Thứ hai, 25/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Có một đồng tiền số bảo hiểm lương thực xã hội

Quang Hà

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Xã hội nào cũng luôn tiến triển với muôn vàn sáng kiến của những con người sống trong đó. Có những sáng kiến khả thi ngay tức thì, những sáng kiến phải đợi thời điểm thuận lợi mới được thực thi. Không có sáng kiến giúp nâng đỡ và khơi gợi tính lành mạnh trong con người, xã hội sẽ trở nên vô hồn và tù quẫn, những vấn nạn hay khủng hoảng sẽ không có lối thoát tích cực.

Ảnh: Pixabay

Tình trạng nghèo ở Pháp đang được giới truyền thông nước này báo động. Thống kê về người nghèo nhận giúp đỡ lương thực được ước tính tăng từ 820.000 người vào năm 2011 lên thành 2,4 triệu người năm 2022. Được ăn no và đủ bữa là một chuyện, ăn ngon, lành mạnh và đầy đủ dưỡng chất là câu chuyện khác.

Theo tính toán của Centre de Ressources et d’Informations Nutritionnelles - CERIN(1), một gia đình bốn người phải chi mỗi tháng 477 euro (khoảng hơn 13 triệu đồng) để chỉ có bữa ăn cơ bản. Muốn có bữa ăn chất lượng hơn phải chi 734 euro (tức khoảng 20 triệu đồng). Muốn bữa ăn với thực phẩm thương hiệu Pháp phải chi 814 euro (tương đương 22,4 triệu đồng mỗi tháng), còn bữa ăn hữu cơ (bio) phải tốn nhiều tiền hơn với 1.179 euro mỗi tháng (khoảng 32,2 triệu đồng).

Trong khi đó, mức lương tháng trung bình thời điểm năm 2022 tại Pháp là 2.424 euro (khoảng 66,3 triệu đồng) và có hơn 3 triệu người, tương đương 17% số người lao động hưởng lương tháng với mức tối thiểu là 1.329 euro (36,2 triệu đồng). Như vậy, chưa nói đến thực phẩm hữu cơ, bữa ăn chất lượng không thôi cũng đã nằm ngoài tầm tay của rất nhiều gia đình.

Với truyền thống phát triển hội đoàn mạnh mẽ, nước Pháp có một mạng lưới gần 8.000 điểm(2) phân phát miễn phí hoặc mang bữa ăn đến tận tay và cửa hàng lương thực xã hội bán với giá rất rẻ (từ 10-30% giá thị trường) cho người gặp hoàn cảnh khó khăn. Các cửa hàng này hoặc trực thuộc chính quyền địa phương, hoặc trực thuộc các tổ chức truyền thống, hoặc các hội đoàn. Họ được nhà nước hoặc chính quyền địa phương tài trợ.

Có cửa hàng ưu tiên cho việc mua lương thực chất lượng, nhưng cũng có cửa hàng ưu tiên cho việc chống lãng phí bằng cách nhận lương thực, thường là gần hết hạn nhưng còn sử dụng được từ các siêu thị, công ty, nhà hàng... để cung cấp lại cho người cần. Trong thời gian dài, đây vừa là điểm tựa của nhiều gia đình khó khăn, vừa là nơi kết nối những con người muốn làm việc xã hội.

Tuy nhiên, phần lớn xã hội xem sự giúp đỡ này như hoạt động từ thiện, với ít nhiều tinh thần “bố thí”, trong đó mối quan hệ giữa người cho và nhận là quan hệ phụ thuộc một chiều. Người cho “tặng” những gì họ dư và người nhận phụ thuộc vào những gì người khác cho, dẫu nó có chất lượng hay không cũng đành phải chấp nhận.

Trước tình cảnh này, tháng 2-2023, một nhóm các hội đoàn đã đưa ra sáng kiến thành lập Bảo hiểm xã hội về lương thực (sécurité sociale de l’alimentation), và chính quyền thành phố Montpellier đã giúp họ thử nghiệm điều có vẻ như không tưởng này(3).

Sự ra đời của Bảo hiểm xã hội về lương thực được xem như một bước đột phá trong lĩnh vực sáng tạo xã hội. Bảo hiểm được triển khai trước tiên bằng cách lập Quỹ lương thực (Caisse commune de l’alimentation) trên tinh thần đóng góp tự do. Mỗi thành viên, tùy theo khả năng, có thể đóng góp từ 1-150 euro một tháng. Sự đóng góp này sẽ mở ra cho mỗi thành viên “quyền lương thực” tương đương với 100 euro.

Tiếp đến, quỹ lập ra một đồng tiền mới, một đồng tiền xã hội mang tên MonA. 100 euro quyền lương thực sẽ được quy thành 100 MonA. MonA là đồng tiền số, được chấp nhận tại những nơi bán sản phẩm của Quỹ Bảo hiểm lương thực xã hội. Mỗi khách hàng thành viên khi thanh toán chỉ cần đưa tên họ và số code của mình tại quầy.

Hình thức này đảm bảo đồng tiền sẽ được quay lại quỹ, vì người được hưởng bảo hiểm dùng nó để mua lương thực trong mạng lưới lương thực của quỹ. Đổi lại, thực phẩm mà quỹ có được là thực phẩm chất lượng cao, được cung cấp bởi các nhà sản xuất địa phương, các nhóm, hội nông dân đáp ứng mục tiêu trách nhiệm xã hội, bảo vệ mội trường và sức khỏe. Sản phẩm được bày bán tại nhiều nơi như chợ mở, cửa hàng hợp tác xã, các cửa hàng liên đới xã hội.

Bảo hiểm lương thực được tài trợ một phần từ chính các thành viên của mình, một phần từ chính quyền hoặc tư nhân. Về mặt quản lý, họ thành lập một hội đồng gồm 47 người, trong đó phân nửa là những người không có việc làm ổn định. Với cấu trúc quản lý này, mỗi người có đầy đủ quyền tham gia quyết định chính sách, chiến lược kinh tế và xã hội của quỹ.

Hiện tại Quỹ Bảo hiểm lương thực thành phố Montpellier được khởi động chưa đầy một năm, với kỳ vọng 200-300 người tham gia “quyền lương thực”. Chúng ta chưa có báo cáo tổng kết, chỉ biết rằng sáng kiến xã hội này được đánh giá rất nghiêm túc. Hơn 25 hội và tổ chức tham gia ủng hộ trực tiếp, trong đó không những có các hội đoàn công tác xã hội, mà còn có cả những tổ chức rất lâu đời như Hội Hồng Thập Tự, Chaire UNESCO Alimentation du Monde, Trung tâm Nghiên cứu CIRAD và Chính quyền thành phố Montpellier.

Khởi xướng từ thành phố Montpellier, nhưng ý tưởng về một quỹ bảo hiểm xã hội về lương thực không bị đóng khung trong thành phố mà hiện nay nó đang bắt đầu lan tỏa đến nhiều vùng khác của nước Pháp. Thành phố Bordeaux, thành phố Lyon, một tập thể bao gồm các hội kỹ sư nông nghiệp và công dân, mạng lưới các tổ chức dạy nghề quy tụ cả 12.000 nông trại... đang nghiên cứu xúc tiến nhiều dự án tương tự. Nhiều lãnh đạo, nhà hoạt động chính trị đang theo dõi một cách thú vị mô hình thực nghiệm này tại Montpellier; các nhà nghiên cứu, nhà sản xuất, nông dân và rất nhiều tổ chức đang tích cực vận động cho một “dân chủ xã hội lương thực” tại Pháp.

Như vậy, ý tưởng ban đầu nghe chừng không tưởng, nhưng với sự tham gia và quan tâm của chừng ấy cá nhân và tổ chức thì sáng kiến có thể có cơ hội được thực nghiệm tại nhiều nơi hơn, mang lại nhiều bài học cụ thể hơn.

(1) https://www.cerin.org/wp-content/uploads/2023/07/infographie_budget_alimentation2023_v5-2.pdf

(2) Theo Institut National de la Statistique et des Etudes Economiques - Insee Références – Édition 2022 – Dossiers – Les bénéficiaires de l’aide alimentaire.

(3) https://securite-sociale-alimentation.org/

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới