Thứ bảy, 21/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Hơn 432.000 tỉ đồng chuyển nguồn cho cải cách tiền lương

Trúc Đào

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Theo Bộ Tài chính, số chuyển nguồn ngân sách Nhà nước năm 2022 sang năm 2023 rất lớn. Trong đó, kinh phí thực hiện cải cách tiền lương là hơn 432.000 tỉ đồng, chiếm 37,7% tổng số chuyển nguồn này.

Về chi chuyển nguồn từ năm 2022 sang 2023, kinh phí thực hiện cải cách tiền lương là hơn 432.000 tỉ đồng. Ảnh: LÊ VŨ

Sáng 7-6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2022, theo TTXVN.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình, về chi chuyển nguồn từ năm 2022 sang 2023, nguồn cải cách tiền lương là nhiều nhất với tỷ lệ 37,7%, tương đương 432.000 tỉ đồng; tiếp đến là chi đầu tư phát triển trên 300.000 tỉ đồng, chiếm 27% số chuyển nguồn…

Theo bộ trưởng, số chi chuyển nguồn cao chủ yếu do các nguồn lực được chuyển theo quy định, đặc biệt là nguồn tích lũy qua một số năm để thực hiện cải cách tiền lương đóng vai trò lớn. Ngoài ra, còn có nguyên nhân chủ quan từ các đơn vị sử dụng ngân sách, không quyết liệt trong triển khai dự toán, nhiều nhiệm vụ không chi hết phải chuyển năm sau thực hiện.

Về nợ xây dựng cơ bản, số nợ ở Trung ương rất ít, nhưng ở địa phương nhiều. Nguyên nhân là khi bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn, cơ quan liên quan lại bố trí thiếu hoặc chưa bố trí. Một số dự án thủ tục đầu tư còn thiếu sót, cần phải điều chỉnh tổng mức đầu tư, ngân sách địa phương không bố trí kịp thời… Chủ đầu tư và các địa phương cần phải rà soát lại để thanh toán cho doanh nghiệp.

Trước đó, nhiều đại biểu có những thắc mắc liên quan đến vấn đề này. Theo đại biểu Đỗ Thị Lan, đoàn đại biểu từ Quảng Ninh, số liệu báo cáo của Chính phủ và bộ, ngành liên quan thực hiện vốn ngân sách nhà nước còn một số bất cập. Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022 còn chênh lệch lớn cả về số thu và chi ngân sách. Quyết toán chi ngân sách nhà nước năm 2022 bằng 86,7% so với dự toán. Chi đầu tư phát triển đạt trên 71%, chi thường xuyên không đạt dự toán, số chuyển nguồn năm 2022 sang năm 2023 rất lớn và tăng nhiều so với năm 2021.

Trong khi đó, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai, đoàn đại biểu từ Hà Nội lo ngại về tình trạng nợ xây dựng cơ bản đang gia tăng. Riêng năm 2022, báo cáo từ kiểm toán nhà nước cho thấy, đã phát hiện thêm hơn 4.000 tỉ đồng nợ xây dựng cơ bản. Đại biểu nhấn mạnh, nếu không giải quyết vấn đề này thì sẽ tiếp tục phát sinh nợ mới...

1 BÌNH LUẬN

  1. Gần đến 1/7/2024 rồi nhưng chính phủ vẫn chưa ra nghị định tăng lương, nên ngày 1/7/2024 công chức, viên chức còn lãnh lương cũ phải không ?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới