Chủ Nhật, 12/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Kinh tế số thiếu vắng tài sản số?

TS. Võ Đình Trí

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Với việc Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) cấp phép cho bitcoin ETF giao ngay (Spot Bitcoin Exchange - Traded Products) ngày 10-1-2024 thì bitcoin (BTC) - đại diện tiền mã hóa (cryptocurrency), hay tài sản số nói chung đã chuyển qua một giai đoạn phát triển mới với nhiều triển vọng hơn. Những hoài nghi về blockchain, tài sản số như: chúng có hoạt động không, chúng có ích không chúng có an toàn không... đã dần dần có những câu trả lời rõ ràng. Tuy vậy, khung pháp lý vẫn còn là một câu hỏi lớn ở nhiều quốc gia.

Sự chấp nhận ngày càng lan rộng

Về phương diện kỹ thuật, cho đến nay blockchain đã chứng minh được khả năng hoạt động của mình với số lượng hàng triệu giao dịch mỗi ngày, hash rate của mạng lưới bitcoin ngày càng tăng và gần đây lên mức cao nhất trong lịch sử là 710M TH/s. Ba đặc trưng được coi là “bộ ba bất khả thi” của blockchain là khả năng phi tập trung, sự an toàn, và mở rộng ngày càng được khắc phục các yếu điểm bởi các protocols mới.

Dĩ nhiên một số mạng lưới blockchain cũng bị sự cố như nghẽn mạng, bị sập, bị hack nhưng đây cũng là điều xảy ra với bất kỳ công nghệ nào trong những điều kiện bất thường, như xe điện ở thời tiết quá nóng, quá lạnh, các phần mềm vẫn bị lỗi và cập nhật theo thời gian. Điều đáng chú ý là blockchain đã thu hút ngày càng nhiều tài năng trong ngành khoa học máy tính, công nghệ về với mình.

Sự phát triển của tài sản số có thể thấy được qua tốc độ phát triển doanh thu trung bình hàng năm, ước tính giai đoạn 2017-2027 có tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 57,6%, trong đó đóng góp nhiều nhất là tiền mã hóa, rồi đến NFT và DeFi. Còn về số lượng người sử dụng, châu Âu là cao nhất với khoảng 200 triệu người vào năm 2027, tính luôn cả thế giới thì sẽ khoảng 1 tỉ người.

Khi nhìn tài sản số là một thành phần quan trọng của nền kinh tế số thì những lợi ích mà nó mang lại sẽ đủ là động lực để xây dựng và triển khai khung pháp lý, đặc biệt khi Việt Nam đang có nhiều lợi thế vượt trội hơn nhiều nền kinh tế khác.

Các doanh nghiệp, các dịch vụ liên quan đến tài sản số ngày càng phát triển và mở rộng. Sau khi BTC ETF giao ngay được cấp giấy phép thì nhiều đơn vị quản lý tài sản đã bắt đầu triển khai các sản phẩm có tích hợp BTC vào trong danh mục đầu tư, với nhiều lựa chọn theo tỷ trọng khác nhau. Nhiều quỹ đầu tư cũng đang ráo riết để có thể làm điều tương tự với đồng ETH.

Về mặt ứng dụng, bên cạnh các bộ sưu tập NFT thì tiền mã hóa đã cho thấy sự hữu dụng của mình trong việc chuyển tiền xuyên biên giới, chống lại lạm phát ở những nền kinh tế có mức độ lạm phát cao, đóng góp từ thiện, gây quỹ cộng đồng. Một số ứng dụng của DeFi giúp nhà đầu tư quản trị rủi ro tốt hơn, hay khai thác tối ưu hơn nguồn vốn của mình.

Mặc dù vậy thì với những vụ xì căng đan lớn trên thị trường tiền mã hóa như cú sập của Luna, sàn FTX hay nhiều vụ tấn công đánh cắp, lừa đảo..., các câu hỏi về sự an toàn, sự bảo vệ nhà đầu tư hay người sử dụng/sở hữu tài sản số; liên quan đến rửa tiền, tài trợ khủng bố đang là một thách thức lớn.

Nhưng cũng may mắn là đã có một số quốc gia, vùng lãnh thổ tiên phong trong việc xây dựng các khung pháp lý ban đầu như EU, Singapore, Nhật Bản, Hồng Kông, cũng như một số nơi có các chính sách thân thiện với tài sản số, có những hướng dẫn cụ thể cho người dân và doanh nghiệp.

Việt Nam có bị tụt lại phía sau?

Các dữ liệu thống kê cho thấy Việt Nam là một trong số các quốc gia hàng đầu có tỷ lệ dân số sử dụng tiền mã hóa. Hoạt động của cộng đồng những người quan tâm đến tài sản số, tiền mã hóa của người Việt Nam trên mạng xã hội theo quan sát của người viết cũng rất tích cực và năng động. Và có thêm một chi tiết ít người để ý đó là người Việt tham gia rất nhiều dự án tiền mã hóa trên thế giới, ở nhiều vai trò khác nhau từ phát triển sản phẩm cho đến marketing.

Một nền kinh tế số sẽ bị giảm/mất đi hiệu lực nếu thiếu các phương tiện thanh toán số dựa trên nền tảng blockchain (cryptocurrency), thiếu các dịch vụ tài chính (như DeFi), thiếu các tài sản số với các đặc điểm như một loại hàng hóa (commodity), chứng khoán (security), hay xu hướng hiện nay là token hóa tài sản thực (RWAs).

Thế nhưng pháp lý vẫn là một khoảng trống lớn khi Việt Nam chưa có các quy định cụ thể cũng như nguyên tắc vận hành. Các luật và bộ luật có khả năng điều chỉnh tài sản số đều chưa có phân loại hay định danh rõ ràng.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho Bộ Tài chính và các bộ/ngành liên quan hoàn thành xây dựng khung pháp lý để quản lý giám sát tài sản ảo (tài sản số) và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo trong tháng 5-2025 theo cam kết mà Việt Nam đã ký với Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF) và nhóm chống rửa tiền châu Á - Thái Bình Dương (APG) hồi tháng 6-2023.

Đây là một hoạt động có tính cấp thiết vì Việt Nam đang nằm trong danh sách xám (Increased Monitoring) theo tiêu chuẩn của FATF, và tình trạng này có ảnh hưởng đến các hoạt động tài chính quốc tế khác. Cải thiện được vị thế sẽ mang lại nhiều thuận lợi hơn trong việc tiếp cận, trao đổi với các dòng vốn quốc tế.

Nhưng việc xây dựng khung pháp lý theo yêu cầu ở trên chỉ nhằm hướng đến việc hợp tác quốc tế trong phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, mà chưa hướng đến một khung pháp lý của tài sản số trong nền kinh tế số.

Một nền kinh tế số sẽ bị giảm/mất đi hiệu lực nếu thiếu các phương tiện thanh toán số dựa trên nền tảng blockchain (cryptocurrency), thiếu các dịch vụ tài chính (như DeFi), thiếu các tài sản số với các đặc điểm như một loại hàng hóa (commodity), chứng khoán (security), hay xu hướng hiện nay là token hóa tài sản thực (RWAs).

Những thay đổi trên thị trường tài sản số là rất nhanh. EU đã ban hành luật MiCA có hiệu lực hoàn toàn từ ngày 30-12-2024. Việt Nam có lẽ nên thành lập một lực lượng phản ứng nhanh để gấp rút hoàn thành khung pháp lý cho tài sản số nhằm theo kịp xu hướng, hoặc ít ra là không bị tụt lại phía sau.

Khi nhìn tài sản số là một thành phần quan trọng của nền kinh tế số thì những lợi ích mà nó mang lại sẽ đủ là động lực để xây dựng và triển khai, đặc biệt khi Việt Nam đang có nhiều lợi thế vượt trội hơn nhiều nền kinh tế khác.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới