Thứ hai, 13/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Bán ngoại tệ can thiệp – kế tiếp là gì?

Triệu Minh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Với lượng dự trữ ngoại hối hiện nay không phải là nhiều, chỉ xấp xỉ ba tháng nhập khẩu, khi trước đó - năm 2022 đã giảm hơn 22,7 tỉ đô la Mỹ cũng vì phải bán ra để can thiệp thị trường, giải pháp bán ngoại tệ để ổn định thị trường rõ ràng không mang tính lâu dài.

NHNN đang triển khai tăng cung đô la Mỹ và vàng miếng cho thị trường như là giải pháp giảm sức ép cho thị trường ngoại hối. Ảnh: T.L

Liệu pháp tâm lý?

Thời gian qua, đã có thời điểm giá mua đô la Mỹ trên thị trường tự do tăng mạnh thêm 160 đồng, lên mức cao nhất từ trước đến nay ở 25.680 đồng. Trong khi đó, giá bán ra cũng tăng thêm 90 đồng, lên 25.760 đồng, cũng là mức kỷ lục mới. So với đầu năm nay, giá đô la Mỹ trên thị trường tự do đã tăng 3,9% ở chiều mua vào và 4% ở chiều bán ra. Trên thị trường chính thức, giá niêm yết mua bán đô la Mỹ của các ngân hàng thậm chí còn tăng mạnh hơn với mức tăng 4,5% so với đầu năm.

Ứng phó với áp lực tỷ giá tiếp tục leo cao, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hôm 19-4-2024 đã chính thức có thêm giải pháp can thiệp thị trường, bằng cách mở lại kênh bán ngoại tệ. Cụ thể, NHNN sẽ bán ngoại tệ giao ngay cho các tổ chức tín dụng có trạng thái ngoại tệ âm và có nhu cầu mua ngoại tệ từ NHNN. Tuy nhiên, mức giá bán ra của Sở Giao dịch NHNN niêm yết cùng thời điểm là 25.450 đồng/đô la, cao hơn nhiều so với mức giá mua vào mà các ngân hàng đang niêm yết. Vì vậy, không có gì lạ khi có thông tin cho thấy không có ngân hàng nào đăng ký mua. Ngoài lý do là trạng thái ngoại hối của các ngân hàng đều dương, rõ ràng các ngân hàng vẫn có lợi hơn nếu mua từ dân cư và các tổ chức kinh tế.

Cũng cần lưu ý là nguồn cung ngoại tệ đổ vào trong nước thời gian qua vẫn rất dồi dào. Sau khi cán cân tổng thể năm 2023 ghi nhận thặng dư hơn 56 tỉ đô la, quí 1-2024 tiếp tục chứng kiến xuất siêu hàng hóa, dịch vụ 5,75 tỉ đô la; giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 6,17 tỉ đô la, tăng 13,4% so với cùng kỳ; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giải ngân đạt 4,63 tỉ đô la, tăng 7,1% so với cùng kỳ. Về hoạt động kiều hối, riêng lượng kiều hối chuyển về TPHCM trong quí 1-2024 đã đạt gần 2,87 tỉ đô la, tăng 35,4% so với cùng kỳ và là mức tăng trưởng quí 1 cao nhất trong ba năm qua.

Dù đang mất giá so với đô la Mỹ, nhưng nếu so với các đồng tiền khác, tiền đồng vẫn đang lên giá, đã ít nhiều ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam so với các đối tác thương mại chính.

Dù vậy, giới phân tích cũng chỉ ra rằng cầu ngoại tệ trong thời gian qua đã gia tăng mạnh mẽ. Ngoài nhu cầu nhập khẩu đang phục hồi trở lại, dòng vốn ngoại tệ rút ra khỏi Việt Nam theo cả đường chính thức lẫn phi chính thức có lẽ cũng rất lớn, trong bối cảnh chênh lệch lãi suất đô la Mỹ - nội tệ tại Việt Nam (và cả các nước) đã ngày càng mở rộng kể từ khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất trong hai năm qua. Đáng lưu ý, khả năng Fed còn neo lãi suất ở mức cao lâu hơn dự kiến càng kích thích dòng vốn ngoại tệ chuyển dịch đến nơi mang lại khả năng sinh lợi tốt hơn.

Đặc biệt, chênh lệch giá vàng thế giới quy đổi và giá vàng trong nước duy trì ở mức quá cao trong suốt thời gian qua cũng là một trong những yếu tố gây áp lực lên tỷ giá, khi làm tăng nhu cầu mua gom ngoại tệ để nhập lậu vàng.

Kế tiếp là gì?

Như vậy, sau động thái phát hành tín phiếu từ giữa tháng 3 đến nay nhằm hút bớt lượng thanh khoản tiền đồng dư thừa trong hệ thống, tiếp đó lên kế hoạch thay đổi cơ sở xác định tỷ giá kỳ hạn giữa đô la Mỹ với tiền đồng trong giao dịch kỳ hạn theo hướng linh hoạt hơn qua Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 02/2021/TT-NHNN, NHNN đang triển khai tăng cung đô la Mỹ và vàng miếng cho thị trường như là giải pháp giảm sức ép cho thị trường ngoại hối.

Dù vậy, với lượng dự trữ ngoại hối hiện nay không phải là nhiều, chỉ xấp xỉ ba tháng nhập khẩu, khi trước đó - năm 2022 đã giảm hơn 22,7 tỉ đô la cũng vì phải bán ra để can thiệp thị trường, giải pháp bán ngoại tệ để ổn định thị trường rõ ràng không thể mang tính lâu dài. Trong một nhận định gần đây, đại diện của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng diễn biến tỷ giá hiện nay phù hợp với xu hướng chung và nằm trong biên độ của NHNN, chưa cần thiết phải sử dụng ngoại tệ để can thiệp.

Với việc đô la Mỹ bất ngờ đi lên trở lại từ đầu năm đến nay khi Fed dự kiến neo lãi suất cơ bản đô la Mỹ lâu hơn, không ít đồng tiền khác cũng chứng kiến đà mất giá so với đô la Mỹ. Cụ thể, chỉ số USD Index đã tăng 3,8% từ đầu năm đến nay; euro giảm giá 2,8%, bảng Anh giảm hơn 3,1%, đáng kể nhất là yen Nhật giảm hơn 9,7%, franc Thụy Sỹ giảm 8,3%, đô la Úc và won Hàn Quốc đều giảm hơn 5% so với đô la Mỹ. Các nước trong khu vực châu Á cũng chứng kiến đồng nội tệ chịu áp lực mất giá nặng nề so với đô la Mỹ. Đây chính là xu hướng chung.

Về biên độ tỷ giá của NHNN, từ giữa tháng 4 các ngân hàng đã bắt đầu niêm yết giá bán ra sát với mức kịch trần của NHNN, tính theo biên độ ±5% của tỷ giá trung tâm. Trong khi đó, giá đô la trên thị trường tự do đã vượt qua mức trần của NHNN từ cuối tháng 2 đến nay. Đây là một trong những lý do buộc NHNN phải liên tục tăng tỷ giá trung tâm từ giữa tháng 4 đến nay, với mức tăng 190 đồng chỉ trong vòng tám phiên từ ngày 15-4 đến 22-4.

Trước tình hình này, đã xuất hiện những ý kiến cho rằng bước tiếp theo của NHNN có lẽ là nâng lãi suất điều hành trở lại, để tăng sức hấp dẫn của tiền đồng, từ đó giảm bớt nhu cầu đầu cơ ngoại tệ. Tuy nhiên, động thái này có vẻ như chưa thật sự cần thiết trong tình hình hiện nay. Thứ nhất là mức lãi suất tiền gửi có kỳ hạn dưới sáu tháng của phần lớn ngân hàng vẫn đang cách xa mức trần 4,75%, trong bối cảnh nhiều ngân hàng vẫn thừa vốn khi khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn còn yếu. Chỉ khi nào mặt bằng lãi suất thật sự chịu áp lực đi lên và muốn vượt khỏi mức trần, động thái điều chỉnh lãi suất mới cần phải xem xét.

Thay vào đó, có lẽ nhà điều hành nên chấp nhận sự mất giá ở một mức độ nào đó của tiền đồng như là một xu hướng tất yếu không thể tránh khỏi trong bối cảnh hiện nay. Thật ra, dù đang mất giá so với đô la Mỹ, nhưng nếu so với các đồng tiền khác, tiền đồng vẫn đang lên giá, đã ít nhiều ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam so với các đối tác thương mại chính.

Cụ thể, nếu xét trên tỷ giá tính chéo của tiền đồng với một số ngoại tệ cập nhật từ trang web NHNN, tiền đồng đã tăng giá 2,4% so với euro, 6,3% so với yen Nhật, 4,6% so với đô la Úc, 5,2% so với baht Thái, 5,1% so với won Hàn Quốc, 3,4% so với đô la Đài Loan, 7,6% so với real Braxin, 3,9% so với rupiah Indonesia, 1,9% so với ringit Malaysia và 1,6% so với đô la Singapore.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới