Thứ ba, 14/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Tránh đà bán của khối ngoại, sóng cổ phiếu hình thành trên UPCoM

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Khi chỉ số VN-Index tăng 10% kể từ đầu năm đến nay, có rất nhiều cổ phiếu đã tăng giá gấp đôi, gấp ba. Phần lớn đến từ sàn UPCoM, được cho là sàn mang tính đầu cơ cao với tiêu chuẩn niêm yết thấp hơn.

Nhiều cổ phiếu tăng mạnh

Bất chấp thị trường có phiên giảm điểm mạnh trong phiên cuối tuần qua, một số cổ phiếu lại đi ngược dòng như Công ty Công trình Công cộng và Dịch vụ Du lịch Hải Phòng (mã cổ phiếu CDH niêm yết trên sàn UPCoM), tăng hết biên độ gần 15%. Nhưng điều đáng chú ý hơn là giá cổ phiếu này trong tuần qua đã tăng đến 72%, và từ đầu năm đến hết tháng 6 đã tăng đến…665%.

Có không ít cổ phiếu tăng mạnh tương tự, như giá cổ phiếu CID (Công ty xây dựng và Phát triển Cơ sở Hạ tầng) tăng 40% trong tuần qua và tăng đến 390% kể từ đầu năm; hay GGG (tăng 305%), VGI (301%), VLG (200%).

Theo thống kê của KTSG Online, có 54 mã tăng gấp đôi đến gấp 7 lần trong 6 tháng đầu năm. Còn nếu tính thêm từ mức tăng gấp rưỡi, tức 50%, thì có đến 149 mã cổ phiếu.

Trong số những cổ phiếu tăng mạnh lên đến hàng trăm phần trăm, đáng chú ý là một điểm chung là đa số đều niêm yết trên sàn UPCoM, sàn giao dịch với những tiêu chuẩn thấp hơn sàn HOSE và HNX, thanh khoản giao dịch thấp hơn và biên độ tăng giá cũng lớn nhất (15%).

Một điểm đáng chú ý là trong làn sóng tăng giá cổ phiếu trên sàn UPCoM, có không ít là công ty con của tập đoàn lớn. Chẳng hạn như Tổng Công ty cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel, mã cổ phiếu VGI đạt mức đỉnh gần nhất hồi giữa tháng 6 là 111.000 đồng/cổ phiếu, sau khi đã “leo” một mạch từ vùng giá 36.000 đồng/cổ phiếu từ cuối tháng 3.

Hay như thị giá của Công ty Masan Consumer (mã MCH, niêm yết trên sàn UPCoM) cũng tăng gấp đôi, trong khi mã MSN của Tập đoàn mẹ Masan (niêm yết trên HOSE) chỉ tăng 10%. Trong cùng giai đoạn, một cổ phiếu khác nằm trong hệ sinh thái của MSN là MSR (cũng niêm yết trên UPCoM) lại giảm 1%.

Hồi đầu tuần qua, 110 triệu cổ phiếu MCM (Công ty Cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu) cũng vừa chuyển niêm yết từ UPCoM lên HOSE. Thị giá của công ty con của Vinamilk đã tăng gần 14% kể từ đầu năm.

Một trường hợp đáng chú ý khác là cổ phiếu FOX của Công ty cổ phần Viễn thông FPT cổ phiếu (niêm yết trên UPCoM) đã tăng 34% trong tháng 6 và 115% kể từ đầu năm. Trong khi đó cổ phiếu công ty mẹ FPT tăng 57%, đạt mức đỉnh về giá trị vốn hóa mới, còn FRT, công ty bán lẻ có chung hệ sinh thái, cũng đã tăng 65%.

Bên cạnh đó, các mã thuộc các tập đoàn nhà nước khác cũng tăng mạnh, như Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (mã MVN) tăng 184%, hay Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (mã ACV) tăng hơn 16% trong tháng 6 và 92% so với đầu năm.

Cũng liên quan trong nhóm ngành này là cổ phiếu HVN (niêm yết trên UPCoM) của Vietnam Airlines đã lên giá 33.200 đồng/cổ phiếu, tăng 171% kể từ đầu năm. Trong cùng giai đoạn, mã cổ phiếu VJC của Vietjet Air giảm 6%, ở mức 101.500 đồng/cổ phiếu.

Giá trị vốn hóa trên sàn UPCoM tăng gần 60%, trong khi sàn HOSE tăng 8,8% kể từ đầu năm. Nguồn dữ liệu: Vietstock.

Thận trọng với rủi ro

Theo ông Lê Xuân Huy, chuyên gia đầu tư tài chính cá nhân, hiện tượng tăng giá mạnh của một số cổ phiếu trên sàn Upcom trong khi Vn-index gần như đi ngang trong giai đoạn gần đây có thể được chia làm 2 nhóm chính.

Nhóm thứ nhất là những cổ phiếu đầu ngành có yếu tố cơ bản tốt, tình hình tài chính vững mạnh và có câu chuyện tăng trưởng tốt trong năm 2024 cũng như trong tương lai xa hơn. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu thứ hai là những cổ phiếu “penny”, không có yếu tố cơ bản nhưng lại có những thông tin tích cực gây bất ngờ.

“Đối với nhóm cổ phiếu cơ bản tốt, nhà đầu tư đang kỳ vọng một sự thay đổi lớn đến từ mảng kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp. Từ đó, doanh nghiệp sẽ trở nên tốt hơn và tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong tương lai. Giá cổ phiếu cũng liên tục tăng mạnh để phản ánh kỳ vọng đó”, ông Huy bình luận.

Tương tự, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cho biết quan sát thị trường trong thời gian qua cho thấy nhóm cổ phiếu tăng trưởng mạnh nhất không phải là những cổ phiếu vốn hóa lớn.

Theo đó, bên cạnh câu chuyện đặc thù riêng của một số cổ phiếu thuộc nhóm UPCoM, nhóm cổ phiếu trên sàn này cũng đã bắt đầu “chạy” sau khi “nằm im” khá lâu. Ngoài ra, dòng tiền cũng chuyển sang nhóm đầu cơ cao hơn cũng phần nào để “né tránh” các cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng liên tục. Thực tế cho thấy nhiều cổ phiếu trên sàn HOSE cũng gần như không tăng trong giai đoạn qua khi nhà đầu tư ngoại liên tục bán ra.

Bên cạnh đó, thanh khoản giao dịch cũng như lượng cổ phiếu lưu hành thấp của nhiều cổ phiếu trên sàn UPCoM cũng là nguyên nhân lý giải cho việc tăng giá quá cao của nhiều cổ phiếu, một khi dòng tiền đầu cơ tìm đến.

“Đến thời điểm khi nhiều cổ phiếu trên sàn UPCoM có thanh khoản trở lại, nên cổ phiếu rất dễ tăng, tăng nóng, thậm chí tăng vượt quá các yếu tố cơ bản phản ánh vào giá cổ phiếu”, ông Minh nói.

Thực tế cho thấy bên cạnh những cổ phiếu thuộc “họ tập đoàn” có thanh khoản tăng mạnh do thu hút dòng tiền cá nhân, có nhiều cổ phiếu lượng giao dịch vẫn rất thấp dù giá tăng mạnh.

Ví dụ mã CID tổng khối lượng khớp lệnh gần 75.000 cổ phiếu năm 2023, đã tăng lên gần 274.000 trong nửa đầu năm nay. Tuy nhiên, phiên thứ sáu vừa qua chỉ giao dịch gần 2.000 cổ phiếu, trước đó nữa là 100-300 cổ phiếu. Con số giao dịch vài trăm đến vài ngàn cổ phiếu, thậm chí không có giao dịch, là không hiếm với nhiều cổ phiếu trên sàn UPCoM.

Việc đầu tư trên sàn UPCoM mang tính rủi ro cao hơn sàn HOSE ngay từ đầu, vì chất lượng cổ phiếu niêm yết cũng đã ở mức thấp hơn. Tính đầu cơ trên sàn này còn cao hơn nhiều vì khoảng chênh lệch giá rất rộng cũng như thanh khoản thấp.

Như trong tuần qua, cổ phiếu MVN đã giảm gần 27%, nhưng thị giá vẫn ở mức cao đáng kể sau khi tăng 176% tính riêng trong tháng 6.  Cổ phiếu này không chỉ có lượng lưu hành rất thấp (nhà nước nắm 99,47% vốn), mà còn hưởng lợi từ triển vọng tăng trưởng của ngành khi giá cước vận tải biển tăng mạnh gần đây.

Sàn UPCoM vẫn còn nhiều doanh nghiệp hấp dẫn và có câu chuyện kinh doanh riêng. Do đó, theo ông Huy, nhà đầu tư có thể nghiên cứu tham gia nhưng vẫn cần chờ giá cổ phiếu điều chỉnh về mức định giá rẻ hơn, đồng thời cũng cần lưu ý và thận trọng khi thị trường có nhiều dấu hiệu cho thấy giá “tăng ảo” trong giai đoạn qua. Câu hỏi đặt ra là khi nào dòng tiền đầu cơ sẽ luân chuyển tìm kiếm cơ hội mới?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới