Thứ Sáu, 16/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Thời trang bền vững Việt Nam: Câu chuyện mới từ vỏ xoài và cây tầm ma

Hồ Nguyên Thảo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Vỏ xoài và cây gai xanh đã góp thêm phần đa dạng cho các sản phẩm thời trang bền vững của Việt Nam bên cạnh những sản phẩm được chế biến từ các phụ phẩm nông nghiệp trước đây, như bã cà phê, vỏ sò, thân lá và hạt của cây sen…

Giống gai xanh AP1 có giá trị cao đang được Tập đoàn An Phước Viramie phối hợp với nông dân trồng tại các tỉnh Thanh Hóa, Phú Thọ, Sơn La…
Ảnh: Lâm Quang Thành

Thời trang từ những phụ phẩm nông nghiệp là chủ đề rất đa dạng ở Việt Nam, có thể đến từ một dự án ở trường đại học, các startup hay doanh nghiệp đang tiến vào những phân khúc hay ngõ ngách mới của thời trang bền vững toàn cầu. Nhưng mọi chuyện hiện vẫn đang trong giai đoạn khởi đầu, dù rằng có dự án đã tiến triển từ tám năm trước.

Từ dự án “da xoài” của sinh viên Đại học Trà Vinh

Năm 2022, xoài ở vùng đồng bằng rớt giá. Một lần thăm nhà vườn ở Trà Vinh, Nguyễn Thị Thanh Vân và nhóm bạn xót cảnh nông dân muốn đốn bỏ cây xoài, tìm cây trồng khác cho huê lợi tốt hơn.

Cô sinh viên ngành tài chính của trường Đại học Trà Vinh nhận thấy các hãng sản xuất thường chỉ lấy phần thịt xoài, bỏ hạt và vỏ. Tìm đọc tài liệu nước ngoài, Vân nảy ra ý tưởng biến vỏ xoài thành loại da thực vật, vốn đang thuộc xu hướng phát triển bền vững.

Ban đầu, Vân và bốn người bạn cùng học trường Đại học Trà Vinh phơi vỏ xoài ngoài nắng, và thu được lớp vỏ khô mốc meo, biến dạng. Vân và các cộng sự chuyển việc nghiên cứu vào phòng thí nghiệm. Sau nhiều lần thử nghiệm, nhóm đã xây dựng được quy trình xử lý.

Những trái xoài hỏng thải bỏ trong quá trình sản xuất được thu gom, loại bỏ phần thịt, làm sạch tách lấy vỏ. Sau đó, phần vỏ xoài được nấu sôi, ép nén và sấy, rồi trộn với phụ gia, đổ vào khuôn và tạo hình ra các miếng da xoài có kích cỡ tờ giấy A4, A5.

Da xoài hiện có nhiều màu sắc, hoàn toàn tự nhiên, như màu trắng từ xoài còn xanh non, màu đỏ nâu từ vỏ trái sắp chín, màu nâu đỏ từ vỏ trái bị chín và bị hư. Nhóm cũng rút ngắn thời gian sản xuất miếng da xuống còn 16 giờ từ khoảng hai ngày. Nhóm sinh viên vẫn tiếp tục nghiên cứu phối trộn với các loại vỏ trái cây khác để làm màu sắc da đa dạng hơn.

Sản phẩm “da xoài” đạt các tiêu chí thân thiện với môi trường, với “3 không” – không rác thải, không nước thải và không khí thải.

Da xoài được may thành một số loại ví bóp, bao đựng danh thiếp, móc khóa, bao kính… Tại triển lãm dệt may Texture Vietnam tháng 9-2023, Vân nói một số công ty trong nước và Nhật Bản đã tìm hiểu, đặt hàng để gia công làm phụ kiện thời trang.

Cuối năm, dự án da xoài S2M của năm sinh viên trường Đại học Trà Vinh đạt giải 3 cuộc thi Ý tưởng Khởi nghiệp sáng tạo công nghệ quốc gia năm 2023 RnD to Startup 2023 tổ chức tại Hà Nội. Thành viên ban giám khảo cuộc thi là các “shark”, đại diện tập đoàn công nghệ, ngân hàng và quỹ đầu tư.

Đến câu chuyện của thời trang bền vững tại Việt Nam

Trên thế giới, các loại da thực vật hay da thuần chay được chế tạo từ nhiều loại nguyên liệu khác nhau. Tại Nhật Bản, loại da này làm từ màng lụa đậu phộng, còn ở Mỹ làm từ sợi nấm hay da bò làm từ các tế bào nuôi cấy trong phòng thí nghiệm…

Thị trường da thuần chay đã bùng nổ trong những năm gần đây, đạt giá trị toàn cầu là 39,5 tỉ đô la vào năm 2022 và dự kiến ​​sẽ đạt 74,5 tỉ đô la trong năm 2030, theo hãng Sentient Media có trụ sở tại Mỹ. Các nhà nghiên cứu của Sentient Media lý giải thị trường toàn cầu bùng nổ bởi thế giới đang tìm kiếm các sản phẩm thay thế cho da động vật và cả các lý do về đạo đức và môi trường. Kết quả là rất nhiều nhà sản xuất và thương hiệu da thuần chay đã tung ra thị trường nhiều sản phẩm được làm từ nhiều loại nguyên liệu khác nhau.

Các mẫu trình diễn của nhà thiết kế người dân tộc Thái Cao Minh Tiến tại Tuần lễ thời trang Việt Nam 2023. Ảnh: VNFW

Các thương hiệu thời trang toàn cầu đã sử dụng các sản phẩm của startup nhỏ trong các mặt hàng xa xỉ của mình. Hồi tháng 3-2023, Hermès và MycoWorks đã công bố một mẫu túi Victoria được làm lại bằng Sylvania – loại da sợi nấm có màu hổ phách độc quyền. Hoặc thương hiệu thời trang nam Vollebak của Anh đã bán ra loại áo thun có thể phân hủy sinh học làm từ bột bạch đàn, sồi và tảo.

Thời trang bền vững với các loại nguyên liệu từ thiên nhiên hoặc tận dụng từ phế phẩm nông nghiệp được nhắc nhiều đến tại Việt Nam chỉ từ đầu năm 2020 khi dịch Covid-19 bùng phát. Ban đầu là các khẩu trang bằng vải chế từ bã cà phê của Veritas, rồi ly tách làm từ bã cà phê của nhiều công ty Việt Nam. Hoặc các sản phẩm từ sợi tơ dứa Ecosoi từ những cánh đồng trồng dứa ở Quỳnh Lưu, Nghệ An.

Faslink là một trong những công ty đi tiên phong trong nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới và nguyên vật liệu mới của ngành dệt may – thời trang Việt Nam. Công ty đã đưa các loại sợi từ bã cà phê, sợi dứa, sợi sen, vỏ bắp, vỏ hàu… làm nguyên liệu sản xuất vải, sản phẩm may mặc. Bã cà phê tách dầu được nghiền và pha trộn với hạt nhựa từ vỏ chai nhựa tạo nên vải có độ đàn hồi, thông thoáng cao. Vải sen làm từ bột lá, thân và hạt sen khi lên đồ lót, sơ mi, khăn choàng thì mềm, mịn và mát. Loại vải chế từ vỏ hàu – thường bị vứt ở bờ biển, trong các quán ăn – được chế biến thành vải mịn đẹp, có thể giúp giảm được 2 độ C khi mặc. Trần Hoàng Phú Xuân, nhà sáng lập kiêm CEO Faslink, nói rằng vải cà phê và vải nano chiếm khoảng 60% doanh số của công ty.

Hiện giá các loại nguyên vật liệu này có thể làm giá sản phẩm may mặc gia tăng. CEO Phạm Chí Nhu – nhà sáng lập thương hiệu thời trang trực tuyến Coolmate – nói giá quần áo may từ vải cà phê hiện cao hơn sản phẩm thông thường 10-15%. Hồ Trần Dạ Thảo từ thương hiệu thời trang Tsafari nói rằng giá ở phân khúc cao cấp hơn có thể tăng 30%.

Thu hẹp mức chênh lệch về giá thành phẩm để khích lệ người tiêu dùng sử dụng hàng thời trang bền vững vẫn là điều gây nhức đầu. Hiện tại, như Sandra Vũ, người sáng lập Vietnam UX School – trường chuyên đào tạo thiết kế theo trải nghiệm người dùng – nói tại cuộc hội thảo thời trang TexTalk hôm 4-7 ở TPHCM rằng: “Các thương hiệu thời trang có thể cắt giảm chi phí tiếp thị để giảm giá các sản phẩm thời trang mới, bởi ngay các đặc tính của phong cách sống thân thiện môi trường đã là cách quảng bá cho sản phẩm”.

Cây tầm ma – nhân tố mới xuất hiện

Cây tầm ma hay cây gai xanh không hề xa lạ với người Việt Nam. Lá gai xanh thường dùng để tạo màu đen huyền cho chiếc bánh ít lá gai hay để làm thức ăn gia súc. Vỏ cây gai được người miền núi xe sợi. Lõi cây gai thì có thể dùng làm nguyên liệu sản xuất giấy, làm giá thể để trồng nấm và làm phân bón hữu cơ. Củ gai tươi làm dược liệu…

Trong một cuộc hội thảo do An Phước – Viramie tổ chức, chuyên gia nông nghiệp GS.TS. Nguyễn Lân Hùng từng nhắc đến sợi gai với nhiều ưu điểm như dài hơn các loại nguyên liệu khác, có độ bền cao hơn sợi bông và sợi tơ tằm 7-8 lần. Vải dệt từ sợi gai có đặc tính dễ nhuộm, kháng khuẩn, chống bám bẩn tự nhiên, chịu được nước nóng khi giặt… Vì vậy, các hãng thời trang cao cấp trên thế giới đều hướng tới các loại vải được dệt từ sợi gai.

Các startup hay doanh nghiệp Việt đang khai thác cây gai ở các mức độ khác nhau. Một startup có tên khá lạ như Kilomet109 ở Hà Nội đang thu hút sự chú ý của thế giới, với chất liệu vải dệt từ cây gai và nhuộm màu chàm (indigo) của người dân tộc Nùng ở phía Bắc.

Tuy nhiên, cây gai của Việt Nam chỉ cao 1-2 mét. Công ty cổ phần Nông nghiệp An Phước – Viramie đã phối hợp với các nhà khoa học ở Viện Di truyền nông nghiệp để du nhập và tuyển chọn những giống cây gai tốt của thế giới. Năm 2016, các nhà nghiên cứu đã tạo ra giống gai xanh AP1 cao 3 mét, cho năng suất cao gấp 2-2,5 lần cây gai xanh trong nước.

An Phước – Viramie đã đầu tư 628 tỉ đồng xây dựng một nhà máy sợi tại huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa. Hiện diện tích trồng cây gai xanh AP1 trên toàn Việt Nam chỉ đạt 1.400 héc ta trong khi An Phước – Viramie cần vùng nguyên liệu đến 6.300 héc ta. Thanh Hóa đã phê duyệt đề án phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh rộng 3.000 héc ta, với nguồn đất chuyển đổi từ các vùng trồng cây lương thực và rau màu kém hiệu quả. Diện tích có thể mở rộng đến 6.500 héc ta.

An Phước – Viramie cũng đang khuyến khích người dân ở ba huyện Vân Hồ, Mộc Châu và Mai Sơn thuộc tỉnh Sơn La trồng gai xanh, tập đoàn bảo đảm bao tiêu, theo trang web https://viramie.vn của tập đoàn. Hiện Lào Cai và Quảng Ngãi cũng đang trồng thử nghiệm gai AP1.

Ngành dệt may – thời trang đang nhập từ 50-90% nguyên phụ liệu từ Trung Quốc. Đây là rủi ro rất lớn khi dịch bệnh như Covid-19 xảy ra hoặc trong bối cảnh địa chính trị căng thẳng hiện nay. Thế giới đang dè chừng cotton và các loại sợi có nguồn gốc từ vùng Tân Cương của Trung Quốc. Vì thế các loại vải linen được sản xuất từ cây lanh của Ấn Độ hay cây đay, cây gai xanh của Việt Nam được chú ý.

Nhưng để các dự án của An Phước – Viramie mở đường cho dệt may Việt Nam hay dự án nhỏ S2M của Nguyễn Thị Thanh Vân cơi nới lớn hơn, có vai vế lớn hơn trong ngành thời trang bền vững Việt Nam vẫn là con đường rất dài.

Đó là sự hỗ trợ của chiến lược phát triển bền vững cho nông dân các tỉnh vùng nguyên liệu và ngành dệt may thời trang mà An Phước – Viramie đang là một trong những lá cờ đầu.

Còn với S2M đó là sự đầu tư phát triển công nghệ và thương mại hóa sản phẩm. Trước đó, startup FruitLeather ở Hà Lan đã phát triển tấm da xoài cùng loại với diện tích hàng chục mét vuông. Vải da xoài của FruitLeather đang được các nhãn hàng thời trang chế tạo thành giày da, áo da có giá trị rất cao.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới