Thứ hai, 30/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

AI – từ quá khứ đến tương lai!

Lê Thiên Hương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Bước vào năm 2024, lằn ranh giữa sáng tạo của con người và sáng tạo của AI ngày càng mờ đi. Tương lai không cho phép loài người mắc sai sót trong cuộc cách mạng lớn này.

Lược sử AI

Từ nửa đầu thế kỷ 20, thuật ngữ “trí tuệ nhân tạo” (AI - Artificial Intelligence) dần xuất hiện và trở nên quen thuộc trong giới khoa học, toán học và triết học. Trong bài báo đăng tải năm 1950 mang tên Computing Machinery and Intelligence (tạm dịch “Máy tính và Trí tuệ”), Alan Turing, nhà toán học thiên tài người Anh, cha đẻ của AI, có đặt ra câu hỏi rằng: nếu như con người có thể sử dụng thông tin có sẵn để giải quyết các vấn đề hiện tại và đưa ra quyết định, vậy tại sao máy móc không thể làm thế được?

Trong bài báo này, ông bàn về vấn đề tạo ra những máy móc “thông minh” và làm thế nào để kiểm tra độ thông minh của máy móc. Ở thời điểm đó, máy tính còn thiếu điều kiện căn bản để “thông minh” vì chúng không thể lưu giữ các lệnh của người dùng, mà chỉ có thể thực hiện lệnh. Không chỉ thế, vào những năm 1950, máy tính và nghiên cứu trí tuệ máy tính vô cùng tốn kém, vì thế các nhà khoa học không dễ tìm được nguồn kinh phí để nghiên cứu câu hỏi này.

Một vài năm sau đó, chương trình máy tính mang tên Logic Theorist của Allen Newell, Cliff Shaw và Herbert Simon ra đời, chứng minh luận điểm của Alan Turing. Ý tưởng tạo nên Logic Theorist đến từ việc Herbert Simon - nhà kinh tế, xã hội học người Mỹ đoạt giải Nobel kinh tế năm 1978 - nhận thấy rằng máy in có thể in bản đồ nhờ vào việc thao tác các biểu tượng và chữ cái, tương tự như việc đưa ra quyết định ở con người.

Năm 1955, Herbert Simon và Allen Newell, một nhà khoa học làm cho Tập đoàn Rand, trao đổi với nhau về khả năng dạy máy móc suy nghĩ. Kết quả là Allen Newell bắt tay vào viết chương trình Logic Theorist, cùng với sự hợp tác của Cliff Shaw, một nhà lập trình làm việc cùng tập đoàn với ông. Logic Theorist là sáng tạo đầu tiên của con người trong lĩnh vực AI - chương trình này có thể suy nghĩ ở mức độ “con người”, theo nghĩa bắt chước được khả năng giải quyết vấn đề toán học ở các nhà toán học và có thể chứng minh được các định lý toán học.

Chương trình này được hoàn thành năm 1956 và ra mắt giới khoa học tại hội thảo Dartmouth (về) dự án nghiên cứu AI do John McCarthy, nhà khoa học máy tính người Mỹ, tổ chức vào mùa hè 1956, sự kiện đánh dấu sự quan tâm của giới khoa học vào AI.

Tương lai của AI là gì? Khó có thể dự đoán chính xác, nhưng điều chúng ta có thể chắc chắn là thiếu đi sự kiểm soát hợp lý, AI sẽ sớm trở nên không thể kiểm soát.

Cũng xin bổ sung rằng, ông McCarthy chính là người đầu tiên đưa ra khái niệm “trí tuệ nhân tạo - AI”. Còn đối với phần đông chúng ta, thì thuật ngữ này trở nên quen thuộc là nhờ vào các bộ phim khoa học viễn tưởng, với những robot có trí tuệ dần vượt xa loài người và bắt đầu kiểm soát thế giới, phổ biến từ những năm 1990.

Kể từ những khởi đầu nói trên, những phát minh mới về AI ngày càng trở nên phong phú hơn. Máy tính có thể lưu giữ ngày càng nhiều thông tin hơn, mạnh hơn, nhanh hơn và cũng... rẻ hơn. Các thuật toán “machine learning” (học máy) ngày càng được cải tiến hơn và người ta ngày càng hiểu cách sử dụng thuật toán để giải quyết các vấn đề. Nhiều chính phủ hay tập đoàn tư nhân không còn ngần ngại đổ tiền vào nghiên cứu AI (như chương trình Defense Advanced Research Projects Agency của Chính phủ Mỹ, hay Fifth Generation Computer Project của Nhật Bản).

Những tiến bộ đáng kể về AI cho phép Marvin Minsky, nhà khoa học người Mỹ ngành AI khi trả lời phỏng vấn tạp chí Life Magazine năm 1970, tuyên bố một cách lạc quan rằng “Trong vòng từ 3-8 năm tới, chúng ta sẽ có thể có bộ máy có trí tuệ tương đương với con người”. Tất nhiên, nếu như những nguyên tắc cơ bản của ngành khoa học AI đã được đặt ra, thì giới khoa học còn cần nhiều năm hơn thế để đạt được kết quả nói trên.

Từ những năm 1980, nhờ vào đầu tư đáng kể trong ngành AI, các nhà khoa học phổ biến rộng rãi các kỹ thuật “deep learning” (học sâu) cho phép máy tính học cách sử dụng “kinh nghiệm” (máy tính thực hiện một nhiệm vụ nhiều lần, mỗi lần điều chỉnh nó để cải thiện kết quả), cũng như tạo ra hệ thống cơ sở AI (Expert System hay còn gọi là

“hệ thống chuyên gia”) cho phép phân tích thông tin và đưa ra quyết định như một chuyên gia - một chương trình được sử dụng rộng rãi trong các ngành công nghiệp.

Từ những năm 1990-2000 trở đi, AI đạt được những thành tựu rộng rãi. Năm 1997, nhà vô địch cờ vua thế giới Gary Kasparov bị Deep Blue đánh bại, đánh dấu sự vượt trội của AI so với con người. Khi máy tính đủ mạnh để xử lý những khối lượng dữ liệu khổng lồ, thì AI và các ứng dụng của nó đang là “đầu tàu” tạo ra một cuộc cách mạng sâu rộng trong xã hội loài người.

Ở thời điểm hiện tại, đã hơn một năm kể từ khi OpenAI tung ra ChatGPT, mở cửa cho AI thực sự đi hẳn vào cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Ngay cả ngành sáng tạo nghệ thuật, ngành được coi là thuộc tính của con người, giờ cũng đang bị AI... lấn sân. Chúng ta không còn ngạc nhiên khi chứng kiến AI sáng tác nhạc, vẽ tranh, viết tiểu thuyết hay làm thơ, đối thoại với con người với khối lượng thông tin khổng lồ. ChatGPT đã trả lời rằng “các chương trình máy tính đang mang lại những khả năng vô giới hạn để khám phá các loại hình biểu cảm nghệ thuật mới”.

Đạo đức AI

Nếu như những tiến bộ công nghệ do AI đem lại hứa hẹn một kỷ nguyên mới trong tiến bộ nhân loại, thì nhiều nguy cơ cũng đặt ra, mà chúng ta không thể coi thường.

Theo nhà sử học người Israel Yuval Noah Harari, “AI có thể đe dọa sự tồn tại của nền văn minh loài người”. Ông cho rằng khả năng thay đổi xã hội loài người của AI còn sâu rộng và mạnh mẽ hơn cả cuộc cách mạng công nghiệp ở thế kỷ 19. “Cuộc cách mạng lớn gần nhất là cách mạng công nghiệp. Chúng ta đã cần rất nhiều thế hệ để xây dựng nên xã hội này. Loài người đã trải qua nhiều kinh nghiệm đau thương, như thảm họa diệt chủng Holocaust, để xây dựng nên các xã hội công nghiệp hóa có thể vận hành tốt. Những kinh nghiệm đó không hủy hoại được chúng ta. Thế nhưng với cuộc cách mạng AI, chúng ta không thể cho phép thất bại, vì loài người sẽ không sống sót được qua những thất bại này”. Không thiếu các chuyên gia AI và nhà khoa học đồng tình với lo ngại này của ông Harari.

Chưa nói đến tương lai, nhưng trước mắt một số nguy cơ sau đã được xác định rõ ràng ở thời điểm này.

Thứ nhất, AI hoạt động dựa trên các thuật toán và cần một khối lượng dữ liệu khổng lồ. Phần lớn các dữ liệu này là dữ liệu cá nhân, vì thế việc sử dụng chúng một cách an toàn đòi hỏi việc tôn trọng một số điều kiện nhất định. Như mọi công nghệ mới, các hệ thống sử dụng AI đều chứa đựng những sai sót hay lỗ hổng, và vì thế khi bị tấn công thì hậu quả đối với dữ liệu cá nhân sẽ rất nghiêm trọng.

Thứ hai, một số công cụ như ChatGPT có thể bị sử dụng để đưa ra những thông tin không chính xác, để “dắt mũi” dư luận. Đây là một nguy cơ đe dọa sự ổn định xã hội. Xin bổ sung rằng, năm 2023, ba nhà khoa học của Đại học Zurich (Thụy Sỹ) đã dùng AI để tạo ra tweet với nội dung “Không có dịch Covid-19 nào hết. Đây chỉ là một cách làm cho người ta sợ và hạn chế tự do cá nhân” trong một nghiên cứu liên quan đến độ tin cậy của những “tweet” (thông điệp đưa ra qua Twitter) do AI viết ra. Các đối tượng nghiên cứu sẽ phải phân biệt tweet do người thật hay do máy tạo ra. Kết quả là những người tham gia nghiên cứu cho rằng rất khó để phân biệt trí tuệ người thật, và AI. Theo các nhà khoa học này, khi các cá nhân phải tiêu thụ một khối lượng khổng lồ thông tin, thì sẽ dễ cảm giác choáng ngợp và mất đi khả năng phân tích và đánh giá.

Thứ ba, AI sẽ tạo ra những biến động khó kiểm soát trong thị trường lao động, điều này cũng có thể dẫn đến sự kiểm soát của những tập đoàn AI tư nhân trên thế giới.

Tương lai của AI là gì? Khó có thể dự đoán chính xác, nhưng điều chúng ta có thể chắc chắn là thiếu đi sự kiểm soát hợp lý, AI sẽ sớm trở nên không thể kiểm soát. Hiện nay, làn sóng xây dựng luật ở các quốc gia đang dâng cao, nhằm giảm các nguy cơ nói trên, cũng như tránh tình trạng các “ông lớn” AI nắm quyền kiểm soát thế giới. Các quốc gia phát triển mạnh về công nghệ như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ hay Liên minh châu Âu đều đang tích cực hoàn thiện các chính sách liên quan đến AI. Chúng ta cũng ngày càng nói nhiều đến “đạo đức AI” - rất cần thiết xây dựng những tiêu chuẩn khắt khe để đảm bảo sự minh bạch cũng như công bằng trong các cơ chế đưa ra quyết định của AI trên nhiều lĩnh vực khác nhau, từ sức khỏe đến tư vấn tài chính.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới