Chủ Nhật, 3/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Nghịch lý tăng trưởng xuất khẩu điều

Hùng Lê

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Thị trường xuất khẩu hạt điều đang có chiều hướng tốt lên nhưng nội lực và giá trị gia tăng mang về của các doanh nghiệp ngành này ngày càng có xu hướng giảm. Điều này dẫn đến nhiều doanh nghiệp không "mặn mà" đầu tư kinh doanh, thậm chí muốn thu hẹp hoặc thoái lui khỏi thị trường.

Việt Nam là trung tâm chế biến điều nhân nhưng lại phụ thuộc 75-80% nguyên liệu nhập khẩu. Những quốc gia cung ứng điều thô ở châu Phi lại đang gia tăng chế biến điều nhân, cạnh tranh với doanh nghiệp điều Việt Nam.

Ảnh minh họa: vinacas

Xuất khẩu tăng trưởng, nhưng...

Theo đánh giá của các doanh nghiệp xuất khẩu điều, tình hình thị trường ở các nước trên thế giới vẫn đang tốt, nhu cầu tăng. Do đó, lượng điều xuất khẩu trong những tháng đầu năm nay tăng khá. Dù vậy, giá bán hạt điều lại đang có xu hướng giảm trong bối cảnh giá các mặt hàng nông sản khác đều tăng.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, tháng 3-2024, ước xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đạt 55.000 tấn, trị giá 289 triệu đô la Mỹ, tăng 6,8% về lượng và tăng 3,4% về giá trị so với tháng trước đó.

Theo ước tính, giá xuất khẩu bình quân hạt điều của Việt Nam đạt 5.248 đô la/tấn trong tháng 3/2024, giảm 1,7% so với tháng 2/2024 và giảm 11,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu điều tháng 3 vừa qua dù tăng 10,7% về lượng nhưng lại giảm 2,2% về giá trị.

Tính chung cả quí 1/2024, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đạt khoảng 147.000 tấn, trị giá 782 triệu đô la, tăng 31,8% về lượng và tăng 20,5% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, trong 3 tháng đầu năm nay, giá xuất khẩu bình quân hạt điều của Việt Nam giảm 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái, ước đạt mức 5.329 đô la/tấn.

Đại diện Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho biết lượng xuất khẩu tăng vì các thị trường xuất khẩu, nhất là những thị trường truyền thống của Việt Nam như Trung Quốc, Mỹ... đều tăng nhập khẩu mặt hàng này.

Còn giá hạt điều giảm do sản lượng điều nguyên liệu tăng nhanh tại châu Phi, Campuchia. Tại Việt Nam, diện tích trồng điều lại đang bị thu hẹp do hiệu quả kinh tế kém so với các cây trồng khác.

Trao đổi với KTSG Online gần đây, các hộ dân trồng điều ở tỉnh Bình Phước, địa phương có diện tích trồng điều nhiều nhất nước, cũng thể hiện sự lo lắng khi giá hạt điều thu hoạch đang có xu hướng giảm. Nhiều nông dân mất niềm tin vào cây “xóa đói giảm nghèo” này, vì càng giữ cây càng gặp nhiều khó khăn.

Từ sau Tết, trời nắng hạn gay gắt kéo dài, cây điều không hút được nước, bị khô bông, tỷ lệ đậu trái rất thấp, dẫn đến giảm sản lượng.

Người dân thu hoạch điều đầu mùa tại Bình Phước. Ảnh minh họa: TTXVN

Không chỉ bị mất mùa, giá bán điều đầu vụ cũng khá thấp. Nếu như năm ngoái, điều được thương lái thu mua với giá 27.000-28.000 đồng/kg, nay chỉ có giá 24.000-25.000 đồng/kg.

Trong khi đó, theo nông dân Văn Thới, huyện Phú Riềng, Bình Phước, giá vật tư thời gian qua lại tăng cao, gia đình ông gặp nhiều khó khăn để tái đầu tư vụ sau. "Tình trạng này còn kéo dài chắc gia đình tôi phải chuyển đổi cây trồng chứ khó thể đeo bám với cây điều này", ông Thới buồn rầu nói.

Ở Bình Phước, điều là một trong những cây trồng chủ lực và địa phương này cũng là "thủ phủ" trồng điều trên cả nước, nhưng đang báo hiệu một vụ mùa thu hoạch đầy bấp bênh với người trồng.

Cũng giống như hộ nhà ông Văn Thới, nhiều nông dân ở Bình Phước, Đồng Nai... vốn gắn bó với cây điều gặp khó khăn sau khi thu hoạch với giá bán thấp, khó đủ trang trải trong cuộc sống.

Đáng chú ý, kể cả khi cây điều được mùa thì thu nhập của nông dân trồng điều vẫn thấp. Vì trung bình 1 ha điều, sau khi trừ chi phí, nông dân còn lời chỉ từ 30-32 triệu đồng/năm.

Doanh nghiệp "rơi rụng"

Hầu hết các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu hạt điều nhìn nhận thị trường tiêu thụ vẫn khá thuận lợi và hạt điều Việt Nam có thương hiệu trên thế giới trong nhiều năm qua.

Tuy vậy, một số doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu điều khi trao đổi với KTSG Online lại thế hiện chẳng mấy mặn mà để tiếp tục đầu tư kinh doanh vào ngành này, đáng chú ý là họ đã trải qua 3 năm liên tiếp kinh doanh đầy khó khăn. Trong đó, kết quả kinh doanh năm 2023 khiến nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành này bị thua lỗ nhiều, dù xuất khẩu vẫn tăng tốt.

Cụ thể sau khi giảm cả về lượng lẫn giá trị xuất khẩu trong năm 2022, đến năm 2023, xuất khẩu hạt điều đã tăng trưởng trở lại và đạt kỷ lục với hơn 645.000 tấn, tăng hơn 24% so với 2022. Sự khởi sắc của xuất khẩu hạt điều được tiếp nối trong 3 tháng đầu năm nay.

Đây là một sự tăng trưởng vượt bậc trong ngành. Tuy nhiên, điều đáng nói là đằng sau sự tăng trưởng về lượng ấy, nhiều doanh nghiệp càng làm càng lỗ và điều này được thể hiện ở kết quả kinh doanh của năm 2023.

Nguyên nhân các doanh nghiệp khi mua điều thô thì tranh nhau mua vì nghĩ rằng mua sớm chất lượng tốt, đến khi chế biến nhân xuất khẩu thì lại cạnh tranh nhau để bán, vì vậy giá điều nhân bị giảm sâu.

Các nhà nhập khẩu nhận thấy khó khăn này cũng như thời điểm doanh nghiệp Việt Nam buộc phải bán nên ép giá. Hậu quả, trong năm 2023, có hàng trăm doanh nghiệp ngành điều phải từ giã cuộc chơi, thu hẹp hoặc tạm ngừng sản xuất, và thậm chí đi đến thông báo phá sản.

Phân loại hạt điều tại một nhà máy ở Bình Phước. Ảnh minh họa: TTXVN

Chủ tịch Hội Điều tỉnh Bình Phước, ông Vũ Thái Sơn cho biết rất nhiều doanh nghiệp điều trên địa bàn gặp khó khăn và bị áp lực lớn. Nhiều doanh nghiệp những năm trước phải "gánh" lãi suất cao để đầu tư nhà máy, kho bãi, chi phí cao… nhưng sau đó giá bán ra lại thấp hơn dẫn đến thua lỗ nặng.

Đáng chú ý, có doanh nghiệp do vướng vào đầu tư bất động sản của những năm trước nên gặp khó khăn về nguồn vốn khi thị trường này bị khó khăn.

Ngành điều Việt Nam có một quá trình phát triển hàng chục năm và đến nay đạt kim ngạch xuất khẩu hàng tỉ đô la được xem là sự nỗ lực phấn đấu của cộng đồng doanh nghiệp.

Tuy nhiên, cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt khi có quá nhiều công ty tham gia, nhiều cơ sở với quy mô vừa và nhỏ... Vốn ít, doanh nghiệp điều chỉ cần vài "cơn sóng gió" là dẫn đến phá sản, nhưng ngành điều những năm qua thu hút khá nhiều người lao vào kinh doanh. Điều này khiến lợi nhuận của ngành điều ngày càng giảm sút vì cạnh tranh cao.

Ông Sơn dẫn chứng, năm 2023, sự tăng trưởng nóng của ngành chế biến điều đã dẫn đến tình trạng doanh nghiệp giành mua điều thô, tranh bán điều nhân. Từ đó, đẩy giá nhân điều đã giảm trước đó càng giảm sâu thêm.

Chính vì kinh doanh thua lỗ và lợi nhuận thấp ở mức 2-3%, nên theo ông Sơn, không ít doanh nghiệp tìm đường thoái lui bằng cách thu hẹp, bán doanh nghiệp, rút khỏi thị trường...

Một khó khăn lớn nữa với ngành điều là hiện Việt Nam vẫn giữ vị trí số một thế giới trong lĩnh vực xuất khẩu hạt điều, chiếm hơn 75% lượng nhân điều được xuất khẩu trên toàn cầu. Tuy nhiên, ngành chế biến điều xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc phần lớn nguyên liệu thô từ châu Phi. Vùng nguyên liệu trồng điều trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 20 – 25% nhu cầu của các nhà máy chế biến.

Trong khi đó, chiến lược mới trong sản xuất, chế biến điều của các nước xuất khẩu ở châu Phi đang đặt ngành điều Việt Nam vào tình thế cạnh tranh trực diện với nhiều bất lợi.

Theo các chuyên gia, ngành điều gặp khó khăn do chính những yếu kém nội tại, cạnh tranh lẫn nhau khiến các doanh nghiệp đối mặt với việc mua nguyên liệu cao, bán ra giá rẻ.

Các ý kiến kêu gọi các doanh nghiệp chế biến điều giảm công suất chế biến. Điều này nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguyên liệu điều thô ở châu Phi và Campuchia, để doanh nghiệp Việt Nam không tranh nhau mua điều thô với giá cao, ngược lại có thể “ép” được bên bán cung cấp điều thô giá rẻ, cạnh tranh hơn.

Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại tự do (FTA) có tác động tích cực đối với xuất khẩu hạt điều chế biến sâu bởi trước đây các chính phủ đánh thuế nhập khẩu những sản phẩm này để bảo vệ sản xuất trong nước. Nhưng trong các FTA mà Việt Nam đã ký, hạt điều chế biến sâu nhập khẩu từ Việt Nam có thuế suất giảm xuống bằng 0%.

Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo, doanh nghiệp cần đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm điều chế biến sâu, chất lượng cao, từ đó tiếp cận được nhiều khách hàng khó tính và bán được giá tốt hơn.

Các chuyên gia cũng cho rằng với tình hình kinh tế ở các thị trường lớn như Mỹ đang dần được cải thiện, đặc biệt dư địa của hạt điều tại Trung Quốc, Nhật Bản... vẫn còn rất lớn, việc chế biến sâu, cải thiện giá bán điều nhân trong thời gian tới là có thể hy vọng.

Nhìn chung thị trường hạt điều thế giới đang tốt, các chuyên gia lưu ý các doanh nghiệp điều Việt Nam cần tránh được bài học thua lỗ như đã xảy ra trong năm 2023.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới