(KTSG) - Thuốc là một loại hàng hóa tác động trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người dùng nên hình thức mua bán thuốc online cũng cần được kiểm soát phù hợp.
- Bộ Y tế quy định danh mục thuốc mua sắm tập trung cấp quốc gia
- TPHCM: Công tác kiểm tra, giám sát thuốc còn nhiều ‘lỗ hổng’
Hiện nay, không khó để người tiêu dùng có thể mua được thuốc chỉ qua một vài cú nhấp chuột tại nhà. Điều này nhờ vào sự phát triển của thương mại điện tử cũng như sự bùng nổ nhanh chóng của các nền tảng mạng xã hội. Các thương hiệu bán lẻ thuốc lớn như Long Châu, Pharmacity đều đã triển khai hoạt động bán thuốc trên trang web của mình. Thậm chí, việc mua bán thuốc còn được diễn ra trên các nền tảng mạng xã hội, dấy lên lo ngại về sự an toàn đối với người tiêu dùng, đặc biệt là các loại thuốc kê đơn.
Online - cuộc cách mạng trong hoạt động bán lẻ thuốc
Pháp luật hiện nay vẫn chưa có quy định nào điều chỉnh hoạt động bán lẻ thuốc online thông qua hình thức thương mại điện tử hay mạng xã hội. Điều này khiến những doanh nghiệp kinh doanh chân chính gặp không ít lúng túng khi triển khai hoạt động này trên trang web của mình hay thông qua các sàn thương mại điện tử. Trong khi đó, những đơn vị kiếm lợi từ hoạt động bán thuốc không bảo đảm chất lượng trên các nền tảng mạng xã hội, việc thiếu hụt quy định pháp luật điều chỉnh lại là điều kiện tốt để họ tự do hoạt động.
Như một cách để kiểm soát và quản lý tốt hơn hoạt động thương mại điện tử đối với thuốc, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược (Dự thảo Luật Dược) hiện nay đã bổ sung các quy định rất tiến bộ và đột phá.
Theo Dự thảo Luật Dược, ngoại trừ trường hợp bán thuốc qua các nền tảng mạng xã hội, livestream trực tuyến thì việc bán thuốc theo các hình thức như trang web, ứng dụng điện tử của doanh nghiệp kinh doanh dược, sàn thương mại điện tử đều được cho phép. Những doanh nghiệp bán lẻ thuốc bán thuốc thuộc danh mục của Bộ Y tế quy định được phép bán theo phương thức thương mại điện tử và phù hợp với phạm vi kinh doanh được đăng thông tin về sản phẩm mà không phải xin xác nhận từ cơ quan quản lý, bao gồm bao bì thương phẩm của thuốc, tờ hướng dẫn sử dụng thuốc theo đúng nội dung thông tin về Tờ hướng dẫn sử dụng thuốc, nhãn thuốc đã được phê duyệt. Như vậy, với quy định này, doanh nghiệp kinh doanh dược đã có cơ sở pháp lý rõ ràng cho việc bán thuốc theo phương thức thương mại điện tử.
Thách thức đặt ra lúc này dành cho các cơ sở bán lẻ thuốc có hoạt động bán hàng theo phương thức thương mại điện tử là làm sao để có thể tuân thủ tốt hai nghĩa vụ dược lâm sàng và cảnh giác dược.
Một điểm đáng chú ý khác là việc Dự thảo Luật Dược đã khẳng định việc không cho phép bán thuốc qua các nền tảng mạng xã hội, livestream trực tuyến. Quy định này nếu được ban hành cùng các chế tài phù hợp đối với hành vi vi phạm có thể sẽ hạn chế được tình trạng bán thuốc tràn lan trên mạng xã hội.
Tuy nhiên, với sự phát triển như vũ bão của các nền tảng mạng xã hội, đặc biệt là việc tích hợp các sàn thương mại điện tử với mạng xã hội (như trường hợp của TikTok Shop trong thời gian gần đây) có thể sẽ đòi hỏi những thay đổi trong tương lai gần liên quan đến giới hạn này. Do đó, theo quan điểm của tác giả, quy định về hạn chế bán thuốc qua các nền tảng mạng xã hội cần được cân nhắc kỹ lưỡng hơn và có một độ mở nhất định để vừa giải quyết được bài toán về nạn thuốc “dỏm”, vừa bảo đảm cập nhật các xu thế hiện hành trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Một số gợi mở có thể được cân nhắc trong trường hợp này bao gồm việc cho phép doanh nghiệp bán thuốc trên các nền tảng mạng xã hội, livestream trực tuyến (thông qua KOL) đối với các loại thuốc không kê đơn. Ngoài ra, Bộ Y tế có thể ban hành danh mục các loại thuốc cấm bán trên các nền tảng này.
Đồng thời, việc bán thuốc trên các nền tảng mạng xã hội cũng cần được giới hạn trong một khoảng thời gian nhất định, chẳng hạn như không quá 180 ngày trong một năm, với điều kiện doanh nghiệp dược phải thông báo cho cơ quan quản lý trước và sau mỗi đợt bán thuốc, trong đó có thông tin về những loại thuốc được bán, giá cả, thời gian bán thuốc trên nền tảng mạng xã hội.
Thách thức với nghĩa vụ dược lâm sàng và cảnh giác dược
Dù trong thời gian tới, việc bán lẻ thuốc có thể sẽ được thực hiện theo phương thức thương mại điện tử, hoạt động này vẫn mang tính đặc thù khi phải tuân thủ các quy định đặc biệt.
Theo quy định tại Luật Dược 2016, có hai hoạt động mà các cơ sở bán lẻ thuốc cần phải lưu ý và thực hiện, bao gồm dược lâm sàng và cảnh giác dược. Dược lâm sàng được quy định là hoạt động nghiên cứu khoa học và thực hành dược về tư vấn sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, hiệu quả nhằm tối ưu hóa việc sử dụng thuốc. Nôm na thì đây là hoạt động tư vấn cho người mua trong quá trình bán thuốc của cơ sở bán lẻ thuốc và cơ sở bán lẻ thuốc phải bảo đảm có nhân sự để thực hiện việc này.
Trong khi đó, cảnh giác dược là việc phát hiện, đánh giá và phòng tránh các bất lợi liên quan đến quá trình sử dụng thuốc. Đây cũng là một trong những nghĩa vụ mà cơ sở bán lẻ thuốc phải thực hiện trong quá trình kinh doanh.
Trên thực tế, đối với hình thức bán lẻ thuốc truyền thống, hai hoạt động này thường được cơ sở bản lẻ thuốc và những nhân sự chịu trách nhiệm tại cơ sở bán lẻ thuốc thực hiện. Đây cũng không phải là ngoại lệ đối với trường hợp bán lẻ thuốc online. Thách thức đặt ra lúc này dành cho các cơ sở bán lẻ thuốc có hoạt động bán hàng theo phương thức thương mại điện tử là làm sao để có thể tuân thủ tốt hai nghĩa vụ này, nhất là khi việc đưa thuốc tiếp cận với người tiêu dùng giờ đây đã được thực hiện với quy mô rộng rãi hơn.
Hoạt động bán lẻ thuốc theo hình thức thương mại điện tử hiện nay đã được áp dụng khá rộng rãi theo hình thức bán hàng qua trang web, ứng dụng của cơ sở bán lẻ thuốc. Khi truy cập vào trang web của các cơ sở bán lẻ thuốc lớn, những đơn vị này đều đặt ra yêu cầu phải được tư vấn bởi dược sĩ trước khi có thể lựa chọn mua thuốc, áp dụng cho các loại thuốc kê đơn. Đây là một cách thức để cơ sở bán lẻ thuốc thực hiện nghĩa vụ dược lâm sàng.
Tuy nhiên, đối với các sàn thương mại điện tử, việc bán lẻ thuốc hiện nay vẫn còn khá hạn chế, có thể xuất phát từ việc chưa có quy định pháp luật cụ thể điều chỉnh hoạt động này, do đó, các sàn thương mại điện tử vẫn liệt kê thuốc vào nhóm những mặt hàng cấm kinh doanh.
Để tuân thủ tốt hai nghĩa vụ này trên các sàn thương mại điện tử, các cơ sở bán lẻ thuốc cần chuẩn bị nguồn lực về nhân sự (đáp ứng được tiêu chuẩn theo quy định) và máy móc, công nghệ để bảo đảm tư vấn kịp thời cho người tiêu dùng trước khi mua thuốc, tiếp nhận các phản hồi của người dùng trong và sau quá trình sử dụng thuốc, nhất là đối với các cơ sở triển khai bán thuốc online dưới nhiều hình thức khác nhau.
Đứng dưới góc độ quản lý, để bảo đảm các cơ sở bán lẻ thuốc tuân thủ đúng các nghĩa vụ của mình, áp lực đặt lên các cơ quan quản lý Nhà nước không hề nhỏ. Thay vì chỉ quản lý, thanh tra, kiểm tra trực tiếp tại các nhà thuốc như hiện nay, các cơ quan có thẩm quyền trong thời gian tới có thể sẽ phải thanh tra, kiểm tra hoạt động của các cơ sở bán lẻ thuốc trên trang web, ứng dụng của các cơ sở này, hay thậm chí là các sàn thương mại điện tử nơi các cơ sở này có hoạt động bán thuốc. Mặc dù vậy, hoạt động này là cần thiết trong bối cảnh cần sự hài hòa giữa hoạt động tự do thương mại và sự an toàn của người tiêu dùng.
(*) Công ty Luật TNHH HM&P
Thuốc men, không thể cho phép bán theo mô hình online, hiện diện đầy rẫy trên mạng như các loại hàng hóa dịch vụ khác. Điều này là cấm kỵ đối với nguyên tắc bảo vệ sức khỏe con người. Trừ khi, có một kênh trực tuyến đặc biệt, chuyên dùng cho mục đích phục vụ bệnh nhân được Bộ Y tế cấp phép và quản lý chặt chẽ, chủ yếu đơn giản hóa thủ tục hành chính và phương thức giao dịch sao cho nhanh gọn an toàn. Phương án này xem ra không dễ chút nào. Nhưng cũng cần phải cho phép thử nghiệm bước đầu để đánh giá hiệu quả.