Chủ Nhật, 3/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Tiêu như thế nào chứ không phải tiêu bao nhiêu

Kinh tế Sài Gòn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Chúng ta thường nghe nhắc đến những khoản tiền khổng lồ khi ngành văn hóa bàn đến kế hoạch đầu tư. Chẳng hạn, mới đây, tại cuộc họp của Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất dành hơn 122.000 tỉ đồng cho Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2030. Trước đó bộ này cũng đưa ra con số 350.000 tỉ đồng là tổng vốn đầu tư trong Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025-2035.

Đây là cách tiếp cận chưa phù hợp, dễ dẫn đến hiểu nhầm, có khả năng trùng lắp, gây lãng phí cho ngân sách nhà nước.

Thực tế, chủ thể tiến hành các dự án đầu tư cho văn hóa thường là các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp; Nhà nước thường đóng vai trò hỗ trợ, khuyến khích, cấp ngân sách tài trợ sau một quá trình xét duyệt công khai và bình đẳng. Các hoạt động văn hóa trải dài trên cả đất nước ta là vô cùng phong phú, đa dạng, liên quan đến rất nhiều người; Nhà nước trong vai trò quản lý sẽ không bao giờ có đủ nguồn lực để trực tiếp tiến hành các hoạt động này. Chính vì thế, cách tiếp cận nêu ra những khoản tiền lớn cần thiết cho các hoạt động phát triển văn hóa dễ bị hiểu sai là Nhà nước trực tiếp đứng ra làm.

Cách tiếp cận đúng với thực tế hơn là ngành văn hóa thăm dò, khảo sát, ghi nhận nhu cầu đầu tư văn hóa của xã hội; khuyến khích các hoạt động theo ngành là cần thiết để đạt những mục tiêu văn hóa đã đề ra; thúc đẩy các mảng đầu tư ít được xã hội chú ý... Từ đó mới tính toán xem thử hỗ trợ cho các hoạt động này sẽ cần bao nhiêu kinh phí, trong đó xã hội sẽ chịu trách nhiệm bao nhiêu, Nhà nước tài trợ bao nhiêu sau đó mới đi đến con số kinh phí cho từng thời kỳ, trình Quốc hội phê duyệt.

Lấy ví dụ, trong các nhóm mục tiêu của Chương trình quốc gia về phát triển văn hóa có “phát triển con người Việt Nam có nhân cách, lối sống tốt đẹp; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh...”. Đây là những mục tiêu rất chung, thời kỳ nào cũng đúng, khó cụ thể hóa bằng những dự án cụ thể. Ngược lại, ở các nước luôn có một khoản ngân sách nhất định để tài trợ cho các dự án làm phim; các phim này có thể cổ xúy cho các giá trị nhân bản như lòng yêu thương con người, sự trắc ẩn, lòng cảm thông và từ đó gián tiếp góp phần xây dựng “lối sống tốt đẹp” hay “môi trường văn hóa lành mạnh”.

Nếu đi từ cách tiếp cận này, chúng ta sẽ thấy nhu cầu của xã hội là rất lớn trong khi ngành văn hóa chưa đáp ứng đầy đủ các nhu cầu này, từ tài trợ cho phim ảnh, các giải thưởng sách đến bảo tồn các sinh hoạt văn hóa của các dân tộc; từ khuyến khích, hỗ trợ các dự án xây dựng thư viện cho nông thôn đến cấp kinh phí cho việc phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống. Một ví dụ khác, Cầu Vàng ở khu nghỉ dưỡng Bà Nà, Đà Nẵng là một kiến trúc đẹp, thu hút khách du lịch trong nước và gián tiếp quảng bá hình ảnh độc đáo của Việt Nam đến nước ngoài. Ở đây, ngân sách nhà nước không phải bỏ ra đồng nào nhưng mục tiêu “xây dựng cảnh quan văn hóa” lại đạt được.

Ở một mục tiêu khác, “đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ trong lĩnh vực văn hóa”, sẽ tốn rất nhiều tiền nếu suy nghĩ theo hướng Nhà nước đầu tư cho nhiều dự án theo kiểu tự đứng ra làm. Nhưng nếu suy nghĩ theo hướng Nhà nước hỗ trợ gì, nói ví dụ, các viện bảo tàng, kể cả bảo tàng tư nhân có thể đưa các hiện vật trưng bày lên không gian ảo cho mọi người từ mọi nơi có thể tiếp cận, đó mới thật sự là đầu tư đúng nghĩa.

2 BÌNH LUẬN

  1. Cuộc đời có 3 cái khó nhất khi đụng độ đến chuyện tiền bạc: 1. Làm ra tiền. 2.Biết tiêu tiền. 3. Hiểu về tiền. Thông lệ bảng xếp hạng trình độ phát triển thế giới, cũng chia ra 3 cách phân loại: 1.GDP (tổng sản phẩm quốc nội). 2. HDI (Chỉ số phát triển con người). 3. NHI (chỉ số hạnh phúc quốc gia). Cách xếp hạng thể hiện quy luật nội hàm luôn đi từ thấp đến cao, từ vật chất đến tinh thần, với quan điểm tôn vinh con người là vốn quý nhất. Văn hóa tuy là lĩnh vực tinh thần, nhưng luôn gắn liền với vật chất. Con người chính là sự thể hiện tối cao của trình độ văn hóa của một gia đình/ tổ chức/ xã hội/ quốc gia. Vậy nên, khoản đầu tư tốt nhất cho văn hóa, xét từ bản chất là khoản đầu tư có hiệu quả nhất cho con người.

  2. Điểm lại các công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, sân bóng đá Mỹ Đình… làm ví dụ, sẽ thấy quá tốn kém và không hiệu quả đến mức khó có thể chấp nhận được. Cần phải rút ra bài học nghiêm túc về câu chuyện đầu tư cho lĩnh vực tinh thần, văn hóa, thể thao, du lịch, giáo dục, lịch sử, truyền thống… Nếu không sẽ đi vào vết xe đổ và gây hiệu ứng tổn hại đến lòng tin thế hệ tương lai thật khó lường. Những người cầm trịch, có trách nhiệm trên lĩnh vực này phải thực sự tâm huyết, chuyên nghiệp. vì dân, vì nước, thể diện quốc gia.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới