Thứ ba, 26/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Làn sóng ‘bỏ phố về quê’ thúc đẩy cơn bùng nổ thương mại ở thành phố nhỏ của Trung Quốc

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Làn sóng ‘di cư ngược’, tức người lao động từ các đại đô thị, trở về quê hương để lập nghiệp, giúp thúc đẩy thương mại ở các thành phố cấp thấp ở Trung Quốc. Các chuỗi nhà hàng và các thương hiệu tiêu dùng đang chạy đua mở rộng sự hiện diện ở các thành phố này để tạo ra nguồn tăng trưởng mới.

Một cửa hàng KFC ở huyện Cố Thủy, thành phố Tín Dương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg

“Bỏ phố về quê” để lập nghiệp

Năm ngoái, Zhao Xiaowei làm một điều mà anh chưa bao giờ nghỉ đến trước đây: bỏ công việc nhân viên pha chế ở Bắc Kinh và trở về quê hương ‘vành đai rỉ sét’ ở phía đông bắc của đất nước để tìm kiếm một tương lai tốt đẹp hơn.

Không còn mệt mỏi và áp lực vì phải vật lộn để kiếm sống ở thành phố thủ đô đắt đỏ, chàng trai 25 tuổi hiện kiếm được nhiều tiền hơn khi làm chủ quán cà phê nhỏ. Quán của anh phục vụ cà phê phin làm từ hạt cà phê Geisha cao cấp với giá 60 nhân dân tệ (8,30 đô la Mỹ) một tách.

“Tôi được sống gần gũi với gia đình và sẽ có bữa ăn nóng hổi khi về đến nhà. Quan trọng nhất là tôi có công việc kinh doanh riêng”, Xiaowei nói về những thay đổi tích cực sau khi anh quyết định chuyển về thành phố Đan Đông, tỉnh Liêu Ninh vào tháng 6 năm ngoái.

Xiaowei là một phần trong làn sóng ‘di cư ngược’ của người lao động khi họ “bỏ phố về quê”. Họ trở về các thành phố quê hương nằm sâu trong nội địa trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế ở các siêu đô thị trì trệ, dẫn đến tình trạng sa thải lao động hàng loạt và cạnh tranh khốc liệt trên thị trường việc làm. Làn sóng ‘di cư ngược’ này đang làm thay da đổi thịt các thành phố cấp thấp. Nhiều cửa hàng thức ăn nhanh phương Tây, chuỗi trà sữa và đại lý xe điện đua nhau mọc lên dọc các con phố chính để phục vụ những người trở về và người dân địa phương đang chứng kiến thu nhập tăng lên.

Nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học và các chuyên gia vẫn tìm kiếm những công việc lương cao ở các thành phố lớn. Nhưng dữ liệu của Công ty tư vấn MetroDataTech cho thấy, trong năm 2023, Thượng Hải và Thâm Quyến ghi nhận số lượng người di cư lớn hơn người nhập cư.

Theo một cuộc khảo sát hồi tháng 1 của UBS Certification Lab, chi tiêu hàng tháng của người tiêu dùng ở các thành phố nhỏ của Trung Quốc tăng tốc ở hầu hết mọi hạng mục hàng hóa vào nửa cuối năm 2023. Mức tiêu dùng tại các quán trà sữa và cà phê tăng đáng kể ở các thành phố nhỏ tăng đáng kể hơn so với khảo sát trước đây. Tuy nhiên, tình hình diễn biến ngược lại ở các thành phố lớn.

“Chi phí sinh hoạt ở các thành phố cấp thấp không quá đắt đỏ, nên những người trẻ tuổi có đủ ngân sách để thưởng thức đồ ăn và đồ uống. Giới trẻ ở các thành phố hàng đầu cần phải tiết kiệm từng xu vì chi phí sinh hoạt cao hơn”, Joey Wat, CEO của Yum China Holdings, công ty điều hành chuỗi nhà hàng KFC và Pizza Hut ở Trung quốc, nói.

Yum China có kế hoạch mở thêm hơn 5.000 cửa hàng vào năm 2026, với hơn 50% trong số đó nằm ngoài các siêu đô thị. Khoảng 80% trong số 180 cửa hàng mà DPC Dash, công ty điều hành chuỗi cửa hàng Domino's Pizza ở Trung Quốc, khai trương năm ngoái, nằm ngoài Bắc Kinh và Thượng Hải.

Theo Công ty dữ liệu Canyandata, gần một nửa tổng số cửa hàng của một số thương hiệu thức ăn nhanh lớn nhất Trung Quốc, tọa lạc ở các thành phố được xếp hạng từ cấp 3 trở xuống.

Sau khi nghỉ công việc nhân viên pha chế ở Bắc Kinh vào năm ngoái, Zhao Xiaowei trở về thành phố Đan Đông, tỉnh Liêu Ninh để mở quán cà phê. Ảnh: Bloomberg

Chi phí nhà ở và sinh hoạt ‘dễ thở’ hơn

Những người lao động rời bỏ các thành phố lớn đang chứng kiến quê hương của họ thay đổi mạnh mẽ, với những trung tâm mua sắm sang trọng, những chiếc xe điện mới tràn ngập đường phố và các cửa hàng tấp nập người mua sắm.

Giá nhà ở các thành phố nhỏ chỉ bằng một phần nhỏ so với ở các thành phố lớn. Kết hợp với sự hỗ trợ tài chính của bố mẹ, giới trẻ ở những thành phố cấp thấp có điều kiện sở hữu nhà dễ dàng hơn.

Với thu nhập khả dụng cao hơn, người tiêu dùng ở các thành phố nhỏ sẵn sàng chi tiêu cho các bữa ăn ở cửa hàng KFC hay những chiếc áo nỉ đắt tiền của Lululemon Athletica. Một số người tiêu dùng có thu nhập tốt thậm chí mua xe Tesla khi hãng này chuyển hướng sang khu vực nông thôn để thúc đẩy tăng trưởng doanh số đang suy yếu.

Người tiêu dùng ở các thành phố nhỏ cũng có sự nghiệp ổn định hơn trong ngành dịch vụ dân sự, bệnh viện và công ty nhà nước.

Văn hóa làm việc “996” của các thành phố lớn, từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối trong 6 ngày một tuần, là điều gần như không tồn tại ở nhiều thành phố nhỏ.

Guan Yinglu bỏ công việc tại một công ty vận tải ở Thượng Hải để về quê hương, thành phố Lô Châu ở miền trung Trung Quốc. Tại đây, cô mở một tiệm bánh vào mùa xuân năm ngoái.

Dù thu nhập giảm đáng kể so với trước, nhưng bù lại Yinglu có trải nghiệm sống phong phú hơn và sức chi tiêu cải thiện vì đồng nhân dân tệ có giá hơn ở các thành phố nhỏ.

Ernan Cui, nhà phân tích tiêu dùng của Gavekal Dragonomics, nhận định việc Bắc Kinh chuyển nhiều nguồn lực hơn đến các khu vực bên ngoài các thành phố lớn đang giúp thu hẹp khoảng cách thành thị và nông thôn. Điều này tạo ra sự sôi động kinh tế ở các thành phố nhỏ.

Tuy nhiên, Ernan Cui lưu ý, một số người hồi hương chỉ vì nhu cầu kinh tế và có xu hướng trở lại các thành phố lớn khi có cơ hội việc làm tốt.

Sau khi mất việc ở Hồng Kông vào cuối năm ngoái, Chen trở về thành phố Nam Xương ở phía đông nam Trung Quốc để đầu tư vào một nhà hàng. Nhưng khi một công ty đầu tư vốn cổ phần tư nhân ở Hồng Kông mời cô đảm nhận vị trí giám đốc đầu tư vào năm 2024, cô đã bán cổ phần ở nhà hàng để quay trở lại thành phố này.

“Cuộc sống ở Nam Xương không hề dễ dàng chút nào. Tôi bắt đầu làm việc lúc 10 giờ sáng và đóng cửa nhà hàng lúc 10 giờ tối”, người phụ nữ 30 tuổi nói.

Dù vậy, nhiều người khác đang nhìn thấy cơ hội kinh doanh ở các thành phố nhỏ. Ymir Li đã khai trương cửa hàng nhượng quyền của thương hiệu chuỗi trà sữa sữa nổi tiếng Heytea ở một thành phố phía tây nam Trung Quốc với 2,5 triệu dân vào năm 2022 sau khi rời bỏ siêu đô thị Thành Đô của tỉnh Tứ Xuyên. Hiện anh điều hành hai cửa hàng trà sữa, tuyển dụng những người lao động trở về từ các thành phố hàng đầu như Thâm Quyến và Thượng Hải.

“Sau khi trải nghiệm cuộc sống ở các thành phố lớn, họ nhận thấy cuộc sống ở quê nhà dễ dàng hơn nhiều”, Ymir Li nói về những nhân viên của mình.

Theo Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới