(KTSG Online) - Việc người dân phải lo lắng chạy đôn đáo đi hủy những tài khoản ngân hàng đã không sử dụng nhiều năm cho thấy Ngân hàng Nhà nước cần đưa ra quy định chung về thời hạn khóa và cách tính phí dịch vụ tài khoản, tránh khách hàng bị thu phí chồng phí sau hàng chục năm không sử dụng và cũng không được ngân hàng liên hệ như hiện nay.
- Cảnh báo về việc lừa đảo dùng công nghệ AI để mở tài khoản ngân hàng
- Tài khoản ‘ma’, SIM ‘rác’ khiến lừa đảo trực tuyến lộng hành
Sau vụ thẻ tín dụng không thanh toán khiến từ nợ gốc 8,5 triệu đồng sau 11 năm tăng lên hơn 1.000 lần thành 8,8 tỉ đồng sau 11 năm, nhiều người dân lo ngại với các khoản nợ “im lặng” từ dịch vụ ngân hàng.
Trong mấy ngày gần đây, không ít khách hàng đã đổ xô đi hủy tài khoản ngân hàng không còn dùng nhưng đã bị bỏ quên. Do ngân hàng vẫn giữ trạng thái tài khoản hoạt động, có người đã bị truy thu phí quản lý cộng dồn cả chục năm lên đến hàng triệu đồng.
Lỗi người dùng bỏ quên cũng có một phần nhưng một phần khác cũng phải nói đến là lỗi từ phía hệ thống ngân hàng.
Hàng chục năm trước đây, do hệ thống ngân hàng chưa liên thông nhiều nên một người có thể phải mở nhiều tài khoản ngân hàng để thuận tiện chuyển tiền, nhận tiền nhanh và được miễn giảm phí chuyển tiền. Khi nhu cầu này không còn và tiền trong tài khoản là 0 đồng, không ít người xem như là tài khoản sẽ tự đóng nên họ cứ để như vậy thay vì đến ngân hàng làm thủ tục hủy.
Cộng thêm vào đó là các chiến dịch khuyến mãi mở tài khoản của ngân hàng, rồi dịch vụ mở tài khoản từ xa trong giai đoạn dịch Covid-19 bằng hệ thống định danh trực tuyến eKYC cũng góp phần tạo ra những tài khoản ngân hàng mở rồi để đó.
Đó là chưa kể những kiểu biến tướng từng bị báo chí phản ánh như “lùa” sinh viên mở tài khoản tại ngân hàng được chỉ định khi làm thủ tục nhập học hay người lao động phải mở tài khoản nhận tiền mua quà tết từ cơ quan chức năng dù họ không hề có nhu cầu.
Hồi năm ngoái, trong nỗ lực chống lừa đảo trực tuyến, Ngân hàng Nhà nước đã từng yêu cầu các ngân hàng phải tổng rà soát các tài khoản có dấu hiệu nghi vấn để khóa các tài khoản “ma” mở bằng giấy tờ không hợp lệ. Lẽ ra, trong đợt rà soát này, các ngân hàng phải thống kê các tài khoản không hoạt động đã lâu và liên hệ với chủ tài khoản để xác nhận họ có muốn duy trì tiếp hay hủy.
Hiện nay không có quy định chung về thời hạn duy trì tài khoản không hoạt động. Một số ngân hàng áp dụng chính sách “đóng băng” tài khoản không giao dịch trong thời gian nhất định, thường là 6 hoặc 12 tháng. Sau thời gian này, tài khoản khách hàng không bị phát sinh chi phí quản lý. Khi cần kích hoạt lại hay đóng luôn tài khoản, khách hàng liên hệ ngân hàng và có thể phải thanh toán một khoản phí nếu có phát sinh nhưng không đáng kể, thường chỉ vài chục ngàn đồng.
Thế nhưng, một số ngân hàng đã không làm như vậy mà chọn cách im lặng. Khi nào khách hàng liên hệ để khóa tài khoản thì sẽ phải đóng đủ các loại phí đã tích lũy lại trong nhiều năm. Sau vụ lùm lùm thẻ tín dụng nói trên, có khách hàng sau hơn 10 năm không sử dụng tài khoản liên hệ lại với ngân hàng để đóng tài khoản thì bị truy thu cả triệu đồng.
Khi mở tài khoản, khách hàng phải cung cấp đầy đủ thông tin liên hệ như địa chỉ gởi thư, địa chỉ email và số điện thoại di dộng. Thế nhưng, dù có nhiều kênh liên lạc như vậy, có ngân hàng vẫn không liên hệ để thông báo mà ngồi chờ khách trở lại thì thu phí cộng dồn hàng chục năm là không sòng phẳng.
Lập lờ, không tư vấn đầy đủ thông tin về điều khoản sử dụng dịch vụ cho khách hàng để lặng lẽ “lượm bạc cắc trên số đông” thu về tiền tỉ là cách được một số ngân hàng và doanh nghiệp dịch vụ lựa chọn và thực hiện thông qua nhiều “thủ thuật nghiệp vụ”.
Thường thì khi xảy ra bất đồng, khách hàng đành bó tay trước những quy định trên giấy trắng mực đen của điều khoản sử dụng dịch vụ đã được cài cắm theo hướng có lợi cho doanh nghiệp.
Thực tế cho thấy, không mấy ai muốn bỏ thời gian để đi khiếu nại chỉ vì khoản tiền vài chục, vài trăm ngàn đồng. Nắm được tâm lý này, một số doanh nghiệp không ngần ngại áp dụng đủ loại chiêu thức khiến khách hàng dễ dàng rơi vào tình thế phải trả tiền cho xong, đỡ phải dây dưa tốn thời gian.
Để không còn xảy ra những vụ thu phí không sòng phẳng như vậy, cần giải quyết tận gốc bằng quy định pháp lý. Ngân hàng Nhà nước cần tổng rà soát và ban hành quy định khung về xử lý tài khoản không hoạt động thay vì để các ngân hàng tự đặt ra như hiện nay.
Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng phải quy định ngân hàng phải công bố rõ chính sách liên quan đến tài khoản và phải liên hệ với khách hàng khi tài khoản không hoạt động trong một thời hạn nhất định để xác nhận việc duy trì hay hủy tài khoản.
Tài khoản cá nhân, cũng quan trọng như thẻ căn cước, hoặc số điện thoại di động chính chủ. Đó là ba trong số nhiều “báu vật” mà mỗi một người trong chúng ta sẽ mang theo, sử dụng, có khi suốt cả cuộc đời. Bởi lẽ nó gắn liền với một loạt các tiện ích phục vụ đời sống hàng ngày, từ tài sản, tài chính, tiêu dùng, bảo hiểm, sức khỏe… cho đến uy tín con người. Lâu nay, có hiện tượng vì lý do này khác, chạy theo xu thời, lợi lộc trước mắt… đôi khi thiên hạ ít để ý đến những nguy cơ rủi ro, có khi cực cao trong môi trường số hóa, ảo hóa… luôn rình rập chung quanh mình. Bởi vậy, người sử dụng và cả người phục vụ (tổ chức tài chính, ngân hàng…) phải nắm rõ phương châm “Hiểu biết/ Cẩn trọng/ Chuyên nghiệp/ Linh hoạt”.