(KTSG Online) - Kẹt xe ngày càng gia tăng trong các thành phố lớn lẫn trên cao tốc, quốc lộ trong nhiều năm qua. Cho dù hạ tầng giao thông chưa đủ sức đáp ứng nhưng nếu quản lý và điều tiết giao thông theo cách ngăn ngừa sớm thì các vụ ùn tắc cũng giảm được phần nào, người dân đỡ khổ sở hơn.
- Địa phương lân cận lo ngại ùn tắc giao thông TPHCM tác động đến cả vùng
- Khẩn cấp chống ùn tắc tại nút giao cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây
Có thể lấy một dự án quan trọng đang được thi công tại TPHCM: nút giao An Phú ở Thủ Đức đi vào cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây làm ví dụ minh họa.
Từ khi bắt đầu khởi công vào tháng 12-2022, khu vực nút giao An Phú thường xuyên bị ùn tắc giao thông nặng. Tuy chia sẻ với tình trạng bất khả kháng do phải rào chắn để thi công nhưng điều khiến người dân bức xúc là việc kéo dài cách điều tiết giao thông bất hợp lý.
Do đang thi công nên nút giao An Phú trở thành điểm ùn tắc giao thông thường xuyên, tình trạng này càng nhân lên khi xảy ra ùn ứ trên cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây. Tài xế tốn bao công vượt qua được ùn tắc ở nút giao An Phú để vào đường dẫn cao tốc này thì bị cảnh sát giao thông chặn lại do đóng cao tốc tạm thời(*).
Khi rơi vào tình huống này thì xe cộ hoặc phải dừng chờ tới khi cao tốc mở thông hoặc quay đầu trở lại nút giao An Phú và tiếp tục trải qua cảnh ùn tắc trước khi thoát ra. Đây chính là điều khiến người dân bức xúc nhất vì đã xảy ra nhiều lần và họ không hề được cảnh báo từ xa, hướng dẫn đi đường khác thay vì tốn công sức chờ đợi, xếp hàng “bò” vào tới cao tốc thì bị chặn lại hay buộc quay đầu trở ra.
So với cách đây 10-15 năm, lượng xe cộ đã tăng lên gấp nhiều lần và hệ thống đường sá cũng trở nên phức tạp hơn nhưng cách điều tiết, điều khiển giao thông lại chưa có nhiều thay đổi tương ứng. Tình trạng kẹt xe ở nút giao An Phú đến cửa ngõ cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây là một ví dụ cụ thể và mới nhất.
Tương tự, trên các cao tốc khác ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long như TPHCM - Trung Lương, Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ, cứ mỗi lần có va quẹt, tai nạn giao thông hay chỉ cần xe hư nằm trên làn xe chạy là ùn tắc xảy ra hàng giờ mới hết.
Nguyên nhân do hạ tầng thì đã rõ, đây là các cao tốc có lưu lượng xe thuộc hàng cao nhất nước và đoạn từ Trung Lương đến Cần Thơ không có làn dừng xe khẩn cấp. Không ít vụ chỉ do xe bị chết máy nằm trên làn xe chạy vì không có làn dừng khẩn cấp cũng gây ùn tắc kéo dài nhiều giờ đồng hồ.
Vấn đề là dù lực lượng cảnh sát giao thông có mặt nhưng chủ yếu là điều tiết tại hiện trường, việc ngăn ngừa kẹt xe kéo dài thông qua cảnh báo, chặn xe từ xa hầu như chỉ được thực hiện khi xe cộ đã kẹt cứng hết nhúc nhích trên cao tốc.
Do không được cảnh báo sớm phía trước có kẹt xe, một khi đã lọt vào thì tài xế mới biết không có đường đi, lúc đó đã muộn. Trong tình huống kẹt xe kẹt tứ bề, điều khó tránh khỏi là một số tài xế chạy ẩu, luồn lách khiến kẹt xe trở nên nặng hơn hay tệ hơn nữa là lại xảy ra va quẹt khiến kẹt xe càng kéo dài thêm.
Vì vậy, đối với các cao tốc cần có phương án điều tiết phù hợp hơn, khi bắt đầu ùn tắc xe thì lực lượng cảnh sát giao thông cần điều tiết sớm hơn và cảnh báo từ xa để hạn chế hoặc tạm thời ngăn hẳn không cho xe vào cao tốc.
Cách làm này sẽ giúp xe cộ kịp thời né được các vụ kẹt xe thay vì chạy vào rồi mắc kẹt vì không thể quay đầu trên cao tốc. Không chỉ mất thời gian chờ đợi, kẹt xe trên cao tốc còn là nỗi ám ảnh khi xe còn ít nhiên liệu hay điện khiến có thể bị nằm đường do nổ máy chờ đợi quá lâu. Với người đi xe có vấn đề về đường tiêu hóa, tiết niệu thì kẹt xe trên cao tốc thật sự là thảm họa vì không có chỗ để giải quyết nhu cầu bức bách.
Dù ngành giao thông và công an dùng thuật ngữ “ùn ứ giao thông” để phân biệt với “kẹt xe” nhưng với người dân thì đơn giản hơn: kẹt xe là khi đi lại với tốc độ rùa bò, phải mất vài chục phút để vượt qua đoạn đường vài cây số. Vì vậy, điều mà người dân mong muốn là được cảnh báo sớm, hướng dẫn từ xa để không bị lọt vào đoạn đường “ùn ứ giao thông” - theo cách gọi của cơ quan chức năng.
-----------------------