(KTSG Online) - Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã có chỉ đạo yêu cầu lãnh đạo các sở ban ngành, địa phương trên địa bàn thành phố đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào cải cách hành chính tại Hội nghị tổng kết công tác cải cách hành chính (CCHC) năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 diễn ra ngày 7-3.
- TPHCM: HEPZA và quận Bình Tân đứng đầu cải cách hành chính năm 2023
- Cải cách hành chính: đòn bẩy nâng cao năng lực cạnh tranh
Theo báo cáo kết quả cải cách hành chính năm 2023 của UBND TPHCM, thành phố đã hoàn thành 88/88 nhiệm vụ, đạt tỉ lệ 100%.
Tuy vậy, phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh công tác CCHC của TPHCM không có điểm kết thúc mà luôn được tiếp tục, được cải tiến và thúc đẩy bởi yêu cầu của người dân, doanh nghiệp và yêu cầu phát triển của thành phố.
Nhắc lại nhiệm vụ CCHC năm 2024 đã được UBND TPHCM ban hành kế hoạch triển khai từ cuối năm 2023, và đã phân giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, ông Mãi yêu cầu các đơn vị rà soát, hoàn thiện kế hoạch, tập trung triển khai, có theo dõi kết quả hàng tháng, hàng quý.
Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu thủ trưởng các đơn vị phải triển khai kế hoạch CCHC năm gắn với các nhiệm vụ chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh sở, ngành, địa phương.
Ông chỉ đạo từng sở, ngành, địa phương, kể cả xã, phường phải có kế hoạch đưa tất cả thủ tục hành chính lên nền tảng số, vận hành có hiệu quả hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của thành phố liên thông, kết nối với Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Thành phố hướng tới giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trực tuyến toàn trình, trừ những TTHC có điều kiện.
Để hướng đến mục tiêu cuối năm 2025, cơ bản hoạt động hành chính TPHCM trên nền tảng số, ông Chủ tịch Phan Văn Mãi đề nghị các cơ quan, đơn vị trong năm nay phải quyết tâm đưa các thủ tục hành chính lên nền tảng số, giải quyết bằng chữ ký số, thanh toán số, hoàn thiện thể chế…
Thành phố tiếp tục đơn giản hóa thủ tục, tái cấu trúc quy trình nội bộ, số hóa hồ sơ, đồng bộ dữ liệu, công khai danh mục kết quả giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.
Theo ông Mãi, nền hành chính của TPHCM sẽ hướng đến một đầu mối; tắc chỗ nào, thông chỗ nấy, vướng chỗ nào, gỡ chỗ nấy, chứ không chia ra 2-3 hệ thống, vừa làm giấy, vừa làm số.
Cùng với đó, tích hợp kết quả chương trình chuyển đổi số, Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) vào hoạt động CCHC, tăng cường ứng dụng công nghệ, nghiên cứu AI trong hoạt động hành chính.
Ngoài ra, khẩn trương hoàn thiện và triển khai Đề án “Xây dựng nền công vụ TPHCM hoạt động hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 2024 - 2030”. Chủ tịch TPHCM cho rằng đề án này là sự chuẩn bị cho sự phát triển tương lai bởi lẽ một thành phố là siêu đô thị như TPHCM thì phải tính toán đến nền công vụ thích ứng với quy mô của thành phố, với bộ máy như hiện tại thì phải làm sao để hoạt động hiệu quả.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi ghi nhận và biểu dương các cơ quan thường trực triển khai bộ tiêu chí PAR INDEX (chỉ số cải cách hành chính), DTI (Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số) và DDCI (chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương) đã cập nhật, đưa ra kết quả thực chất, có giá trị.
Trong năm 2023, tổng số hồ sơ các sở, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã nhận giải quyết trong kỳ báo cáo được tổng hợp là gần 22,6 triệu hồ sơ; đã giải quyết hơn 22,5 triệu hồ sơ, đang giải quyết hơn 74.700 hồ sơ.
Trong số hồ sơ đã giải quyết có hơn 22,4 triệu hồ sơ giải quyết đúng hạn (chiếm tỉ lệ 99,84%) và hơn 37.000 hồ sơ giải quyết quá hạn (chiếm tỉ lệ 0,16%) và đã được thực hiện Thư xin lỗi (chiếm tỉ lệ 100%).
Số lượng hồ sơ được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ toàn trình, mức độ một phần là hơn 11,7 triệu hồ sơ, tăng so với cùng kỳ năm 2022.
Thành phố đã ban hành kế hoạch cải cách hành chính năm 2024 với 21 chỉ tiêu, 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp với 98 nhiệm vụ cụ thể và phân giao nhiệm vụ cho từng cơ quan.