Thứ bảy, 23/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

TPHCM: hạ tầng giao thông ‘chạy theo’ cao ốc, người dân mệt mỏi len lỏi trên đường

Đồng Nai

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Tại nhiều khu vực ở TPHCM, hạ tầng đường sá vẫn nguyên trạng trong khi cao ốc được xây dựng với mật độ dày đặc khiến giao thông trở nên bí bách.

8 giờ 30 sáng, dòng xe vẫn nối đuôi nhau nhích từng chút một trên đường Nguyễn Hữu Thọ. Con đường chính ra vào huyện Nhà Bè ùn ứ kéo dài hơn 1km từ Nguyễn Văn Linh đến Lê Thị Kỉnh. Bốn làn xe trên đường chật kín phương tiện.
Giao thông trong khu vực luôn trong tình trạng kẹt xe kéo dài qua cả khung giờ cao điểm (9 giờ) vì lượng xe tập trung đông trên một cung đường trong một thời điểm. Trong ảnh là cầu Rạch Đỉa 2 dù có 2 làn xe mỗi nhánh nhưng vẫn không thể giải toả nhanh lượng xe ở cả hai chiều.
Cao ốc TPHCM. Ảnh: Minh Hoàng
Theo ghi nhận, trên trục đường Nguyễn Hữu Thọ hiện có hơn 60 cao ốc chung cư đã hình thành, tương ứng với việc khu vực này tiếp nhận thêm hàng chục ngàn hộ dân đến sinh sống. Các dự án nhà ở trên trục đường vẫn đang tiếp tục xây dựng để đúng lịch hẹn giao nhà vào quí 3-2024.
Chị Huỳnh Mai sống ở Nhà Bè cho biết, đường Nguyễn Hữu Thọ ngày càng có nhiều chung cư được xây dựng nên tình trạng kẹt xe ngày càng trầm trọng. Xe máy vẫn là hình thức di chuyển chủ đạo của người dân tại khu vực này. "Trước đây tôi có thể đi từ nhà vào trung tâm thành phố bằng tuyến buýt 72 hay 86 nhưng tuyến 86 hiện đã tạm dừng hoạt động từ đầu năm 2023 và vẫn chưa được khai thác trở lại", bà Mai nói và cho rằng xe buýt giúp giảm kẹt xe vì hạn chế được số lượng lớn xe cá nhân nhưng xe buýt tại khu vực lại bị cắt giảm thay vì mở rộng.
Cũng liên quan đến tuyến đường này, Sở Giao thông Vận tải TPHCM đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu gói thầu lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cho dự án nâng cấp. Theo đó, thành phố sẽ mở rộng đường Nguyễn Hữu Thọ từ 4 lên 10 làn xe trong phạm vi 8km từ đường Nguyễn Văn Linh đến đoạn giao cao tốc Bến Lức – Long Thành.
Vừa qua, UBND TPHCM kiến nghị Bộ Xây dựng sớm ban hành hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện đánh giá tác động giao thông đối với các công trình xây dựng để thành phố có cơ sở thực hiện đánh giá tác động giao thông khi phê duyệt dự án. Trước đó, trong vai trò cơ quan giúp việc của TPHCM, Sở Giao thông Vận tải thành phố đã đề xuất nội dung đánh giá tác động giao thông khi phê duyệt gồm phân tích, đánh giá hiện trạng giao thông tại các tuyến đường trong phạm vi đánh giá.
Tương tự, tuyến đường Nguyễn Tất Thành (quận 4) dù không có các khối nhà cao ốc nằm trực tiếp dọc tuyến nhưng vẫn bị ảnh hưởng gián tiếp vì lượng xe từ các cao ốc khu vực vùng ven quá cảnh qua. Dù các chung cư được phân bổ rải rác tại nhiều khu vực tại quận 7, Nhà Bè nhưng sẽ gặp nhau tại đường Nguyễn Tất Thành là một trong các trục chính từ khu Nam vào trung tâm thành phố.
Đường Nguyễn Tất Thành là tuyến đường được UBND quận 4 kiến nghị chính quyền TPHCM mở rộng vào năm 2016. Thời điểm này, chính quyền quận này đánh giá là một điểm nghẽn về giao thông, và tình trạng kẹt xe sẽ thêm trầm trọng khi các dự án trong khu vực hình thành. Tuy nhiên, đến nay đã gần 10 năm nhưng việc mở rộng con đường này vẫn chưa được thực hiện. Trong khi đó, các dự án nhà ở có quy mô từ 5-8 block, cao từ 19-35 tầng, cách con đường này từ 1-2km đều đã khởi công và bàn giao cho người dân đến ở.
Trong ảnh là một dự án nhà ở có quy mô 8 block, cao 19 tầng nằm sát đường Nguyễn Thị Thập (quận 7).
Tại khu vực phía Đông, đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) cũng dày đặc các toà nhà cao tầng.
Cao ốc TPHCM. Ảnh: Minh Hoàng
Cao ốc bám dọc theo đường Nguyễn Hữu Cảnh từ cầu Sài Gòn đến cầu Thị Nghè 2.

1 BÌNH LUẬN

  1. Lúc tôi thăm TP Marseilles, điều đặc biệt ở TP này là dù không cấm phương tiện cá nhân như ô tô, xe máy nhưng người dân nội ô đều không có ô tô vì TP cấm đậu ô tô dưới lòng đường, trên vỉa hè ở nội ô TP. Người dân nào muốn có ô tô thì mua nhà ở ngoại ô để ở, nhưng người ngoại ô đi làm vẫn đi bằng xe buýt và metro vì không có chỗ đậu xe trong nội ô. Muốn di chuyển trong nội ô thì có metro và taxi, nhưng taxi chỉ được quyền đậu ở ngoại ô, khi khách ở nội ô kêu thì bật đồng hồ tính luôn khoảng cách từ chỗ đậu xe tới chỗ khách cộng thêm khoảng đường khách muốn đi. Còn xe buýt chỉ được chạy ở ngoại ô vì gây kẹt xe. Muốn giải quyết nạn kẹt xe ở TP HCM và Hà nội chỉ có đường sắt đô thị như metro và đường sắt trên cao.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới