(KTSG Online) - Ngày càng nhiều nhà mua hàng quốc tế đến Việt Nam tìm nhà cung ứng. Người mua không chỉ muốn mua hàng nhiều hơn mà còn cho biết sẽ đồng hành để đưa hàng hóa Việt thâm nhập thị trường thế giới.
Chia sẻ về việc tìm kiếm nhà cung cấp tại Diễn đàn xuất khẩu 2024 tại TPHCM mới đây, CEO của nhiều tập đoàn quốc tế đã nói về xu hướng này cũng như thông tin về những mặt hàng đang cần mua.
Walmart cần thêm sản phẩm đồ chơi, thực phẩm...
Ông Aly Ansari. Ảnh: BTC diễn đàn cung cấp
Ông Aly Ansari, Tổng giám đốc Walmart Việt Nam: Là nhà bán lẻ áp dụng mô hình bán hàng đa kênh. Mỗi tuần, 10.500 cửa hàng, câu lạc bộ và trang web của Walmart ở 19 quốc gia có hơn 255 triệu lượt ghé thăm. Không tính Mỹ, Walmart đảm bảo khả năng tiếp cận hàng hóa, dịch vụ cho hơn 40% dân số thế giới.
Việt Nam hiện là một trong những nguồn cung ứng quan trọng hàng đầu ở châu Á của Walmart và vai trò này sẽ tiếp tục được nâng cao. Cùng với các mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam như đồ mặc, đồ điện tử, sản phẩm cứng... chúng tôi cũng tìm kiếm sản phẩm thuộc các danh mục khác như đồ chơi, thực phẩm.
Chúng tôi nhận thấy tiềm năng ở nhiều danh mục sản phẩm của Việt Nam và mong muốn được hợp tác trên quy mô lớn. Đội ngũ tìm nguồn cung ứng của Walmart sẵn sàng hỗ trợ hoạt động xuất khẩu sản phẩm của Việt Nam ra thị trường toàn cầu, bao gồm Mỹ, Canada, Mexico, Chile và Trung Quốc.
Chúng tôi rất kỹ lưỡng trong việc lựa chọn đối tác để đảm bảo đối tác phải đáp ứng được tiêu chuẩn cao về chất lượng, hành động liêm chính và tôn trọng nhân viên.
MINISO đồng hành phát triển với các nhà cung ứng
Ông Herman Xu. Ảnh: BTC
Ông Herman Xu, Tổng giám đốc Phụ trách Chất lượng Tập đoàn MINISO: nhà bán lẻ có hơn 6.600 cửa hàng ở khoảng 110 thị trường.
Tệp khách hàng của chúng tôi nằm trong độ tuổi từ 7 đến 42, là những người đang tìm kiếm các sản phẩm hợp thời trang, thiết thực và tiết kiệm chi phí.
Hiện tại, dòng sản phẩm của MINISO có hơn 10 danh mục chính, trong đó có đồ gia dụng, phụ kiện thời trang, đồ chơi, đồ điện tử... Chúng tôi sẵn sàng mở rộng hợp tác với chuỗi cung ứng Việt Nam.
Quyết định chiến lược này được đưa ra dựa trên một số yếu tố then chốt như sự khác biệt về thuế quan. Việt Nam được hưởng lợi từ ưu đãi thuế quan theo nhiều hiệp định thương mại với các thị trường Bắc Mỹ, ASEAN và CPTPP, giúp doanh nghiệp đáp ứng nhanh nhu cầu thị trường, từ đó giúp nâng cao khả năng cạnh tranh khi thâm nhập các thị trường mục tiêu. Thêm vào đó, môi trường chính trị tại Việt Nam ổn định, giúp giảm thiểu rủi ro trong chuỗi cung ứng và đảm bảo nguồn cung ổn định cho người tiêu dùng.
Thông qua các kênh tiếp thị toàn cầu, chúng tôi có thể hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường quốc tế, đưa các sản phẩm chất lượng cao sản xuất tại Việt Nam đến với người tiêu dùng toàn cầu.
Tuy nhiên, chuỗi cung ứng của Việt Nam cũng đang đối mặt với một số thách thức về năng lực cung ứng sản phẩm, chất lượng... nên cần hoàn thiện để nâng cao tính cạnh tranh.
Mở rộng sản phẩm Việt Nam chất lượng cao trên Amazon
Ông Gijae Seong: Ảnh: L.H
Ông Gijae Seong, Giám đốc Điều hành, Amazon Global Selling tại Việt Nam: Sau hơn 5 năm hợp tác, số lượng sản phẩm mà doanh nghiệp Việt bán trên Amazon đã tăng hơn 300%.Hàng ngàn doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam đang xuất khẩu thông qua Amazon.
Trong đó, số lượng doanh nghiệp đạt doanh thu trên 1 triệu đô la/năm tăng gần gấp 10 lần. Danh mục sản phẩm từ Việt Nam cũng phát triển vượt bậc. Các sản phẩm thuộc ngành hàng sức khỏe và chăm sóc cá nhân, trang trí nhà cửa, nhà bếp, may mặc và làm đẹp có tốc độ tăng trưởng cao nhất trên Amazon trong 5 năm qua.
Việc mở rộng danh mục sản phẩm "Made in Việt Nam" chất lượng cao cho khách hàng toàn cầu là một trong những trọng tâm mà chúng tôi đang thực hiện. Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường kết nối với các nhà nhà cung cấp Việt Nam để tìm kiếm những sản phẩm mới và hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng kinh doanh qua kênh thương mại điện tử xuyên biên giới.
Làm cầu nối để tiếp cận thị trường Trung Đông
Ông Mirash Basheer. Ảnh: L.H
Ông Mirash Basheer, Giám đốc Công ty May Exports Việt Nam, thuộc Lulu Group International:
Chúng tôi có mạng lưới gồm 267 đại siêu thị tại các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Ả Rập Xê-út, Malaysia, Indonesia, Ai Cập và Ấn Độ cùng văn phòng nguồn cung ứng tại 24 quốc gia, trong đó có Việt Nam
Với lợi thế này, chúng tôi có thể hỗ trợ các doanh nghiệp lớn, có thương hiệu nổi tiếng và cả những doanh nghiệp vừa và nhỏ giới thiệu hàng hóa đến với khách hàng quốc tế, đặc biệt là khách hàng ở khu vực Trung Đông.
Việt Nam là quốc gia có nhiều sản phẩm được chứng nhận Halal, phù hợp với khẩu vị riêng biệt của người tiêu dùng tại các quốc gia vùng Vịnh. Doanh nghiệp Việt Nam cung cấp nhiều loại hàng hóa Halal đa dạng, từ ẩm thực cho đến hàng dệt may và mỹ phẩm cao cấp, với chất lượng tối, sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc rõ ràng và bền vững nên có lợi thế để tham gia thị trường.
Thêm vào đó, qua các sáng kiến hợp tác và chiến dịch quảng bá như lễ hội hàng Việt Nam, được chúng tôi tổ chức hàng năm với sự phối hợp Đại sứ quán Việt Nam tại các quốc gia khu vực vùng Vịnh, người tiêu dùng trong khu vực có thể hiểu rõ hơn về sản phẩm của Việt Nam. Từ đó, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt bán hàng vào thị trường này.
Central Retail muốn bán cà phê Việt ra thị trường quốc tế
Ông Olivier Langlet. Ảnh: L. Hoàng
Ông Olivier Langlet, Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam:
Bên cạnh nhiều sản phẩm của doanh nghiệp Việt đang được Central Retail Việt Nam đưa vào hệ thống tiêu thụ tại Việt Nam và xuất khẩu, chúng tôi còn muốn hợp tác với các doanh nghiệp sản xuất cà phê trong nước để đưa sản phẩm độc đáo này chinh phục thị trường quốc tế thông qua các sáng kiến R&D (nghiên cứu và phát triển) cụ thể.
Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp trong các lĩnh vực như xác định và phát triển các sản phẩm cà phê có giá trị gia tăng cao; nâng cao năng lực sản xuất và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế; kết nối với các nhà phân phối toàn cầu.
Với tầm nhìn chiến lược, sự hợp tác chặt chẽ, chúng tôi tin tưởng rằng cà phê Việt Nam sẽ vươn xa hơn nữa trên bản đồ cà phê thế giới.