(KTSG Online) - Nhà bán lẻ Mỹ Big Lots cùng nhiều nhà mua hàng khác trên thế giới đang xem Việt Nam là một nguồn cung chiến lược để đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Liệu rằng các doanh nghiệp Việt Nam có chớp được thời cơ từ động thái này?
- Aeon đưa các nhà mua hàng quốc tế đến Việt Nam tìm nguồn hàng
- Tháng 6 tới, các đại gia bán lẻ tỉ đô sẽ cùng đến Việt Nam tìm nguồn cung ứng
Chuỗi cửa hàng gia dụng của Mỹ Big Lots mới đây công bố đã chính thức mở thêm hai văn phòng mua hàng quốc tế có vị trí chiến lược ở khu vực châu Á gồm Việt Nam và Trung Quốc.
Trong đó, ở Việt Nam, nhà bán lẻ này đặt văn phòng tại TPHCM. Theo Big Lots, văn phòng mới sẽ giúp hãng nâng cao lợi thế cạnh tranh trong việc tìm nguồn cung ứng sản phẩm, bao gồm cả các giao dịch chốt sổ và giá hời.
Để đón cơ hội này, yêu cầu các nhà sản xuất Việt không ngừng tăng năng lực cung ứng, cạnh tranh giá cả và có quy trình sản xuất thân thiện môi trường.
Nhộn nhịp nhà mua hàng đến Việt Nam
“Nguồn cung ứng toàn cầu là chìa khóa giúp chúng tôi có thêm tính năng mới và mở rộng chủng loại sản phẩm với mức giá cực kỳ hấp dẫn cho người mua hàng”, Giám đốc điều hành Big Lots Bruce Thorn nói trong một tuyên bố hồi đầu tháng 4-2024.
Kevin Kuehl, Phó Chủ tịch cấp cao kiêm Tổng giám đốc bán hàng của công ty sẽ điều hành các văn phòng mới từ trụ sở chính ở Ohio (Mỹ). Cũng trong thông báo, Kevin Kuehl cho biết, người mua của công ty sẽ ở châu Á, gần các cơ sở sản xuất và các đối tác cung cấp quan trọng.
Big Lots cho biết sáng kiến này sẽ đưa đội ngũ tìm nguồn cung ứng độc quyền, lâu năm của bên thứ ba của công ty vào nội bộ, tạo ra một nền tảng mạnh mẽ hơn cho việc mua sắm ở nước ngoài và tối ưu hóa tài sản, đồng thời giúp lấy lại những gì mà hãng mô tả là “di sản giá hời” của mình. Các văn phòng mua hàng mới cũng được kỳ vọng sẽ “tiết kiệm đáng kể chi phí hoạt động” trong năm tài chính 2024 của công ty.
Không chỉ nhà kinh doanh hàng tiêu dùng nhanh Big Lots mà nhiều nhà mua hàng khác cũng đang hướng đến Việt Nam.
Đơn cử với ngành hàng đồ gỗ, nội thất và trang trí nhà cửa, theo ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (Hawa) cho hay, rất nhiều nhà mua hàng quốc tế đã và đang tìm đến Việt Nam để tìm kiếm nhà cung cấp hàng hóa.
Điều này thể hiện rõ tại Hội chợ Xuất khẩu đồ gỗ & nội thất TPHCM (HawaExpo 2024) diễn ra vào tháng 3 vừa qua, thu hút hơn 20.000 lượt khách tham quan, trong đó có đến hơn 4.600 khách quốc tế là nhà mua hàng ở hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ.
"Những khách quốc tế này chưa mở văn phòng đại diện thu mua hàng hóa tại Việt Nam", ông Phương chia sẻ, và ông dẫn báo cáo của nhà tổ chức rằng kết thúc HawaExpo 2024, khoảng 75% nhà triển lãm đã có hợp đồng hoặc ký kết MOU với nhà mua hàng.
Đáng chú ý, tại HawaExpo 2024 còn có hơn 115 triệu đô la Mỹ tổng giá trị đơn hàng được ký kết tại hội chợ dù thông thường để đi đến quyết định hợp tác và đặt hàng thì hai bên cần phải mất thời gian tìm hiểu đến nửa năm hoặc kéo dài cả năm trời.
Ông Nguyễn Quốc Khanh, Trưởng Ban tổ chức Hawa Expo 2024 cũng cho rằng, Việt Nam đang thu hút sự chú ý từ toàn cầu cùng hàng loạt nhà máy mới được khởi công năm nay, Hawa Expo 2024 đã cho thấy được năng lực hiện nay của ngành.
Không dừng lại hàng hóa đồ gỗ, nội thất, các tập đoàn bé lẻ hàng đầu như Walmart, Amazon, Aeon, Central Retail… cùng hàng trăm nhà mua hàng lớn trên thế giới khác sẽ tề tựu tại ở TPHCM vào tháng 6 tới để tham dự chuỗi sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế 2024” (Viet Nam International Sourcing 2024). Đây có thể là cơ hội để họ tìm kiếm nguồn hàng chất lượng từ các doanh nghiệp Việt Nam.
Có hệ thống phân phối tại Trung Đông và Malaysia, ông Mirash Basheer, Giám đốc Công ty May Exports Vietnam cho biết, tại thị trường Việt Nam doanh nghiệp đã làm việc với nhiều đối tác để tìm nguồn hàng xuất khẩu sang Trung Đông.
Sau khi tham gia Viet Nam International sourcing 2023, ông Mirash Basheer cho biết, doanh nghiệp đã tìm kiếm được nguồn hàng và xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ. So với năm 2022, năm 2023 kim ngạch xuất khẩu của đơn vị tăng trưởng 15%.
Ông kỳ vọng thông qua sự kiện năm nay, doanh nghiệp sẽ kết nối được với nhiều nhà cung cấp và nhiều mặt hàng mới từ Việt Nam. Doanh nghiệp đã huy động đoàn thu mua từ các quốc gia Dubai, Oman, Kuwait đến sự kiện lần này. Chuối, cà phê… là những mặt hàng công ty ông đang tìm nguồn cung ứng tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Đức Trọng, Trưởng phòng cấp cao phát triển nhà cung cấp khu vực châu Á của Walmart thông tin, nhà bán lẻ này xác định Việt Nam là địa điểm thu mua chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Thời gian qua, Walmart đã thu mua và nhập khẩu giá trị khoảng 7 tỉ đô la hàng hóa Việt Nam.
Cần "nâng cấp" khả năng cung ứng
Với sự tham gia nhiều nhà mua hàng quốc tế, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, sự kiện Viet Nam International Sourcing 2024 khẳng định Việt Nam đã trở thành một trung tâm sản xuất lớn toàn cầu.
Đó là khả năng cung ứng cho thị trường thế giới nhiều mặt hàng đa dạng, phong phú về chủng loại, cạnh tranh về giá cả với chất lượng ngày càng được cải thiện, bảo đảm nguồn cung bền vững. Các doanh nghiệp Việt cũng ngày càng nâng cấp năng lực cung ứng của mình.
Ông Trần Quốc Mạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Sadaco cũng cho biết, trong xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng trong ngành gỗ, nội thất, nhiều nhà mua hàng quốc tế đang tìm kiếm những nhà cung cấp mới tại Việt Nam và một số nước khu vực châu Á.
Nhờ vậy, thời gian gần đây Sadaco có khá nhiều đơn đặt hàng làm sản phẩm mẫu của các khách hàng mới.
"Nếu tạo được sự khác biệt, vượt trội về thiết kế cũng như có giá cả cạnh tranh, doanh nghiệp có thể sẽ ký được những đơn hàng lớn hơn từ những khách hàng này", ông Mạnh chia sẻ.
Điều này đỏi hỏi nỗ lực, kiên trì rất lớn của doanh nghiệp bởi việc làm hàng mẫu cần rất nhiều công sức, tỉ mỉ, trong khi biên lợi nhuận lại kém hơn so với các đơn đặt hàng số lượng lớn khác.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) cho rằng, các doanh nghiệp trong ngành đang đi từng bước nhỏ, tự thiết kế rồi phối hợp với các nhà thiết kế nước ngoài, đón đầu xu hướng thị trường để có giá trị gia tăng tốt hơn. Nhưng ông Liêm cũng thừa nhận số lượng doanh nghiệp thực hiện chưa nhiều vì khá tốn kém chi phí, thiếu nhân lực.
Một yếu tố quan trọng khác là giá thành sản phẩm làm ra phải thật sự cạnh tranh, so sánh với hàng hóa từ Trung Quốc. Điều này không chỉ đòi hỏi sự nỗ lực của chính nhà sản xuất sản phẩm đầu cuối mà còn là cả chuỗi cung ứng (các nhà cung cấp linh phụ kiện) để làm ra sản phẩm.
Mặt khác, theo đại diện các doanh nghiệp thu mua nước ngoài, để chọn lựa nhà cung cấp họ còn phải xem xét năng lực sản xuất của doanh nghiệp có đủ lớn, sản phẩm có sự ổn định về chất lượng.
Một yếu tố khác khá quan trọng là doanh nghiệp phải đáp ứng thêm các tiêu chuẩn về sản phẩm xanh, sạch từ nguyên liệu đầu vào. Quá trình sản xuất phải cắt giảm phát thải, tiết kiệm năng lượng, giải pháp tái chế chất thải...
Liên quan đến những tiêu chuẩn này, ông Yuichiro Shiotani, Giám đốc Aeon Topvalu Việt Nam cho biết, trong chiến lược của mình, doanh nghiệp đang chú trọng và chọn những nhà cung cấp có xu hướng phát triển sản xuất xanh.
Chẳng hạn như với sản phẩm chuối, doanh nghiệp sẽ chọn những nhà cung ứng sản xuất ít phát thải ra môi trường. Hay sản phẩm cà phê từ những doanh nghiệp đảm bảo công bằng thương mại tại nơi thu mua.
Với thị trường Mỹ, đại diện hệ thống siêu thị Walmart cho rằng, hiện có khoảng 500 doanh nghiệp từ Việt Nam đang cấp hàng cho siêu thị. Tuy nhiên, đa phần là các doanh nghiệp FDI, còn doanh nghiệp thuần Việt chiếm tỉ trọng rất nhỏ và chủ yếu là nhà cung cấp thứ cấp.
Theo đại diện chuỗi siêu thị này, hiện lượng hàng Việt bán ở Walmart không ít nhưng đa phần thông qua doanh nghiệp thứ 3. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động hơn trong tìm hiểu thông tin và đáp ứng yêu cầu thị trường.
Ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại Việt Nam tại Mỹ cũng cho biết, các hệ thống như Walmart, Cotsco, Amazon... đều lấy người tiêu dùng làm trung tâm và yêu cầu khắt khe về chất lượng, giá cả hàng hóa. Đặc biệt là kiểm soát chất lượng đầu vào, đảm bảo tiêu chí xanh, trách nhiệm với môi trường, lao động.
Để mở rộng xuất khẩu vào thị trường Mỹ, ông Hưng khuyến nghị các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cần quan tâm đến những tiêu chuẩn của các hệ thống phân phối. Với thị trường Mỹ, hệ thống phân phối của Mỹ được chuyên môn hóa cao nên việc bán hàng trực tiếp tới người tiêu dùng là rất khó khăn. Do vậy doanh nghiệp cần xây dựng thành công chuỗi cung ứng từ bán buôn đến bán lẻ.
Doanh nghiệp cần có chiến lược theo từng mặt hàng, phát triển kênh phân phối trên sàn thương mại điện tử và các kênh trung gian. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể phối hợp với hiệp hội ngành hàng tại các bang, nhà phân phối, cơ quan xúc tiến để tham gia triển lãm, hội chợ, mở rộng việc kết nối...
Nhà báo ơi, tin vui quá. Cho mình hỏi “giao dịch chốt sổ và giá hời” nghĩa là gì vậy? Cảm ơn nhà báo.