(KTSG Online) - Thép là một trong những ngành có phát thải carbon và tiêu tốn năng lượng khá nhiều. Do đó, các doanh nghiệp trong ngành thép đang nỗ lực chuyển đổi công nghệ sản xuất, thực hiện các giải pháp giảm phát thải; đồng thời đưa ESG vào trong chiến lược kinh doanh để phát triển bền vững, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thích ứng với chuyển đổi xanh
Tại diễn đàn ESG 2024 - “Từ ý tưởng đến hành động” do The Saigon Times, ấn phẩm tiếng Anh của Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, phối hợp với Tiểu ban phát triển xanh của EuroCham, Tiểu ban ESG và Liên minh chuyển đổi tổ chức vào ngày 13-6 vừa qua, ông Trương Anh Hải, Phó Tổng Giám đốc phụ trách An toàn, Sức khỏe, Môi trường và Cộng đồng công ty NS BlueScope Việt Nam cho biết, mỗi năm toàn cầu phát thải ra khoảng 36 tỉ tấn carbon.
Những ngành có mức phát thải lớn nhất là liên quan đến năng lượng (29%), công nghiệp (29%), nông nghiệp (20%), vận tải (15%)… đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp ngành kim loại và thép chiếm 5% tương đương, xi măng (5%), hóa chất (4%) và dầu khí (6%). Vì vậy, có thể thấy thép là một trong những ngành công nghiệp nặng có mức phát thải carbon khá lớn.
Trước thực trạng này, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp sản xuất thép cần phải chuyển hướng sang sản xuất xanh, giúp giảm phát thải, tăng xuất khẩu vào Liên minh châu Âu (khi EU áp dụng Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon vào ngày 1-1-2026); đồng thời hướng tới phát thải ròng bằng không (NetZero) trong dài hạn.
Tuy nhiên, để các doanh nghiệp trong ngành thép có thể có những thay đổi trong tư duy quản trị về phát triển bền vững và đưa ESG (viết tắt là Environmental: môi trường, Social: xã hội và Governance: quản trị doanh nghiệp) vào trong chiến lược kinh doanh là điều không dễ dàng. Vì vậy, để hỗ trợ ngành thép, vào năm 2019, ResponsibleSteel™ đã phát triển bộ tiêu chuẩn ESG cho ngành thép.
Được biết, ResponsibleSteel™ là tiếng nói chung của hơn 150 doanh nghiệp thành viên trên toàn cầu. Hiện có 79 nhà máy được chứng nhận, ước tính chiếm 6,5% sản lượng của toàn ngành thép trên thế giới với 225.000 người lao động đang thực hành sản xuất thép có trách nhiệm. Từ khi ra mắt đến nay, nhiều tên tuổi lớn trong ngành thép đã ứng dụng bộ tiêu chuẩn này để làm kim chỉ nam cho hoạt động sản xuất bền vững của doanh nghiệp, nổi bật trong đó là tập đoàn BlueScope.
Để trở thành doanh nghiệp đầu tiên trong ngành thép Việt Nam có nhà máy đạt chứng nhận ResponsibleSteel™; đồng thời cũng là công ty đầu tiên tại Đông Nam Á và thứ ba trên toàn cầu của tập đoàn nhận được chứng nhận này, đại diện của NS BlueScope Việt Nam cho biết công ty đã có lộ trình giảm phát thải carbon từ rất sớm theo con đường chung là ESG. Mục tiêu doanh nghiệp này đặt ra là năm 2030 sẽ giảm 30% phát thải carbon trên một đơn vị sản phẩm.
NS BlueScope Việt Nam mong muốn truyền cảm hứng, động lực cho cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là trong ngành thép tiếp bước trong hành trình tiến tới phát triển bền vững. Việc triển khai thành công của NS BlueScope Việt Nam cũng chứng minh rằng dù quá trình sản xuất thép bền vững còn có nhiều khó khăn nhưng nếu đủ quyết tâm, doanh nghiệp không chỉ làm được; thậm chí là làm tốt và làm theo đúng tiêu chuẩn cao của toàn cầu.
Thực hành ESG tốt: nâng cao năng suất
Đối với NS BlueScope Việt Nam, lấy ví dụ về một trong những hoạt động thực hiện ESG, công ty có bộ quy tắc về những điều nên và không nên làm như chống hối lộ, tham nhũng, phân biệt đối xử, công bằng và minh bạch trong công việc… Đội ngũ nhân viên sẽ được đào tạo hàng năm. Cùng với đó, doanh nghiệp cũng có hotline (đường dây nóng) để báo cáo những trường hợp vi phạm; đặc biệt thông tin được bảo mật kỹ càng.
Theo quan sát, khi có một hệ thống thực hành ESG tốt, nhân viên được gắn kết hơn. Tỷ lệ nghỉ việc giảm. “Trong thị trường nhân lực, tỷ lệ lao động nghỉ việc là khoảng 15% thì tại NS BlueScope Việt Nam là dưới 10% trong suốt 10 năm nay”, ông Hải chỉ ra. Bên cạnh đó, chất lượng sản phẩm, hiệu suất vận hành nhà máy luôn ở mức cao.
Có thể thấy rằng đối với ESG, ba yếu tố là môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp đều đóng vai trò rất quan trọng. Do đó, các doanh nghiệp cần phải dung hoà giữa các yếu tố khi thực hiện. Với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, việc doanh nghiệp tuân thủ pháp luật, biết chăm lo cho người lao động cũng đóng góp một phần vào phát triển bền vững.
Ở góc nhìn thị trường, dù rất nỗ lực trong việc thực hiện ESG nhưng các doanh nghiệp trong ngành thép ở Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều rào cản như vấn đề chi phí trong thời buổi kinh tế suy thoái hiện nay, không đủ nguồn lực để thực hiện. Kiến thức ESG ở thị trường nội địa chưa nhiều và đầy đủ nên các doanh nghiệp cũng gặp khó khăn khi triển khai.
Trước thực trạng này, đại diện NS BlueScope Việt Nam cho rằng cần thiết lập kênh chính thức cung cấp thông tin về thực hành ESG cho đầu tư, giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và thực hiện. Bên cạnh đó, Nhà nước nên đưa ra từng bộ tiêu chí ESG khác nhau cho các ngành như xây dựng, may mặc... Đối với ngành xây dựng, các doanh nghiệp cần bắt buộc làm ESG, có thể ngay từ đầu Nhà nước hỗ trợ về tư vấn, tài chính. Về lâu dài cần đưa vào luật hoá, doanh nghiệp bắt buộc phải làm. Bởi một doanh nghiệp thực hành ESG chưa đủ, mà phải cần cộng đồng, chuỗi cung ứng chung tay làm mới có tác động mạnh mẽ.