(KTSG Online) - Giá đất hiếm đã giảm hơn 20% trong hơn sáu tháng qua do tình trạng sản xuất dư thừa tại Trung Quốc, bất chấp các chính sách can thiệp của chính phủ và nhu cầu gia tăng trên toàn cầu.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích lại cho rằng câu chuyện dư thừa sản lượng đất hiếm lại đang đi theo hướng khác.
- Bộ Tài nguyên và Môi trường: cần nghiên cứu xuất khẩu đất hiếm
- Trung Quốc cấm xuất khẩu công nghệ xử lý đất hiếm
- Mỹ phát hiện trữ lượng đất hiếm với trị giá có thể lên tới 37 tỉ đô la
Chính phủ kiểm soát chặt tài nguyên chiến lược
Chính phủ Trung Quốc đang gia tăng kiểm soát đối với loại hàng hóa đặc biệt này. Hồi tháng 6, Trung Quốc đã đưa ra một loạt các quy định nhằm bảo vệ nguồn cung các loại kim loại hiếm có tầm quan trọng chiến lược. Một trong những quy định quan trọng này là nguồn tài nguyên đất hiếm được định nghĩa là thuộc sở hữu nhà nước và quy định này có hiệu lực từ ngày 1-10-2024 sắp tới.
Tuy nhiên, bất chấp các nỗ lực này, thị trường vẫn ảm đạm. Theo Argus Media, hôm 11-7 giá của neodymium giảm 23% đầu năm 2024. Giá của dysprosium cũng giảm 24%.
Chỉ số giá do Hiệp hội Công nghiệp đất hiếm Trung Quốc (ACRE) công bố cũng cho thấy xu hướng tương tự. Dựa trên dữ liệu giao dịch, chỉ số giá này đã giảm khoảng 20% kể từ cuối tháng 7-2023 tính đến ngày 18-7.
Đất hiếm được sử dụng chủ yếu trong nam châm hiệu suất cao cho động cơ xe điện, turbine điện gió và robot. Neodymium là vật liệu từ tính, trong khi dysprosium và terbium cải thiện khả năng chịu nhiệt của nam châm. Chính vì thế, 17 nguyên tố kim loại hiếm được gọi là “vitamin công nghiệp”.
Nhu cầu về đất hiếm cho các ứng dụng quang học dự kiến sẽ tăng trong dài hạn. Cerium được dùng làm chất đánh bóng kính dùng trong đĩa cứng. Lanthanum được sử dụng trong kính quang học dùng cho máy ảnh và kính hiển vi. Một số nguyên tố hiếm được sử dụng trong diode phát sáng và các ứng dụng tương tự.
Bất chấp nhu cầu vững chắc, giá các nguyên tố kim loại hiếm vẫn giảm do sản lượng tăng ở Trung Quốc.
Bộ Công nghiệp và công nghệ thông tin, Bộ Tài nguyên thiên nhiên phân bổ hạn ngạch sản xuất cho các nhà sản xuất đất hiếm trong nước. Hạn ngạch được cấp trong nửa đầu năm 2024 lên tới 135.000 tấn, tăng 12,5% so với một năm trước đó.
Hạn ngạch sản xuất đã tăng lên trong vài năm qua. Hạn ngạch năm 2023 được bổ sung lần thứ ba và đạt 255.000 tấn trong năm, tăng 21% so với năm trước đó. Dự kiến hạn ngạch năm 2024 sẽ tiếp tục cao hơn năm ngoái.
“Trung Đông có dầu mỏ, Trung Quốc có đất hiếm”. Nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình từng khẳng định rằng đất hiếm là nguồn tài nguyên chiến lược của đại lục. Năm 2010, giá đất hiếm tăng vọt sau khi Trung Quốc áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới.
Nhiều nhà phân tích đánh giá, Trung Quốc tăng sản lượng dường như nhằm mục đích sử dụng đất hiếm làm công cụ thương lượng ngoại giao. Tuy nhiên, cục diện ngành công nghiệp này trên toàn cầu đã thay đổi. Mỹ và nhiều nước khác đã mở rộng sản xuất đất hiếm trong nước để giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp của Trung Quốc.
Theo Cơ quan Khảo sát địa chất Hoa Kỳ, Trung Quốc chiếm 80% sản lượng đất hiếm toàn cầu vào đầu những năm 2010. Đến năm 2023, tỷ lệ này đã giảm xuống còn khoảng 70%.
Sản lượng toàn cầu đạt 350.000 tấn vào năm 2023, tăng gấp ba lần so với năm 2013, phần lớn nhờ vào công suất khai thác gia tăng ở Trung Quốc. Nói cách khác, đất hiếm ít "hiếm" hơn trước đây.
Trung Quốc muốn chiếm ưu thế các ngành năng lượng xanh
Phản ứng của thị trường đối với các biện pháp kiểm soát sắp tới của Trung Quốc hầu như không đáng kể. Ellie Saklatvala, biên tập viên cấp cao về kim loại màu tại Argus Media, cho rằng cuối cùng, Trung Quốc chỉ chính thức hóa chính sách hiện tại mà không áp đặt các biện pháp hạn chế xuất khẩu.
Phần lớn các nhà phân tích tin rằng nhu cầu đất hiếm toàn cầu sẽ không phục hồi nhiều trong năm nay và thời gian tới, khiến giá đất hiếm tiếp tục ở mức thấp, nhưng sẽ không giảm nữa.
Cerium và lanthanum là một trong những loại đất hiếm được khai thác nhiều nhất tính theo sản lượng. Một chuyên gia trong ngành lưu ý, có một số mỏ khai thác sẽ không thể hòa vốn ở mức giá hiện tại. Vì thế, sản lượng đất hiếm ở Trung Quốc và các nơi khác có thể giảm nếu lợi nhuận tiếp tục yếu.
Khả năng sinh lời ngày càng kém cũng được phản ảnh trong hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp Trung Quốc. Chẳng hạn, lợi nhuận ròng trong quí 1-2024 của China Northern Rare Earth (Group) High-Tech, một nhà sản xuất lớn đã giảm 94% xuống còn khoảng 52 triệu nhân dân tệ (7,2 triệu đô la).
Một số nhà phân tích nêu giả thuyết về việc Trung Quốc đã cố tình đẩy giá đất hiếm xuống thấp hơn để giúp củng cố các ngành công nghiệp năng lượng xanh.
Theo CEO Ryan Castilloux của hãng tư vấn Adamas Intelligence, Trung Quốc sẵn sàng chịu thua lỗ lớn trong ngành đất hiếm để củng cố các phần khác của chuỗi giá trị, tức mở rộng thị phần của xe điện Trung Quốc ở các nước.
Lithium - nguyên liệu đầu vào quan trọng trong pin xe điện là thị trường khác mà phương Tây cáo buộc “Trung Quốc đang cố tình khai thác không hiệu quả”.
Các nhà phân tích khác lại lập luận, Trung Quốc đang sản xuất thừa các nguyên tố kim loại hiếm nhằm ngăn chặn nỗ lực tham gia thị trường của các hãng khai thác phương Tây. Cổ phiếu của MP Materials và Lynas Rare Earths, hai hãng khai thác đất hiếm lớn nhất bên ngoài Trung Quốc, giảm lần lượt khoảng 37% và 11% trong năm qua.
Theo Nikkei Asia, Reuters, Bloomberg, Financial Times