Thứ bảy, 18/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Sản xuất ở châu Á tăng tốc, PMI của Việt Nam lên tốp đầu

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Hoạt động sản xuất ở các nhà máy tại châu Á đã tăng tốc trong tháng Sáu vừa qua. Riêng tại Đông Nam Á, hoạt động sản xuất tại Việt Nam tăng trưởng mạnh nhất.

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Việt Nam tăng mạnh lên mức 54,7 điểm từ 50,3 điểm trong tháng 5 -2024.

Công nhân hàn làm việc tại một nhà sản xuất xuất ô tô ở Thanh Châu, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: Xinhua

Theo dữ liệu khảo sát của Caixin/S&P Global, công bố hôm 1-7, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong ngành sản xuất của Trung Quốc tăng lên 51,8 điểm trong tháng 6, từ 51,7 điểm trong tháng 5. Dữ liệu này đánh dấu tốc độ tăng PMI mạnh nhất trong hơn 3 năm và vượt mức dự báo 51,2 điểm.

Trái lại, dữ liệu khảo sát PMI chính thức, do Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố một ngày trước, cho thấy hoạt động sản xuất suy giảm tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 6. Trong khi đó, hoạt động của ngành dịch vụ tụt xuống mức thấp nhất trong 5 tháng.

Nhìn chung, cả hai cuộc khảo sát trên chỉ ra rằng, doanh nghiệp Trung Quốc đang đẩy mạnh sản xuất dù nhu cầu nội địa còn yếu.

Tuy nhiên, trong dấu hiệu cho thấy châu Á đang được hưởng lợi từ nhu cầu toàn cầu vững chắc, hoạt động nhà máy ở Hàn Quốc tăng mạnh nhất trong 26 tháng, lên 52 điểm nhờ lượng đơn hàng mới tăng vọt. Các khách hàng ở châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ đã tăng đặt hàng từ Hàn Quốc trong tháng trước, theo dữ liệu khảo sát của S&P Global.

Joe Hayes, nhà kinh tế trưởng của S&P Global nhận xét, dữ liệu PMI mạnh mẽ của ngành sản xuất Hàn Quốc cung cấp thêm bằng chứng cho thấy hoạt động công nghiệp và thương mại toàn cầu đang cải thiện.

Sản lượng nhà máy và đơn đặt hàng sản xuất của Hàn Quốc thường cung cấp những tín hiệu sớm và đáng tin cậy cho các xu hướng rộng hơn. Lý do là vì dữ liệu này được coi là chỉ báo xuất khẩu hàng đầu của châu Á nhờ sự hội nhập sâu của Hàn Quốc vào chuỗi cung ứng của các mặt hàng trung gian quan trọng như pin và bán dẫn.

Hàn Quốc vừa điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế cao hơn đáng kể sau khi chứng nhu cầu bùng nổ trên toàn cầu đối với trí tuệ nhân tạo (AI) thúc đẩy xuất khẩu bán dẫn của nước này. Theo dữ liệu của Bộ Thương mại Hàn Quốc, xuất khẩu bán dẫn tăng lên 13,4 tỉ đô la Mỹ trong tháng 6. Con số này cao hơn 50,9% so với cùng kỳ năm ngoái và cũng đánh dấu mức cao nhất trong lịch sử.

Hôm 3-7, Bộ Tài chính Hàn Quốc dự báo, GDP của đất nước sẽ tăng 2,6% trong năm nay, cao hơn so với với dự báo trước đó là 2,2%.

Chỉ số PMI ngành sản xuất của Việt Nam tăng mạnh lên mức 54,7 điểm từ 50,3 điểm trong tháng 5-2024. Ảnh minh họa: TL

Trong tháng Sáu, hoạt động nhà máy ở Việt Nam và Đài Loan cũng tăng với tốc độ nhanh hơn so với tháng 5. Chỉ số PMI ngành sản xuất của Việt Nam tăng mạnh lên mức 54,7 điểm từ 50,3 điểm trong tháng 5.

Mức tăng điểm số PMI của Việt Nam mạnh nhất trong số các nền kinh tế Đông Nam Á. Theo S&P Global, điều này là nhờ các công ty tăng cường sản xuất, thu mua và tuyển dụng nhân sự để đáp ứng sự bùng nổ về số lượng đơn đặt hàng mới. S&P Global cho biết, dữ liệu PMI không chỉ cho thấy sức khỏe của ngành sản xuất của Việt Nam cải thiện tháng thứ 3 liên tiếp, mà còn chỉ ra rằng, các điều kiện kinh doanh cũng mạnh lên đáng kể.

Các công ty sản xuất ở Philippines, Thái Lan và Indonesia duy trì mức tăng trưởng trong hoạt động sản xuất trong tháng trước. Trong khi đó, chỉ số PMI ngành sản xuất của Malaysia rơi xuống 49,9 điểm.

Chỉ số PMI ngành sản xuất của Đài Loan đã tăng lên 53,2 điểm vào tháng trước, mức cao nhất kể từ tháng 3-2022. Theo S&P Global, các nhà máy ở Đài Loan báo cáo nhu cầu cải thiện đáng kể, với doanh số bán hàng trong nước và quốc tế ngày càng tăng.

Hoạt động nhà máy của Nhật Bản mở rộng trong tháng qua nhưng với tốc độ chậm hơn so với tháng trước khi các công ty đang vật lộn với chi phí tăng do đồng yên yếu.

Theo  khảo sát của Ngân hàng au Jibun  (Nhật Bản), chỉ số PMI ngành sản xuất của Nhật Bản ở mức 50 điểm trong tháng 6 sau khi cải thiện lên 50,4 điểm trong tháng 5. Ngưỡng 50 điểm của chỉ số PMI được sử dụng để tách biệt giữa xu hướng tăng trưởng và thu hẹp trong hoạt động sản xuất của các nhà máy.

Theo kết quả khảo sát, chỉ số đánh giá kỳ vọng sản lượng trong tương lai của các công ty Nhật Bản tăng lên mức cao nhất trong 6 tháng nhờ triển vọng trung hạn tốt hơn đối với lĩnh vực ô tô và chip.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, các nền kinh tế châu Á hướng đến cuộc “hạ cánh mềm” trong năm nay, với lạm phát dịu lại, cho phép các ngân hàng trung ương trong khu vực xem xét nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng. Trong báo cáo hồi tháng 4, IMF nhận định, tăng trưởng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ chậm lại về mức 4,5% trong năm 2024, so với mức 5% trong năm 2023.

Theo Bloomberg, Reuters

 

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới