(KTSG) - Chị kể, từ hôm mở cửa hàng bán quần áo đến nay, chị gặp không biết bao nhiêu là “chuyện lạ”. Như chuyện về một ông khách tuổi ngoài 70, tóc bạc, mặc chiếc áo sơ mi rách một lỗ ở cánh tay, đã hai lần đến mân mê chiếc áo sơ mi trắng và nói “để có tiền ông lấy một chiếc nhé”.
- Hãng máy in Nhật Bản bước vào lĩnh vực tái chế quần áo
- Nhà bán lẻ thời trang châu Âu gia nhập mảng kinh doanh quần áo second-hand
Lần đó, chị bảo, ông cứ lấy về mặc, con biếu ông nhé. Ông cụ mỉm cười hiền khô, nói để lần sau ông mua. Nhìn ông, chị nhớ đến cha mình, lại nài nỉ, ông ơi cứ lấy mặc trước đi, lần sau có tiền trả con cũng được. Thế mà ông vẫn không chịu, ông bảo sắp có trợ cấp tuổi già rồi, lúc đó ông qua lấy hẳn hai cái luôn.
Tình cờ, ít ngày sau cô con gái của ông vào mua quần áo mới. Chị thấy đúng dịp liền kể lại câu chuyện và thầm nghĩ rằng thế nào ông cụ cũng có áo mới để mặc. Người con gái nghe chuyện xong cười nói: “Ở nhà quần áo của ông nhiều lắm, ông có chịu mặc đâu”!
Chị chợt thấy lòng trĩu nặng, chị “không phục” khi thấy người con gái mua rất nhiều quần áo mới và nhớ đến cái lỗ thủng trên tay áo sơ mi cùng lời ông dặn “để có tiền ông lấy một chiếc nhé”.
Bẵng đi ít hôm, ông cụ đến, lần này ông mở chiếc túi vải ra, bên trong có thêm một lớp túi nylon ngả màu nâu đất, ông hồ hởi “có tiền lương tuổi già rồi con ạ, để ông lấy hai cái áo hôm trước nha”.
Chị gói hai chiếc áo thật kỹ, trao tay, nhìn vào đôi mắt long lanh hạnh phúc của ông mà mắt chị đỏ hoe. Khi ông cụ đạp xe đi khuất, chị cứ thế mà khóc…
“Lạ thật cậu ạ, bán hàng hàng ngày, mình thấy đa số khách mua đồ cho họ, cho con cái hoặc cho mẹ mà rất ít người mua quần áo cho cha”, chị tâm sự. Rồi chị ôm mặt khóc ngon lành vì nhớ mong ước ngày xưa: ra trường, có việc làm, có tiền lương chị sẽ mua cho cha chiếc áo mới. Nhưng ngày chị cầm trên tay chiếc áo mới cũng là ngày cha chị qua đời.
Nghe câu chuyện của chị làm tôi nghĩ miên man. Chúng ta thường quên mất rằng chiếc áo sơ mi của cha hay chiếc áo dài của mẹ từng mặc ngày còn đi làm sẽ rộng hơn hay sẽ chật đi một khi cha mẹ bước vào tuổi xế chiều. Chúng ta vẫn nghĩ cha mẹ lớn tuổi rồi chỉ loanh quanh trong nhà, năm ba bộ đồ mặc ở nhà là đủ, không cần sắm trang phục như hồi còn đi làm.
Cha mẹ già cũng “về hùa” với suy nghĩ này của chúng ta rằng “đâu có đi đâu xa đâu mà sắm đồ tây, đồ dài tốn kém”. Nhưng đằng sau dáng vẻ không còn thanh xuân của cha mẹ vẫn còn đó những mong ước, kỷ niệm, niềm khát khao một thời để lúc nào đó bạn may mắn bắt gặp ánh lấp lánh trong đôi mắt đã mờ xương, trong nụ cười thoáng qua, trong câu ngâm Kiều lẫn mất những âm cuối. Có lẽ là nhiều thứ đã được cất giấu đi khi chúng ta già đi.
Nhiều người nói rằng, tính cách chúng ta khi về già sẽ trở nên như con nít, thích được quan tâm, trò chuyện và nuông chiều một chút. Như bà nội của tôi năm nay đã ngoài 90 tuổi, thích mặc áo màu hồng. Vâng, phải là màu hồng nhạt như cánh sen mới nở bà mới thích. Thế mà không ai đáp ứng được sở thích của bà, ai cũng bảo “già gần trăm tuổi sao thích kỳ vậy”, rồi âm thầm lắc đầu, dúi vào tay bà những tờ tiền xanh đỏ. Một lần, tôi ngỏ ý sẽ mua tặng bà một chiếc áo màu hồng nhưng bà lắc đầu: “Bà không thích nữa”. Có lẽ, bà đề phòng, sợ bị nói “sao thích gì kỳ vậy”.
…
Từ ngày có chiếc áo mới, ông cụ không ghé đến cửa hàng của chị nữa. Chị ngồi tiếc sao hôm đó không hỏi ông tại sao mua hai cái áo trắng mà không phải hai màu khác nhau. “Hẳn ông để tặng ai đó một cái”, chị thầm nghĩ. Bây giờ, khi có khách ghé đến, chị có thêm thói quen mới: hỏi thăm, gợi ý và giảm giá để họ mua tặng cha mẹ một chiếc áo mới. Chị mong rằng một người già nào đó khi được tặng sẽ thấy vui hơn.