(KTSG Online) - Sau khi được phê duyệt hỗ trợ lãi suất tiền vay ngân hàng theo chương trình kích cầu đầu tư của TPHCM năm 2020, các doanh nghiệp đã mạnh dạn vay ngân hàng xây nhà máy, sắm trang thiết bị hiện đại… Giờ đây họ đang chịu sức ép lớn với khoản lãi vay phải trả vì chưa nhận được sự hỗ trợ của chương trình. Thậm chí có doanh nghiệp và cổ đông các công ty... phải tài sản riêng để có tiền trả lãi ngân hàng đúng hạn.
- TPHCM: Doanh nghiệp có thể vay vốn kích cầu đầu tư trở lại
- Duy trì tăng trưởng bằng kích cầu tiêu dùng hay kích cầu đầu tư?
Khó khăn vì xoay xở trả lãi vay hàng tháng
Sau hơn 20 năm hoạt động, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại In Minh Mẫn mới dám lên kế hoạch tái đầu tư nhà máy khang trang để dời cơ sở sản xuất trong nội thành vào khu công nghiệp. Thực chất, kế hoạch này được xây dựng sau khi doanh nghiệp có được thông tin về nguồn vốn hỗ trợ của chương trình kích cầu đầu tư của TPHCM.
Nhờ được phê duyệt hỗ trợ lãi suất cho khoản vay 60 tỉ đồng, công ty Minh Mẫn đã mạnh dạn đầu tư nhà máy khang trang rộng hơn 10.000 m2 tại khu công nghiệp Tân Phú Trung, ở huyện Củ Chi.
Nhà máy đã đi vào hoạt động được hơn 2 năm qua, thế nhưng đến nay công ty chưa nhận được khoản hỗ trợ lãi suất từ chương trình, dẫn đến hoạt động công ty đã khó khăn do thị trường sụt giảm kéo dài. Thời gian qua, công ty phải tự xoay xở tiền trả lãi ngân hàng và giờ đây số tiền lãi đã lên hàng trăm triệu đồng/tháng mà theo đại diện doanh nghiệp tình hình hiện rất khó khăn.
Tương tự, ông Trương Hồng Minh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Echigo Việt Nam, cho biết nhờ được phê duyệt hỗ trợ lãi suất ngân hàng với khoảng vay 100 tỉ đồng vào năm 2020, công ty đã mạnh dạn đầu tư nhà máy khuôn mẫu và linh kiện nhựa chính xác hiện đại tại Khu công nghệ cao TPHCM.
Năm 2022, nhà máy chuyên sản xuất sản phẩm khuôn mẫu và linh kiện nhựa của Echigo Việt Nam phục vụ cho các ngành công nghiệp sản xuất phương tiện giao thông, thiết bị nghe nhìn, thiết bị điện dân dụng đi vào hoạt động, thế nhưng đến nay vẫn chưa nhận được khoản hỗ trợ nào của chương trình.
Với khoản vay để đầu tư nhà máy mới, trung bình mỗi tháng công ty phải trả lãi suất cho ngân hàng lên đến gần 1 tỉ đồng.
“Chúng tôi xoay xở mọi nguồn để lo trả khoản lãi vay hàng tháng, thậm chí phải đi đến quyết định bán một số tài sản, bán nhà ở của mình. Tính đến nay, Hội đồng thành viên công ty đã phải bán 3 căn nhà chỉ để trả lãi khoản vay này cho ngân hàng", ông Minh bộc bạch
Một số công ty khác, chủ yếu là doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp hỗ trợ, cơ khí, được duyệt khoản vay hỗ trợ đầu tư vào năm 2020, cũng rơi vào tình hình khó khăn tài chính tương tự. Lý do chung là thành phố chưa giải ngân được tiền lãi hỗ trợ theo đúng quyết định chương trình kích cầu đầu tư đã ký.
Đáng chú ý, có doanh nghiệp phải thực hiện việc đi "vay nóng" bên ngoài với lãi suất cao hơn các ngân hàng để trả lãi khoản vay từ chương trình này.
Dù khá rủi ro khi vay vốn với lãi suất cao, nhưng theo các doanh nghiệp, nếu đến thời hạn trả lãi vay mà không thanh toán được thì sẽ bị ghi nợ ngân hàng, trở thành doanh nghiệp nợ xấu... "Bị dính "phốt đen" như vậy, doanh nghiệp sau này sẽ gặp khó trong việc vay vốn ngân hàng cũng như giao dịch kinh doanh với các khách hàng về sau. Thậm chí, cơ hội tiếp cận với các gói vay hỗ trợ (nếu có) cũng sẽ hẹp lại với lịch sử tín dụng không tốt.
Trông chờ giải ngân để thoát "thế việt vị"
Phải xoay xở khoản tiền lớn để trả lãi vay ngân hàng hàng tháng cũng đang xảy ra với Công ty cơ khí Duy Khanh, doanh nghiệp đã tổ chức khánh thành nhà máy cơ khí chính xác ứng dụng công nghệ Sintering tại Khu Công nghệ cao TPHCM vào cuối năm 2023.
Với suất đầu tư ban đầu hơn 130 tỉ đồng, nhà máy mới đi vào hoạt động sẽ giúp nâng cao công nghệ chế tạo máy móc thiết bị, khuôn mẫu chính xác, giảm dần sự phụ thuộc vào sản phẩm nhập khẩu.
Theo lãnh đạo công nghiệp này, trước năm 2020 nhờ nhận được sự hỗ trợ lãi suất kịp thời cho các dự án đầu tư dây chuyền máy móc thiết bị hiện đại, công ty Duy Khanh ngày càng phát triển. Với hạ tầng kỹ thuật tốt doanh nghiệp có cơ hội tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp quốc tế.
Nhận thấy nhu cầu tìm chuỗi cung ứng, linh phụ kiện trong nước của các doanh nghiệp FDI ngày càng cao, công ty Duy Khanh đã mạnh dạn vay ngân hàng tiếp tục phát triển nhà máy sau khi được phê duyệt nguồn vốn kích cầu vào năm 2020.
Tuy nhiên đến nay, công ty vẫn chưa nhận được khoản tiền hỗ trợ lãi suất vay đã được thành phố duyệt. Theo đó, từ khi triển khai đầu tư nhà máy đến nay, doanh nghiệp vẫn phải tự trả lãi ngân hàng. Số tiền lãi hiện đã tăng lên khoảng 1 tỉ đồng/tháng, tạo ra gánh nặng tài chính khá lớn trong tình hình kinh doanh khó khăn.
Trên thực tế, hơn 10 năm qua, chương trình kích cầu đầu tư của TPHCM đã đem lại nhiều lợi ích, thành công cho nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến năm 2021-2022, chương trình hỗ trợ lãi suất ưu đãi này bị gián đoạn khiến doanh nghiệp gặp khó khăn tiếp cận nguồn vốn ưu đãi khi có dự án đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, mở rộng công suất cũng như xây nhà máy mới...
Những doanh nghiệp được duyệt vay vốn ưu đãi của chương trình vào năm 2020 cũng gặp nhiều khó khăn do vướng mắc pháp lý về "giải ngân". Nhiều doanh nghiệp "lỡ phóng lao, phải theo lao", nhất là doanh nghiệp trong ngành cơ khí, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ...
Chỉ tính riêng Hội Cơ khí điện TPHCM (HAMEE) đã có cả chục doanh nghiệp bị vướng vào tình trạng tương tự. Theo chia sẻ của người đại diện HAMEE, từ năm 2020 đến nay, hội đã đồng hành cùng 10 doanh nghiệp thành viên tham gia chường trình này.
Sau khi thông qua hội đồng xét duyệt của các sở ngành, nhiều doanh nghiệp đã được UBND TPHCM ban hành quyết định phê duyệt tham gia chương trình kích cầu đầu tư, hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng để đầu tư nhà xưởng, máy móc thiết bị công nghệ mới nhằm phát triển sản xuất. Tuy nhiên, từ đó đến nay tất cả những doanh nghiệp này đều chưa nhận được khoản giải ngân hỗ trợ lãi suất nào do TPHCM chưa xác định chi từ nguồn tiền nào của thành phố.
Theo các doanh nghiệp, nếu được hỗ trợ lãi suất đầu tư đầy đủ, các dự án sẽ đi vào sản xuất ổn định bền vững sau 5-7 năm đầu tư. Bởi lẽ giai đoạn ban đầu của dự án rất khó khăn, nếu không sớm nhận được hỗ trợ sẽ không có khả năng trả lãi và nợ đến hạn. Các món nợ vay ngân hàng của doanh nghiệp sẽ trở thành nợ xấu dẫn đến doanh nghiệp bị phá sản.
Theo ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch HAMEE, khi doanh nghiệp đầu tư dự án thì đã tính đến phần hỗ trợ lãi suất của ngân sách trong chi phí đầu tư của mình. Nay thành phố chậm giải ngân, doanh nghiệp cũng gặp thế "việt vị" và rất khó khăn.
Trước thông tin một số doanh nghiệp, các cổ đông đã phải bán nhà để có tiền duy trì trả lãi đúng hạn cho ngân hàng để không bị nợ xấu, ông Chủ tịch HAMEE xác nhận là có.
Theo ông Tống, do quá khó khăn lãnh đạo các doanh nghiệp bị vướng mắc này đã nhiều lần cùng ký tên công văn gửi kiến nghị lên lãnh đạo thành phố, các sở ngành liên quan... kêu cứu. Ở công văn kêu cứu gần nhất là lần thứ 4 được HAMEE ký gửi vào tháng 10-2023, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.
Vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Trong đó có nội dung thành phố được hỗ trợ lãi suất cho một số dự án đầu tư thuộc ngành kinh tế trọng điểm, nguồn tiền chi cho chương trình này thuộc nguồn vốn đầu tư công.
Các doanh nghiệp kiến nghị, khi thành phố thực hiện chương trình kích cầu đầu tư mới, cần có cơ chế chuyển tiếp, tháo gỡ cho các doanh nghiệp bị tắc giải ngân từ gói kích cầu cũ.
Xem đây là một lối mở để tháo gỡ vướng mắc cho các dự án đã được phê duyệt đầu tư vào năm 2020, các doanh nghiệp liên hệ HAMEE để tìm hiểu thông tin, tiến độ xử lý. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại lãnh đạo HAMEE cho biết vẫn chưa nhận kết quả xử lý khi nào.
Theo HAMEE, phản hồi với doanh nghiệp ở công văn kêu cứu lần thứ 3, thành phố cho rằng đang hoàn chỉnh pháp lý để doanh nghiệp được nhận hỗ trợ lãi suất và đề nghị doanh nghiệp cố gắng chờ đợi.
Tuy nhiên, những doanh nghiệp được phê duyệt rồi, trót đầu tư nhiều rồi đang rất khó khăn về vấn đề dòng tiền và tài chính. Họ đang nóng lòng chờ được giải ngân để giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn bí bách hiện nay.