(KTSG Online) – “Khó kiếm đất cho trồng rừng lắm, tôi kiếm mãi và có mối quan hệ nhiều năm mới có chút đất cho trẻ em trồng”, ông bạn than qua điện thoại. Lúc đó, trên facebook cá nhân, bạn kể là đang dọn thực bì chuẩn bị cho trẻ con trồng rừng.
- ‘Lấy’ đất rừng ở Long An làm điện mặt trời phải trồng rừng mới thay thế
- Khi một diễn đàn được bù trừ phát thải carbon
- Cúng dường bằng… cây rừng
Sau lần đầu tiên cơ quan chúng tôi tổ chức một hoạt động ngoài mặt báo có bù trừ phát thải carbon bằng cách trồng rừng thông qua một tổ chức khác, tôi nảy ra ý tưởng là từ đây, các hoạt động ngoài mặt báo như hội nghị, hội thảo, tọa đàm… đều bù trừ phát thải carbon bằng cách trồng rừng. Tôi định sẽ liên lạc với một chủ rừng nào đó, có thể là vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, ban quản lý rừng phòng hộ, rừng ngập mặn... để hàng năm mua cây giống rồi vận động người lao động đến trồng rừng.
Nói cho dễ hiểu là tìm khu rừng nào có ý nghĩa về môi trường, sinh thái, lịch sử rồi vận động anh em trong cơ quan đi “về nguồn” mỗi năm vài lần, vừa trồng rừng bù trừ phát thải carbon cho các sự kiện, vừa để các đoàn thể như công đoàn, đoàn thanh niên có cơ hội tổ chức các hoạt động gắn kết với nhau.
Tôi bắt đầu tìm đất rừng ở khu vực Nam bộ. Một chủ rừng ngập mặn ở miền Tây nói là kế hoạch dành đất cho trồng rừng năm nay và năm tới không còn. Vì vậy, nếu muốn thì cơ quan gửi công văn trước để chủ rừng đưa vào kế hoạch trồng rừng, khoanh nuôi từ năm 2026 trở đi. Nguyên nhân chính của việc này là hiện đang có khá nhiều doanh nghiệp lớn đến khoanh nuôi, trồng rừng để tính toán giảm phát thải, trung hòa carbon cho nhà máy nên không dễ tới lượt cơ quan sự nghiệp như chúng tôi chen chân vào.
Đi xa khó, tôi chuyển sang tìm ở gần thành phố. Trao đổi về ý tưởng hợp tác trồng cây, nhân viên của một ban quản lý rừng ngay lập tức đưa ra bảng giá về tiền cây giống, chi phí mua găng tay đeo khi trồng rừng, tiền ăn trưa... Nghe cách nói và nhìn bảng giá, tôi nghĩ đó là “dịch vụ trồng rừng chuyên nghiệp để lấy tiếng” cho các tổ chức hay trồng rừng “làm truyền thông” nên việc chen vào để trồng thật sự nhằm giảm phát thải carbon cho các sự kiện của cơ quan là khó khăn.
Một người bạn là chuyên gia về rừng, quen khá nhiều chủ rừng phía Nam, bật mí là nếu thật sự muốn trồng rừng, tạo ý thức yêu rừng cho anh em cơ quan thì nên ra miền Trung. Rất khó tìm đất trồng rừng khu vực Đông Nam bộ và ĐBSCL còn trồng “lấy tiếng, làm truyền thông” thì phải bỏ ra khá nhiều tiền.
Tìm hiểu sâu thêm, tôi thấy, đất trồng rừng giờ khó kiếm thực sự bởi nếu còn đất lâm nghiệp trống dành cho trồng rừng thì chủ rừng sẽ coi như “của để dành” để hợp tác với các nhà máy, công ty lớn trồng rừng lấy tín chỉ carbon cho doanh nghiệp xây dựng chương trình trung hòa carbon; mỗi héc ta trồng rừng, khoanh nuôi mà chủ rừng nhận là hàng chục, hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, ngay cả doanh nghiệp có phát thải đi tìm đất trồng rừng cũng khó vì các chủ rừng còn phải để dành đất cho “trồng rừng thay thế” của các dự án.
Theo quy định của luật pháp hiện nay, các dự án giao thông, dân cư, thủy lợi… nếu xâm phạm vào đất rừng thì dự án phải có mục trồng rừng thay thế và dành kinh phí thích đáng cho trồng rừng thay thế. Các chủ dự án này phải “chạy” đến các chủ rừng để cung cấp tiền cho chủ rừng tổ chức trồng rừng thay thế.
Điển hình như hồ chứa nước Ka Pét ở Bình Thuận, nơi năm ngoái từng có chuyện ồn ào về việc làm hồ chứa trong đất rừng. Dự án này xâm phạm 680 héc ta đất rừng và phải trồng thay thế bằng 2.000 héc ta rừng với kinh phí 166 tỉ đồng, tức 83 triệu đồng/héc ta. Nghe nói chủ đầu tư đề xuất kiếm đất trồng rừng thay thế ở hơn 10 chủ rừng khác nhau.
Có vẻ trồng rừng thay thế ở Bình Thuận rẻ hơn một số nơi khác. Chẳng hạn, ở Hải Dương, kinh phí trồng rừng thay thế năm 2024 được chính quyền tỉnh này quy định là 134 triệu đồng/héc ta còn ở Cao Bằng là 111 triệu đồng/héc ta.
Bạn tôi làm trong nghề rừng nói vui rằng, chủ rừng dành đất để nhận trồng với kinh phí trên 100 triệu đồng mỗi héc ta thì sẽ góp phần đẩy tình trạng khan hiếm đất trồng rừng nhiều hơn nữa trong tương lai.
Đất đang cưu mang quá nhiều nỗi khổ. Phân lô bán nền, biệt thự, biệt phủ/ Bê tông hóa, nhựa hóa, nilon hóa/ Đào xới, bán cát, tài nguyên khoáng sản. Thậm chí, ở nơi phồn hoa đô thị cây cối bây giờ cũng không còn đất để thở… Vậy lấy đâu ra đất để trẻ con trồng cây, chăm hoa, huống gì gây rừng ? Nhiều người, nhiều nhà, có sáng kiến mang đất từ khắp nơi về làm vườn. Tuy có thêm chút cây cối, hoa hòe, quả trái… cũng an ủi được đôi phần. Nhưng càng làm cho đất chịu đựng thêm cảnh chia ly, giống như cách các đại gia thường mang rừng về biệt phủ. Cách ứng xử của con người với đất và nước, quá nhiều điều đáng buồn. Nếu không quay lại được như xưa, thì cũng đừng nên làm cho mọi thứ tệ hại hơn nữa ! Con người đang đi đến chỗ thử thách sự chịu đựng quá giới hạn của tự nhiên rồi…