Thứ hai, 20/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Truyền hình OTT xuyên biên giới: Để hoạt động hợp pháp phải chấp nhận thách thức

LS. Nguyễn Văn Phúc - Nguyễn Thị Dung(*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Tại Việt Nam, xu hướng xem truyền hình Internet thông qua ứng dụng Over The Top (OTT) của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trên mạng Internet ngày càng trở nên phổ biến. Khoảng gần 80% thị phần dịch vụ truyền hình trả tiền qua ứng dụng OTT thuộc về các doanh nghiệp xuyên biên giới, như Netflix, Apple TV, Amazon Fire TV, WeTV… Nhưng mức doanh thu, số thuê bao của các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình xuyên biên giới này vẫn chưa thống kê được(1).

Theo báo cáo của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, mức 200 tỉ đồng doanh thu truyền hình xuyên biên giới năm 2021 đã tăng lên đến 740 tỉ đồng vào năm 2022 và ước đạt hơn 1.550 tỉ đồng chỉ trong sáu tháng đầu năm 2023 (chưa kể doanh thu của các nền tảng xuyên biên giới chưa được cấp phép hoạt động tại Việt Nam)(2). Việc kinh doanh dịch vụ truyền hình trực tuyến xuyên biên giới có sự tăng trưởng mạnh mẽ qua các năm đã rõ, nhưng liệu các doanh nghiệp nước ngoài này có tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật Việt Nam hay không?

Yêu cầu đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam

Nếu như trước đây, việc cung cấp dịch vụ truyền hình trên mạng Internet xuyên biên giới gần như chưa đặt ra bất kỳ điều kiện nào đối với doanh nghiệp nước ngoài thì kể từ thời điểm Luật An ninh mạng 2018 có hiệu lực, doanh nghiệp nước ngoài buộc phải đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam để cung cấp dịch vụ này.

Cụ thể, khoản 3, điều 26, Luật An ninh mạng 2018 quy định: “Doanh nghiệp trong nước và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có hoạt động thu thập, khai thác, phân tích, xử lý dữ liệu về thông tin cá nhân, dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ, dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra phải lưu trữ dữ liệu này tại Việt Nam trong thời gian theo quy định của Chính phủ. Doanh nghiệp nước ngoài quy định tại khoản này phải đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam”.

Sau đó, Nghị định 53/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1-10-2022 đã quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng 2018, trong đó có các yêu cầu cụ thể hơn về việc lưu trữ dữ liệu và đặt chi nhánh, văn phòng đại diện của các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.

Tuy vậy, theo tìm hiểu của chúng tôi, đa phần các doanh nghiệp nước ngoài đều không tuân thủ quy định này.

Yêu cầu về giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền

Hoạt động cung cấp dịch vụ truyền hình là một ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài. Các ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện được pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là thành viên quy định cụ thể.

Đối chiếu về các cam kết của Việt Nam tại các điều ước quốc tế đã tham gia, cụ thể là WTO, CPTTP và RCEP thì Việt Nam chưa cam kết đối với hoạt động cung cấp dịch vụ truyền hình trên Internet theo phương thức qua biên giới. Đồng thời, Việt Nam bảo lưu việc áp dụng các yêu cầu của pháp luật Việt Nam bao gồm cả việc đăng ký và cấp phép. Đối với các ngành, nghề Việt Nam chưa cam kết cho nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận thị trường, nhưng pháp luật Việt Nam đã có quy định về hạn chế tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài thì khi thực hiện, áp dụng quy định của pháp luật Việt Nam đối với ngành nghề đó.

Tại Việt Nam hiện nay, Nghị định 06/2016/NĐ-CP và Nghị định 71/2022/NĐ-CP hiện là các quy định pháp luật chuyên ngành điều chỉnh việc cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình. Các quy định pháp luật chuyên ngành này điều chỉnh cả dịch vụ truyền hình trên mạng Internet cung cấp qua biên giới tới người dùng trên lãnh thổ Việt Nam. Hay nói cách khác, khi các đơn vị nước ngoài cung cấp dịch vụ truyền hình trên mạng Internet qua biên giới trên lãnh thổ Việt Nam sẽ chịu sự quản lý của pháp luật Việt Nam.

Theo quy định hiện hành, đối với hoạt động cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, đơn vị cung cấp phải có giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền. Để được cấp giấy phép này, đơn vị cung cấp phải là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam, riêng đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải được sự chấp thuận về chủ trương của Thủ tướng Chính phủ. Như vậy, quy định này bắt buộc các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trên mạng Internet qua biên giới phải thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam.

Trở lại với cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO, đối với dịch vụ nghe nhìn, nhà đầu tư nước ngoài chỉ được hiện diện thương mại tại Việt Nam dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc liên doanh với đối tác Việt Nam đã được phép cung cấp các dịch vụ này tại Việt Nam. Phần vốn góp của phía nước ngoài không được vượt quá 51% vốn pháp định của liên doanh.

Như vậy, theo cam kết này, các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh dịch vụ truyền hình trả tiền không được thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam mà chỉ được liên doanh với ít nhất một đối tác Việt Nam đã được phép cung cấp các dịch vụ này tại Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề là khi liên doanh thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam thì với quy định của Luật Đầu tư hiện tại, nhà đầu tư nước ngoài phải thực hiện thủ tục để được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Không chỉ vậy, đối với quy định về điều kiện cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải được sự chấp thuận về chủ trương của Thủ tướng Chính phủ.

Như vậy, sẽ có hai trường hợp xảy ra là (i) doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký ngành nghề cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền ngay từ đầu hoặc (ii) doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ban đầu kinh doanh trong một lĩnh vực khác (không yêu cầu các điều kiện đặc biệt), sau đó mới thực hiện thủ tục để xin cấp giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền.

Đối với trường hợp thứ nhất, câu hỏi đặt ra là liệu rằng dự án đầu tư thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài này có cần phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư hay không, hay Thủ tướng Chính phủ chỉ chấp thuận chủ trương về việc cấp giấy phép cung cấp dịch vụ trả tiền, hay hai thủ tục này sẽ được thực hiện cùng thời điểm, bởi lẽ một trong những hồ sơ để được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền là giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, mà loại giấy này chỉ có khi nhà đầu tư nước ngoài được phép đầu tư trong lĩnh vực đăng ký. Đây là một nội dung mà chúng tôi nhận thấy còn chưa rõ ràng và cần được các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn cụ thể hơn.

Đối với trường hợp thứ hai, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ cần được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương trước khi được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền. Tuy nhiên, trường hợp này vẫn có vấn đề lưu ý về giới hạn tỷ lệ sở hữu vốn và thời gian tham gia đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài khi mà đã có tiền lệ về việc một công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương cho phép công ty này được cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền nhưng với tỷ lệ sở hữu nước ngoài ở mức rất thấp (không vượt quá 0,002%) và yêu cầu công ty này có lộ trình thoái vốn đầu tư nước ngoài về tỷ lệ 0% trong quá trình cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền(3).

Có thể thấy, với các yêu cầu về việc phải đặt chi nhánh, văn phòng đại diện, hay thậm chí phải thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam để đáp ứng được điều kiện kinh doanh như trên, việc cung cấp dịch vụ truyền hình trên mạng Internet xuyên biên giới ở Việt Nam giờ đây không còn dễ dàng và muốn được hoạt động hợp pháp sẽ phải chấp nhận thách thức. Bởi lẽ với các yêu cầu trên, doanh nghiệp nước ngoài muốn cung cấp dịch vụ truyền hình trên mạng Internet đều phải hiện diện thương mại tại Việt Nam. Không những vậy, trong thời gian tới, khi Luật Viễn thông 2023 chính thức có hiệu lực, đồng thời với sự ra đời của các nghị định hướng dẫn đi kèm, việc cung cấp dịch vụ truyền hình OTT xuyên biên giới nói riêng và các dịch vụ viễn thông xuyên biên giới nói chung sẽ còn phải chịu sự điều chỉnh của nhiều quy định chặt chẽ hơn.

(*) Công ty Luật TNHH HM&P

(1) Lợi nhuận từ quảng cáo tiếp tục chảy vào túi công ty OTT ngoại (baodautu.vn) truy cập ngày 7-1-2024.

(2) Ẩn họa lớn của truyền hình OTT | Tin nhanh chứng khoán (tinnhanhchungkhoan.vn) truy cập ngày 7-1-2024.

(3) Công văn số 31/TTg-KGVX ngày 11-2-2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấp thuận chủ trương cho phép doanh nghiệp có vốn nước ngoài được cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới