(KTSG Online) – ‘Cơn khát vàng’ của Trung Quốc lên cao đỉnh điểm hồi năm ngoái khi người dân nước này tìm cách bảo toàn tài sản và hạn chế tổn thất trong bối cảnh đồng nhân dân tệ suy yếu, thị trường bất động sản sụt giảm và thị trường cổ phiếu bị bán tháo.
- Trung Quốc dẫn đầu làn sóng mua vàng của các ngân hàng trung ương
- Không chỉ người già mà người trẻ Trung Quốc cũng thích mua vàng
Theo số liệu của Tổng Cục hải quan Trung Quốc, năm ngoái, nhập khẩu vàng phi tiền tệ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, tức vàng mua với mục đích gia công, làm đồ trang sức, sử dụng trong sản xuất công nghiệp, tăng lên 1.447 tấn, phá vỡ mức nhập khẩu kỷ lục 1.427 tấn vào năm 2018.
Khối lượng nhập khẩu đó tăng gấp bảy lần so với năm 2020, trong khi trị giá 90 tỉ đô la vàng nhập khẩu năm ngoái đánh dầu mức tăng gần chín lần so với ba năm trước.
Dữ liệu của Hiệp hội Vàng Trung Quốc (CGA), công bố hôm 25-1, cho thấy, doanh số bán vàng nội địa ở Trung Quốc cũng đạt 1.090 tấn vàng vào năm ngoái, với mức tiêu thụ trang sức vàng tăng 7,97%, còn tiêu thụ vàng miếng và vàng xu tăng 15,7%. Trung Quốc sản xuất 375,16 tấn vàng trong năm 2023, tăng 0,84% so với một năm trước đó. CGA cho biết, các quỹ giao dịch trao đổi (ETF) vàng tại thị trường Trung Quốc ghi nhận sự tăng trưởng ổn định vào trong năm ngoái. Tổng lượng vàng nắm giữ của các quỹ ETF vàng đạt khoảng 61,47 tấn vào cuối năm 2023, tăng 19,53%, tương đương 10,04 tấn so với cuối năm 2022.
Với khả năng tiếp cận tài sản ở nước ngoài bị hạn chế, tầng lớp trung lưu Trung Quốc đang cố gắng bảo toàn tài sản bối cảnh thị trường bất động sản suy sụp.
“Đối mặt với sự sụt giảm của thị trường bất động sản và chứng khoán, bất ổn địa chính trị toàn cầu và tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ Trung Quốc giảm, mua vàng hiện là cách tốt nhất để người dân Trung Quốc bảo toàn tài sản”, Peng Peng, chủ tịch điều hành của Hiệp hội Cải cách Quảng Đông, bình luận.
Peng dự đoán cơn sốt vàng ở Trung Quốc có thể sẽ hạ nhiệt trong năm nay khi chính quyền địa phương đang đưa ra các chính sách thân thiện với thị trường, trong khi tỷ giá đồng nhân dân tệ cũng đang có dấu hiệu ổn định.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc trải qua đợt bán tháo kéo suốt năm qua, khi rủi ro giảm phát và bất động sản kéo dài, cũng như sự sụt giảm đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong tuần này, chỉ số bluechip CSI 300, theo dõi nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn ở hai sàn giao dịch Thượng Hải và Thâm Quyến chạm mức thấp nhất trong năm năm. Thị trường chứng khoán ở Trung Quốc đại lục và Hồng Kông, sau khi đạt đỉnh vào năm 2021, đã chứng kiến vốn hóa “bốc hơi” tổng cộng hơn 6,3 nghìn tỉ đô la Mỹ.
Theo Bloomberg, đồng nhân dân tệ ở nước ngoài của Trung Quốc cũng mất giá hơn 1% trong năm nay, sau khi giảm gần 3% vào năm 2023.
Hầu hết các cá nhân Trung Quốc không thể mua đô la Mỹ hoặc các sản phẩm định danh bằng đô la Mỹ để phòng ngừa sự mất giá của đồng nhân dân tệ. Vì vậy, vàng miếng và vàng trang sức là phương tiện dễ tiếp cận nhất để bảo vệ giá trị tài sản của họ.
“Ngoài nhu cầu dồn nén được giải tỏa sau khi Trung Quốc dỡ bỏ các hạn chế kiểm soát Covid-19 và tái mở cửa nền kinh tế, đồng nhân dân tệ yếu và việc thiếu tài sản đầu tư đã thúc đẩy nhu cầu vàng của người tiêu dùng Trung Quốc trong những năm gần đây”, Gary Ng, nhà kinh tế cấp cao phụ trách nghiên cứu chuyên đề châu Á-Thái Bình Dương của ngân hàng Natixis, nói.
Ông lưu ý thêm, khi các hộ gia đình thận trọng về triển vọng thu nhập và đồng đô la Mỹ suy yếu, mức tiêu thụ vàng của Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ nhẹ hơn trong năm 2024.
Lãi suất tiệm kiệm quá thấp cũng là lý do thúc đẩy người tiêu dùng Trung Quốc mua vàng. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn một năm ở các ngân hàng lớn chỉ ở mức 1,5-1,8%/năm và giảm thêm trong những tháng gần đây. Trong khi đó, vàng tạo ra lợi suất trung bình 5,8%/năm trong ba thập niên qua.
Vài năm trước, người tiêu dùng trẻ ở Trung Quốc vẫn coi trang sức vàng là lỗi thời. Nhưng giờ đây, họ bắt đầu quan tâm đến kim loại quí này. Sự thay đổi này được phản ánh trong các cuộc thảo luận rộng rãi trên các mạng xã hội ở Trung Quốc như Xiaohongshu và Douyin, nơi người dùng gợi ý mua các mặt hàng trang sức bằng vàng có giá phải chăng, như những “hạt đậu” vàng nhỏ, giống như đá cẩm thạch có giá từ 450-550 nhân dân tệ (63-77 đô la Mỹ) và nặng chỉ một gram.
Cơn sốt vàng đã đẩy giá kim loại này tại Trung Quốc lên mức cao nhất trong 13 năm vào năm ngoái và mở rộng mức chênh lệch với giá vàng ở thị trường nước ngoài lên mức lớn nhất trong một thập niên.
Giá vàng giao ngay ở Trung Quốc đứng ở mức khoảng 477 nhân dân tệ (67 đô la)/ gram vào hôm 25-1, tạo ra mức chênh lệch 3,71% so với giá vàng quốc tế.
Theo SCMP, China Daily, Jing Daily