Thứ hai, 11/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Trung Quốc đẩy mạnh chiến lược đầu tư cho R&D

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Các công ty lớn của Trung Quốc đã đổ hơn 242 tỉ đô la cho công tác nghiên cứu và phát triển (R&D) trong năm 2022, vượt qua châu Âu và xếp sau Mỹ trong năm 2022. Làn sóng đầu tư này do những công ty công nghệ khổng lồ như Huawei Technologies dẫn dắt.

Đầu tư cho R&D ở Trung Quốc tăng hơn bốn lần trong thập niên qua. Trung Quốc trở thành cái nôi của ngành xe điện khi thị phần của các hãng xe nội địa khiến các hãng phương Tây như Tesla lo lắng. Ảnh: China Daily

Dường như, đây là không chỉ là chiến lược của riêng Huawei, các hãng đại công nghệ Trung Quốc để thoát vòng cương tỏa của Washington. Chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy các doanh nghiệp nội địa tập trung, mở rộng tầm ảnh hưởng trên thị trường vật liệu công nghệ cao, xe điện và nhiều sản phẩm và dịch vụ quan trọng khác.

Đầu tư trọng điểm, khẳng định thế mạnh riêng

Báo cáo của Ủy ban châu Âu (EC) công bố cuối năm 2023 cho thấy chi phí R&D của 2.500 công ty hàng đầu thế giới đạt 1.250 tỉ euro (1.360 tỉ đô la) trong năm 2022. Với tổng ngân sách hơn 242 tỉ đô la, Trung Quốc chiếm 17,8% trong tổng số này, vượt qua tỷ lệ 17,5% của châu Âu và chỉ sau Mỹ ở mức 42,1%.

Cũng cần nhắc lại rằng tỷ lệ đầu tư R&D của đại lục chỉ 4,3% vào năm 2012, tức tăng hơn bốn lần sau một thập niên. Trong khi đó, đầu tư ở Mỹ chỉ dao động quanh ngưỡng 40% trong suốt thập niên qua.

Các con số do chính phủ Trung Quốc công bố cho thấy một bức tranh toàn cảnh, rộng lớn hơn nhiều. Theo Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS), đầu tư R&D của đại lục vượt ngưỡng 3.000 tỉ nhân dân tệ (456 tỉ đô la) trong năm 2022, tăng 10,4% so với năm trước đó. Mức chi này gần gấp đôi con số do EC ghi nhận ở các công ty lớn.

Đầu tư do chính phủ chỉ đạo cho các lĩnh vực chiến lược giúp chi tiêu cho R&D tăng mạnh ở Trung Quốc. Trung Quốc đặt mục tiêu đưa đất nước trở thành cường quốc khoa học và công nghệ vào năm 2050, đầu tư vào các doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực bao gồm chất bán dẫn và xe điện.

Theo báo cáo của EC, Huawei dẫn dắt làn sóng đầu tư cho công nghệ của đại lục, với 20,9 tỉ đô la trong năm 2022, tăng 11% so với năm trước đó. Trên thế giới, Huawei đứng thứ năm về đầu tư R&D. Huawei đã dành 10-20% doanh thu cho R&D trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của Mỹ gia tăng và tình hình kinh tế ngày càng suy thoái. Hãng tập trung vào các lĩnh vực như truyền thông, trí tuệ nhân tạo (AI) và chất bán dẫn. Hồi tháng 8, Huawei tung ra loại điện thoại thông minh hỗ trợ 5G

Tencent Holdings đứng thứ hai. Alibaba Group Holding đứng thứ ba. Cả hai đều mở rộng đầu tư vào các lĩnh vực liên quan AI. Các công ty hàng đầu khác cũng mạnh tay chi cho R&D như các công ty xây dựng hạ tầng lớn như China State Construction Engineering, China Railway Group cũng như hãng xe như SAIC Motor và BYD.

Trung Quốc đang định ra các tiêu chuẩn riêng của mình trong các lĩnh vực công nghệ cao như năng lượng mới, chip, xe điện và xe tự lái.

Theo hãng Patent Result có trụ sở tại Tokyo, kể từ năm 2000 đến nay các công ty Trung Quốc đã nộp 25.957 đơn xin cấp bằng sáng chế liên quan đến công nghệ Lidar định vị bằng tia laser. Đây là công nghệ rất cần thiết để hỗ trợ tài xế hoặc xe tự lái 100%. Con số này vượt xa số đơn 18.821 của các công ty Mỹ và 13.939 của các công ty Nhật Bản.

Công ty Bosch của Đức nắm giữ nhiều đơn xin cấp bằng sáng chế nhất, tiếp theo là nhà cung cấp phụ tùng xe hơi Denso của Nhật Bản. RoboSense và Hesai Technology của Trung Quốc đứng ở vị trí thứ tư và thứ năm, với số lượng đơn xin cấp bằng tăng mạnh mẽ từ năm 2015.

Hãng nghiên cứu Yole của Pháp nói rằng Hesai dẫn đầu thị trường lidar đắt tiền cho xe tự lái 100% trong năm 2022. Riêng RoboSense chuyên về lidar giá rẻ, dành để hỗ trợ người lái.

Huawei Technologies dành 10-20% cho R&D nhằm tạo thế mạnh riêng khi Mỹ càng siết chặt các lệnh trừng phạt. Ảnh: Reuters

Con đường riêng của Huawei – tập trung cho R&D

Châu Âu và Mỹ ngày càng cảnh giác với các công ty Trung Quốc, đặc biệt đối với những gã khổng lồ công nghệ như Huawei.

Huawei đã mở rộng đội ngũ nhân sự phụ trách quan hệ công chúng (PR) và quan hệ chính phủ (GR) ở Bắc Mỹ khi Mỹ đưa vào danh sách đen năm 2019. Cũng thời điểm này, Giám đốc tài chính Mạnh Vãn Chu, con gái của nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi, bị bắt giữ và đưa ra tòa ở Vancouver, Canada theo yêu cầu của phía Mỹ.

Năm 2021, Huawei đã thuê nhà vận động hành lang kỳ cựu của đảng Dân chủ Tony Podesta và ba công ty vận động hành lang khác để tập trung vào các vấn đề liên quan đến việc trả tự do cho bà Mạnh. Hãng công nghệ Trung Quốc cũng thuê ít nhất bốn công ty khác để gỡ các nút thắt về trừng phạt kinh tế, thương mại và công nghệ tại Mỹ. Lúc đó, Huawei vững tin rằng Mỹ là thị trường quan trọng và hãng cảm thấy khả năng đột phá, hay gỡ bỏ “vòng kim cô”, là có thể xảy ra.

Tháng 9-2021, bà giám đốc Mạnh được trả tự do và chào đón khi trở về Bắc Kinh như người hùng.  Nhưng theo thời gian, các vấn đề còn lại của Huawei đã trở nên bế tắc khi các lệnh trừng phạt của Mỹ ngày càng khắc nghiệt hơn.

Sau Tết Dương lịch vừa rồi, Huawei đã cho nghỉ việc dần các nhân sự trong đội ngũ PR và GR tại Bắc Mỹ. Một số người đã làm việc với Huawei trong khoảng một thập niên qua. Mặc dù số nghỉ việc hiện tương đối nhỏ, nhưng động thái này cho thấy Huawei đã không còn tin vào triển vọng ở thị trường xứ cờ hoa. Trong khi đó, các gã khổng lồ như Bytedance (nhà vận hành nền tảng TikTok) hay hãng thời trang nhanh Shein tăng chi phí vận động hành lang tại Mỹ.

Chris Pereira, cựu giám đốc quan hệ công chúng của Huawei và hiện là người sáng lập kiêm CEO của tập đoàn tư vấn kinh doanh iMpact, nói rằng việc cắt giảm quy mô là điều đã được dự đoán trước.  “Nhìn vào doanh thu của họ, Mỹ và Canada thực sự không quan trọng đối với Huawei. Tôi nghĩ từ góc độ kinh doanh, dự đoán của tôi là Huawei sẽ tập trung nhiều hơn vào Trung Đông, Đông Nam Á, có thể là Nam Mỹ và Đông Âu”, Pireira nói với Nikkei Asia.

Việc cắt giảm chi phí cũng có ý nghĩa với Huawei. “Áp lực kinh doanh ở Trung Quốc hiện nay có lẽ khá cao về mặt duy trì doanh thu và lợi nhuận. Vì vậy, họ có thể đang tìm cách cắt giảm chi phí”, Pireira thử lý giải.

Các lệnh trừng phạt của Mỹ đã ảnh hưởng nặng nề đến doanh thu smartphone của Huawei. Bởi người Mỹ muốn cắt đứt hoàn toàn khả năng tiếp cận của Huawei với các nhà cung ứng quan trọng trên toàn cầu. Nhưng gã khổng lồ viễn thông của Trung Quốc dường như đang hồi sinh. Hồi tháng 8, Huawei đã tung ra smartphone 5G sử dụng chip 7 nm do hãng tự phát triển. Huawei đặt ra kế hoạch đầy tham vọng là tăng gấp đôi lượng smartphone xuất xưởng trong năm nay.

Doanh thu năm 2023 của Huawei đạt 700 tỉ nhân dân tệ (99 tỉ đô la), tăng 9% so với năm 2022. Đây là mức cáo nhất trong ba năm và Huawei nói “rất lạc quan về năm mới”.

Trong thông điệp mừng năm mới 2024, Chủ tịch Ken Hu nhấn mạnh: “Sau nhiều năm làm việc chăm chỉ, chúng tôi đã vượt qua được cơn bão. Và giờ đây chúng tôi đã trở lại đúng hướng. Niềm tin kiên định đã giúp chúng ta phá vỡ vòng vây và cùng nhau tiến về phía trước”.

Theo Nikkei Asia, Reuters, China Daily

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới