(KTSG Online) - Dự kiến từ ngày 3-6, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều chỉnh phương án bình ổn thị trường vàng, dừng đấu thầu bán vàng miếng để triển khai phương án thay thế trong thời gian sớm nhất.
- Đấu thầu thành công 13.400 lượng vàng, giá hơn 88,7 triệu đồng/lượng
- Đấu thầu thành công 7.900 lượng vàng miếng, giá 89,42 triệu đồng/lượng
TTXVN dẫn thông tin từ Ngân hàng Nhà nước tối 27-5 cho biết, nhằm tiếp tục triển khai hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý tình trạng chênh lệch cao giữa giá vàng miếng SJC trong nước và giá thế giới, dự kiến từ ngày 3-6, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều chỉnh phương án bình ổn thị trường vàng.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ dừng đấu thầu bán vàng miếng và sẽ triển khai phương án bình ổn thay thế trong thời gian sớm nhất.
Từ ngày 22-4 đến nay, đã có 9 phiên đấu thầu vàng miếng SJC được Ngân hàng Nhà nước tổ chức. Với 6 phiên đấu thầu thành công, tổng khối lượng vàng miếng SJC đã được các thành viên trúng thầu là 48.500 lượng (485 lô), tương đương hơn 1,8 tấn vàng đã được các thành viên dự thầu (gồm các công ty kinh doanh vàng và các tổ chức tín dụng) mua vào, từ đó cung ứng ra thị trường.
Việc Ngân hàng Nhà nước tổ chức các phiên đấu thầu vàng nhằm giải pháp tăng nguồn cung để trung hòa nhu cầu thị trường, từ đó “hạ nhiệt” giá vàng. Tuy nhiên đến nay mục tiêu này chưa hoàn thành.
Giá vàng thế giới tăng, kéo theo giá vàng trong nước cũng tăng, nhưng điều tồn tại từ rất lâu là sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế vẫn rất cách xa. Vì vậy, cần có phương thức điều hành linh hoạt để đưa giá vàng trong nước về ngang thế giới.
Thử đấu, như thế đủ rồi. Dừng là đúng, để bảo tồn nguồn lực hạn chế. Theo quy luật thị trường, chỉ khi đạt đến sự cân bằng giữa quan hệ cung – cầu/ giá cả – giá trị, thì mới giải quyết được cơ bản tình trạng khan hiếm/ dư thừa nguồn lực. Chỉ có điều, nguồn lực nằm ở đâu, ai nắm giữ, thế lực nào kiểm soát… cần phải làm rõ.