(KTSG) - “Đà Lạt bây giờ mưa về đâu/Mưa lên nỗi nhớ xa xôi nào/Người đi mang nắng về viễn xứ”... (thi ca của hòa thượng Thích Viên Như ở Đà Lạt). Không còn bụi dã quỳ nào nữa trên mấy cung đường ấy. Cũng chẳng còn bóng dáng chiếc xe ngựa nào. “Một thế giới” thanh bình và giao hòa đã ra đi mà không hẹn giờ với ai cả, nói chi đến cả cái phố núi này, với cái xứ hàn lâm, học thuật, giáo dục, thơ mộng, và tình yêu.
- Đề xuất đầu tư các dự án khẩn cấp trên quốc lộ 27C nối Nha Trang với Đà Lạt
- Đà Lạt sẽ sáp nhập thêm huyện Lạc Dương, mở rộng diện tích gấp bốn lần
![](https://cdn.thesaigontimes.vn/wp-content/uploads/2024/01/doiCu_ThanhNguyen.jpg)
“Người lạ”
Một “Ngã Năm Đại Học” đã hoàn toàn khác. Nó đã giống y chang Sài Gòn, giống đến độ nếu không vỗ vào vai nhau và bảo “đây đang ở Đà Lạt đó!” thì nhiều người nghĩ mình đang ở Sài Gòn.
Hai bên đường phố giờ định dạng là những dãy nhà liền kề, cứ như mỗi chủ nhà là một “kiến trúc sư”, “tự do buông thả”, kiến trúc loi nhoi cao thấp, trồi ra thụt vào, nhà với nhà sít nhau bằng một bức tường, nghĩa là không hở ra khe nào cho đất thở. Cái điều khác xa với đặc trưng của kiến phố Đà Lạt hôm nào là nhà với nhà luôn cách nhau xa, và bao giờ cũng từ tốn “lùi vào” so với vỉa hè - như để “né” bớt đường phố. Ngoại trừ khu “Thị” ở ba phường trung tâm phố, còn lại ở 13 phường, xã khác nhà dân cư phổ biến với khung cảnh luôn có những khoảng không rộng để kiến trúc - người - vật giao hòa, thảnh thơi, mà ở đó có cây hồng ăn trái, vạt hoa gì đó, đám lơghim, hay để rỗng vậy cho cây hoang nó góp sinh khí thanh bình.
Nhiều chỗ nhà dân ở dưới bóng cây thông, họ chung sống với ngàn thông. Thông hiện diện đầy trong lòng phố. Thì hôm nay phải thẫn thờ, bởi kiến trúc, vỉa hè, hàng quán, hình thức buôn bán, xe cộ, sự lao nhao, lồm chồm, tranh thủ, lấn chiếm, cơi nới, tận dụng tối đa... rất “nguyên xi” những con đường nào đó đặc trưng của Sài Gòn được chép lại. Rất hiện sinh và luôn lo lắng chuyện... “tiền”.
Càng giống Sài Gòn là càng khác hẳn “phẩm chất phố Đà Lạt” như em từng gắn bó và biết rất sâu. “Khác” trọn vẹn, cả gói, không chỉ ngay “Ngã Năm” mà mọi thứ hai bên trên năm con đường tỏa ra đó, kéo đến tận Thung lũng Tình yêu, chùa Linh Sơn, hướng đi về núi Langbiang, vườn hoa Bích Câu. Hình thái đô thị đã hóa thế. Thân thể Đà Lạt đã cày xới xong. “Đô thị con gái” trắng trong, “Nàng công chúa” mang tên Đà Lạt đã thành... đàn bà, thành người phụ nữ rất bình dân, rồi diêm dúa.
Ở các con đường này, chủ nhân trong những căn nhà thì giọng nói cũng “lạ” hơn những tháng năm trước lắm. Nó sang sảng, chói chát, vì chiếm số nhiều là dân nhập cư mới, giọng không nhẹ êm tình cảm như “người Đà Lạt”. Nơi đó, cũng không còn thấy ai trên tay luôn cầm cuộn len đan áo lạnh đặc trưng nữa, và bước chân của tha nhân cũng vội vã.
