Thứ bảy, 11/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Thu hồi nợ thẻ tín dụng tại Mỹ và tham chiếu với Việt Nam

Hoàng Hạnh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Theo chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành, tại Mỹ, người chậm hay không thanh toán nợ thẻ tín dụng bị tách khỏi đại đa số các hoạt động kinh tế phục vụ đời sống nên không ai muốn rơi vào tình trạng này. Việc thu hồi nợ thẻ tín dụng được điều chỉnh bởi các đạo luật đảm bảo sự công bằng với cả bên chủ nợ và người mắc nợ.

Nợ thẻ tín dụng 11 năm là rất hy hữu

KTSG: Vụ việc một ngân hàng thương mại gửi đơn thông báo thu hồi khoản nợ xấu thẻ tín dụng 8,5 triệu đồng với nợ lãi phát sinh sau 11 năm hơn 8,8 tỉ đồng vẫn chưa ngã ngũ. Tuy nhiên, nếu giả định đó là một tình huống pháp lý: khách hàng nợ thẻ tín dụng nhiều năm không thanh toán khiến số tiền nợ và lãi đội lên gấp hàng ngàn lần, ông bình luận như thế nào về tình huống này?

- Ông Bùi Kiến Thành: Nợ thẻ tín dụng rất phổ biến ở các quốc gia trên thế giới, đặc biệt những nước phát triển mạnh mảng tín dụng tiêu dùng. Quy định của pháp luật về lãi suất các khoản nợ quá hạn của thẻ tín dụng rất đặc biệt. Chẳng hạn, pháp luật dân sự ở Việt Nam hạn chế các giao dịch cho vay với lãi suất trên 20%/năm, cộng thêm lãi suất quá hạn cũng không quá 30%/năm, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.

Tuy nhiên, lãi suất cho vay tín dụng tiêu dùng được điều chỉnh theo Luật các tổ chức tín dụng, thường do các tổ chức phát hành thẻ đưa ra, lãi suất thanh toán dư nợ chậm trả có thể lên tới 40-44%/năm.

Ở các nước, lãi suất cho khoản nợ thẻ tín dụng quá hạn được để ở mức cao là có lý do. Một mặt, để phát triển tiêu dùng, tức cầu cuối cùng của nền kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng, người dân được tạo điều kiện mua trước trả sau. Mặt khác, để người dân có trách nhiệm với nghĩa vụ nợ, không chi tiêu vượt quá thu nhập và bảo đảm an toàn vốn cho các định chế cho vay, lãi suất các khoản nợ quá hạn thẻ tín dụng được phép neo ở mức cao nhất trong ngành.

Tuy nhiên, việc để xảy ra một khoản nợ thẻ tín dụng quá hạn đến 11 năm như tình huống pháp lý nêu trên chắc chắn là một việc rất hy hữu. Tại các nền kinh tế phát triển, ví dụ tại Mỹ, nếu người dùng không thanh toán nợ đúng hẹn, thậm chí chây ì việc trả nợ nhiều năm, hệ số tín dụng của họ sẽ rất xấu. Họ không thể thực hiện được các khoản vay tín dụng tiêu dùng khác như vay mua ô tô, vay mua nhà… Đã vậy, tùy theo các quy định cụ thể trên hợp đồng vay, phía chủ nợ có thể thu hồi khoản nợ từ lương và lợi tức của người vay, nghĩa là, nếu còn thu nhập hợp pháp, người vay vẫn phải chịu trách nhiệm trả nợ.

Nếu thu nhập của người vay nhận bằng tiền mặt, việc thu hồi nợ sẽ khó khăn hơn. Tuy nhiên, trong nền kinh tế rất ít dùng tiền mặt, khi sử dụng phương tiện thanh toán này, người dân sẽ bị hạn chế nhiều hoạt động tiêu dùng, ngay cả việc thuê nhà, thuê xe… cũng phải trả bằng thẻ tín dụng. Người nợ thẻ tín dụng quá hạn bị tách khỏi đại đa số các hoạt động kinh tế phục vụ đời sống nên không ai muốn rơi vào tình trạng này.

KTSG: Tại Mỹ, việc quá hạn thẻ tín dụng diễn ra như thế nào và bên cho vay thực hiện các biện pháp nào để thu hồi nợ, thưa ông?

- Nợ quá hạn thẻ tín dụng xuất hiện khi chủ thẻ không thực hiện việc thanh toán hàng tháng bắt buộc. Dù việc chậm thanh toán 30 ngày được coi là quá hạn nhưng vẫn có một khoảng đệm để chủ thẻ khắc phục nên thông thường phải sau hai tháng chậm thanh toán, tình trạng của chủ thẻ mới được thông báo cho cơ quan giám sát tín dụng. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hệ số tín dụng (credit rating) của chủ thẻ.

Cùng lúc, đơn vị phát hành thẻ hay chủ nợ ban đầu (original creditor) sẽ tiến hành các hoạt động thu hồi nợ như gửi e-mail và gọi điện nhắc nhở về nghĩa vụ trả nợ của chủ thẻ. Những hoạt động này thường kéo dài từ 1-3 tháng. Nếu chủ thẻ không trả nợ liên tiếp trong bốn tháng, hệ số tín dụng sẽ bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng và khoản nợ sẽ được chủ nợ ban đầu chuyển cho đại lý thu hồi nợ (collection agencies).

Đại lý thu hồi nợ cũng sẽ thực hiện các biện pháp như chủ nợ ban đầu và trong trường hợp không thu hồi được nợ, khoản nợ có thể được chuyển cho các đại lý thu hồi nợ khác. Vào bất cứ thời điểm nào, có thể sau nhiều năm kể từ khi khoản nợ bị quá hạn, chủ nợ ban đầu có thể bán khoản nợ cho tổ chức mua nợ (debt buyers). Vì được mua lại khoản nợ với mức giá hợp lý, tổ chức mua nợ có thể có những thỏa thuận tốt, tạo điều kiện cho chủ thẻ đang mắc nợ có thể hoàn thành nghĩa vụ thanh toán.

Biện pháp cuối cùng để thu hồi nợ là kiện chủ thẻ ra tòa. Cả chủ nợ ban đầu và tổ chức mua nợ đều có thể kiện chủ thẻ ra tòa để thu hồi nợ nhưng thường việc kiện tụng được khởi xướng bởi tổ chức mua nợ. Nhìn chung, quá trình thu hồi nợ càng kéo dài thì điểm tín dụng của chủ thẻ càng xấu.

Việc thu hồi nợ của bất cứ đơn vị nào đều phải tuân thủ theo hai đạo luật liên bang: Đạo luật Thực hành thu hồi nợ công bằng (Fair Debt Collection Practices Act) và Đạo luật Báo cáo tín dụng công bằng (Fair Credit Reporting Act). Đạo luật Thực hành thu hồi nợ công bằng cấm bên thu hồi nợ sử dụng những biện pháp bạo lực, lừa đảo, không công bằng, trong khi Đạo luật Báo cáo tín dụng công bằng quy định cách báo cáo các khoản nợ trong báo cáo tín dụng. Ngoài ra, việc thu hồi nợ còn phải tuân thủ theo luật pháp của từng tiểu bang.

Cân nhắc phá sản cá nhân

KTSG: Càng ngày, tiêu dùng nội địa càng trở thành một động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế. Vậy nhưng, người tiêu dùng Việt Nam chưa thật sự trưởng thành trong hiểu biết tài chính, đặc biệt khi nền kinh tế vẫn dùng tiền mặt nhiều. Đồng thời, khuôn khổ pháp lý quy định hoạt động vay tiêu dùng qua thẻ tín dụng tại Việt Nam vẫn chưa thật sự đầy đủ, chặt chẽ. Trong bối cảnh này, theo ông, chúng ta nên có cách tiếp cận thế nào? Những vấn đề nên ưu tiên là gì?

- Nếu muốn phát triển thị trường tài chính tiêu dùng, Việt Nam phải nhìn nhận, đánh giá điều kiện kinh tế, xã hội để lựa chọn học tập hay cải tiến những quy định của các nước phát triển cho phù hợp. Ví dụ, về vấn đề thẻ tín dụng, muốn thúc đẩy tiêu dùng qua thẻ tín dụng, chủ thẻ phải chấp nhận các yêu cầu khắt khe về lãi suất để hạn chế chủ thẻ vay nợ rồi không hoàn tiền lại cho ngân hàng thương mại hay các công ty phát hành thẻ.

Đối với người dùng thẻ, ngoài chuyện các cơ quan quản lý, cơ quan truyền thông cần thông tin, phổ biến các quy định, các hệ lụy của việc nợ thẻ quá hạn, bản thân họ cũng phải tự ý thức về trách nhiệm tài chính trước khi quyết định mở thẻ hay sử dụng các khoản vay từ thẻ tín dụng. Hiện pháp luật Việt Nam đã yêu cầu trong hợp đồng mở thẻ phải có các thông tin về thời hạn cấp tín dụng, thời hạn trả nợ, mức trả nợ tối thiểu, phương thức trả nợ, lãi suất… nên người muốn mở thẻ phải đọc kỹ hợp đồng. Trong trường hợp cần cung cấp thông tin chi tiết hơn về khoản vay và mức lãi suất, người muốn mở thẻ có thể yêu cầu trực tiếp với bên phát hành, nếu các điều khoản không phù hợp, quá năng lực chi trả của bản thân thì không nên tiếp tục ký hợp đồng mở thẻ.

Như đã từng đề cập, theo tôi, Việt Nam nên quan tâm tới vấn đề đánh giá hệ số tín nhiệm tín dụng cá nhân. Do không có thông tin về tín nhiệm tín dụng cá nhân, các tổ chức phát hành thẻ không có cơ sở để xác định người dùng có đủ điều kiện mở thẻ hay không và hạn mức tín dụng với họ ở mức nào là phù hợp.

Cái khó là Việt Nam chưa có trung tâm thu thập dữ liệu tín dụng cá nhân. Bên cạnh đó, giao dịch sử dụng tiền mặt trong nền kinh tế chiếm tỷ lệ lớn nên dữ liệu về tín dụng của người dùng cũng chưa đầy đủ. Vì vậy, muốn thực hiện đánh giá tín nhiệm tín dụng cá nhân, chúng ta phải lựa chọn được mô hình thích hợp và xây dựng các quy định tiếp cận thông tin tín dụng cá nhân làm cơ sở để thực hiện việc đánh giá. Trước mắt, có thể khuyến khích người dân tự nguyện tham gia đánh giá tín nhiệm tín dụng cá nhân bằng các ưu tiên tiếp cận tín dụng với người có hệ số tín nhiệm tín dụng cao.

Thứ hai là vấn đề phá sản cá nhân. Khi chủ thẻ nhận thấy không có khả năng trả nợ, họ nộp đơn xin phá sản cá nhân lên tòa án. Từ thời điểm tòa án chấp nhận việc phá sản cá nhân, các khoản vay, lãi suất, phạt quá hạn… sẽ đóng băng, chủ thẻ mắc nợ được tái cơ cấu nợ. Phá sản cá nhân sẽ giúp chấm dứt một thời kỳ khó khăn về tài chính, mở ra cơ hội để người mắc nợ có thời kỳ tài chính lành mạnh hơn.

KTSG: Chúng ta đều biết, đã có một thời kỳ mà các ngân hàng thương mại ồ ạt phát hành thẻ tín dụng. Vấn nạn thu hồi nợ thẻ tín dụng theo cách không chính thống cũng từng được ghi nhận. Ông có lời khuyên gì cho những chủ thẻ để tránh lâm vào tình trạng phát sinh nợ hàng tỉ đồng?

- Về phía các chủ thẻ, cần phải kiểm tra tiêu dùng của những thẻ đã mở. Nếu đã có các khoản nợ, cần thương lượng với bên phát hành thẻ phương án thanh toán phù hợp với năng lực tài chính của bản thân, tránh dây dưa phát sinh thêm tiền lãi và tiền phạt quá hạn.

Trong trường hợp phát sinh các chi tiêu bất thường hay có các dấu hiệu phạm pháp, ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của bản thân, cần nhanh chóng thông báo cho các cơ quan có trách nhiệm để họ điều tra, làm rõ.

Tôi cho rằng, đơn vị phát hành thẻ cũng cần rà soát lại hoạt động phát hành thẻ thời gian qua, có những đánh giá về hệ số tín nhiệm tín dụng của các chủ thẻ, từ đó, có biện pháp theo dõi các khoản nợ phát sinh hay điều chỉnh hạn mức cho vay phù hợp với năng lực tài chính của chủ thẻ.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới