Thứ tư, 25/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Lạm phát thực phẩm ở nước giàu xuống mức thấp nhất kể từ 2021

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Lạm phát thực phẩm ở các nước giàu thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ trước cuộc xung đột Nga-Ukraine. Điều này giúp giảm bớt áp lực lên hàng triệu hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi chi phí thực phẩm đắt đỏ trong hai năm qua, đồng thời hỗ trợ các ngân hàng trung ương trong cuộc chiến chống lạm phát.

Khách hàng mua sắm trong một siêu thị ở London, Anh. Ảnh: EPA

Giá thực phẩm hạ nhiệt nhờ chuỗi cung ứng bình thường trở lại

Theo dữ liệu mới nhất của OECD, tốc độ tăng giá thực phẩm tiêu dùng hàng năm ở 38 nước công nghiệp phát triển chậm lại còn 5,3% trong tháng 2, đánh dấu mức thấp nhất kể tháng 10-2021.Tốc độ này giảm từ mức 6,2% của tháng trước và thấp hơn nhiều so với mức đỉnh 16,2% vào tháng 11-2022.

Tại Mỹ, lạm phát giá thực phẩm hàng năm giảm xuống 2,2% trong tháng 2, từ mức đỉnh 11,4% vào tháng 8-2022 và đánh dấu mức thấp nhất kể từ tháng 5-2021. Tại Anh, giá thực phẩm và đồ uống không cồn tăng 5% trong năm tính đến tháng 2, mức thấp nhất kể từ đầu năm 2022 và thấp hơn nhiều so với mức cao nhất trong 45 năm là 19,2% vào tháng 3-2023.

Theo dữ liệu của Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat) công bố hôm 3-4, trên toàn khu vực sử dụng đồng euro (eurozone), tốc độ tăng giá thực phẩm và đồ uống không cồn hàng năm giảm xuống 2,7% trong tháng 3. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 11-2021 giá cả của hai hạng mục hàng hóa này ở eurozone giảm xuống dưới 3%

Giá thực phẩm tăng vọt trên toàn cầu trong năm 2022 do chi phí năng lượng tăng và thương mại suy yếu sau chiến sự Ukraine. Bên cạnh đó, tình trạng hạn hán nghiêm trọng hơn dự kiến và sự gián đoạn chuỗi cung ứng liên quan đến đại dịch Covid-19 cũng khiến giá thực phẩm leo thang. Theo Chương trình Lương thực thế giới (WFP) của Liên hợp quốc, giá cả thực phẩm đắt đỏ góp phần khiến 333 triệu người trên thế giới đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng trong năm 2023.

“Chúng ta đã chứng kiến tình trạng lạm phát thực phẩm tăng cao ở mức tồi tệ nhất. Nhưng giá hàng hóa nông nghiệp đã giảm đáng kể trong hai năm qua sau khi đạt đỉnh sau cuộc xung đột Nga-Ukraine. Điều này giúp lạm phát tăng chậm lại ngay cả ở cấp độ hàng hóa bán lẻ”, Carlos Mera, người đứng đầu bộ phận hàng hóa nông nghiệp của ngân hàng Rabobank, nói.

Theo Tomasz Wieladek, chuyên gia kinh tế của Công ty đầu tư T. Rowe Price, chuỗi cung ứng toàn cầu đã bình thường trở lại. Đáng chú ý, giá khí đốt đã giảm xuống các mức bình thường trong lịch sử và xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine đã được nối lại qua hành lang Biển Đen. “Những diễn biến này cho thấy đà tăng giá chậm lại của thực phẩm trên toàn cầu có thể sẽ tiếp tục”, Wieladek nói.

Cuối tuần qua, Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) cho biết, chỉ số giá thực phẩm toàn cầu tăng nhẹ lên 118,3 điểm trong tháng 3, sau 7 tháng giảm liên tục. Nhưng con số này thấp hơn 9,9 điểm so với tháng 3 năm ngoái.

Chỉ số này tăng chủ yếu là do giá các loại dầu thực vật như đậu nành, hướng dương và hạt cải dầu tăng vọt khi sản lượng giảm theo mùa và nhu cầu tăng bất ngờ từ Đông Nam Á. Các số liệu riêng biệt của chỉ số này cho thấy, giá thực phẩm bao gồm ngũ cốc, đường và thịt trên toàn cầu nhìn chung giảm so với mức đỉnh kỷ lục vào năm 2022.

Tốc độ tăng giá thực phẩm hàng năm suy giảm đáng kể ở Đức, eurozone, Mỹ và Anh. Ảnh: Financial Times

Giá nông sản bán buôn đang giảm

Giá nông sản bán buôn, đặc biệt là ngũ cốc, nhìn chung đang giảm, báo hiệu giá lương thực sẽ tiếp tục tăng chậm lại ở hầu hết các nước trên thế giới trong những tháng tới. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, công bố đầu tháng 3, so với cách đây một năm, giá bắp giảm 32%, trong khi đó, giá lúa mì giảm 21%. Riêng giá gạo tăng 21% so với tháng 3-2023.

“Trong những đợt tăng giá trước đây, mỗi khi giá chùng xuống, các nhà sản xuất nông nghiệp ngay lập tức tăng nguồn cung ra thị trường để đáp ứng nhu cầu. Tôi dự đoán giá hàng hóa nông sản sẽ tiếp tục giảm”, Steve Wiggins, nhà nghiên cứu chính của ODI, một tổ chức tư vấn các vấn đề toàn cầu, nói.

Giá hàng nông sản bán buôn giảm nhưng chưa ngăn được đà tăng của giá thực phẩm tiêu dùng nói chung vì nguyên liệu đầu vào chiếm tỷ trọng tương đối nhỏ trong chi phí thực phẩm bán lẻ.

Ví dụ, giá bánh mì phụ thuộc vào chi phí lao động, tiếp thị, đóng gói, năng lượng, phân phối, biên lợi nhuận và khuyến mãi. Carlos Mera của Rabobank ước tính, giá lúa mì chiếm nhiều nhất là 10% tổng giá của bánh mì.

Giá hàng hóa thực phẩm cũng được chuyển đến tay người tiêu dùng với độ trễ về thời gian, nghĩa là sự sụt giảm giá nông sản gần đây sẽ được phản ánh trên các kệ hàng tạp hóa trong năm tới.

“Nhìn chung, lạm phát giá thực phẩm đang giảm ở các nước phát triển và các thị trường mới nổi. Nhưng chúng tôi đang thấy mọi thứ vẫn còn khó khăn, đáng chú ý nhất là các nước chịu áp lực tỷ giá hối đoái và phụ thuộc vào thực phẩm nhập khẩu”, Kiran Ahmed, nhà kinh tế trưởng của Công ty tư vấn Oxford Economics, bình luận.

Thổ Nhĩ Kỳ, một nước thành viên của OECD, ghi nhận lạm phát thực phẩm hàng năm tăng 70,4% trong tháng 3 do đồng lira tiếp tục suy yếu so với đồng đô la Mỹ. Tương tự, lạm phát thực phẩm tăng hàng năm 37,9% trong tháng 2 ở Nigeria, nước phụ thuộc vào thực phẩm nhập khẩu nhưng gần đây phá giá đồng naira.

Giá thực phẩm cũng tăng liên tục ở nhiều nước nơi gạo là lương thực chính, sau lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ hồi năm ngoái. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), giá gạo tăng 25% hàng năm trong tháng 2 và lạm phát giá thực phẩm tiếp tục nhích lên ở các nước phụ thuộc vào nhập khẩu gạo của Ấn Độ, như Philippines và Bangladesh.

Theo Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới