Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Chênh lệch huy động và tín dụng tiếp tục mở rộng – hệ quả không mong đợi

Thụy Lê

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Chênh lệch giữa huy động vốn và tín dụng mở rộng, hệ quả đầu tiên có thể thấy rõ là xu hướng đi lên trở lại của lãi suất. Từ đầu quí 2-2024 đến nay, các ngân hàng đã liên tục điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi khiến mặt trận huy động vốn trở nên khốc liệt trở lại.

Chênh lệch mở rộng

Tính đến thời điểm 24-6-2024, huy động vốn của các tổ chức tín dụng (TCTD) tăng 1,5% so với cuối năm 2023, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế là 4,45%. Nếu xét theo số tuyệt đối, tiền gửi khách hàng của các TCTD ước tăng thêm chỉ hơn 200.000 tỉ đồng, trong khi dư nợ tín dụng tăng ròng đến hơn 600.000 tỉ đồng - gấp ba lần mức tăng của tiền gửi.

Nhìn lại thời điểm cuối quí 1-2024, số dư tiền gửi giảm hơn 71.000 tỉ đồng còn dư nợ tín dụng tăng thêm hơn 192.000 tỉ đồng, chênh lệch chỉ ở mức 263.000 tỉ đồng. Đến cuối quí 2-2024, chênh lệch giữa hai biến số này mở rộng - lên tới 400.000 tỉ đồng.

Đến ngày 25-6, NHNN đã bán ra khoảng 5,5 tỉ đô la Mỹ để can thiệp tỷ giá từ cuối tháng 4.Ảnh: LÊ VŨ

Để giảm bớt ảnh hưởng bởi yếu tố mùa vụ, có thể so sánh với cùng thời điểm năm trước. Theo đó, sự chênh lệch trước đây là có nhưng không quá lớn, khi huy động vốn sáu tháng đầu năm 2023 tăng 3,68%, chỉ kém chút ít so với mức tăng trưởng tín dụng là 3,83%.

Có một số lý do có thể giải thích cho sự chênh lệch ngày càng mở rộng này.

Đầu tiên, về sự tăng trưởng chậm chạp của huy động vốn, có lẽ do ảnh hưởng bởi tổng phương tiện thanh toán đang được kiểm soát chặt chẽ trở lại, sau khi đã tăng đột biến trong tháng cuối cùng của năm 2023. Dù các báo cáo gần đây của Tổng cục Thống kê không còn công bố chỉ tiêu tổng phương tiện thanh toán, nhưng dựa trên số liệu cập nhật gần nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đến hết tháng 3-2023, cung tiền M2 chỉ tăng vỏn vẹn 0,09%.

Đặc biệt, trong quí 2-2024, cung tiền càng chịu áp lực thu hẹp trước động thái can thiệp nhằm ổn định thị trường ngoại hối của NHNN, qua việc bán đô la Mỹ và vàng. Theo thông tin cập nhật đến ngày 25-6, NHNN đã bán ra khoảng 5,5 tỉ đô la Mỹ để can thiệp tỷ giá từ cuối tháng 4, và con số này có thể còn tiếp tục tăng lên. Trong khi đó, sau khi bán vàng qua kênh đấu thầu, lượng vàng bình ổn tiếp theo được bán ra thông qua bốn ngân hàng thương mại gốc quốc doanh cho đến giờ vẫn là một ẩn số.

Trên thị trường tín phiếu và thị trường mở (OMO), nhà điều hành cũng hút ròng mạnh mẽ với tổng giá trị gần 101.000 tỉ đồng trong tháng 6 vừa qua. Với áp lực lạm phát vẫn tiềm ẩn, việc kiểm soát cung tiền dường như đang là lựa chọn ưu tiên. Chỉ số giá tiêu dùng đã có ba tháng liên tiếp duy trì trên mốc 4,3% trong quí 2. Những bất ổn địa chính trị đang đẩy giá cước vận tải đường biển leo thang trên toàn cầu, cộng thêm tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng vẫn neo cao, việc dè chừng với lạm phát trong thời gian tới là điều cần thiết.

Ở chiều ngược lại, tăng trưởng tín dụng dù kết quả chưa đạt được như kỳ vọng trong nửa đầu năm nay, nhưng vẫn đủ để gấp gần ba lần so với mức tăng trưởng huy động vốn. Hoặc có thể nói cách khác, với nguồn vốn đầu vào tăng trưởng yếu ớt, các ngân hàng cũng khó lòng đẩy mạnh tín dụng. Dù vậy, nếu so với cùng kỳ năm 2023, tín dụng vẫn đang ghi nhận mức tăng trưởng gần 13,5%, cũng cao hơn nhiều mức tăng trưởng tiền gửi chỉ gần 9,8%. Kết quả tăng trưởng tín dụng bứt phá trong quí 4-2023 nói chung và đặc biệt là tháng cuối cùng của năm 2023 nói riêng, đã đóng góp lớn vào con số tăng trưởng tín dụng kể trên.

Hệ quả tất yếu

Với chênh lệch giữa huy động vốn và tín dụng mở rộng, hệ quả đầu tiên có thể thấy rõ là xu hướng đi lên trở lại của lãi suất.

Từ đầu quí 2 đến nay, các ngân hàng đã liên tục điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi khiến mặt trận huy động vốn trở nên khốc liệt trở lại. So với cuối quí 1, mặt bằng lãi suất niêm yết bình quân của các ngân hàng đã tăng 0,3 điểm phần trăm ở kỳ hạn 1-5 tháng; tăng gần 0,4 điểm phần trăm ở kỳ hạn 6-12 tháng và tăng 0,25 điểm phần trăm ở kỳ hạn từ 13 tháng trở lên.

Các rủi ro tỷ giá và lạm phát buộc nhà điều hành phải kiểm soát cung tiền thận trọng hơn. Ảnh minh họa: DNCC

Không chỉ trên thị trường 1 (với dân cư và tổ chức kinh tế), lãi suất trên thị trường 2 (liên ngân hàng) cũng duy trì ở mức cao, còn lãi suất đấu thầu tín phiếu và lãi suất OMO cũng được nhà điều hành liên tục nâng lên. Sau khi tăng lãi suất phát hành tín phiếu thêm 0,1 điểm phần trăm lên 4%/năm, tăng lãi suất OMO thêm 0,25 điểm phần trăm lên 4,5%/năm vào ngày 22-5; chỉ một ngày sau đó nhà điều hành tiếp tục tăng lãi suất tín phiếu thêm 0,2 điểm phần trăm lên 4,2%/năm. Đến ngày 25-6, tăng tiếp lên 4,3%/năm; ngày 28-6 tăng tiếp lên 4,5%/năm. Từ mức 1,4%/năm ở thời điểm NHNN bắt đầu phát hành tín phiếu trở lại vào ngày 11-3, lãi suất tín phiếu cho đến nay đã tăng thêm 3,1 điểm phần trăm.

Có thể thấy lãi suất OMO tăng cao kéo lãi suất vay mượn trên thị trường 2 lên cao hơn, xu hướng này tiếp tục duy trì tất yếu sẽ kéo theo lãi suất huy động trên thị trường 1 tăng. Trong khi đó, giới phân tích cho rằng động thái giảm kỳ hạn và tăng lãi suất trúng thầu tín phiếu của NHNN gần đây là nhằm nâng cao mặt bằng lãi suất tiền đồng liên ngân hàng trong bối cảnh áp lực tỷ giá vẫn còn hiện hữu.

Hệ quả thứ hai là việc nguồn vốn huy động đầu vào tăng trưởng trì trệ sẽ khiến các ngân hàng khó đẩy mạnh tín dụng đầu ra, vì vướng phải các tỷ lệ an toàn. Tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi của nhóm ngân hàng thương mại gốc nhà nước và ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân cập nhật gần nhất đến 30-4-2024 đều đã ở mức trên 82%, gần với ngưỡng tối đa quy định là 85%. Theo đó, dư địa nguồn vốn để có thể cho vay thêm hiện không còn nhiều.

Ngoài ra, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của toàn hệ thống đến cuối tháng 4 là hơn 28%, cũng gần với ngưỡng quy định 30%. Điểm đáng chú ý là trong khi tỷ lệ này ở nhóm ngân hàng thương mại gốc nhà nước chỉ ở mức 23,6%, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân vẫn đang ở mức khá cao trên 40%. Điều này đòi hỏi những ngân hàng đang vi phạm tỷ lệ này phải tăng cường nguồn huy động trung và dài hạn nhiều hơn nữa trước khi nghĩ đến việc cho vay.

Trong bối cảnh triển vọng kinh tế đang khả quan hơn, thể hiện qua con số tăng trưởng GDP quí 2 vừa qua và các chỉ số sản xuất kinh doanh phục hồi tích cực, cộng thêm việc các ngân hàng được tiếp tục tái cơ cấu nợ cho khách hàng đến hết năm nay, nhu cầu tín dụng được kỳ vọng sẽ mạnh mẽ hơn trong nửa cuối năm nay.

Tuy nhiên, các rủi ro tỷ giá và lạm phát buộc nhà điều hành phải kiểm soát cung tiền thận trọng hơn, khiến nguồn vốn đầu vào của hệ thống ngân hàng đang có nhiều hạn chế, hoạt động cho vay cũng từ đó bị ảnh hưởng.

Trong trường hợp vẫn đẩy mạnh cho vay và kéo giãn chênh lệch giữa tăng trưởng huy động vốn và tín dụng, các ngân hàng khó có thể tránh khỏi việc phải chấp nhận tiếp tục tăng lãi suất đầu vào và chứng kiến biên độ lãi suất đầu ra - đầu vào thu hẹp lại. Trong tình hình nợ xấu vẫn đang trong xu hướng đi lên, lựa chọn này càng trở nên khó khăn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới