Thứ Hai, 22/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Chuyện dự báo và phòng chống hạn mặn cho đồng bằng sông Cửu Long

Tô Văn Trường

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Vùng đồng bằng sông Cửu Long ngày nay mong manh hơn trước những biến động khí hậu và cả hành xử của các bên liên quan. Việc dự báo đóng vai trò quan trọng để đưa ra cách ứng phó hợp lý. Những giải pháp cho vùng đồng bằng cũng cần cập nhật mới bởi nguồn nước và xâm nhập mặn đã thay đổi và không thể đảo ngược.

Hạn hán, thiếu nước ở Bến Tre, lúa không phát triển được, người dân phải cắt cho bò ăn. Ảnh: N.K

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bao gồm 13 tỉnh thành chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội ở Việt Nam. Sản lượng nông nghiệp của ĐBSCL chiếm trên 50%, lương thực xuất khẩu trên 90%, cây ăn trái và thủy sản khoảng trên 70% so với cả nước. Mặc dù có những lợi thế lớn trong việc phát triển kinh tế – xã hội, người dân ĐBSCL vẫn phải đối mặt với hàng loạt vấn đề khó khăn trong cuộc sống hàng ngày như lũ lụt, ngập úng, hạn hán và xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, bờ biển, lún sụt đất…

Tại ĐBSCL, xâm nhập mặn có ảnh hưởng tới khoảng 1,2-1,6 triệu héc ta ở vùng ven biển (độ mặn 4 g/l). Tình hình xâm nhập mặn ở ĐBSCL rất phức tạp, phụ thuộc vào mức độ lũ năm trước, khả năng cung cấp nước ngọt từ thượng nguồn trong mùa khô, tình hình sản xuất lúa vụ hè thu và thời điểm bắt đầu và kết thúc mùa mưa. Mặn có thể xâm nhập vào sâu trong đất liền nếu mưa bắt đầu muộn, như những năm 1977, 1993, 1998 và từ 2004-2005.

Đặc biệt những năm gần đây, xâm nhập mặn còn phụ thuộc vào việc xả nước sớm, muộn, nhiều hay ít ở các thủy điện thượng nguồn lưu vực sông Mêkông. Hạn mặn năm nay, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng đã xảy ra thiệt hại 573,79 héc ta lúa đông xuân do thiếu nước ngọt, kết hợp ngộ độc phèn. Ngoài ra, một phần khác bị ảnh hưởng là diện tích lúa đông xuân muộn (vụ 3) được sản xuất ngoài kế hoạch, thuộc vùng khuyến cáo không xuống giống sau ngày 15-1-2024.

Đã dự báo đúng về một năm khắc nghiệt hơn

Hạn mặn cao hơn những năm trước

Ngay từ cuối năm 2023, Climate Program Office and Columbia University (CPC) dự báo khả năng hiện tượng El Nino sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian từ tháng 2 đến tháng 4-2024 là rất cao, sau đó giai đoạn tháng 5 đến tháng 6 chuyển đổi sang điều kiện ENSO trung tính với khả năng xảy ra là 72% và duy trì tương tự ở giai đoạn tháng 5 đến tháng 7. Giai đoạn tháng 7 đến tháng 9, xác suất tới 65% xảy ra hiện tượng La Nina.

Với dự báo ảnh hưởng El Nino, khu vực Mêkông ít mưa trong khi miền Đông Trung Quốc mưa nhiều hơn. Hiện nay, các hồ chứa trên lưu vực Mêkông còn đến khoảng 50% dung tích hữu ích nhưng vẫn xả nước cầm chừng. Đáng chú ý, vừa qua, các hồ chứa từ Trung Quốc xả xuống hạ lưu chỉ với 1 tổ máy kéo dài từ 29-1 đến 25-2; mới tăng lên 2 tổ máy từ 25-2 đến 1-3 và hiện lại tiếp tục xả thấp.

Do ảnh hưởng của nắng nóng, xả nước ít, dự báo hạn mặn ở ĐBSCL ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, thời gian ảnh hưởng ngắn hơn do El Nino kết thúc sớm.

Ngay từ giai đoạn tháng 9 đến tháng 10-2023 các nhận định về hạn mặn năm 2023-2024 của các cơ quan chức năng của Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và Bộ Tài nguyên Môi trường) nghiêng về hạn mặn sẽ ở mức khắc nghiệt hơn trung bình nhiều năm nhưng không căng thẳng như các năm 2015-2016 và 2019-2020.

Tuy nhiên, do chịu ảnh hưởng của El Nino, nhiệt độ khu vực cao hơn trung bình nhiều năm nên các khu vực chủ yếu sử dụng nước ngọt từ mưa trữ lại trên hệ thống kênh sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất do nước bốc hơi và cây trồng sử dụng nước nhiều hơn, còn các khu vực sử dụng nước ngọt từ sông Mêkông sẽ bị ảnh hưởng ít hơn. Đến thời điểm hiện nay có thể khẳng định các nhận định dự báo trước đây là phù hợp với diễn biến của thực tế.

Nguồn nước ít hơn

Có ba yếu tố quan trọng, chi phối nguồn nước về ĐBSCL là dòng chảy đến Kratie, lượng nước trữ trong Biển Hồ và nền nước tại đồng bằng đầu mùa khô. Tính đến ngày 20-11-2023, nước ở Biển Hồ ước tính khoảng 35,14 tỉ mét khối, thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,11 tỉ mét khối.

Nguồn nước, xâm nhập mặn ở ĐBSCL đã có nhiều khác biệt so với quá khứ và không thể đảo ngược do các yếu tố tác động từ khai thác, phát triển ở các nước thượng lưu, tác động từ phía biển và phát triển nội tại ở đồng bằng. Do vậy, hệ thống công trình thủy lợi và các giải pháp kiểm soát nguồn nước trong quá khứ không còn phù hợp với hiện tại.

Về dòng chảy đến Kratie, mực nước ở đây ngày 20-11-2023 tương đương với cùng thời kỳ trung bình nhiều năm từ 1961-1922, nhưng cao hơn năm 2019 (2,72 mét) và 2015 (1,91 mét).

Nền nước tại đồng bằng cuối mùa lũ, đầu mùa khô tương đương với năm 2023-2024 và cao hơn rất nhiều so với năm 2015-2016 và 2019-2020. Dự báo nguồn nước mùa khô 2023-2024 thuộc nhóm năm ít nước, xâm nhập mặn đến sớm và sâu hơn trung bình nhiều năm. Mặn cao nhất vào tháng 3, với ranh mặn 4g/l từ 50-65 ki lô mét từ cửa sông.

Thủy triều mùa khô năm nay thuộc loại cao, do tác động tổng hợp của các nguyên nhân hình thành và tác động đến mực nước thủy triều như hấp dẫn tổng hợp, gió và khí áp. Trong tháng 2 và 3 năm nay, thời gian đỉnh triều trùng với thời gian hoạt động mạnh dài ngày của gió mùa đông bắc trên Biển Đông (gió chướng ở Nam bộ) đẩy nước mặn vào sâu trong nội đồng.

Các hiện tượng trên đây có liên hệ trực tiếp với chu kỳ thiên văn của các hành tinh trong hệ mặt trời, có thể dự báo trung và dài hạn được và thực tế các cơ quan hữu trách đã dự báo khá tốt.

Tập hợp giải pháp cho vùng đồng bằng

Những giải pháp đã thực hiện

Với nguy cơ về hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2023-2024 như đã được nhận định, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện 04/CĐ-TTg ngày 15-1 về việc chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; Bộ NN&PTNT cũng ban hành Chỉ thị số 661/CT-BNN-TL ngày 23-1 về việc tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2023-2024.

Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cùng các địa phương đã tổ chức triển khai các giải pháp ứng phó, như sau:

Về nguồn nước, nhận định mặn hạn trên mức trung bình, Bộ NN&PTNT khuyến cáo từ đầu mùa khô, chủ động sản xuất sớm ở vụ đông xuân để né thời kỳ mặn hạn cao, đưa ra các giải pháp phi công trình và công trình ứng phó với tình hình hiện tại (dự báo hạn mặn cao điểm trong tháng 3, khả năng kéo dài phụ thuộc vào việc xả nước của các thủy điện thượng nguồn). Nếu việc xả nước sớm và tăng, phần hạn mặn sẽ kết thúc sớm.

Vùng thượng và vùng giữa ĐBSCL nguồn nước cơ bản đủ, cần vận hành hợp lý các công trình kiểm soát mặn và tích nước, khi lấy nước cần kiểm tra độ mặn phù hợp, nhất là với vùng cây ăn trái. Các vùng bị hán hán ảnh hưởng nặng năm nay đều là các vùng không tiếp cận được nguồn nước từ sông chính (vùng U Minh Hạ, Trần Văn Thời của Cà Mau), sản xuất chủ yếu sử dụng nước mưa trữ trong hệ thống.

Năm nay mùa mưa kết thúc sớm, lượng nước trữ không đủ sử dụng, không có nguồn nước bổ sung, người dân hầu như đã bơm cạn nước trong các kênh lên để sử dụng. Do vậy, các địa phương cần vận hành trữ nước hợp lý trong thời gian nguồn nước không bị nhiễm mặn.

Đến cuối tháng 2, các khu vực sản xuất đã hầu như không còn nhu cầu sử dụng nước, song do hệ thống kênh đã cạn nước, gây ra hiện tượng lún sụt bờ kênh, đường giao thông, gây tác động rất lớn. Các hệ thống thủy lợi vùng ven biển chưa khép kín, bị ảnh hưởng do nhiễm mặn cũng gây ra hiện tượng hạn hán, thiếu nước ở Bắc Bến Tre, Nam Bến Tre.

Về lúa, các tỉnh ven biển khu vực ĐBSCL đã thực hiện xuống giống sớm từ tháng 10-2023 và cơ bản kết thúc trong tháng 12, các diện tích này sẽ thu hoạch trước thời kỳ xâm nhập mặn cao điểm.

Về cây ăn trái, các địa phương đã chủ động triển khai các giải pháp cho vùng cây ăn trái, chủ yếu là việc xây dựng và tích trữ nước trong các ao hồ phân tán quy mô hộ, nhóm hộ gia đình. Cơ quan chức năng của Bộ NN&PTNT đã ban hành “Sổ tay hướng dẫn tạm thời kỹ thuật trữ nước phân tán, tưới hiệu quả cho cây ăn trái vùng ĐBSCL, áp dụng trong điều kiện xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024” để hướng dẫn các giải pháp trữ nước cho cây ăn trái.

Về nuôi trồng thủy sản (tôm), độ mặn hiện nay trên các kênh rạch khu vực nuôi trồng thủy sản ở Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang đã lên đến 20-25 g/l, nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài thì vào tháng 4 và tháng 5 độ mặn sẽ tiếp tục lên trên 30 g/l. Điều này ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến năng suất và sinh trưởng của con tôm. Về lâu dài, các địa phương cần đầu tư các hệ thống công trình chuyển nước ngọt nhằm pha loãng nguồn nước phù hợp với môi trường nuôi trồng thủy sản.

Về chống cháy rừng, các đơn vị quản lý các khu rừng ở U Minh và khu bảo tồn cần kiểm tra, giám sát chặt chẽ các quy định về phòng chống cháy rừng, kiểm tra giám sát người đến và ra khỏi rừng. Các đơn vị cần thực hiện các biện pháp bảo vệ phòng chống cháy rừng như kiểm tra bờ bao, bơm nước bảo vệ phòng chống cháy, duy trì khoảng cách an toàn giữa các phân lô đảm bảo phòng chống cháy lan rộng và chuẩn bị các biện pháp phòng chống cháy tại chỗ khi có sự cố xảy ra.

Về nước sinh hoạt, các địa phương tổ chức rà soát các khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng, để điều chỉnh kịp thời kế hoạch ứng phó khi xảy ra xâm nhập mặn với ưu tiên cao nhất cho cấp nước sinh hoạt cho người dân, điều chỉnh việc bố trí các điểm cấp nước công cộng và các phương án vận chuyển nước sạch, phương án hỗ trợ thiết bị trữ nước sạch hộ gia đình phù hợp với tình hình thực tiễn.

Về đầu tư, hoàn thiện các công trình kiểm soát mặn, Bộ NN&PTNT cùng với tỉnh Tiền Giang đã hoàn thiện sớm và vận hành các cống kiểm soát mặn khu vực dọc sông Tiền từ thành phố Mỹ Tho đến thành phố Cai Lậy (cống Nguyễn Tấn Thành, cống Rạch Gầm, cống Phú Phong,…). Các cống này đã phát huy hiệu quả tốt, bảo đảm kiểm soát mặn cho khu vực Mỹ Tho và khu vực Nam Nguyễn Văn Tiếp của Tiền Giang, bảo đảm nguồn cấp nước sinh cho người dân, bảo vệ khu vực trồng cây ăn trái tập trung của tỉnh Tiền Giang.

Khu vực Bắc Bến Tre cũng được hoàn thành hai công trình gồm cống Bến Rớ và cống cùng trạm bơm Tân Phú. Hai công trình này đã góp phần kiểm soát mặn cho khu vực Thượng Ba Lai, tuy nhiên do hệ thống Bắc Bến Tre còn chưa khép kín nên hiệu quả kiểm soát mặn cho khu vực Giồng Trôm, Ba Tri, Bình Đại còn hạn chế.

Về vận hành công trình và ý thức của người dân, việc theo dõi chặt chẽ diễn biến nguồn nước ở thượng lưu, tăng cường công tác dự báo giúp các địa phương và người dân chủ động trong ứng phó với hạn mặn. ĐBSCL phải vận hành hệ thống công trình thủy lợi phù hợp, tăng cường lấy nước ngọt vào hệ thống khi có điều kiện. Người dân cần tuân thủ kế hoạch sản xuất các địa phương đề ra, căn cứ vào khả năng nguồn nước, không phát triển sản xuất ngoài kế hoạch.

Các giải pháp đang được nghiên cứu đề xuất

Nhiều giải pháp về việc hoàn thiện, khép kín các hệ thống thủy lợi để gia tăng khả năng trữ nước, đầu tư các công trình chuyển nước ngọt bổ sung, đặc biệt là tiểu vùng II, III Bắc Cà Mau đang được nghiên cứu đề xuất.

Nguồn nước, xâm nhập mặn ở ĐBSCL đã có nhiều khác biệt so với quá khứ và không thể đảo ngược do các yếu tố tác động từ khai thác, phát triển ở các nước thượng lưu (chủ yếu xây dựng hồ chứa, gia tăng sử dụng nước), tác động từ phía biển và phát triển nội tại ở ĐBSCL. Do vậy, hệ thống công trình thủy lợi và các giải pháp kiểm soát nguồn nước trong quá khứ không còn phù hợp với hiện tại.

Để giải quyết vấn đề nguồn nước và xâm nhập mặn cho vùng ven biển, trước mắt, các đơn vị cần tiếp tục tăng cường các giải pháp chủ động cấp nước cho các vùng xa nguồn ngọt (tích nước tại chỗ, nâng cấp các hệ thống thủy lợi, xây dựng mới các công trình kiểm soát mặn, các trạm bơm), nạo vét hệ thống trục chuyển nước, tăng cường sử dụng nước mưa; kiểm soát chặt chẽ việc xả thải vào nguồn nước.

Về lâu dài, khu vực này cần xem xét tiếp tục nghiên cứu việc kiểm soát các cửa sông lớn (sông Cửu Long và các sông nội địa) để kiểm soát nguồn nước ngọt, khống chế ranh mặn hợp lý, kết hợp chống ngập và hạn chế các thiên tai khác từ biển (sóng thần, nước dâng do bão…).

Chuyện tiếp nước sông Hậu cho Cà Mau

Tỉnh Cà Mau nằm xa sông Hậu với với khoảng cách từ 90-190 ki lô mét theo đường chim bay, do đó ít được hưởng lợi từ nguồn nước sông Mêkông từ sông Hậu. Tuy nhiên, tỉnh này lại có thuận lợi khi lượng mưa bình quân hàng năm vào khoảng 2.400 mm, cao hơn so với bình quân vùng ĐBSCL vào khoảng 1.500 mm.

Đã có một số dự án nghiên cứu chuyển nước cho Cà Mau, điển hình như Dự án hệ thống thủy lợi Quản Lộ – Phụng Hiệp được đầu tư từ những năm 1990 đến 2007, đến năm 2020 được bổ sung thêm âu thuyền Ninh Quới. Tuy nhiên, hầu như Cà Mau ít được hưởng lợi từ nguồn nước ngọt ở hệ thống thủy lợi Quản Lộ – Phụng Hiệp do xa nguồn nước, đầu nước thấp. Vận hành hệ thống công trình thủy lợi chỉ có thể đưa nước ngọt về đến khu vực Bạc Liêu.

Về khả năng tiếp nước ngọt từ sông Hậu cho vùng Bắc Cà Mau, hệ thống công trình thủy lợi hiện có đã tạo điều kiện để thực hiện nhiệm vụ này nếu được sửa chữa, bổ sung thêm một vài công trình, ví dụ như cống Tắc Thủ và phối hợp vận hành của cả hệ thống thủy lợi trong vùng bán đảo Cà Mau.

Còn vùng Nam Cà Mau, nếu muốn bổ sung nước ngọt thì phải đầu tư thêm khá nhiều công trình, trong đó có những công trình tương đối lớn (như cống Sông Đốc, Gành Hào) nhưng khả năng nguồn nước cũng bị hạn chế. Do vậy, các đơn vị cần tiếp tục nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật hiệu quả về kinh tế và xem xét về khả năng đầu tư của Nhà nước.

Việc nghiên cứu chuyển nước sông Hậu về Cà Mau là cần thiết, tuy nhiên cần phải có mục đích sử dụng nước, đối tượng sử dụng nước rõ ràng. Các đơn vị cần cân nhắc các giải pháp liên quan, thu trữ nước tại chỗ nhờ hệ thống thu trữ nước mưa, bơm trữ khi nguồn nước dồi dào trong mùa mưa; tính toán hiệu quả kinh tế và bền vững của các giải pháp để có lựa chọn phù hợp, ưu tiên cho từng giai đoạn khác nhau.

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới