Thứ năm, 9/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Cổ tức toàn cầu tăng lên mức cao kỷ lục 1,66 ngàn tỉ đô la

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Các công ty niêm yết trên toàn cầu, dẫn đầu là các ngân hàng, chi trả cổ tức tổng cộng 1,66 nghìn tỉ đô la Mỹ trong năm 2023. Đây là con số đánh dấu mức cao nhất từ trức đến nay. Theo dự báo của Công ty quản lý tài sản Janus Henderson (Anh), tổng chi trả cổ tức của các công ty đại chúng trên toàn cầu sẽ chạm mức cao mới 1,72 nghìn tỉ đô la trong năm 2024.

Các doanh nghiệp niêm yết trên toàn cầu chi trả cổ tức tổng cộng 1,66 nghìn tỉ đô la Mỹ trong năm 2023. Ảnh: Wion News

Theo báo cáo Chỉ số cổ tức toàn cầu Janus Henderson về (Janus Henderson Global Dividend Index - JHGDI), tổng chi trả cổ tức toàn cầu trong năm ngoái  đạt mức cao kỷ lục 1,66 ngàn tỉ đô la, tăng 5,6% so với năm 2022. Có 22 nước chứng kiến mức chi trả cổ tức hàng năm của các công ty niêm yết lên cao nhất lịch sử trong năm ngoái. Mỹ, Pháp, Đức, Ý, Canada, Mexico và Indonesia nằm trong đó. Chỉ số JHGDI được Janus Henderson công bố hàng quí để theo dõi các xu hướng cổ tức toàn cầu.

Lãi tăng mạnh, các ngân hàng chia cổ tức hào phóng

Báo cáo của Janus Henderson ghi nhận,  ngành ngân hàng thực hiện các khoản chi trả cổ tức kỷ lục vào năm 2023. Các ngân hàng đóng góp một nửa mức tăng trưởng cổ tức của toàn cầu. Họ tưởng thưởng lớn cho cổ đông nhờ tỷ suất lợi nhuận tăng mạnh trong môi trường lãi suất cao. Tổng cộng, họ chi cổ tức kỷ lục 220 tỉ đô la  cho cổ đông vào năm 2023, tăng 15% so với năm 2022.

Các ngân hàng ở các thị trường mới nổi, ngoại trừ Trung Quốc, đóng góp đặc biệt lớn vào sự gia tăng cổ tức này. Đáng chú ý, ngân hàng HSBC tăng cổ tức thêm 44% vào năm ngoái. Với lợi nhuận ròng năm 2023 tăng 56% lên 22,43 tỉ đô la Mỹ, mới đây HSBC cho biết, sẽ tiếp tục tăng cổ tức ở mức 50% trong năm nay.

Tác động tích cực từ động thái tăng cổ tức của ngành ngân hàng gần như bù đắp cho hành động cắt giảm cổ tức từ lĩnh vực khai mỏ. Năm ngoái, giá cả hàng hóa thấp hơn khiến lợi nhuận của các công ty khai khoáng giảm mạnh, dẫn đến các quyết định giảm cổ tức.

Ngoài hai lĩnh vực có tác động lớn bất thường này, chỉ số JHGDI cũng chỉ ra sự tăng trưởng cổ tức đáng khích lệ từ các ngành khác như ô tô, phần mềm, thực phẩm và kỹ thuật.

Theo JHGDI, 86% công ty đại chúng trên toàn cầu tăng hoặc giữ nguyên mức chia cổ tức trong năm ngoái. Tuy nhiên, các mức cắt giảm cổ tức lớn từ chỉ 5 công ty lớn gồm BHP, Petrobras, Rio Tinto, Intel và AT&T khiến mức tăng trưởng cổ tức toàn cầu mất khoảng 2 điểm phần trăm.

Xét về tốc độ tăng trưởng cổ tức, lĩnh vực hàng tiêu dùng tùy ý dẫn đầu với mức tăng 26,1% trong năm ngoái. Xét về con số tuyệt đối, tập đoàn công nghệ Microsoft dẫn đầu mức chi trả cổ tức trong năm ngoái, với 20,7 tỉ đô la thanh toán cho cổ đông. Apple xếp thứ hai với mức trả cổ tức 14,9 tỉ đô la.

Châu Âu (ngoại trừ Anh) là động lực tăng trưởng chính, đóng góp 2/5 mức tăng trưởng cổ tức toàn cầu trong năm ngoái. Các khoản thanh toán cổ tức ở khu vực này tăng 17,6% trong năm 2023, lên mức cao kỷ lục 300,7 tỉ đô la Mỹ.

Nhật Bản cũng là nước đóng góp lớn cho mức tăng trưởng cổ tức toàn cầu, dù đồng yen làm suy yếu một phần giá trị cổ tức tính theo đô la Mỹ của 91% công ty niêm yết của nước này. Tính theo giá trị tuyệt đối, các công ty niêm yết của Mỹ đóng góp đáng kể nhất vào tăng trưởng cổ tức toàn cầu.

Tổng chi trả cổ tức của các công ty niêm yết ở Mỹ đạt mức cao kỷ lục mới 602,1 tỉ đô la trong năm 2023. Tổng cổ tức của họ tăng hàng năm kể từ năm 2011 và hiện cao hơn gấp 3 lần so với năm 2010.  Nhưng mức tăng trưởng chi trả cổ tức của họ chỉ đạt 5,1% vào năm ngoái, tương đương với mức tăng trung bình toàn cầu.

Các thị trường mới nổi chứng kiến mức tăng trưởng cổ tức kỷ lục trong năm thứ ba liên tiếp với mức chi trả là 166,1 tỉ đô la trong năm ngoái, tăng 8,0% so với năm 2022.  Mức tăng cổ tức ở Anh là 5,4% nhờ sự gia tăng cổ tức đáng từ các ngân hàng và nhà sản xuất dầu mỏ. Ở những nơi khác, hầu hết các nước phát triển ở Châu Á - Thái Bình Dương, ngoại trừ Nhật Bản, có mức chi trả cổ tức thấp hơn so với năm trước.

Cổ tức dự kiến vẫn mạnh mẽ trong năm 2024

Janus Henderson dự báo, trong năm nay cổ tức toàn cầu sẽ đạt mức cao kỷ lục mới khoảng 1,72 nghìn tỉ đô la. “Sự bi quan về nền kinh tế toàn cầu trong năm 2023 đã cho thấy không có căn cứ. Dù triển vọng tăng trưởng kinh tế trong năm nay không chắc chắn nhưng có nhiều yếu tố đang hỗ trợ cho cổ tức. Dòng tiền của doanh nghiệp trong hầu hết các lĩnh vực vẫn mạnh. Điều này cung cấp nhiều động lực cho việc chia cổ tức và mua lại cổ phiếu”, Ben Lofthouse, Giám đốc thu nhập vốn cổ phần toàn cầu của Janus Henderson nhận định.

Ông Lofthouse cho biết thêm, tăng trưởng cổ tức toàn cầu trong năm nay sẽ bị kìm hãm do tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm, tác động trễ của lãi suất cao, chi phí vay vốn của doanh nghiệp cao hơn.

Trong đó, tốc độ tăng trưởng cổ tức của ngành ngân hàng sẽ chậm lại trong năm nay. Còn các ngành phòng thủ như chăm sóc sức khỏe, thực phẩm và hàng tiêu dùng cơ bản sẽ tiếp tục tăng cổ tức với tốc độ ổn định.

Nhìn chung, chuyên gia này giữ quan điểm tích cực về cổ tức toàn cầu trong năm nay. Ông đánh giá, tốc độ tăng trưởng cổ tức cao của Mỹ trong quí 4 là tín hiệu tốt cho cả năm 2024. Trong khi đó, các công ty Nhật Bản bắt đầu tiến hành nhiều cải cách, bao gồm hoàn trả nhiều vốn hơn cho cổ đông.

Trong tháng này, Inditex (Tây Ban Nha), chủ sở hữu chuỗi cửa hàng thời trang Zara cho biết, sẽ tăng mức trả cổ tức cho năm 2023 lên 28%. Hãng siêu xe Porsche của Đức và Công ty hàng không vụ trụ Leonardo của Ý cũng thông báo tăng gấp đôi cổ tức. Trong khi đó, tập đoàn dầu mỏ Saudi Aramco của Saudi Arabia cho biết sẽ tăng cổ tức quí 4-2023 lên 31 tỉ đô la.

Theo janushenderson.com, Reuters

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới