nâng cao năng lực bán hàng trực tuyến và tận dụng những tiềm năng phát triển của phương thức phân phối mới này trong những năm tới.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới