Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Trung Quốc ‘xuất khẩu’ giảm phát ra thế giới

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Giá hàng xuất khẩu của Trung Quốc đang giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Điều này báo hiệu nước xuất khẩu lớn nhất thế giới đang bắt đầu đẩy giảm phát ra các nước đang chống chọi với lạm phát cao.

Một khu chợ ngoài trời ở Bắc Kinh. Trong tháng 1, CPI của Trung Quốc suy giảm 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Reuters

Theo dữ liệu của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS), công bố hôm 7-2, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở Trung Quốc trong tháng 1 giảm với tốc độ hàng năm 0,8%, đánh dấu mức giảm mạnh nhất 15 năm. Trong khi đó, chỉ số giá sản xuất (PPI) của nước này giảm 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giới đầu tư toàn cầu kỳ vọng, vòng xoáy giá cả suy giảm ở Trung Quốc sẽ kéo lạm phát trên toàn thế giới giảm xuống trong năm nay khi công suất dư thừa trong nền kinh tế đang chậm lại, khiến nhà xuất khẩu Trung Quốc phải giảm giá hàng hóa bán ra nước ngoài.

“Trung Quốc sẽ xuất khẩu giảm phát sang phần còn lại của thế giới và bạn sẽ thấy nhiều nước đối mặt với thực tế là Trung Quốc đang dư thừa công suất”, Chetan Sehgal, giám đốc danh mục đầu tư của Templeton Emerging Markets Investment Trust, một tín quỹ đầu tư ở Anh, nói.

Rất ít nhà kinh tế kỳ vọng các nền kinh tế phát triển sẽ ghi nhận mức giảm giá cả tiêu dùng tương tự ở Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, giảm phát ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể có tác động đáng kể đến các thị trường mới nổi, đặc biệt là những thị trường có quan hệ thương mại lớn với Bắc Kinh.

Các nhà phân tích của Citigroup nhận định, giá cả giảm ở Trung Quốc có thể giúp đẩy nhanh lộ trình giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương ở các thị trường mới nổi trong năm nay, đặc biệt là ở các nước tiêu thụ tương đối lớn hàng hóa Trung Quốc.

“Chúng ta, với tư cách là nhà đầu tư, chỉ mới bắt đầu nắm bắt về việc giá nhập khẩu từ Trung Quốc giảm có thể ảnh hưởng như thế nào đến các thị trường. Câu hỏi hiện nay là mức độ ảnh hưởng”, Luis Costa, người đứng đầu toàn cầu về chiến lược nợ có chủ quyền tại các thị trường mới nổi tại Citigroup, cho biết:

Hàng hóa do Trung Quốc sản xuất với chi phí thấp đã trở thành một đặc trưng của thương mại toàn cầu kể từ khi Bắc Kinh gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2001. Nhưng nhu cầu trong nước yếu khủng hoảng bất động sản kéo dài và đồng nhân dân tệ yếu hơn khiến giới đầu tư dự báo, xuất khẩu có thể là một nguồn lực đặc biệt mạnh mẽ lực của Trung Quốc trong năm nay.

Charles Robertson, người đứng đầu chiến lược vĩ mô của FIM Partners, cho rằng, triển vọng ‘xuất khẩu’ giảm phát của Trung Quốc là vấn đề quan trọng đối với các nền kinh tế đang phát triển vì có khả năng cơn bùng nổ xuất khẩu của Trung Quốc trong năm 2024 sẽ làm tăng nhu cầu đối với hàng hóa nguyên liệu ở Mỹ Latin, châu Phi, Kazakhstan hoặc Indonesia. Do đó, Robertson dự báo, giảm phát ở hàng hóa sản xuất của Trung Quốc vẫn có thể tạo ra lạm phát nhẹ ở hàng hóa nguyên liệu.

Không phải tất cả các nhà kinh tế đều tin rằng xu hướng giảm phát ở Trung Quốc sẽ có tác động đáng kể đến giá cả toàn cầu. Helen Qiao và Miao Ouyang, hai chuyên gia kinh tế của ngân hàng Bank of America, nhận định, giá hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc khó có thể ảnh hưởng đáng kể đến giá tiêu dùng ở các nền kinh tế phát triển.

“Đối với Mỹ, chúng tôi ước tính, tỷ trọng hàng nhập khẩu của Trung Quốc trong tổng mức tiêu thụ hàng hóa của Hoa Kỳ chỉ dưới 5%. Trong khi đó, hàng hóa tiêu dùng chiếm khoảng 40% trong rổ CPI của Mỹ”, họ viết trong một báo cáo.

Stephen Stanley, nhà kinh tế trưởng của ngân hàng Santander, cho rằng, bất kỳ tác động nào từ giá cả hàng hóa nhập khẩu rẻ hơn từ Trung Quốc đối với lạm phát của Mỹ có thể sẽ ở mức độ nhỏ. Theo ông, động lực giúp giá cả hàng hóa tiêu dùng hạ nhiệt gần đây ở Mỹ là ô tô cũ, mặt hàng không liên quan gì đến Trung Quốc.

Nhưng một số nhà kinh tế nhận thấy, hàng nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc đang bị tính không đầy đủ. Điều này có thể khiến tác động của hàng hóa của Trung Quốc lên lạm phát ở Mỹ lớn hơn dự kiến. Ví dụ, trong những năm gần đây, dữ liệu thương mại của Trung Quốc cho thấy nước này xuất khẩu nhiều hơn hàng chục tỉ đô la so với mức nhập khẩu mà Mỹ đánh giá.

Đồng thời, hàng xuất khẩu rẻ hơn của Trung Quốc sẽ làm tăng thêm phàn nàn của nhà sản xuất phương Tây về sự cạnh tranh không lành mạnh. Các nhà phân tích của Capital Economics nhận xét, xuất khẩu của Trung Quốc vẫn phải đối mặt với những trở ngại trong năm nay. Chẳng hạn, chủ nghĩa bảo hộ thương mại ngày càng gia tăng khi Trung Quốc giành thêm thị phần xuất khẩu toàn cầu gần đây ở một số mặt hàng.

“Mối đe dọa chủ nghĩa bảo hộ rõ ràng nhất là các thị trường phát triển vì Trung Quốc đang di chuyển từ đường cong giá trị gia tăng sang sản xuất cao cấp”,  Charles Robertson, của FIM Partners nói.

BYD, nhà sản xuất ô tô lớn nhất Trung Quốc, gần đây công bố giảm giá xe điện từ 5-15% tại Đức, sau khi Mercedes-Benz cảnh báo cuối năm ngoái rằng. lợi nhuận của hãng đang bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến giá cả “tàn khốc” đối với xe điện.

Trong báo cáo tháng trước, Ngân hàng trung ương Đức (Bundesbank) cho biết biết, hầu như mọi công ty sản xuất ở Đức đều phụ thuộc vào nguồn cung của Trung Quốc cho các hàng hóa đầu vào trung gian quan trọng dù trực tiếp hay gián tiếp.

“Trung Quốc đã dành 20 năm để tiêu diệt các đối thủ cạnh tranh ở thị trường mới nổi trong lĩnh vực sản xuất, hoặc ít nhất là đẩy họ ra khỏi thị trường toàn cầu. Bây giờ nó đang đe dọa làm điều tương tự với các nhà sản xuất của các nền kinh tế tiên tiến”, Robertson nói thêm.

Brad Setser, nhà kinh tế và thành viên cấp cao tại Hội đồng quan hệ đối ngoại (CFR), cho biết, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang đối mặt với một sự lựa chọn chính sách khó khăn nhằm giảm thiểu rủi ro sự phụ thuộc hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và các động lực kinh tế thúc đẩy nguồn cung giá rẻ của nước này.

Theo Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới