Thứ ba, 14/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Xây dựng hệ sinh thái văn hóa doanh nghiệp – ‘Nói là làm’

Quốc Học

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(XUÂN KTSG) - Trao đổi với Kinh tế Sài Gòn, chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương (*) cho rằng văn hóa doanh nghiệp là vấn đề cốt lõi, quyết định vị thế của doanh nghiệp Việt Nam trong mắt đối tác nước ngoài, quyết định thương hiệu quốc gia, niềm tin hợp tác đầu tư... Dù vậy, theo ông, không có cái gọi là văn hóa doanh nghiệp Việt Nam nói riêng, mà phải xây dựng văn hóa doanh nghiệp theo chuẩn chung toàn cầu.

Luật chơi... văn hóa doanh nghiệp

KTSG: Xin bắt đầu câu chuyện từ khái niệm văn hóa và văn hóa doanh nghiệp, thưa ông...

- Ông Trần Sĩ Chương: Nói chung có hai loại văn hóa. Một là văn hóa công (public culture), hai là văn hóa riêng (private culture). Văn hóa công là nếp sống chung mà mọi người trong một tổ chức hay một hoạt động nào đó phải tuân thủ. Còn văn hóa riêng phụ thuộc vào đặc thù tính cách của một dân tộc, một địa phương thì chỉ liên quan đến những nhóm người đặc thù đó.

Thời đại hội nhập, làm việc, làm ăn với nhau thì phải tuân thủ văn hóa công. Ở bất cứ đâu trên thế giới đều thể hiện chuyện này hết sức rõ ràng. Trong môi trường làm việc, đi làm thì phải đúng giờ, đi họp thì phải chuẩn bị nội dung trình bày chu đáo, dễ hiểu, dù mình là người Mỹ, Hàn, Ấn hay Việt. Không thể nói vì mình là người Việt Nam nên mình “khác người”. Còn khi nói đến văn hóa doanh nghiệp là nói đến chuẩn quốc tế, chuẩn toàn cầu mà mình phải tuân theo để mình đạt đến đẳng cấp nào đó.

Vì đa số doanh nghiệp mình chưa ý thức đầy đủ được chuyện này và vì nhiều hoàn cảnh khác nhau nên chưa đạt được chuẩn văn hóa chung khi làm việc với bên ngoài nên bị cho đứng ngoài rìa của nhiều cuộc chơi, do mình chưa thạo luật chơi và chưa chuẩn chỉnh cách tuân thủ luật chơi. Khi đi thi đấu quốc tế thì chỉ có một luật chơi thôi, phải tuân thủ nếu không sẽ bị thổi phạt.

KTSG: Theo ông, luật chơi... văn hóa doanh nghiệp hiện nay là gì?

- Cái luật chơi chung đó cực kỳ đơn giản. Có thể tóm lược trong hai chuyện mà thôi. Một là tuân thủ pháp luật, để khi người ta chơi với mình người ta không bị rủi ro pháp luật, vì chuyện rủi ro của mình ảnh hưởng lây tới họ. Đó là chuyện cơ bản nhất. Chuyện thứ hai, mình phải có khả năng làm được những gì đã hứa. Khả năng này gồm hai vế: một là sự thành tâm, cam kết của mình - mình thật sự muốn làm những gì đã hứa; hai là năng lực tự thân và môi trường mình đang kinh doanh có cho phép mình làm được những gì đã hứa hay không.

Đa số doanh nghiệp trong nước chưa đạt được chuẩn văn hóa doanh nghiệp toàn cầu, mà cái chuẩn đó là cái chuẩn bất di bất dịch, phải có thành tâm và làm được chuyện gì mình hứa dựa trên khả năng của mình và hệ thống môi trường kinh doanh trong nước cho phép thực hiện điều đã hứa.

Đối tác nước ngoài làm việc với doanh nghiệp trong nước họ thường không có được sự yên tâm là họ có thể tiên liệu được với xác suất cao kết quả hợp tác kinh doanh như kỳ vọng. Điều này giải thích vì sao khi người ta vào chơi với mình, người ta thường chọn chơi trò chơi đơn giản nhất có thể, là gia công, chỉ thuê lao động thôi. Vì, thứ nhất, họ tin người lao động khi đi làm với một cái giá (lương) tối thiểu đó để kiếm sống thì người lao động thành tâm trong công việc. Kỹ năng mà họ kỳ vọng ở người lao động cũng thấp. Thứ hai, người lao động đã vào trong hệ thống, chắc cũng không làm gì phạm luật cả. Nên tính tiên liệu của họ với người lao động cao!

Trong khi đó, nếu làm việc với một người chủ doanh nghiệp Việt Nam, họ khó tiên liệu được cuộc chơi, không an tâm, họ không đặt hết niềm tin.

KTSG: Thế vì sao doanh nghiệp, doanh nhân trong nước chưa có được độ tin cậy cao với đối tác nước ngoài?

- Tôi không tin là doanh nghiệp, hay doanh nhân người Mỹ, người Pháp, người Ý, người Nhật Bản hay người Singapore đạo đức hơn người Việt Nam. Ở đây mình cũng không nói chuyện đạo đức, mà chỉ có chuyện cam kết làm đúng những gì đã hứa để tạo lòng tin. Lòng tin là giá trị cốt lõi và là giá trị quyết định trong kinh doanh! Khi làm ăn đa số ai cũng thành tâm muốn làm cho được việc để giữ quan hệ lâu dài, nhưng vì môi trường kinh doanh của Việt Nam còn ít nhiều rủi ro, làm cho doanh nghiệp, doanh nhân trong nước còn nhiều tình huống khó cam kết rõ ràng với đối tác, ảnh hưởng đến quá trình hợp tác phát triển của doanh nghiệp.

Xây dựng hệ sinh thái văn hóa doanh nghiệp

KTSG: Lòng tin trong kinh doanh không thể tách rời khỏi lòng tin trong xã hội nói chung và việc xây dựng nó cũng vậy, thưa ông?

- Trong kinh tế phát triển cũng như trong chính trị học có cái gọi là “vốn xã hội”. Một đất nước không có vị trí địa lý thuận lợi, không nhờ tài nguyên dồi dào..., nhưng nếu có vốn xã hội thì vẫn có thể phát triển tốt. Ngược lại, nếu có tất cả những điều kiện thuận lợi đó mà không có vốn xã hội thì không cách gì phát triển được. Vốn xã hội là yếu tố nội lực quyết định sự thành công trong phát triển đất nước.

Vì người ta không biết tin mình được ở mức nào, thành thử người ta quyết định tin ở mức thấp nhất và ít rủi ro nhất cho người ta, bằng cách gia công, với giá trị gia tăng thấp nhất cho mình.

Vốn xã hội là gì? Là lòng tin (mức độ lòng tin) giữa con người và con người, giữa con người và hệ thống. Có thể thấy qua ví dụ về năm “con rồng” kinh tế châu Á, từ Nhật Bản, Hàn Quốc tới Singapore, Hồng Kông, Đài Loan. Những nền kinh tế này do hoàn cảnh lịch sử hầu như đều xuất phát từ zero, nhưng nhờ có được vốn xã hội, được cấu thành bởi một là giá trị văn hóa truyền thống, hai là hệ thống pháp trị công minh, nên đã thành công.

Singapore những ngày đầu lập quốc vào năm 1965 đã từng rất lộn xộn, chia rẽ vì có nhiều dân tộc, tôn giáo khác nhau, nhưng nhờ người lãnh đạo như ông Lý Quang Diệu mà được như ngày nay. Ông bắt đầu xây dựng văn hóa quốc gia và quản lý đất nước chỉ bằng một câu: “Các doanh nhân là xương sống quốc gia. Đất nước chỉ cần các anh một chuyện, đó là “Nói là làm””. Quan chức cũng vậy, dần dần đã tạo ra nếp sống, tạo ra lòng tin, và sau cùng là tạo ra vốn xã hội lớn. Singapore trong nhiều năm có năng suất lao động và thu nhập đầu người trong nhóm cao nhất thế giới. Câu nói của ông Lý Quang Diệu đã quyết định tư duy (mindset) của người Singapore nên đa số doanh nhân Singapore đi đâu cũng được tin, nói được làm được, và đã đóng góp rất nhiều vào quá trình xây dựng đất nước.

Việt Nam cũng được kỳ vọng nhiều nhưng chưa phát triển nhanh vì vốn xã hội của mình còn thấp, phải nhìn nhận chuyện này.

Lấy ví dụ về lòng tin trong kinh doanh. Người trong nước làm ăn với nhau còn khó tin nhau. Không tin thì không giao. Bởi vậy, đa số các công ty thuộc loại lớn trong nước còn chưa mạnh dạn xây dựng một hệ thống quản trị kỷ cương, để có thể giao phần quản lý hàng ngày cho những người chuyên nghiệp.

Làm sao để xây dựng vốn xã hội đó? Nó gồm sự thành tâm của người chủ doanh nghiệp. Thành tâm không phải chỉ đối với đối tác, mà phải thành tâm với nhân viên, với cộng đồng xung quanh nữa. Như vậy mới có được lòng tin của xã hội trong nước, cho phép họ dựa vào đó để xây dựng năng lực để đi ra biển lớn. Rồi khi đi ra biển lớn thì cũng vậy, phải mua (có) được lòng tin của người khác để người ta trả cho mình một giá trị tương xứng.

KTSG: Theo ý ông thì việc xây dựng lòng tin, xây dựng văn hóa doanh nghiệp được quyết định bởi người chủ doanh nghiệp?

- Cũng như trong gia đình, văn hóa quyết định bởi người cha, người mẹ. Người chủ doanh nghiệp là người tương đối có quyền quyết tất cả. Người chủ là người tạo lòng tin để nhân viên nỗ lực, họ phải tin vào người chủ, tin vào sứ mệnh của người chủ, tin vào những lời hứa của người chủ với mình và xung quanh thì mới hết lòng với doanh nghiệp. Và nhà đầu tư, cộng đồng xã hội mới tin là người chủ đàng hoàng, biết giữ lời, cung cấp sản phẩm, dịch vụ có giá trị xứng với cái giá bán.

Trách nhiệm xây dựng văn hóa doanh nghiệp phải ở người chủ doanh nghiệp. Mà người chủ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi môi trường kinh doanh. Doanh nghiệp có tin vào môi trường kinh doanh, có thấy môi trường kinh doanh ít rủi ro thì mới dám mạnh dạn đầu tư, mới dám mạnh dạn cam kết và thực hiện được cam kết, mới tạo được niềm tin cao hơn, mới tạo ra giá trị gia tăng cao hơn, mới trả tiền công cho người lao động tốt hơn, thì năng suất lao động mới tăng, dân mới giàu, nước mới mạnh...

KTSG: Như vậy thì việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp... không thể chỉ tự thân người chủ doanh nghiệp thành tâm mà được, nó còn phụ thuộc vào môi trường kinh doanh - tức phụ thuộc Nhà nước, cơ quan quản lý nhà nước?

- Mình chưa đạt được chuẩn văn hóa doanh nghiệp của thế giới, mà cái chuẩn đó là cái chuẩn bất di bất dịch, phải có thành tâm và phải có khả năng làm được chuyện gì mình hứa dựa trên khả năng của mình và hệ thống môi trường kinh doanh trong nước cho phép thực hiện điều đã hứa.

Bất cứ ai, ở đâu, làm gì cũng chịu sự ảnh hưởng của hệ sinh thái. Hạt giống tốt mà rớt vào chỗ thổ nhưỡng không tốt thì không cách gì nó mọc được, có tưới nước, bón phân thì nó cũng èo uột. Trong hệ sinh thái chung, việc của Nhà nước là đảm bảo cho doanh nghiệp tính tiên liệu. Ví dụ, doanh nghiệp muốn xin giấy phép này thì bao nhiêu ngày phải xong, phải rất rõ ràng.

Trở lại vai trò của Nhà nước, vai trò quyết định chứ! Như đã nói, các nhà đầu tư trong nước khi họ chưa tin vào hệ sinh thái trong nước thì họ không dám mạnh dạn đầu tư, không dám cam kết làm ăn với đối tác theo năng lực có thể có của họ...

Lúc tôi mới về nước, năm 1997, đã cùng một giáo sư người Mỹ (GS. James Riedel từ Đại học Johns Hopkins) nghiên cứu và viết báo cáo đầu tiên cho Ngân hàng Thế giới về thành phần kinh tế tư nhân Việt Nam, khảo sát các doanh nghiệp tư nhân trong nước, nêu ra những khó khăn, trở ngại trong việc phát triển doanh nghiệp tư nhân. 20 năm sau, năm 2017, anh Đậu Anh Tuấn, ở bộ phận Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), viết bài báo “20 năm, đọc lại một báo cáo về kinh tế tư nhân”, cho biết 70% khó khăn, trở ngại nêu ra hồi đó vẫn còn tồn tại. Nhưng vấn đề không phải là 70% hay 50%, mà vấn đề là phải đặt cái mức nào đó đạt đủ độ “minh bạch và tính cam kết” phát triển tối thiểu để người khác có lòng tin vào mình.

Vì sao sau bao nhiêu năm vẫn chưa làm được việc này? Vì hệ thống hành chính vẫn còn chồng chéo, phức tạp, sợ không dám làm. Một địa phương - trung tâm kinh tế lớn của khu vực như TPHCM mà trong vòng sáu tháng đã phải gửi tới hơn 500 văn bản hỏi các bộ, ngành trung ương về việc áp dụng các quy định, thì thử nghĩ doanh nghiệp trong nước làm ăn như thế nào? Nhà đầu tư nước ngoài muốn vào làm ăn, doanh nghiệp trong nước hứa được cái gì với người ta?

Vì người ta không biết tin mình được ở mức nào, thành thử người ta quyết định tin ở mức thấp nhất và ít rủi ro nhất cho người ta.

KTSG: Câu hỏi cuối, trong rất nhiều vấn đề phát triển đất nước hiện nay, vì sao ông lại quan tâm đến vấn đề xây dựng văn hóa doanh nghiệp?

- Nếu các trụ cột phát triển đất nước là chính trị - kinh tế - xã hội và văn hóa, thì văn hóa là phần hồn, là yếu tố then chốt quyết định. Peter Drucker, cha đẻ của những thuyết quản trị kinh doanh kinh điển nhất của Mỹ từng nói, “Doanh nghiệp cần có hệ thống quản trị, chiến lược xuyên suốt là điều kiện cần để phát triển doanh nghiệp, nhưng điều kiện đủ là văn hóa. Văn hóa như cái gốc, quản trị và chiến lược như các nhánh cây”.

Hệ thống quản trị đảm bảo tính kỷ cương của bộ máy và chiến lược đảm bảo mình có định hướng phát triển và khả năng đi được đến điểm mình muốn đến. Nếu không có cái gốc văn hóa tốt thì dù có quản trị tốt, có chiến lược tốt các nhánh cây cũng èo uột rồi có khi bật gốc hồi nào không hay.

Mặc dù Việt Nam đang phải chịu ảnh hưởng chung của kinh tế toàn cầu trong giai đoạn cực kỳ khó khăn hiện nay, nhưng Việt Nam cũng đang đứng trước một vận hội mới với rất nhiều điều kiện thuận lợi hiếm có trong lịch sử của bất cứ nước nào. Vấn đề còn lại là chúng ta có thể cùng nhau quyết tâm xây dựng nội lực để nắm bắt được những cơ hội lịch sử có thể không có lần thứ 2 này hay không. Làm sao để doanh nghiệp trong nước có thể tự tin xây dựng được một văn hóa chuẩn quốc tế, để “được tin” thì đó sẽ là một cái “vốn xã hội”, một nội lực vô biên cho đất nước cất cánh, để được một thương hiệu quốc gia Việt Nam phát triển ổn định. Khi đó thì mình mới mong nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh.

(*) Ông Trần Sĩ Chương hiện là chuyên gia cố vấn chiến lược phát triển và quản trị doanh nghiệp, Sr. Partner Công ty tư vấn chiến lược 3Horizons (Anh Quốc). Ông từng là chuyên viên cố vấn kinh tế và ngân hàng cho Ủy ban Ngân hàng, Quốc hội Mỹ. Từ năm 1995 đến nay, ông thường xuyên làm việc tại Việt Nam và một số nước trong khu vực, tư vấn các định chế tài chính quốc tế và các doanh nghiệp trong và ngoài nước trong lĩnh vực kinh tế vĩ mô, quản trị và chiến lược phát triển doanh nghiệp.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới