Thứ hai, 25/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Tăng trưởng tín dụng: bất ngờ 2023 và kỳ vọng 2024

Triệu Minh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Sau sự bứt tốc của tăng trưởng tín dụng trong tháng cuối năm 2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phân bổ hết chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 cho các tổ chức tín dụng ngay từ đầu năm 2024. Liệu xu hướng tín dụng năm nay có khởi sắc hơn?

Bất ngờ tháng cuối năm 2023

Chỉ trong tháng cuối năm 2023, tín dụng đã tăng thêm 4,56%, khi nhảy vọt từ mức 9,15% vào cuối tháng 11-2023 lên 13,71%, theo số liệu công bố mới nhất của NHNN. Nếu xét theo số tuyệt đối, đã có hơn 578.300 tỉ đồng được bơm ròng ra nền kinh tế chỉ riêng trong tháng 12 vừa qua, nâng số dư nợ tăng ròng trong năm 2023 lên hơn 1,63 triệu tỉ đồng. Đáng lưu ý là mức tăng trưởng này gần như chỉ tập trung vào nửa cuối tháng 12, đặc biệt là trong 10 ngày cuối tháng 12.

Cụ thể, theo số liệu của NHNN, đến ngày 13-12-2023, tăng trưởng tín dụng so với đầu năm chỉ mới đạt 9,87%, tức tăng 0,72% so với cuối tháng 11. Tiếp đó, số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết đến 21-12-2023 tăng trưởng tín dụng đạt 11,09%, tức tăng 1,22% so với ngày 13-12-2022. Và với con số về đích được NHNN công bố ở mức 13,71%, cho thấy chỉ trong 10 ngày cuối năm tín dụng đã tăng thêm 2,62%, tương đương với số tuyệt đối hơn 312.400 tỉ đồng.

Mức tăng trưởng tín dụng chỉ trong 10 ngày cuối tháng 12 chiếm gần 20% tổng mức tăng trưởng tín dụng của cả năm 2023, cho thấy các tổ chức tín dụng (TCTD) đã chạy đua cho vay trong những ngày cuối năm ra sao. Một số ý kiến cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy triển vọng tăng trưởng kinh tế đang hồi phục tốt hơn giúp nhu cầu vay vốn tăng mạnh trở lại.

Ngoài ra, sự tăng tốc cho vay của các ngân hàng lớn cũng đã giúp số tăng trưởng tín dụng toàn ngành trong năm 2023 khả quan hơn, dù vẫn chưa chạm đến mục tiêu 14,5% được đặt ra.

Đơn cử như Vietcombank, tại thời điểm cuối quí 3-2023 tăng trưởng tín dụng chỉ mới đạt 3,9%, nhưng số liệu công bố mới đây cho thấy dư nợ tín dụng của Vietcombank đến cuối năm 2023 ở mức 1,27 triệu tỉ đồng, tăng 10,6% so với đầu năm, tức chỉ trong quí 4-2023 đã tăng đến 6,7%, gấp 1,7 lần mức tăng của cả chín tháng trước đó.

Nếu như những năm trước đây hạn mức tăng trưởng tín dụng được giao theo từng quí/nửa năm, năm nay nhà điều hành đã phân bổ hết hạn mức ngay từ đầu năm, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD cung ứng vốn đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế, đồng thời cũng yêu cầu các TCTD phải kiểm soát tăng trưởng tín dụng theo mục tiêu được giao.

Hay như BIDV chín tháng đầu năm 2023 dư nợ tín dụng tăng 8,6%, nhưng kết thúc năm ghi nhận mức tăng gần 16,7%. Tại VietinBank, hai con số này lần lượt là 8,7% và 15%. Còn ở Agribank, tổng dư nợ cho vay cuối năm 2023 đạt trên 1,55 triệu tỉ đồng, tăng 7,4% so với đầu năm, trong khi vào cuối tháng 6-2023 dư nợ cho vay chỉ mới tăng vỏn vẹn 1,25% và cuối tháng 9-2023 tăng chưa tới 3,5%.

Là nhóm ngân hàng có thế mạnh cho vay ở phân khúc khách hàng doanh nghiệp nhà nước, các dự án đầu tư công, có thể thấy diễn biến tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ trong giai đoạn cuối năm của nhóm ngân hàng thương mại gốc quốc doanh khá tương đồng với xu thế vốn giải ngân cho các dự án đầu tư công - tăng tốc trong những tháng cuối năm.

Tuy nhiên, thông lệ nhiều năm qua cũng cho thấy giai đoạn cuối năm hoạt động tín dụng thường có sự tăng vọt, khi cán bộ nhân viên ngân hàng thường tăng tốc cho vay để chạy KPI cuối năm. Trong khi đó, chính các ngân hàng cũng tìm cách đẩy số dư nợ cuối năm lên cao bằng nhiều công cụ, nhằm tạo dư địa tăng trưởng tín dụng cho năm sau. Hiện số dư nợ tín dụng cuối năm là một trong những cơ sở để xác định hạn mức phân bổ tăng trưởng tín dụng cho năm kế tiếp của từng ngân hàng.

Do đó, có thể nói số dư nợ tín dụng tăng thêm trong những ngày cuối năm ít mang yếu tố thực chất, bền vững, khi dòng thu nhập từ lãi vay đóng góp vào chính năm đó rất khiêm tốn. Nhưng bù lại, số dư nợ tín dụng tăng thêm trong thời gian ngắn này sẽ giúp các ngân hàng làm đẹp sổ sách hơn, từ việc hoàn thành được chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, cho đến kéo tỷ lệ nợ xấu xuống mức thấp hơn trên báo cáo tài chính.

2024 sẽ khởi sắc hơn?

Sau kết quả tích cực của tăng trưởng tín dụng trong tháng cuối năm 2023, NHNN đã nhanh chóng giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 cho các TCTD, qua Văn bản 10167/NHNN-CSTT ban hành ngày 31-12-2023 gửi các TCTD, với định hướng kế hoạch tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế năm 2024 là 15%. Dư nợ tín dụng toàn ngành cuối năm 2023 ở gần 13,56 triệu tỉ đồng, như vậy theo kế hoạch này sẽ có thêm hơn 2 triệu tỉ đồng được bơm ra nền kinh tế trong năm nay.

Đặc biệt, nếu như những năm trước đây hạn mức tăng trưởng tín dụng được giao theo từng quí/nửa năm, năm nay nhà điều hành đã phân bổ hết hạn mức ngay từ đầu năm, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD cung ứng nguồn vốn tín dụng đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế, đồng thời cũng yêu cầu các TCTD phải kiểm soát tăng trưởng tín dụng theo mục tiêu được giao.

Theo đại diện của NHNN, việc giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng một lần ngay từ đầu năm cho các TCTD là bởi nhận định khó khăn của năm 2024 vẫn sẽ tiếp diễn. Ngân hàng trung ương các nước vẫn chưa hạ lãi suất, khả năng suy thoái nhẹ của các nền kinh tế là có thể xảy ra. Nhu cầu của toàn cầu sẽ giảm dẫn đến xuất khẩu giảm, tác động rất lớn đến nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam. Với xu hướng tổng cầu tiếp tục suy giảm trong năm 2024, NHNN cho rằng cần có biện pháp thúc đẩy nền kinh tế thông qua việc giao ngay mức tăng trưởng tín dụng từ đầu năm để cố gắng thúc đẩy tổng cầu.

Nền kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ phục hồi tốt hơn trong năm nay, với mục tiêu tăng trưởng GDP đặt ra ở 6-6,5%, kỳ vọng thúc đẩy nhu cầu vốn tăng mạnh hơn, từ đó giúp tăng trưởng tín dụng cũng sẽ khởi sắc hơn. Điều quan trọng hơn là với lãi suất cho vay dự kiến sẽ tiếp tục về mức phù hợp hơn, khi chi phí của các ngân hàng vẫn đang trong lộ trình đi xuống nhờ các khoản tiền gửi thời kỳ lãi suất cao đang tiếp tục đáo hạn dần. Chi phí lãi vay hợp lý hơn sẽ kích thích nhu cầu vay vốn đầu tư và tiêu dùng.

Trong bối cảnh các ngân hàng vẫn đang trong tình trạng thừa vốn, các ngân hàng có thể tích cực cho vay hơn để tối ưu hóa hiệu quả sử dụng vốn. Dù vậy, với rủi ro nợ xấu vẫn cao, các ngân hàng cũng sẽ phải tập trung kiểm soát nợ xấu và thu hồi nợ, phần nào ảnh hưởng đến chính sách phát triển cho vay cũng như tốc độ tăng trưởng dư nợ mới của các ngân hàng.

Cũng cần lưu ý, nhận định xu hướng tăng trưởng tín dụng “khởi sắc hơn” ở đây hàm ý tăng trưởng tín dụng sẽ có xu hướng tích cực xuyên suốt trong năm, đóng góp tích cực hơn vào tăng trưởng của nền kinh tế và hoạt động của các doanh nghiệp, chứ không phải trì trệ lúc đầu rồi tăng vọt để bù đắp khi về cuối năm, và dòng vốn lại được rót vào các khu vực không được khuyến khích.

Trong khi đó, dù đã nhận được chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng phân bổ ngay từ đầu năm, nhưng cũng không loại trừ khả năng dư nợ tín dụng trong các tháng quí 1-2024 vẫn chứng kiến mức tăng trưởng âm. Ngoài ảnh hưởng bởi yếu tố mùa vụ khi nhu cầu vay vốn các tháng trước và sau Tết Nguyên đán thường rất thấp, khách hàng có xu hướng trả nợ hơn là đi vay, phần dư nợ tăng vọt trong tháng cuối năm 2023 vừa qua mang tính ngắn hạn có yếu tố không bền vững, nên có thể cũng sẽ tiếp tục ảnh hưởng lên tăng trưởng tín dụng các tháng đầu năm 2024.

Cuối cùng, với mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay ở mức 6-6,5%, tăng trưởng tín dụng 15%, nếu hoàn thành hết hai chi tiêu này, tỷ lệ dư nợ/GDP cuối năm 2024 có thể tiếp tục leo lên mức 143-144%. Đây là mức khá cao và có thể dẫn đến tiềm ẩn rủi ro vĩ mô, như cảnh báo mà Ngân hàng Thế giới (WB) từng đưa ra trước đây.

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp, Học viện Tài chính:

Vì sao room tín dụng năm 2024 là 15%?

Khác với các quốc gia có nền kinh tế và thị trường tài chính tín dụng phát triển, nguồn cung ứng vốn cho doanh nghiệp Việt Nam đa phần đến từ tín dụng ngân hàng thương mại (NHTM), chiếm khoảng 70%. Ở điều kiện bình thường đã vậy, trong năm 2024, các nguồn huy động vốn dài hạn từ thị trường chứng khoán (TTCK) và thị trường trái phiếu doanh (TPDN) nghiệp, đặc biệt là TPDN riêng lẻ chưa thể phục hồi.

Đối với TTCK, dù xu hướng chung là tăng nhưng thị trường trầm lắng, biên độ tăng giảm lớn. Vậy nên, doanh nghiệp khó thực hiện kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu, doanh nghiệp đã IPO vẫn dừng lại, không tiếp tục bán cổ phiếu trên thị trường.

Thị trường TPDN cũng không khả quan hơn. Trong năm 2023, dù áp dụng Nghị định 08/2023, lượng phát hành trái phiếu riêng lẻ đạt khoảng 246.000 tỉ đồng, giảm 35,6% so với năm 2022. Một số điều khoản hỗ trợ thị trường TPDN theo Nghị định 08/2023 hết hiệu lực từ 1-1-2024 nên nhiều khả năng, tình hình thị trường TPDN có thể khó khăn hơn năm 2023.

Vậy nên, trong năm nay, doanh nghiệp sẽ chủ yếu trông chờ vào nguồn tín dụng từ NHTM để đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh và bổ sung vốn lưu động. Các nhà điều hành quyết định mức tăng trưởng tín dụng cao hơn mọi năm, có lẽ, chính vì lý do này.

Tất nhiên, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế lại là một câu chuyện khác. Trong những tháng cuối năm 2023, đã có một số tín hiệu khả quan cho nền kinh tế. Số doanh nghiệp thành lập mới quí 4-2023 là 42.952 doanh nghiệp, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2022, gấp 1,3 lần so với mức bình quân theo quí giai đoạn 2017-2022. Từ tháng 9-2023, đơn hàng cho các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, đồ gỗ khả quan hơn. Khảo sát của Tổng cục Thống kê về tình hình đơn hàng xuất khẩu năm 2024 cho thấy, 22% số công ty được hỏi khẳng định số đơn hàng xuất khẩu mới cao hơn; 45% số công ty có đơn hàng xuất khẩu mới ổn định và 33% số công ty có đơn hàng xuất khẩu mới giảm. Về tiêu dùng nội địa, trong năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,6% so với năm 2022. Đây là những cơ sở để tin tưởng rằng, tình hình kinh tế năm 2024 sẽ sáng sủa hơn, doanh nghiệp dần trở lại nhịp độ sản xuất kinh doanh bình thường và khả năng hấp thụ mức tăng trưởng tín dụng 15% là hữu khả.

Tất nhiên, để có thể tiếp cận tốt nguồn tín dụng, doanh nghiệp phải tự mình vươn lên đáp ứng các điều kiện cho vay của NHTM. Trong bối cảnh các doanh nghiệp khó khăn về tài sản thế chấp, các NHTM nên cân nhắc xem xét cho vay theo dự án hay cho vay theo dòng tiền.

Đối với cho vay theo dự án, các doanh nghiệp phải trình ra được dự án tốt, thị trường tiêu thụ, có kế hoạch kinh doanh cụ thể, phương án thu hồi vốn rõ ràng…, trên cơ sở đó, ngân hàng phải tích cực tiếp cận dự án, thẩm định một cách kỹ lưỡng, nếu đáp ứng tiêu chuẩn cho vay thì sẽ chấp thuận và giải ngân.

Đối với cho vay theo dòng tiền, dựa vào kế hoạch sản xuất kinh doanh và tiêu thụ hàng hóa của doanh nghiệp, các ngân hàng sẽ cân nhắc cấp tín dụng. Khi ngân hàng mở rộng dần cho vay theo dự án và cho vay theo dòng tiền ra, thì cho vay thế chấp và vướng mắc về tài sản thế chấp sẽ giảm bớt.

LS. Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI:

Tăng trưởng tín dụng cũng tốt, nhưng tăng trưởng an toàn mới là sống còn!

Những biến số bất ngờ ảnh hưởng tới sức hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn tồn tại trong năm 2024. Trong viễn cảnh lạc quan, nếu cuộc xung đột quân sự tại Ukraine với Nga chấm dứt, thị trường bất động sản trong nước phá băng, khách du lịch Trung Quốc trở lại như trước dịch Covid-19…, nền kinh tế có thể phục hồi mạnh, thì nhu cầu vốn sẽ rất cao.

Trong trường hợp ngược lại, nếu những bế tắc không được khơi thông, không có sửa đổi trong luật nào đáng kể và có hiệu lực, thị trường không có điểm sáng nào…, thì hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn tiếp tục trì trệ, nhu cầu vốn không có nhiều. Mà khi đó, dù có muốn vay cũng không đủ điều kiện về an toàn và hiệu quả để ngân hàng cho vay.

Ở đây cần đề cập tới vai trò quản lý của các cơ quan chức năng. Theo logic thông thường, các ngân hàng thương mại đều muốn được tăng mạnh việc cho vay, thậm chí, tăng bất chấp, nhất là vào tháng cuối năm nhằm đạt chỉ tiêu, giảm tỷ lệ nợ xấu và làm tiền đề để được giao mức tăng trưởng tín dụng vào năm sau. Thậm chí, các cơ quan chức năng cũng muốn việc này để đạt chỉ tiêu. Tuy nhiên, việc tăng dư nợ cao mà không đạt chuẩn tín dụng sẽ gây nguy cơ lớn cho chính từng ngân hàng và tạo rủi ro lớn cho hệ thống. Vai trò điều hành phải kiểm soát mong muốn, kể cả nhu cầu chính đáng này, để mức tăng phù hợp với sức hấp thụ của nền kinh tế và đặc biệt là bảo đảm sự an toàn vốn vay của các ngân hàng.

Do vậy, sự tồn tại của công cụ điều hành như hạn mức tín dụng hay room tín dụng trong nền kinh tế Việt Nam dường như là một tất yếu. Dù mang tính hành chính và có những bất cập nhưng công cụ này phù hợp để kiểm soát rủi ro tín dụng trên thực tế, trong bối cảnh thị trường ngân hàng Việt Nam, vốn có đặc thù riêng và những yêu cầu rất khác biệt so với các nước, đặc biệt là các nước phát triển.

Khánh Nguyên ghi

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới