Thứ hai, 30/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Quốc hội họp bất thường lần 5

An Nhiên

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Dự kiến thứ Hai tới (15-1-2024) Quốc hội lần thứ 5 tổ chức họp bất thường. Ở lần thứ 5, kỳ họp bất thường đã trở thành một sinh hoạt “bình thường” của Quốc hội.

Phiên họp thứ 29 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Kỳ họp lần này dự kiến kéo dài ba ngày, từ 15 đến 18-1-2024 (trong đó, ngày 17-1 Quốc hội nghỉ để các cơ quan liên quan tiếp thu, chỉnh lý các dự thảo luật, nghị quyết). Quốc hội sẽ xem xét, quyết định bốn nội dung. Đó là xem xét, thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Đồng thời, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định việc bổ sung hơn 63.700 tỉ đồng từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công; và bổ sung hơn 2.500 tỉ đồng cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam để thực hiện dự án cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) lẽ ra đã được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp tháng 10-2023. Tuy nhiên, do nhiều nội dung còn có ý kiến khác nhau và chưa tìm được phương án chính sách tối ưu, Quốc hội đã quyết định “gác lại” để tiếp tục hoàn thiện, nhằm đảm bảo chất lượng cao nhất.

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 8-1-2024, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hết sức quan trọng, tác động sâu rộng mọi mặt kinh tế, xã hội, mọi tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp cả về trước mắt và lâu dài. Cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra đã chuẩn bị kỹ lưỡng công phu, xin ý kiến nhiều vòng nhiều lần. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến năm lần chính thức và kết luận bằng văn bản, chưa kể rất nhiều lần Chủ tịch Quốc hội họp với các cơ quan liên quan.

Quỹ thời gian của các cơ quan chủ trì và cơ quan thẩm tra hai dự thảo luật khó và phức tạp này đều rất eo hẹp. Trong khi đó, nhiều nội dung quan trọng của hai dự thảo luật vẫn tương đối ngổn ngang, thậm chí có chính sách trong dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) chưa được đánh giá tác động một cách cụ thể và kỹ lưỡng.

“Đến nay, dự thảo cơ bản đã hoàn thiện và thể chế hóa được Nghị quyết 18-NQ/TW, bám sát Hiến pháp và hệ thống pháp luật hiện hành”, Chủ tịch Quốc hội nói. Hiện còn ba vấn đề cần tập trung góp ý thêm, gồm: (1) thu hồi đất thực hiện dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ; (2) phương pháp định giá đất và trường hợp, điều kiện áp dụng từng phương pháp; (3) dự án tạo quỹ đất, quỹ phát triển đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Về dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến hoàn thiện thêm về các quy định can thiệp sớm và kiểm soát đặc biệt. Ngoài ra, là các quy định về quản lý tập đoàn tài chính, sở hữu chéo, quy định chuyển tiếp, xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm…

Chủ trì thẩm tra cả hai dự luật quan trọng này, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, bày tỏ quan ngại về dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) hơn. “Hồ sơ mới nhận được tối thứ Bảy (ngày 6-1-2024), anh em làm việc cả Chủ nhật, làm liên tục, lại có cả 10 điều chưa trình Quốc hội ở kỳ họp thứ 5 và kỳ họp thứ 6 về phương án phục hồi khi can thiệp sớm… Cố gắng rồi nhưng phải cho chúng tôi quỹ thời gian cần thiết thì mới đáp ứng được yêu cầu. Có thể chậm một chút nhưng đảm bảo chất lượng của dự thảo. Và chúng tôi quan ngại kể cả khi đã bấm nút thông qua rồi, rà soát kỹ thuật có thể phát sinh thêm các nội dung không phải kỹ thuật nữa mà có thể là nội dung về chính sách”.

Với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), ông Vũ Hồng Thanh cho biết, các cơ quan đã nỗ lực tối đa, phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm để tiếp tục nâng cao chất lượng của dự thảo luật. Tuy nhiên, do khối lượng công việc quá lớn, thời lượng dành cho việc rà soát các quy định chuyển tiếp còn hạn chế trong khi thời gian từ nay đến kỳ họp bất thường không còn nhiều, khó bảo đảm chất lượng, có thể dẫn đến vướng mắc, khó khăn trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật. Quá trình rà soát hiện nay vẫn phát hiện mới nhiều nội dung phải nghiên cứu, chỉnh sửa. Vì vậy, việc có thêm thời gian để rà soát kỹ lưỡng là hết sức cần thiết, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh.

Mong muốn là vậy nhưng trên thực tế, quỹ thời gian của các cơ quan chủ trì và cơ quan thẩm tra hai dự thảo luật khó và phức tạp này đều rất eo hẹp. Trong khi đó, nhiều nội dung quan trọng của hai dự thảo luật vẫn tương đối ngổn ngang, thậm chí có chính sách trong dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) chưa được đánh giá tác động một cách cụ thể và kỹ lưỡng. Đây là thách thức lớn, cũng là gánh trách nhiệm rất đỗi nặng nề không chỉ với cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra, mà còn với các đại biểu Quốc hội - những người sẽ bấm nút thông qua hai dự thảo luật này. Hai dự thảo luật này khi được thông qua sẽ đi vào cuộc sống ra sao cũng là điều cần suy nghĩ.

Ở một khía cạnh khác, có thể thấy, kỳ họp bất thường của Quốc hội cho đến nay chỉ còn “bất thường” trong tên gọi và đã trở thành một sinh hoạt bình thường của Quốc hội. Điều này sẽ tạo nền tảng cho việc Quốc hội tiến tới làm việc thường xuyên hơn, đáp ứng nhu cầu phải ra quyết sách nhanh, xây dựng và điều chỉnh chính sách kịp thời để đáp ứng tình hình kinh tế - xã hội trong và ngoài nước ngày càng diễn biến nhanh.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới