Thứ ba, 24/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Mùa chim di trú quay trở lại

Lê Phú Cường

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Xuân) - Mọi việc bắt đầu từ cơn gió bấc. Gió len lỏi vào sân vườn, khẽ rung những cái chuông gió bằng sự ẩn mình như một bàn tay vô hình đùa cợt, làm tất cả mọi thứ giật mình: sắp đến Tết rồi?!

Bài báo xuân đã viết từ hồi chưa bấc, vậy mà bây giờ loay hoay sợ không kịp bài cho số báo đặc biệt này. Mùa này đủ thứ trên đời dội vào những trái tim đa cảm thứ cảm xúc tưng bừng của sự chuyển mùa đặc biệt nên ai cũng tranh thủ làm một tác phẩm thật sáng tạo mà những ngày bình thường thiên nhiên ít khi trợ giúp. Gió qua mau, thời gian qua nhanh còn hơn gió. Người ly hương giật mình đặt vé máy bay, xe lửa hay quyết định một phương tiện nào đó để về thăm quê. Nay đường sá rộng hơn, chuyến bay nhiều hơn nên nỗi lo đi lại dịp Tết cũng vơi đi ít nhiều. Mọi người tập trung lo cho công việc cuối năm và mua sắm Tết.

Người nhẩm tính đã mười năm xa quê, người bảo “ái chà” tôi hai mươi năm rồi, còn người nói lúc tôi ra đi khi... râu còn chưa mọc mà giờ tóc đã bạc rồi. Ôi mấy mươi năm, biết bao nhiêu là dâu bể!

Lìa quê xa xứ, mỗi người có một lý do riêng. Người trẻ ham vui, đi theo bè bạn hoặc lòng nhiều tham vọng đi tìm cơ hội ở nơi có nhiều điều kiện và thử thách hơn; người ra đi vì thời cuộc, không còn đường ở lại hoặc không ra đi thì vô phương cứu vớt thanh danh. Trẻ con vô tư chẳng biết gì, tung tăng theo người lớn trong những chuyến đi định mệnh.

Người lớn ra đi mang theo nhiều nỗi lo, tìm cách sắp xếp cuộc sống mới theo cách tốt đẹp nhất; tuổi trẻ vô tư tận hưởng những tiện ích và điều kiện học hành, môi trường sống thuận lợi mà mạnh mẽ lớn lên như con giống gặp môi trường sống tốt. Hai mươi năm sau trở lại xóm làng xưa, bồi hồi rưng rưng nhìn nơi ấu thơ của mình vẫn không thay đổi bao nhiêu. Quê mình còn quá khó khăn và tụt hậu. Ở đó, từng lớp từng lớp thanh niên lại lũ lượt rời quê lên các thành phố lớn, nhưng họ ra đi muộn màng hơn khi đã qua lứa tuổi học hành để làm một cuộc mưu sinh đầy nhọc nhằn bằng sự thâm dụng lao động chi phí thấp trong các khu công nghiệp. Họ làm công nhân!

Và khi cuộc viếng thăm rời khỏi những thân bằng quyến thuộc lớn tuổi sang những khu vườn hương quả, nơi có những người rất đỗi thân yêu đang yên nghỉ, thì sự bồi hồi xúc động đã tràn ngập không gian và len vào sâu thẳm lòng trắc ẩn của người xa quê. Lúc yên tĩnh nhất đó chợt nảy ra câu hỏi, chúng ta đã bôn ba cho ý nghĩa gì trong gần suốt quãng đời và đã làm được gì cho quê hương, cho những người mình thương yêu nhất?

Những cuộc di dân thời bình mang tính bị động chỉ đỡ hơn những cuộc tị nạn chiến tranh hoặc những làn sóng di dân xuyên quốc gia, xuyên đại dương tìm miền đất hứa khi người di cư bỏ lại tất cả phía sau lưng. Những chuyến đi ấy đầy ám ảnh trong cuộc hành trình đối mặt với những con sóng dữ, những trận cuồng phong trên mặt biển hay những hàng rào dây kẽm gai dọc theo biên giới vào các nước phát triển. Những con người bất hạnh chạy trốn sự khắc nghiệt nơi họ sinh ra.

Cuộc trở về của những người đi nhập cư là ồn ào và xôn xao nhất, cả trên không và dưới đất. Bằng sự thấu hiểu tận đáy lòng những khốn khó của người ở quê, những lần trở về đầu tiên họ mang theo về bất cứ thứ gì có thể, từ chiếc áo đến chai dầu gội hoặc trà rượu bánh mứt, đặc sản theo mùa. Hành lý của người về quê vì thế cồng kềnh lắm, mong nhà xe thấu hiểu!

Rồi lần hồi những chuyến về quê sau đó sẽ đậm đà hơn. Không mang theo con cá nữa, người có điều kiện đã nghĩ đến việc mang về cần câu cho quê nhà. Góp một ít vốn để giúp người ở quê làm ăn, hay xây vài cây cầu, một ngôi trường học. Xây nhà máy và khu công nghiệp. Khi những thứ ấy mọc lên, lòng người về quê sẽ vui hơn và không còn ngượng ngùng tự vấn mình đã làm gì.

Sau bao nhiêu lớp người lần lượt ra đi, dù người ở lại quê không còn đông đúc như hồi các tỉnh miền Đông Nam bộ chưa xây dựng nhiều khu công nghiệp, nhưng dù ít dù nhiều, lòng người quê luôn rộng mở. Suốt một năm trường, họ chỉ ngóng đợi sự sum vầy ba ngày Tết. Tất cả vật chất và tinh thần được dồn hết cho những ngày này. Những người đi xa như những bầy chim di trú mà gió bấc làm trỗi dậy mãnh liệt trong tiềm thức nỗi nhớ chốn xưa.

Dù kiếm ăn ở đâu, chim cũng bay về miền ấm áp để trú đông. Người rời quê nào chẳng muốn quay về cho kịp tiết xuân, để phục hồi năng lượng và làm dồi dào niềm tin yêu cuộc sống bởi sự trong lành của đất trời và của lòng người. Về đốt lên bếp lửa mùa xuân trong tưng bừng sum họp!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới