(KTSG) - Đôi lần, trong giấc mơ tôi lại hiện về hình ảnh nhập nhòa của cao nguyên, nơi một thời từng sống và gửi bao ước vọng bên rừng bên suối. Đó là thuở thanh xuân khó phai trên từng con đường mưa lầy nắng bụi.
- Dalatmilk - “Di sản từ cao nguyên” chinh phục những khách hàng kỹ tính nhất
- Cao nguyên chuyển động nghề tằm
Sân bay Pleiku, buổi sáng đầu tháng 6. Mùa này Tây Nguyên thường mưa bất chợt. Khi vừa rời sân bay, tôi tìm một quán cà phê nơi góc phố, ngắm nhìn Pleiku theo cảm thức riêng mình. Đó là ngôi quán nhỏ, bàn ghế gỗ cũng nhỏ, khá vắng nhưng cà phê đậm sóng sánh và thoang thoảng có vị… núi rừng. Là bởi không gian, có lẽ.
Nhiều lần đến nơi này từ rất nhiều năm trước. Tôi vẫn thích “chạm mặt” thành phố miệt Bắc Tây Nguyên này như vậy. Để chợt nhớ vu vơ vài câu thơ mình từng viết về Pleiku thuở nào: “Chẳng thể gom sương vào góc phố/Sớm chiều bảng lảng hợp rồi tan/Vạt muồng lá ướt đêm nằm ngủ/Đồi cao lũng thấp cứ giăng tràn…”. Màu đất đỏ bazan bạt ngàn cây lá, sẫm lại nhấp nhô, bây giờ vẫn chưa nhạt đi với ngọn gió trong cơn mưa ướt rượt, miên man mát mẻ như một “hấp lực” của tình đầu. Mênh mang sương khói!
Thực ra, tôi từng sống nhiều ở Buôn Ma Thuột. Còn Pleiku thì chỉ thoáng qua mỗi năm hai lần đi và về những năm thập niên 1980 xuyên qua thành phố này. Đôi bận, có vài người bạn rủ rê ở lại, nhiều khi bâng khuâng so sánh phố phường của cả hai nơi. Còn bây giờ, tôi lại tẩn mẩn ngồi so sánh Pleiku của hôm nay và ngày trước, cách đây gần bốn chục năm, để thấy quá nhiều sự đổi thay, hay có dở có và mỗi năm qua đi, lại khoác lên đó màu sắc đô thị nhộn nhịp vốn rất khó cưỡng, giống nhiều nơi khác trên dải đất Tây Nguyên.
Nhưng, điều đầu tiên khi gặp và lần cuối cùng khi rời đi thuở xa lắc ấy, cao nguyên trong tôi vẫn cứ lưu giữ, là âm thanh của tiếng cồng chiêng vọng đều đều, không mỏi mệt. Nhiều đêm thanh vắng, kéo dài đến tận khuya, tiếng vọng ấy từ lễ cúng nhà mồ diễn ra ở đâu đó khiến tôi thao thức. Mà có lẽ không chỉ riêng tôi, có lần một đồng nghiệp lớn tuổi nói rằng: rừng núi, tiếng suối róc rách, ánh lửa bập bùng và tiếng cồng chiêng đã góp phần làm nên một không gian Tây Nguyên, đúng nghĩa. Tôi cười bảo: hình như còn nữa, anh hỏi lại: ý cậu là voi?
Tôi ừ, mà nghĩ phần còn thiếu ấy ai dám chắc rằng sẽ tồn tại mãi với trăm năm. Là bởi, lúc tôi khoác ba lô lên làm bạn với rừng thì ở ngay xứ có nhiều voi. Đó là Buôn Đôn, một ngôi làng người dân tộc thiểu số nổi tiếng, cách Buôn Ma Thuột tầm 30 cây số, nơi có truyền thống săn bắt và thuần dưỡng voi rừng. Lọt vào không gian êm đềm nằm bên dòng Sêrêpôk chảy ngược ấy, không thể nào không thấy những đàn voi thênh thang đi lại. Những chú voi hiền từ chiều chiều được đưa ra bến sông tắm, quơ vòi phun phì phì thỏa mãn trong vẻ hoang liêu của núi rừng, là dấu ấn khó phai nhạt. Nhưng loài động vật to lớn này đang dần ít đi, chỉ trong vòng ba, bốn chục năm qua. Riêng ở các tỉnh Bắc Tây Nguyên như Gia Lai, Kon Tum thì nay hầu như vắng bóng.
Những dự án, những đề tài nghiên cứu để bảo tồn bản sắc không gian Tây Nguyên là nỗ lực rất lớn của nhiều người, song có những việc đôi khi ngoài tầm tay với, nên chi nhiều lúc trở lại nơi một thời gắn bó, tôi cứ ước ao những hình ảnh thuở ấy lại được tái hiện, dù biết rằng đó cũng chỉ là mơ ước mà thôi.
…Để rồi, chiều muộn trước khi ra sân bay trở về, ngồi ở quán ăn của một nghệ nhân người Jrai trong con hẻm nhỏ của thành phố Pleiku, tôi bâng khuâng nhìn những bức tượng gỗ nhà mồ, những dãy cồng chiêng treo lửng lơ trên tường hay các giá đỡ, rồi đưa tay gõ nhẹ để nghe vọng lại chút thanh âm ngày cũ.
Chợt hình dung lại âm vang rộn ràng trong lễ cúng nhà mồ thuở nào bên bờ suối, mà chúng tôi là những vị khách mời hơi lạ lẫm. Với điệu nhảy uyển chuyển của các cô gái Ê Đê, trong đó có những đứa học trò của thế hệ đầu tiên khi chúng tôi mới đến nơi này!