Thứ bảy, 23/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Bị mắc kẹt giữa đời thật – mạng ảo

Minh Thảo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Dành nhiều thời gian sử dụng mà không có chủ đích, người dùng mạng xã hội dễ bị lạc lối để rồi phải trả giá đắt. Tình trạng bị mắc kẹt giữa đời thật - mạng ảo này để lại nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho bản thân người dùng và xã hội.

Nhìn anh Trí Minh, từ một người hoạt bát, làm việc có kế hoạch và chủ động trong giao tiếp, trở thành một người nói năng lúng túng, né tránh ánh nhìn lúc nói chuyện khiến tôi thoáng nghĩ đến giả thuyết rằng, anh ấy ắt đã trải qua một chuyện buồn nào đó.

Tôi cố gắng tìm hiểu và cũng được anh bộc bạch. Thực ra, công việc của anh vẫn như cũ - một nhân viên thuộc công ty tổ chức sự kiện - đời sống cá nhân ổn định, không có xáo trộn hay muộn phiền gì đáng nói. Thứ thay đổi duy nhất trong hai năm qua là từ sau dịch Covid-19, anh ít ra ngoài gặp gỡ bạn bè như trước, sau giờ làm việc là về nhà và dành hết buổi tối để lướt mạng xã hội.

“Ăn - ngủ” cùng mạng xã hội

Trí Minh (26 tuổi, sống tại quận 12, TPHCM) nói anh trước đây chỉ xem các trang mạng xã hội là công cụ giao tiếp với bạn bè, người thân xung quanh, nhưng một năm nay những Facebook, TikTok, Instagram đã trở thành “cơm ăn, nước uống” hàng ngày. Đều đặn sau 17 giờ về đến nhà, Trí Minh mải mê “lướt, comment, viết status, xem video ngắn” cho đến 21 giờ mới tạm ngừng xem để tắm rửa và ăn tối, sau đó lại tiếp tục online đến tận khuya.

Trung bình một ngày, Trí Minh có sáu đến bảy giờ đồng hồ để online mạng xã hội, trong đó phân nửa số giờ này là để bình luận và trả lời các bình luận ở các trang anh lướt tới. Vì thời gian sống trong mạng ảo này nhiều, chỉ nhỉnh hơn số giờ làm việc chính thức tại công ty, lại xảy ra bất chợt theo dòng thời sự của mạng xã hội mà Trí Minh tự nhận mình là một thành viên nên nó cũng “ăn vào” giờ làm việc. Rồi chuyện gì đến sẽ đến. Trí Minh nhiều lần bê trễ công việc, thiếu sự tập trung dẫn tới sai sót và bị sếp khiển trách nặng nề.

Nhưng điều đáng nói là cách làm việc của Trí Minh - tại một công ty mà phần giao tiếp với khách hàng là vô cùng quan trọng - đã khác trước. Thay vì đến gặp trực tiếp hoặc gọi điện thoại trao đổi công việc với khách hàng, anh Trí Minh chọn cách ngồi nhắn tin qua chat. “Thà nhắn tin hơn là gặp trực tiếp”, anh Minh khẳng định.

Trí Minh cho hay chỉ muốn giao tiếp với mọi người xung quanh từ khách hàng, đối tác và cả đồng nghiệp bằng hình thức nhắn tin, e-mail thay vì phải gọi điện hoặc gặp mặt trò chuyện trực tiếp bởi “nó khiến tôi thấy an toàn, thoải mái hơn vì có thể kiểm soát được từ ngữ, lời nói trước khi gửi đi”. Cũng là một Trí Minh mà tôi được biết nhưng trong văn phòng rất lặng lẽ, suốt ngày chỉ dán mắt vào màn hình điện thoại hay máy tính, còn trên mạng xã hội lại cởi mở, hài hước, mạnh dạn trong các cuộc trò chuyện.

Phân thân!

Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Đào Lưu, giảng viên khoa Xã hội và Nhân văn, trường Đại học Văn Lang (TPHCM), người lệ thuộc vào mạng xã hội có khuynh hướng chìm đắm trong thế giới ảo đến nỗi quên mất bản thân đang ở công ty hay ngoài công ty. Họ dành hàng giờ để tán gẫu với những người bạn ảo mà họ chỉ biết nhau qua cái tên, tấm ảnh vào bất cứ lúc nào, trong khi né hết các cuộc gặp trực tiếp với đồng nghiệp, sếp, khi cần “nói”, họ nhắn tin, viết e-mail dù chỉ cách nhau một vài bàn làm việc, hoặc một vách tường.

Bà Đào Lưu kể trong một buổi giảng ở trường đại học, bà đưa ra một tình huống trong đó, một nhân viên phải mời một khách hàng tiềm năng mua hàng; vậy người này nên gặp khách hàng qua chat trên mạng xã hội hay gặp trực tiếp mặt đối mặt? Cách nào dễ dàng hơn? Đa số các sinh viên của bà Lưu nói không muốn gặp trực tiếp mà chỉ trò chuyện trên mạng xã hội, bởi sẽ tự tin hơn, chat cũng dễ hơn so với gặp trực tiếp.

Một người hoàn toàn khác

Thạc sĩ Đinh Văn Mãi, giảng viên chuyên ngành Công tác xã hội, trường Đại học Văn Lang (TPHCM), dẫn số liệu thống kê từ Google cho thấy tính đến tháng 6-2023, có 79% số người dùng Internet tại Việt Nam sử dụng mạng xã hội. Thời lượng trung bình một người dành ra trong một ngày để sử dụng mạng xã hội là 2 giờ 52 phút. Gần 45% số người ở nhóm tuổi 18-34 kiểm tra trang mạng xã hội của mình ngay khi thức dậy, cũng như trước khi ngủ.

Theo thầy Mãi, không thể phủ nhận tính thuận tiện mà Internet, mạng xã hội mang lại, đặc biệt nó rất hợp với tác phong làm việc của giới trẻ ở thời đại công nghệ phát triển. Sử dụng các kênh chat thật ra cũng có điểm lợi khi giúp cho người chat suy nghĩ kỹ về các nội dung đang nói đến mà không phải chịu một số áp lực như khi ngồi nói chuyện trực tiếp giữa hai người và trong vài tình huống giúp tiết kiệm thời gian đi lại khi cả hai xa nhau về khoảng cách địa lý. Tuy nhiên, chat hay e-mail cũng có hai mặt, bởi có không ít việc chúng ta cần gặp gỡ để trực tiếp thảo luận, trao đổi sẽ hữu hiệu hơn.

Phần tính tốt - xấu ở mỗi người ngoài đời đều có thể được nhìn thấy vào lúc nào đó. Còn ở trên mạng ảo, phần xấu hầu hết đều được chủ nhân “ẩn” đi. Trông chủ nhân nào cũng là người hoàn hảo, có thể dễ dàng tìm kiếm những người có chung sở thích, quan điểm và giao kết thành nhóm bạn dựa trên vỏ bọc hoàn hảo đó.

“Mạng xã hội là không gian mà người dùng có thể tự do, thỏa thích làm điều mình muốn mà không bị dòm ngó, phán xét. Họ có thể chặn quyền xem, không kết bạn hoặc dùng tài khoản ảo để tránh những người mà họ không thích. Vì vậy, đôi khi họ trở thành một con người hoàn toàn khác so với thế giới thật, như đang mắc kẹt giữa hai thế giới cuộc đời thật và mạng ảo”, bà Lưu nói.

Nói một cách khác, theo lời của hai vị chuyên gia được đề cập ở trên, (i) chúng ta nên dùng các kênh mạng xã hội, chat một cách tỉnh táo, như một công cụ để giao tiếp. (ii) Việc lạm dụng có thể biến bản thân thành một con người hoàn toàn khác, có suy nghĩ và hành vi cư xử bất thường, lẫn lộn giữa đời thật và mạng ảo.

Nhiều hệ lụy nghiêm trọng

Theo ông Mãi, việc sợ giao tiếp xã hội, sống thu mình của một bộ phận giới trẻ hiện nay có thể tiềm ẩn nhiều hệ lụy nghiêm trọng.

Thứ nhất, đối với bản thân, họ sẽ rơi vào trạng thái mất niềm tin vào chính bản thân mình, mất đi động lực và không tìm thấy bất kỳ điều gì thú vị trong cuộc sống. Nguy hiểm hơn là với những suy nghĩ tiêu cực về lâu dài sẽ gây nên tình trạng trầm cảm, thậm chí còn có những hành vi gây hại cho bản thân. Tình trạng này cũng khiến người trẻ thiếu tương tác, kết nối và chia sẻ với những người xung quanh; không có bạn bè hay người thân để lắng nghe, thấu hiểu và đồng hành trên hành trình trưởng thành.

Thứ hai, điều này còn khiến môi trường gia đình thiếu gắn bó, thiếu tình yêu thương san sẻ những khó khăn, áp lực. Điều đó khiến mọi người trong gia đình không thấu hiểu lẫn nhau.

Cuối cùng là hệ lụy cho xã hội, việc một số người trẻ có lối sống khép kín, sợ giao tiếp khiến họ không có động lực học tập, không có việc làm hoặc không đi làm trong tương lai, không đóng góp các giá trị tích cực cho xã hội.

Để cải thiện khả năng giao tiếp ngoài đời thực, ông Mãi cho hay người trẻ nên tham gia các nhóm cộng đồng, câu lạc bộ hay hoạt động xã hội để mở mang kiến thức, học hỏi cách giao tiếp ứng xử, đặc biệt là tăng sự tương tác ngoài đời với người khác. Khi áp dụng đủ mọi cách vẫn không cải thiện, mọi người có thể tìm đến các chuyên gia tư vấn tâm lý, phòng tham vấn uy tín để trò chuyện và xây dựng giải pháp giải quyết tình trạng này.

1 BÌNH LUẬN

  1. Không có đời thật/ mạng ảo. Chỉ có chưa hiểu hết “sự thật về cuộc đời” mà thôi. Mạng ảo cũng chỉ là sản phẩm của con người. Con người, là chủ nhân, nhưng trớ trêu thay, họ lại có nguy cơ rơi vào tình huống tự đánh mất mình. Hiện nay, rất nhiều người rơi vào hoàn cảnh bị lừa, tổn thất lớn, thậm chí mất lòng tin nghiêm trọng… vào thế giới mạng. AI là một ví dụ nóng sốt, không rõ đó là lợi ích hay là rủi ro tiềm tàng, vô cùng lớn đối với vận mệnh nhân loại. Một bi kịch lớn của đời người đang diễn ra. Vậy nên, ngay từ bây giờ loài người phải quay trở về thân/ tâm/ trí, để thực sự tỉnh thức.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới