Thứ tư, 27/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

‘Thước đo’ PGI và giải pháp xanh hóa nào cho ĐBSCL?

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Tăng trưởng kinh tế thường đi kèm với rủi ro về môi trường, việc bảo vệ môi trường nhưng vẫn đảm bảo kinh tế phát triển là yêu cầu các địa phương nói chung và vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng phải hướng tới. Vậy, cần làm gì để đảm bảo mục tiêu này?

Chuyển đổi mô hình công nghiệp từ truyền thống sang công nghiệp sinh thái sẽ giúp ĐBSCL phát triển bền vững. Ảnh minh hoạ: Trung Chánh

Trên cơ sở quy định cũng như cam kết của Việt Nam trong giảm phát thải, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có sáng kiến triển khai bộ công cụ hỗ trợ chính quyền các địa phương chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, bền vững. Đây được xem là “nền tảng” giúp Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng hiện thực hoá mục tiêu phát triển kinh tế, nhưng môi trường vẫn được bảo vệ...

Thực trạng PGI của ĐBSCL ra sao?

Ông Phạm Ngọc Thạch, Phó trưởng ban Ban pháp chế VCCI cho biết, địa phương có chất lượng quản trị môi trường tốt khi đạt 4 tiêu chí: có nỗ lực phòng ngừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường, rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu; phải thực thi các quy định, có biện pháp để đảm bảo các quy định pháp luật về môi trường, nhưng không làm gia tăng gánh nặng quá mức cho doanh nghiệp; hướng dẫn, phổ biến đầy đủ các quy định pháp luật đến doanh nghiệp để chuyển đổi sang sản xuất xanh, thân thiện môi trường, chú trọng mua sắm xanh; chính quyền phải triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp về xanh hoá sản xuất, kinh doanh qua các chính sách, chương trình hỗ trợ.

Dựa trên 4 tiêu chí hay còn gọi là 4 chỉ số thành phần được đưa ra nhằm đánh giá Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) như nêu trên, khu vực ĐBSCL có 9 địa phương nằm trong tốp 30 địa phương dẫn đầu PGI năm 2023. Trong đó bao gồm Vĩnh Long, Hậu Giang, Long An, Trà Vinh, Tiền Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Bến Tre và Sóc Trăng.

Đặc biệt, ĐBSCL có một số đại diện nằm trong tốp 5 điểm số cao nhất của 1 trong 4 chỉ số thành phần, bao gồm Đồng Tháp và Vĩnh Long với chỉ số “giảm thiểu ô nhiễm và thiên tai”; Trà Vinh và Vĩnh Long ở chỉ số “đánh giá về tuân thủ pháp luật liên quan đảm bảo môi trường”; Long An với chỉ số “đánh giá về chính sách ưu đãi và dịch vụ hỗ trợ đối với doanh nghiệp”.

Theo ông Thạch, nếu sử dụng thước đo là cường độ khí Nitơ Dioxide (NO2) trong khí quyển để đánh giá, thì những địa phương có điểm số PGI cao luôn có chất lượng môi trường không khí tốt hơn được ghi nhận trên thực tế. “Điều này cho thấy, điểm số PGI có tương quan chặt chẽ với cải thiện ô nhiễm”, ông nhấn mạnh.

Vị phó trưởng ban Ban pháp chế VCCI cho biết, ĐBSCL nhận được đánh giá tích cực từ doanh nghiệp đối với chỉ số thành phần 1 và 2, tức về giảm thiểu ô nhiễm rủi ro thiên tai và đảm bảo tuân thủ. Tuy nhiên, cần cải thiện chỉ số thành phần 3 và 4, tức thúc đẩy thực hành xanh và chính sách khuyến khích dịch vụ hỗ trợ.

ĐBSCL được doanh nghiệp đánh giá khá tích cực về môi trường cũng là điều dễ hiểu, bởi ngoài việc thực thi phòng ngừa, đảm bảo quy định môi trường của các địa phương, thì áp lực về môi trường do phát triển công nghiệp ở khu vực này là chưa cao so với một số khu vực khác.

Gợi ý hướng đi xanh cho ĐBSCL

Tuy nhiên, phát triển kinh tế với môi trường là hai vấn đề có liên quan khá mật thiết với nhau, đòi hỏi các địa phương ĐBSCL phải có sự chuẩn bị cũng như chiến lược phù hợp để tránh rủi ro. Vậy đâu sẽ là hướng đi cho vùng trong vấn đề này?

Tại hội thảo khu vực ĐBSCL về “cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hướng tới nền kinh tế xanh và phát triển bền vững” diễn ra mới đây ở tỉnh Đồng Tháp, ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Shinec- đơn vị đã chuyển đổi thành công khu công nghiệp sinh thái ở Hải Phòng cho biết, địa phương thành công vì đã nhanh chóng có chính sách thí điểm dịch chuyển “mô hình khu công nghiệp tổng hợp” sang “mô hình khu công nghiệp sinh thái”. Đây là động thái sau khi Chính phủ có Nghị định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế năm 2018 (Nghị định 82/2018/NĐ-CP).

Từ tiền đề nêu trên, theo ông Điệp, đơn vị này đã sắp xếp lại doanh nghiệp cũng như kiểm kê tất cả các chuỗi kinh tế trong khu công nghiệp để xây dựng hệ thống kinh tế tuần hoàn. “Hiện nay, với khu công nghiệp Nam Cầu Kiền, chúng tôi đã xây dựng 3 hệ thống kinh tế tuần hoàn, bao gồm hệ thống kinh tế tuần hoàn thép; hệ thống kinh tế tuần hoàn nhựa và (3) là hệ thống kinh tế tuần hoàn ngành điện tử”.

"Năm 2024, Shinec xác định rõ chỉ tiêu, đó là rác thải khu công nghiệp không phát sinh ra bên ngoài, tức xử lý 100% trong khu công nghiệp thông qua 'hướng đi' phế liệu/phế phẩm nhà máy này trở thành nguyên liệu sản xuất cho đơn vị khác, phù hợp với Luật bảo vệ môi trường năm 2020 “rác thải là tài nguyên”, ông Điệp cho biết.

Với hướng đi trên, đơn vị này đã thành công chuyển đổi sang mô hình khu công nghiệp sinh thái, giúp tiết kiệm tài nguyên trong quá trình sản xuất nhờ phối hợp giữa các nhà đầu tư, xây dựng chuỗi kinh tế tuần hoàn/chuỗi cộng sinh công nghiệp. Nhờ vậy, khu công nghiệp 263 héc ta của này từ năm 2019 đến nay, đóng góp thuế cho Hải Phòng khoảng 800-1.000 tỉ đồng mỗi năm.

Vị chủ tịch HĐQT của Shinec cho biết, việc chuyển đổi sang khu công nghiệp sinh thái sẽ làm tăng vốn vì đầu tư hạ tầng cao hơn khoảng 20%. Thế nhưng, giá trị đầu tư này mang lại lợi ích cho khách hàng nên họ dễ dàng chấp nhận. “Tôi đem mô hình khu công nghiệp sinh thái đầu tư ở đâu đều có khách đến đấy, bởi khu công nghiệp sinh thái có báo cáo ESG (môi trường, xã hội, quản trị) nên các nhà đầu tư nhanh được cấp chứng chỉ xanh, tạo thuận lợi xuất khẩu sang các nước, có lợi thế cạnh tranh”, ông giải thích.

Trong khi đó, TS Phan Hữu Thắng, Nguyên cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhấn mạnh, nếu Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng không dịch chuyển sang công nghiệp sinh thái sẽ mất cơ hội thu hút các nhà đầu tư tiềm năng cùng các dự án quy mô lớn.

Theo ông, ảnh hưởng sản xuất công nghiệp đến môi trường tự nhiên hiện nay là rất lớn vì số lượng nước thải, khí thải trong quá trình sản xuất không được xử lý phù hợp. Trong khi đó, đầu tư nước ngoài thời gian tới vẫn tập trung vào các khu công nghiệp, khu kinh tế.

“Do vậy, việc chuyển đổi mô hình công nghiệp truyền thống hiện có sang công nghiệp xanh, công nghiệp sinh thái là yêu cầu cấp thiết, xu thế phát triển tất yếu. Điều này giúp các địa phương hiện thực hoá mục tiêu tăng trưởng kinh tế, nhưng vẫn đảm bảo môi trường”, ông Thắng nhấn mạnh.

Đứng ở góc độ địa phương, bà Vũ Thị Kim Chi, Phó giám đốc Sở Khoa học à Công nghệ tỉnh Quảng Ninh gợi ý, bên cạnh tập trung ưu tiên phát triển hạ tầng, để hiện thực hoá dịch chuyển xanh, phát triển bền vững trong bối cảnh tài nguyên có hạn, cần lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo làm “nền tảng”.

Theo bà, phát triển và lấy khoa học công nghệ “khai sinh” ra các khu công nghiệp sinh thái, công nghiệp xanh là chủ trương xuyên suốt của Quảng Ninh khi ban hành nghị quyết. “Xác định khoa học công nghệ là ưu tiên nên chúng tôi tập trung, dành rất nhiều nguồn lực đầu tư”, bà cho biết và dẫn chứng, địa phương cam kết dành ít nhất 4% tổng chi thường xuyên ngân sách địa phương cho khoa học công nghệ để hiện thực hoá…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới