(KTSG Online) – Đồng đô la Mỹ bất ngờ tăng giá mạnh mẽ trong hai tuần đầu năm, khiến giới đầu tư lo ngại các nền kinh tế châu Á sẽ tiến hành các động thái can thiệp thị trường ngoại hối để bảo vệ giá trị nội tệ của họ.
- Nhật Bản lần đầu tiên can thiệp ngoại hối kể từ năm 1998 để ‘cứu’ đồng yen
- Triển vọng các đồng tiền chủ chốt trong năm 2024
Trong tuần này, Ngân hàng trung ương của chính quyền Đài Loan (CBC) đưa ra thông báo hiếm hoi để trấn an nhà đầu tư sau khi các quỹ toàn cầu bán cổ phiếu của công ty trên hòn đảo với quy mô lớn kể từ tháng 6-2023. Hôm 17-1, chỉ số chứng khoán Taiex của Đài Loan có lúc giảm đến 1%, về mức thấp nhất kể từ tháng 11.
Cổ phiếu ở Đài Loan bị bán tháo giữa lúc giá đô la Đài Loan (TWD) giảm mạnh một phần do đồng bạc xanh tăng giá sau bình luận của ông Christopher Waller, thành viên Hội đồng thống đốc của Cục Dữ trữ liên bang Mỹ (Fed), cảnh báo Fed không nên vội vàng giảm lãi suất cho đến khi bảo đảm lạm phát giảm bền vững về mức mục tiêu 2%.
CBC giải thích, sự mất giá gần đây của đồng TWD chỉ phản ánh xu hướng thị trường toàn cầu và nhấn mạnh rằng, nhìn chung tỷ giá hối đoái vẫn “tương đối ổn định”. CBD cho biết trong năm nay, đồng yen Nhậ Bản, đồng won Hàn Quốc và đồng baht Thái Lan đều mất giá nhiều hơn so với đồng tiền Đài Loan.
“Không có dấu hiệu nào cho thấy sự hoảng loạn từ các nhà đầu tư nước ngoài”, Eugene Tsai, người đứng đầu bộ phận ngoại hối của CBC, nói và giải tích thêm nhà đầu tư nước ngoài có thể đang chốt lời và thoái vốn, điều này đẩy giá TWD đi xuống, chứ không liên quan gì đến cuộc bầu cử người đứng đầu Đài Loan.
Trao đổi với Reuters, ba nguồn thạo tin xác nhận hôm 16-1, CBC đã bán đô la Mỹ để hỗ trợ giá TWD và ổn định thị trường.
Hôm 17-1, tại Hàn Quốc, một quan chức Hàn Quốc nói với báo chí rằng, đồng won đang quá yếu so với đô la Mỹ. Trong khi đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ đồng nhân dân tệ thông qua hoạt động ấn định tỷ giá tham chiếu của đồng tiền này hàng ngày trong tuần qua. Giờ đây, nhà đầu tư đang lo ngại Nhật Bản (BoJ) sẽ hành động can thiệp ngoại hối để vực dậy đồng yen.
“Rủi ro can thiệp nhiều hơn trên các thị trường tiền tệ ở châu Á là mối lo ngại chính đáng của nhà đầu tư. Các nhà hoạch định chính sách ở khu vực này có thể bị bất ngờ (trước sự tăng giá của đô la Mỹ) sau khi nghĩ rằng công việc ổn định tỷ giá của họ đã hoàn thành vào năm ngoái. Đô la Mỹ mạnh hơn có nghĩa là mối lo ngại về tiền tệ lại gia tăng. Và sự thay đổi vị thế mua bán của các nhà giao dịch có thể làm tăng thêm sự biến động của các đồng tiên trong khu vực, Kyle Rodda, nhà phân tích của Capital.com, bình luận.
Hành động can thiệp ngoại hối ám chỉ đến việc chính phủ hay ngân hàng trung ương của một nước mua vào hoặc bán ra một ngoại tệ để tác động đến tỷ giá hối đoái của ngoại tệ đó với nội tệ của họ.
Chỉ số đô la giao ngay Bloomberg (theo dõi giá đô la Mỹ so vớ một rổ 10 ngoại tệ mạnh) tăng khoảng 2% trong năm nay, khi nhà đầu tư giảm đặt cược vào triển vọng hạ lãi suất của Fed. Dù đà tăng vẫn chưa kéo dài như đầu năm ngoái, nhưng mức tăng giá đột biến của đồng đô la gần đây khiến những nhà đầu tư đang đặt cược vào sự suy yếu của đồng bạc xanh và các nhà hoạch định chính sách ở châu Á phải suy nghĩ lại.
Rủi ro đặc biệt rõ ràng ở châu Á, nơi có hai loại tiền tệ chính hoạt động kém nhất thế giới so với đồng bạc xanh. Đồng yen đã giảm gần 5% trong năm nay, làm dấy lên lo ngại về hành động can thiệp sắp xảy ra khi đồng tiền này tiến gần đến mức 150 yen đổi 1 đô la Mỹ. Đồng won cũng giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11, trong khi đồng TWD giảm hơn 1% chỉ trong tuần này.
“Chúng tôi kỳ vọng Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) và PBoC sẽ tìm cách xoa dịu sự biến động của thị trường tiền tệ”, Lemon Zhang, nhà chiến lược của ngân hàng Barclays Bank, nói và cho biết thêm BoK có thể hành động quyết liệt hơn.
Theo ngân hàng KB Kookmin (Hàn Quốc), các nước bị thâm hụt tài khoản vãng lai và tài chính yếu, như Ấn Độ và Indonesia, có thể gặp khó khăn trong việc hỗ trợ đồng nội tệ nếu đô la Mỹ tiếp tục mạnh lên.
Moon Junghiu, chuyên gia kinh tế của KB Kookmin, cho biết những nước có dự trữ đô la dồi dào như Hàn Quốc và Nhật Bản có thể sẽ chủ động hơn trong việc can thiệp tiền tệ.
“Về mặt biến động, gần đây, đồng won có xu hướng giao dịch với biên độ rộng, khiến nó trở thành một trong những loại tiền tệ dễ bị can thiệp nhất”, Junghiu nói.
Hồi tháng 9-2022, chính phủ Nhật Bản lần đầu tiên can thiệp ngoại hối kể từ năm 1998 để kìm hãm đà giảm giá của đồng yen. Eamonn Sheridan, nhà phân tích tiền tệ châu Á-Thái Bình Dương của ForexLive, cho rằng với đà giảm giá nhanh gần đây của đồng yen, it nhất Bộ Tài chính hoặc Ngân hàng trung ương Nhật Bản sẽ can thiệp bằng lời nói.
Theo Bloomberg, Business Times