Vĩnh cửu và muôn thời, niềm tự hào về Đà Lạt là tự hào về... đẹp chứ không bao giờ về... to. Đà Lạt chỉ có một dự án duy nhất, quan trọng và có tính tử sinh với nó, mà mọi thứ “làm” phải hướng về, đó là: Thánh thiện, nhỏ tinh và giao hòa với thiên nhiên.
Tự dưng nhìn Đà Lạt mà như gặp “người lạ” ở đâu bê vào. Tự dưng “mặt tiền” và “đồng tiền”, lồ lộ. Hai thứ nham nhở đó vỗ ngay vào mặt cái “Ngã Năm” trí thức, không gian giáo dục đại chúng tiêu biểu nhất của Đà Lạt trí tuệ, thành phố thanh lịch sang cả vàng son ngày nào. Khi nơi dấu yêu nó như thế này lại càng khiến nhớ những mùa năm nó chưa như vậy. Những mùa nắng mưa của ba mươi năm trước, “thuở ấy có em”...
“Người thương”
Ta biết đến Ngã Năm trước mọi địa điểm khác của Đà Lạt. Vì ta “đỗ” xuống với buổi sáng đầu tiên tại đây, đến xứ này để kiếm tri thức (đi học) chứ không phải để trải nghiệm, du lịch. Mọi con đường từ đây tỏa ra đều lơ thơ nhà, đi vài trăm mét mới thấy một mái nhà chen thấp thoáng trong vườn, nó thưa thớt đến độ hai bên chủ yếu màu xanh. Vì vậy mà dã quỳ rực rỡ vàng khi mùa khô về.
Ô hay, ba cây thông trong không gian êm đềm của cái nhà nghỉ nho nhỏ cho sinh viên thuê ở đầu tiên xuất hiện tại khu vực Ngã Năm có tên Bích Khuê ấy. Một thứ thanh bình xa hoa gì đâu, như tiếng xe ngựa chở rau từ Đa Thiện ngang qua Ngã Năm này để ra chợ Đà Lạt.
Cái thần thái người dân ngồi trên xe kia dù ở xứ du lịch nhưng hình như họ chả để ý hay có ý thức gì về “tính” du lịch. Họ như coi du lịch chẳng liên quan. Trồng ra hoa, tạo ra lơghim, dồn hết bán cho Sài Gòn mới là ý nghĩa, mục tiêu, là sở thích, sự gần gũi của họ. Chính yếu đa phần người Đà Lạt buổi ấy sống bằng nghề trồng lơghim - rau, hoa, củ. Còn du lịch? Chỉ ở “cái lõi” kia thôi, lưu vực nhà cửa bên trên lưu vực hồ Xuân Hương, lân cận bưu điện thành phố, quanh khu Hòa Bình, chợ Đà Lạt, nơi các phường 1, 2, 3.
![](https://cdn.thesaigontimes.vn/wp-content/uploads/2024/01/Thanhphonaonhokhongem_.jpg)
Nơi Ngã Năm này, cái quán bún bò nức tiếng nhất và duy nhất “làm mưa gió” ở làng đại học là quán Công, vẫn còn đó, nhưng giờ nó phải “chiến” cùng hàng trăm quán bún khác. Nhớ nó thì như ta nhớ cà phê Hạnh, cà phê Dân, cà phê Chậm, cà phê Dốc, hay quán lẩu cá kèo không hề phân biệt thực khách là người Đà Lạt hay khách du lịch bởi tính tiền bằng nhau có tên “Kèo Dốc đá” nọ. Cái dư vị như “Một chiều nhạc ngựa về buông vó mềm” nơi cái con dốc kia trong thi phẩm Mùa đông thứ mười bảy của “em” thi sĩ ngày xưa Nguyễn Thị Hoàng.
Một Đà Lạt thanh lịch nhưng nhỏ bé không đủ sức chứa tất cả các em “ở lại”. Đây là nơi “sản xuất” ra tri thức chứ không phải nơi sản xuất ra “việc làm”. Các em ra đi. Ta thì ở lại, vì bị “nhiễm” tư tưởng phổ biến của người Đà Lạt: “Sống tự nhiên. Chẳng đặt nặng chuyện “tiền””. Nên họ đã không học bất cứ khía cạnh nào của lối sống Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng, Bangkok, New York, hay Tokyo. Cũng là một xứ sở “vô nhiễm” hoàn toàn với văn hóa Trung Hoa. Sức đề kháng của Đà Lạt rất tuyệt, êm ả mà bản lĩnh, dữ dội.
Đà Lạt mà, “như Tây”, thành phố cốt cách “Tây” - người Pháp lập trọn gói hoàn chỉnh, tiểu Paris ở châu Á, mục tiêu xã hội hướng vào hàn lâm, tinh tế và chuẩn mực, tử tế; rồi đất Hoàng triều cương thổ, và trước đó nữa Pháp từng chuẩn bị đặt thủ phủ của liên bang Đông Dương ở đây. Đà Lạt mà, cho đến những năm 1990s, đặc trưng “Ăn không vội. Đi không nhanh. Nói không hét” vẫn còn hiện hữu sừng sững ở mọi nơi, trong mọi người của thành phố này. Thành phố của “Thiện tri thức”. Cốt cách không đụng hàng của người Đà Lạt, giữa buổi thế gian đây đó đã lầy lội, nham nhở, thô thiển, tốc độ, diêm dúa, thủ thuật, chiêu trò, tâm trí luôn cháy đỏ âu lo và thực dụng.
Một Đà Lạt “mới toanh” đang hình thành. Nơi đây không còn gì bí ẩn nữa. Đừng ai bảo ta là “vệ sĩ của Đà Lạt” nữa. Vì ta đã bỏ bê nó rồi.
Tri thức thì ta không đo được, nhưng ta biết kẻ nào đến đây học khi ra đi cũng mang theo được một thứ cho cái bên trong của đời mình: sự lãng mạn. Nên, những quán nhạc, tiệm cà phê nơi này kể từ những mùa vắng em hồ như vẫn còn lảng vảng đâu đó hình bóng trắng trong của những trí thức trẻ đôi mươi. Cứ ngồi trên sân thượng của cái quán có tên mà vẻ như chủ quán từng rất lười đặt tên nên gọi nó là “Cà phê ABC” cho xong là nhớ về những tháng ngày thơ mộng.
Nhìn xuống Đồi Cù có cái hồ Tổng Lệ nằm giữa lòng nó được che kín bởi đầy cây thông nhỏ và ngọn non trồi lên như “thắp nến” mà lòng kẻ trần trụi lang bạt khinh đời này như muốn rưng rưng. Bên kia Đồi Cù phía xa xa là trường Lycée Yersin - mang tên người khám phá ra Đà Lạt và đề xuất xây dựng thành phố ở đây, với kiến trúc hình ngòi bút vươn lên trời.
Quay lại góc trái dưới kia, chợt ta giật mình với những mảng cỏ “quý phái” để người ta đánh golf trên Đồi Cù mà thoáng cười vì nghĩ biết đâu dưới đấy vẫn còn gốc hay “con cháu” của những cây cỏ mình tham gia trồng dạo nào - đi trồng thuê cùng nhiều cô bác Đà Lạt khác khi ngọn Đồi Cù được phục hồi lại bằng một dự án do Larry Hillblom (doanh nhân người Mỹ, người đẻ ra DHL - dịch vụ chuyển phát nhanh toàn cầu) đầu tư thực hiện, kể từ độ bỏ hoang khi vị hoàng đế cuối cùng Bảo Đại và giới quý tộc cũ biến mất bởi những biến dịch lịch sử.
Những cung đường quanh cái Ngã Năm này đã nhuộm thắm những mùa cũ thanh mảnh hiền khô của Đà Lạt, còn với riêng ta là có được một đoạn đời phiêu lãng, xa xỉ như chưa từng dự cuộc. Ta bảo nó là những mùa “sương xanh” của xứ sở này, màu sương thắm tươi, đẹp một cách bí ẩn, tự nhiên, thiết tha.
Các em, những “thần tiên vẫy cánh bay đi”, ta cứ như kẻ còn kẹt lại cuối cùng. Không “thoát” ra khỏi được. Đoạn tuyệt thế nào cũng lưu luyến, cứ muốn “mơ thêm một lần dang dở”. Khinh bạc thế nào cũng quay lại đó. Cà phê chỗ nào cũng không đủ ngọt, như đây. Rượu chỗ nào vẫn không đủ say, như chốn này. Ta vẫn còn nghe vang giọng em hát, hằn vào đâu đó trong các lề cỏ, tường vách hóa rêu ở đường Phù Đổng Thiên Vương, trong những chiếc ghế mộc mạc bằng gỗ ngo (thông) và trong sự lồng lộng của mùa mưa cùng sự da diết của mùa nắng dội xuống cái Ngã Năm này, cái thành phố cao nguyên này.
Lòng em phơi phới như tờ giấy mới, chẳng rành yêu, chưa nếm phong trần, từng trải nào cả, mà cứ hay nghêu ngao: “Thân em rồi hoang phế, lê theo thời gian giông gió. Thôi cũng đành cúi xuống”; “Có biết đâu niềm vui, đã nằm trong thiên tai/Những cánh dơi lẻ loi, buồn cho đến đêm dài”; “Ôm lòng đêm nhìn vầng trăng mới về/Nhớ chân giang hồ/Ôi phù du,... Đời người như gió qua”. Toàn những bản nhạc “không tên” vô hại của ông Vũ Thành An, và thêm tí ông Trịnh Công Sơn.
Tụi mình huyễn hoặc, lơ ngơ, bày đặt mơ mộng, “già” trước tuổi! Trước khi đến Đà Lạt mình không như thế. Ôi những mùa sương xanh, mưa hồng và nắng lạnh, những ngày “Theo em xuống phố trưa nay, đang còn nhức mỏi cơn say” (ca từ Lê Uyên Phương). Thành phố du lịch danh tiếng, nghĩa là nó thuộc của chung mọi “tình nhân”, nhưng điều hay là ai cũng có những “khoảng trời cảm giác” riêng, theo kiểu nào đó, khi đến đây. “Đà Lạt”, giữa ta và “nàng”: “Ta cứ ngỡ xuống trần chơi một chốc/Nào ngờ đâu ở mãi đến hôm nay” (thơ của ông Bùi Giáng).
Cái thời Đà Lạt sinh ra là để cho thi ca, cho âm nhạc, cho nhân lành, cho những giấc mơ, những lạc quan, sự cao thượng, hẹn hò, và nhỏ nhắn, chứ không phải cho những “sô”, “chậu”, hoành tráng, chồm ra, tranh thủ, dự án, rình mò, mưu kế, rắp tâm, tận thu.
“Người dữ... dội”
Vĩnh cửu và muôn thời, niềm tự hào về Đà Lạt là tự hào về... đẹp chứ không bao giờ về... to. Đà Lạt chỉ có một dự án duy nhất, quan trọng và có tính tử sinh với nó, mà mọi thứ “làm” phải hướng về, đó là: Thánh thiện, nhỏ tinh và giao hòa với thiên nhiên.
Bây giờ đã là mùa nắng về rồi, khi mùa mưa đã “bàn giao” xong. Ta thì đã bỏ Đà Lạt mà đi bụi đời kể từ độ thấy sự dữ dội từ làn sóng cao ốc xuất hiện khắp nơi. Nó như “người dữ”. Nó đè lên ngọn thông, trên đầu trên cổ, trên linh hồn Đà Lạt, và nguyên lý “Nhà cửa, công trình không vượt quá ngọn thông” đã gần như bị “xé bỏ” mà không cần tuyên bố. Xé bỏ nó là xé bỏ phẩm chất “Tây”, dù nó là sự thật một phần lịch sử ngang trái và may - rủi trên cao nguyên Langbiang, trên đất nước này, như đâu đó xem nhẹ hoặc thâm ý dần dần, dần dà “làm phai” đi, “chối từ”.
Cho dù người ta không thể công khai phủ nhận (thậm chí người ta còn đang đề nghị nó được phong là “thành phố di sản”), nhưng hiện thực diễn ra tơi bời thiên nhiên, và lả chả rụng rơi di sản đô thị xuyên nhiều thập niên khiến mọi người có trí tri ắt tự cảm thấy ra những sự thật căn bản.
Một Đà Lạt “mới toanh” đang hình thành. Nơi đây không còn gì bí ẩn nữa. Đừng ai bảo ta là “vệ sĩ của Đà Lạt” nữa. Vì ta đã bỏ bê nó rồi. Có lúc người ta ngang ngược rọc sạch cành một cây thông vô danh khiến ta thương xót, lên tiếng; nhưng đến khi người ta có thể “hợp pháp” hạ sát hết cánh rừng thông này đến cánh rừng thông kia để cất biệt thự, khách sạn, sân golf, cùng lúc cho biệt thự Pháp cổ quý giá rơi thành những đống xà bần thì ta biết phải làm sao.
Chao ôi, đến cái biểu tượng “lâu đài thiêng thiên nhiên” nhất của Đà Lạt là Đồi Cù nằm ngay góc Ngã Năm này mà giờ người đời còn cho xây dựng hệ thống lưu trú và nhà hàng quy mô trên đó kìa - vị trí bất kiến tạo mà mọi bản quy hoạch từ xưa đến giờ cho tương lai Đà Lạt đều không cho phép. Ai cũng biết thành phố nhỏ bé này đã có đến vài ngàn khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ, homestay, và bội thực nó. Miệng thiên hạ tự hào về Đà Lạt và cuộc sống người ta “sống được” nhờ những giá trị độc đáo tử tế riêng có đó của xứ sở, nhưng ứng xử thực tế thì bạo liệt, ngược lại.
Ta ôm Đà Lạt vào lòng như ôm “xác” của một thành phố xa xăm. Rồi thì ta “bỏ đi” thôi. Lâu lâu ta có quay về. Nhưng ta cũng không sang Ngã Năm nữa. Cái Ngã Năm hiểu nó nhất này mà ta còn không “cứu” được thì làm sao với những địa bàn, khu, cụm, đường phố, ngọn đồi, ao hồ, con suối, thác nước, thung lũng, cánh rừng thông hay cả một phố xứ được. Và, khi các em bảo kẻ “không rời đi” này hãy kể về những vết tích của nó thì ta biết kể làm sao. Ta không thể “ngỡ ngàng” mãi. Ngỡ ngàng, kiểu như sau dịch Covid-19 kia, ta bước ra đường, và thấy đèn giao thông xanh đỏ bỗng xuất hiện ở Ngã Năm. “Tin” mang tính lịch sử với Đà Lạt, nhưng truyền thông nhật trình thì không “thấy”. Đà Lạt trở nên “bình thường” như bao thành phố khác trên đất nước.
Dễ thôi, ta sẽ thích ứng, sống tưng bừng với “cái xác” ấy. Và kể từ đây, ta sẽ nói về Đà Lạt với tư chất nó là đô thị hoành tráng, với những... đại lộ, chọc trời, hiện đại, rực rỡ, bình dân, xôm tụ, xả xú páp, “chơi” ngang ngửa với mọi thành phố trên đất nước này trong cuộc marathon có tên gọi là “tăng trưởng”, tăng trưởng theo kiểu hoan lạc, ngông nghênh, hủy diệt, và “lạ” này, chứ không phải “Thành phố nào nhớ không em, nơi chúng mình tìm phút êm đềm/Thành phố nào nằm nghe khói tỏa, đường quanh co quyện dưới chân đồi/Người lưa thưa...” (Lam Phương viết trong một bản nhạc của ông).
“Tôi sẽ tiếc thương trần gian mãi mãi/Vì nơi đây tôi sống đủ vui sầu” (Bùi Giáng).
Ngày xưa Đà Lạt đẹp và thơ với hồ Xuân Hương và ngàn thông reo.và con người thanh lịch .
Ngày nay Đà Lạt mất nhiều bản sắc , vắng bóng thông reo và thông buồn và già nhanh hơn do con người tàn phá thiên nhiên
Đang có dự định một ngày gần thôi sẽ quay về đà lạt tìm lại một thời sinh viên, nhưng khi đọc xong bài viết này lòng đã nguội. Còn đâu nữa mà tìm